Bệnh Dị ứng - Miễn dịch

IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

PHẦN 1: CÁC ĐỊNH NGHĨA CỦA SEPSIS

SEPSIS có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, vốn có nghĩa là mục nát, thối rữa, phân rã. Các từ điển y học Anh- Việt dịch sang tiếng Việt là: (1) sự nhiễm khuẩn của máu hay các mô; (2) nhiễm khuẩn huyết. Cách dịch 1 chuẩn xác nhưng quá dài, cách dịch 2 thì phiến diện , bởi vậy chúng tôi xin tạm giữ từ tiếng Anh ‘sepsis’.

Tại Mỹ, sepsis là nguyên nhân gây ra tử vong cho hơn 200.000 người mỗi năm, suất độ sepsis nặng và sốc nhiễm khuẩn không ngừng tăng trong 20 năm qua. Số ca bệnh hàng năm lên tới hơn 700.000 (chiếm khoảng 3/1000 dân số). Tần suất và tử vong do sepsis nặng cao hơn bệnh ung thư (Đồ thị 1).

IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

Đồ thị 1: Tần suất và tử vong so sánh so sepsis nghiêm trọng

CÁC ĐỊNH NGHĨA CỦA SEPSIS-1 (năm 1991) VÀ SEPSIS-2 (năm 2001)

Hội nghị đồng thuận ACCP/ SCCM năm 1991 đưa ra định nghĩa sepsis là hội chứng đáp ứng viêm hệ thống của cơ thể ký chủ với nhiễm khuẩn (SIRS) (Bảng 1). Tình trạng viêm này có thể  gây tổn thương cho nhiều hệ thống các tạng và nhiều chức năng (hô hấp, thần kinh, tim mạch, gan, đông máu, thận), được đặt tên là sepsis nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng 20%. Tình trạng này có thể tiến triển thành sốc nhiễm khuẩn, được định nghĩa là “tụt huyết áp dai dẳng khó trị dù cho được truyền dịch thích hợp”, dẫn đến tử vong cao trên dưới 50%.

Các yếu tố nguy cơ thường gặp nhất và nguy hiểm nhất là ở người già hay quá trẻ, bị suy giảm miễn dịch, ốm yếu sẵn thường phải nằm hồi sức đặc biệt, bị thương tích hay bị phỏng, mang các ống thông trong tĩnh mạch hay trong đường thở. Nếu được điều trị sớm với các kháng sinh liều lượng lớn đường tĩnh mạch thì có thể cải thiện tiên lượng bệnh.

Bảng 1. Bệnh nhân được chẩn đoán bị hội chứng đáp ứng viêm hệ thống (SIRS) khi có 2 trong số các triệu chứng sau:

  • Thân nhiệt > 380C hoặc < 360C
  • Nhịp tim > 90 lần/phút
  • Thở nhanh (nhịp thở > 20 lần/phút) hoặc PaCO2 < 32 mm Hg
  • Bạch cầu > 12.000 /mm3 hay < 4.000/mm3 hoặc > 10% bạch cầu non

Các định nghĩa này được chỉnh lý lại năm 2001, do một nhóm chuyên trách. Nhóm này nhận thấy các định nghĩa năm 1991 có những hạn chế, dù đã phổ biến rộng rãi bản danh sách các tiêu chuẩn chẩn đoán nhưng không đưa ra được các thay đổi vì thiếu các bằng chứng hỗ trợ. Các định nghĩa trước đây vẫn được duy trì rộng rãi không có gì thay đổi trong hơn hai thập niên qua. Các nhà lâm sàng nói chung đã không sử dụng một cách dứt khoát các tiêu chuẩn SIRS trong chẩn đoán sepsis. Trong khi đó đã có những tiến bộ to lớn về sinh học-bệnh lý, về xử trí và dịch tễ học của sepsis, gợi ý việc cần phải xem xét lại các định nghĩa này.

CÁC ĐỊNH NGHĨA CẬP NHẬT CỦA SEPSIS-3 NĂM 2016

Định nghĩa mới của Sepsis-3 được lập ra bởi Nhóm chuyên trách ESICM-SCCM năm 2016 về Định nghĩa lại sepsis. (ESICM = European Society of Intensive Care Medecine, SCCM = Society of Critical Care Medecine).

Sepsis được định nghĩa là một rối loạn chức năng của tạng đe dọa đến tính mạng do đáp ứng của ký chủ đối với nhiễm khuẩn được điều hòa kém (Bảng 2). Các nguyên nhân gây ra sepsis có thể là mọi loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn, do siêu vi hay do nấm. Thường gặp nhất là: viêm phổi, nhiễm khuẩn bụng, nhiễm khuẩn máu. Tình trạng sepsis tăng có thể do tuổi già trên 65, các vi khuẩn kháng thuốc, các hệ miễn dịch yếu (do HIV, các điều trị ung thư, các thuốc dùng trong ghép…).

•       Để đánh giá các tiêu chuẩn lâm sàng của rối loạn chức năng tạng, người ta sử dụng bảng Đánh giá Suy Tạng [liên quan đến Sepsis] Liên tục (SOFA). Thường dùng để theo dõi tình trạng các bệnh nhân nằm ở khoa Săn sóc đặc biệt.

Các điểm số trung bình cũng như cao nhất của SOFA giúp cho dự báo hậu quả. Điểm số SOFA tăng trong 24 giờ đầu đến 48 giờ tại khoa Săn sóc đặc biệt dự báo một tỷ lệ tử vong ít nhất là 50% cho đến 95%. Điểm số SOFA < 9 dự báo tỷ lệ tử vong 33% trong khi điểm số > 1, tỷ lệ này có thể là trên dưới 95%.

•       Cho các bệnh nhân nhiễm khuẩn, tăng 2 điểm trong SOFA đưa đến tỷ lệ tử vong chung là 10%.

•       Các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm khuẩn thường nằm lâu ở khoa Săn sóc đặc biệt hay tử vong tại bệnh viện có thể nhận biết nhanh chóng ngay tại giường với quick SOFA (qSOFA “HAT”), nghĩa là ≥ 2 các triệu chứng

•       Hypotension – Hạ huyết áp tâm thu ≤ 100 mmHg

•       Altered mental status - Trạng thái tinh thần thay đổi (mỗi GCS dưới 15)

•       Tachypnoea – Thở nhanh, nhịp thở ≥ 22

Sốc nhiễm khuẩn được định nghĩa là một phân nhóm của sepsis trong đó có các bất thường về tuần hoàn và tế bào / chuyển hóa nặng đủ để gây ra tử vong tăng.

•       Các tiêu chuẩn lâm sàng của sốc nhiễm khuẩn: sepsis và (dù đã được hồi sức đủ thể tích) cả hai dấu hiệu:

•       Tụt huyết áp dai dẳng cần đến các thuốc vận mạch để duy trì Huyết áp Động mạch Trung bình ≥ 65 mmHg, và Lactate ≥ 2 mmol/L.

•       Với các tiêu chuẩn này, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện vượt quá 40%. Có 2 điểm đáng lưu ý: (1) Sự hiện diện của vi khuẩn ở trong máu không phải bao giờ cũng dẫn đến SIRS hay sepsis; (2) SIRS là không đặc hiệu và có thể gây ra bởi thiếu máu, viêm, chấn thương, nhiễm khuẩn, hay một số yếu tố phối hợp, do đó SIRS không phải bao giờ cũng liên quan đến nhiễm khuẩn. Sepsis-3 cũng không còn dùng nữa thuật ngữ “sepsis nghiêm trọng”, hiện chỉ đơn giản còn ‘sepsis’ và ‘sốc nhiễm khuẩn’.

Bảng 2

Rối loạn chức năng tạng có thể nhận biết như là một thay đổi cấp tính trong tổng điểm SOFA ≥ 2 điểm tiếp sau nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm khuẩn nằm lâu ở khoa Hồi sức đặc biệt hay tử vong ở bệnh viện có thể nhận diện nhanh chóng với qSOFA nghĩa là: tình trạng tâm lý thay đổi, HA tâm thu ≤ 100 mm Hg, hay thở ≥ 22/phút.

Sốc nhiễm khuẩn được định nghĩa là một phân nhóm của Sepsis trong đó tuần hoàn, tế bào và chuyển hóa có những bất thường sâu sắc đủ để dẫn đến tăng tử vong (Bảng 2).

Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn có thể nhận biết trên lâm sàng với tụt huyết áp tiếp diễn cần dùng thuốc vận mạch để duy trì HAĐM trung bình ≥ 65 mm Hg và mức độ lactate huyết thanh > 2 mmol/L (18 mg/dL) mặc dù hồi sức với thể tích thích hợp. Với các tiêu chuẩn này, tử vong tại bệnh viện vướt quá 40%.

Các định nghĩa được cập nhật và các tiêu chuẩn lâm sàng mới cần được sử dụng thay thế cho các định nghĩa đã có trước đây, giúp có được độ tin cậy lớn hơn cho các nghiên cứu dịch tễ và các thử nghiệm lâm sàng, giúp cho các bệnh nhân sepsis hay có nguy cơ bị sepsis dễ được nhận biết sớm hơn và việc xử trí kịp thời hơn. Các định nghĩa cập nhật 2016 được đề nghị gọi là Sepsis-3, và của các lần 1991 và 2001 gọi là Sepsis-1 và Sepsis-2.

PHẦN 2: IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

Sepsis có bệnh cảnh phức tạp, rất khó chẩn đoán phân biệt, diễn tiến nhanh, tỷ lệ tử vong cao, điều trị tốn kém. Nhu cầu của lâm sàng là phải chẩn đoán sớm, đánh giá được nguy cơ, giúp cải thiện quyết định điều trị / xử trí bệnh nhân và sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Để đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của lâm sàng, các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra các dấu ấn sinh học với những tiêu chí sau đây: độ nhạy cao tăng cao khi có bệnh), độ  đặc  hiệu  cao  (không tăng khi không có bệnh), liên quan  đến  mức  độ trầm trọng của bệnh, thay đổi theo diễn tiến lâm sàng, dự báo trước những biến đổi lâm sàng, cho biết thêm thông tin độc lập về tiên lượng nguy cơ, dễ dàng thực hiện trong lâm sàng.

Hiện nay, người ta đã tìm ra trên 100 dấu ấn sinh học có liên quan đến nhiễm trùng và nhiễm khuẩn huyết như: IL-6, IL-10,TNF-α, PCT, CRP… trong đó Interleukin-6 (IL-6) nổi lên là dấu ấn sinh học sớm của phản ứng viêm, nhiễm trùng và sepsis. Nó giải phóng nhanh sau  đáp  ứng  với  chấn  thương  các mô và sự thay đổi so với mức nền báo hiệu biến chứng nặng.

IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

Hình 1: Các tế bào sản xuất ra IL-6 và các tác động của IL-6 trong cơ thể
(CRP = C-reactive protein, SAA = serum amyloid A protein)

IL-6 được mô tả lần đầu tiên dưới dạng interferon-β2, một yếu tố tăng trưởng u tương bào và kích thích tế bào gan. Sau đó, nó được mô tả là yếu tố kích thích tế bào B (B Cell Stimulatory Factor 2 - BSF2).

Năm 1988, nó được đề nghị đặt tên là IL-6 vì những nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng nó không chỉ  tác động lên tế bào B, mà còn tác động lên tế bào T, tế bào gốc tạo máu, tế bào gan… IL-6 được sản xuất từ một gen đơn, gen này mã hóa một protein gồm 212 acid amin và được tách ra ở đầu tận cùng N tạo ra một peptide gồm 184 acid amin có trọng lượng phân tử khoảng 22-27 kDa.

IL-6 truyền tín hiệu thông qua thụ thể trên màng tế bào hay thụ thể hòa tan. Thụ thể trên màng tế bào (mIL-6R) chỉ gặp ở một số loại tế bào. Thụ thể hòa  tan  (sIL-6R)  giúp  IL-6  gắn  với  tế  bào  không có thụ thể mIL-6R bằng cách tạo thành phức hợp với glycoprotein (gp130). Cả IL-6/mIL-6R cũng như phức hợp IL-6/sIL-6R đều tương tác với gp130 bộc lộ trên màng tế bào kích hoạt hệ thống truyền tín hiệu.

IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

Hình 2: Cơ chế truyền tín hiệu của IL-6

IL-6 xuất hiện sớm hơn so với các dấu ấn sinh học khác

 

IL-6

PCT

CRP

Xuất hiện

< 2 giờ

2-6 giờ

12-48 giờ

Đỉnh

6 giờ

24 giờ

48 giờ

Bán rã

1-2 giờ

24 giờ

20 giờ

IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

Đồ thị 2: Động học của IL-6 so với PCT và CRP

Hiện nay, tại khoa Xét nghiệm bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang triển khai thực hiện xét nghiệm định lượng IL-6 trong huyết thanh/huyết tương trên hệ thống máy   cobas   c602   của   hãng   Roche.   Đây là xét nghiệm miễn dịch điện hóa phát quang (Electro-chemiluminescence immunoassay   -   ECLIA) để định lượng trong ống nghiệm calcitonin của người (human calcitonin – hCT) trong huyết thanh và huyết tương theo nguyên lý bắt cặp với thời gian xét nghiệm 18 phút.

Một nghiên cứu trên 817 người khỏe mạnh, xác định được khoảng tham chiếu sinh học đến 7  pg/mL (phân vị thứ 95). IL-6 tăng theo tuổi nhưng sự khác biệt này không quan trọng về mặt lâm sàng do giá trị IL-6 trong trường hợp bệnh lý lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn pg/mL.

Khi sử dụng IL-6, chúng ta cần lưu ý: tiến hành xét nghiệm mức ban đầu tại thời điểm nhập viện  và ngay sau khi phẫu thuật hoặc sang chấn. Mức nền IL-6 dao động phụ thuộc mức tổn thương, thuốc, bệnh đồng mắc. Động học của IL-6 so với mức nền quan trọng hơn giá trị nền. IL-6 nên được diễn giải theo bệnh cảnh lâm sàng cùng thông số và phương pháp khác, không thể thay cho các công cụ khác. Nồng độ IL-6 giảm nhanh về mức nền  trong  2–4 ngày được đánh giá tiên lượng tốt.  Nồng  độ  IL-6 tiếp tục tăng, báo hiệu biến chứng.

--------------------------------------------

Các thuật ngữ tiếng Anh và các từ viết tắt sử dụng trong bài:

ACCP (American College of Clinical Pharmacy), ESICM (European Society of Intensive Care Medecine), Đánh giá Suy Tạng [liên quan đến Sepsis] Liên tục (Sequential [Sepsis- related] Organ Failure Assessment - SOFA), hội chứng đáp ứng viêm hệ thống của cơ thể ký chủ với nhiễm khuẩn (Systemic Inflammatory Response Syndrome - SIRS), SCCM (Society of Critical Care Medicine), sepsis nghiêm trọng (severe sepsis), sốc nhiễm khuẩn (septic shock).

(Nguồn: CN Khuất Tuấn Anh - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)

Xem thêm các bài viết hữu ích khác tại đây

Đang xem: IL-6 - DẤU ẤN CẢNH BÁO SỚM VIÊM CẤP TÍNH

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng