Bệnh hô hấp

NGƯNG THỞ KHI NGỦ: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

NGƯNG THỞ KHI NGỦ: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

NGƯNG THỞ KHI NGỦ LÀ GÌ?

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng hô hấp bị gián đoạn lặp đi lặp lại khi ngủ, làm giảm oxy trong máu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Sự tạm ngưng hô hấp có thể kéo dài hơn vài chục giây và xảy ra có thể nhiều đến vài chục, vài trăm lần trong đêm.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, có thể chỉ xuất hiện tình trạng ngáy hay nấc trong giấc ngủ ban đêm, làm giảm chất lượng cuộc sống, hay bị viêm họng, trào ngược dạ dày-thực quản. Theo thời gian, khi xuất hiện tình trạng ngưng thở, sức khỏe người bệnh sẽ bị suy giảm nhanh chóng và thậm chí còn có thể gây ra những biến chứng rất đáng tiếc như đột quỵ.

Ngưng thở khi ngủ thường không được chẩn đoán hay bị bỏ sót, có thể do nhiều nguyên nhân. Bệnh nhân không thể nhận biết các triệu chứng xảy ra với mình khi ngủ, triệu chứng cũng không điển hình, chỉ khi người nhà kể lại hoặc khuyên nhủ đi khám bệnh thì mới nhận ra. Đây cũng là một lĩnh vực y khoa mới mẻ, không phải mọi cơ sở y tế đều có thể chẩn đoán và điều trị tốt.

ĐỐI TƯỢNG NÀO CÓ NGUY CƠ BỊ NGƯNG THỞ KHI NGỦ?

Nghiên cứu  dịch  tễ  học  ở  Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh ngưng thở khi ngủ trong dân số là 4% ở nam và 2% ở nữ. Tỷ lệ này tăng cao khoảng 7% trong dân số châu Á do yếu tố chủng tộc. Các nhà khoa học chưa tìm thấy chính xác vai trò của yếu tố di truyền, hoặc tìm thấy gen nào bị bệnh nhưng người ta đã thấy có sự liên quan chặt chẽ với yếu tố gia đình, bố mẹ bệnh thì tỷ lệ con mắc bệnh cao.

Một số yếu tố nguy cơ của ngưng thở khi ngủ:

  • Nam > 40 tuổi.
  • Béo phì (Chỉ số khối cơ thể (BMI > 24)
  • Vòng cổ to (Nam > 40 cm, nữ > 39 cm)
  • Dùng thường xuyên các chất kích thích như rượu, thuốc lá, bệnh Parkinson, trầm cảm…
  • Bất thường giải phẫu của đường hô hấp trên như lưỡi to, vòm họng hẹp, phì đại amiđan, cằm lẹm.
  • Thường xuyên có trào ngược dạ dày, viêm họng mạn…
  • Tiền căn bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang.

PHÂN LOẠI VÀ CƠ CHẾ SINH BỆNH?

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Chiếm phần lớn trong các loại ngưng thở khi ngủ, luồng không khí bị tắc nghẽn không thể lưu thông bình thường ở vùng hô hấp trên gây nên hiện tượng ngưng thở, trong trường hợp nặng, có thể kết hợp với xẹp đường hô hấp dưới. Loại ngưng thở này điều trị tương đối hiệu quả, tùy theo độ nặng của bệnh để chọn phương pháp điều trị phù hợp.

  • Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương

Cơ chế phức tạp hơn, nguyên nhân chính là do tổn thương trung khu hô hấp ở não nên không thể điều khiển hơi thở, điều trị loại này cũng phức tạp và ít hiệu quả hơn.

  • Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân hỗn hợp

CÁC TRIỆU CHỨNG

Người bị ngưng thở khi ngủ thường không thể tự nhận biết vì xảy ra khi đang ngủ, triệu chứng khởi phát bệnh có thể chỉ là ngáy trong đêm. Khi chỉ ngáy đơn thuần trong đêm, người bệnh chỉ bị giảm chất lượng cuộc sống, khi người thân quan sát thấy những đợt thở ngắt quãng gắng sức khi ngủ thì nên động viên bệnh nhân đi khám bệnh để tránh các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn:

-           Thở nấc hay thở ngắt quãng tái đi tái lại trong đêm

-           Tiểu đêm, thức giấc nhiều lần, giấc ngủ không sâu

-           Nhức đầu buổi sáng, thức dậy mệt mỏi không sảng khoái

-           Giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung

-           Thay đổi tính tình trở nên cáu gắt.

-           Buồn ngủ ngày, hay ngủ gật

-           Giảm ham muốn tình dục

Ngưng thở khi ngủ lâu ngày sẽ gây giảm oxy-máu, tăng nồng độ CO2 và gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng. Thay vì được nghỉ ngơi, các tạng trong cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù trừ tình trạng thiếu oxy não có thể gây đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp mất kiểm soát, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường mất kiểm soát…

CHẨN ĐOÁN

Khi bệnh nhân có một trong hai triệu chứng: ngáy hay thở ngắt quãng hằng đêm do người nhà quan sát thấy. Khi khám bệnh, bệnh nhân được tầm soát bằng bảng câu hỏi, cùng các chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán.

Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định chính là Đa ký giấc ngủ: để bệnh nhân ngủ lại một đêm tại bệnh viện, được nhân viên y tế theo dõi cả đêm qua camera. Ngoài ra đo điện não, điện cơ, điện mắt, đo oxy máu… từ đó tìm ra mức độ nặng của ngưng thở và kiểu ngưng thở để điều trị chính xác và hiệu quả. Phòng Đa ký giấc ngủ được thiết kế gần như khách sạn cao cấp để bệnh nhân không có cảm giác như đang nằm bệnh viện.

ngưng thở khi ngủ

ĐIỀU TRỊ

Sau khi có kết quả Đa ký giấc ngủ, có thể chẩn đoán chi tiết kiểu và mức độ nặng của ngưng thở khi ngủ để từ đó xác định được phương pháp điều trị thích hợp. Khoảng 80% các trường hợp ngưng thở khi ngủ là do nguyên nhân tắc nghẽn, căn cứ vào Chỉ số rối loạn hô hấp khi ngủ hay Chỉ số ngưng thở và giảm thở để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.

  • Khi 5 < AHI < 15: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nhẹ

-           Có thể điều trị nội khoa, điều trị dinh dưỡng, giảm cân

-           Thay đổi lối sống, kiêng rượu bia, thuốc lá…

-           Tập vật lý trị liệu làm cứng vùng cơ hầu họng, các bài tập rất đơn giản dễ thực hiện, chúng ta có thể dành 15 phút mỗi ngày để tập luyện. Hiệu quả các bài tập còn phụ thuộc vào 2 yếu tố khác nữa là giảm cân và kiêng rượu bia, thuốc lá. (Xem 4 bài tập chính đính kèm).

ngưng thở khi ngủ

-           Điều trị bằng dụng cụ hỗ trợ hàm gắn vào miệng khi ngủ: Phương pháp này rẻ tiền, dễ thực hiện, bệnh nhân được đeo 1 hàm giả trong khi ngủ, hàm giả có tác dụng đẩy hàm dưới ra phía trước làm tăng kích thước lỗ hầu họng làm giảm ngáy và ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên khi đeo dụng cụ có thể làm mỏi hàm, hôi miệng... vào sáng hôm sau.
  • Khi 15 < AHI < 30: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ trung bình

Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật tạo hình eo họng, lưỡi gà và vòm miệng mềm. Có 2 phương pháp chính:

-           Phẫu thuật tạo hình lưỡi gà-vòm miệng-họng (UPPP): ra đời từ hơn 20 năm trước, đây là phương pháp phẫu thuật dùng để tăng kích thước vùng hầu họng bằng cách cắt một phần vòm miệng mềm, cắt toàn bộ lưỡi gà… Có nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp này rất xâm lấn và tỷ lệ ngưng thở tái phát sau 3 năm rất cao nên gần đây ít còn được chỉ định.

-           Phẫu thuật laser tạo hình lưỡi gà-vòm miệng (LAUP): là cải tiến của phương pháp nói trên, ít xâm lấn hơn, chỉ cắt 1 phần khẩu cái mềm, treo lưỡi gà và tạo hình vùng hầu họng, tuy nhiên cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ngưng thở tái lại sau phẫu thuật cũng còn rất cao.

ngưng thở khi ngủ

 

  • Khi AHI > 30: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng

Bệnh nhân được chỉ định thở máy áp lực dương liên tục (ALDLT) hằng đêm. Tùy theo mức độ của bệnh và sự hợp tác điều trị mà bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn hay không. Theo y văn, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng ở người lớn tuổi, dư cân hay uống rượu bia và thuốc lá khó có thể phục hồi hoàn toàn.

THỞ MÁY ÁP LỰC DƯƠNG LIÊN TỤC SO VỚI THỞ MÁY ÁP LỰC DƯƠNG HAI MỨC ĐỘ (ALDHMĐ)

Đây là hai phương pháp sử dụng áp lực đường thở để điều trị ngưng thở khi ngủ. Có nhiều điểm giống và khác nhau giữa hai phương pháp. Máy hai áp lực có giá cao hơn nhiều.

Thở máy ALDLT được sử dụng nhiều nhất trong điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, sử dụng khí từ một thiết bị dẫn đến qua một ống tiếp với một mặt nạ ôm khít miệng hay mũi. Thở máy ALDHMĐ cũng dẫn khí đến một mặt nạ trùm khít mũi, nhưng có một áp lực dương thở vào và một áp lực dương thở ra. Cái nào tốt hơn?

Thở máy ALDHMĐ đôi khi được dùng cho bệnh nhân mắc bệnh phổi, ví dụ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sự khác nhau giữa hai áp lực giúp cho việc thải trừ CO2 dư thừa trong cơ thể. Thở máy ALDHMĐ cũng thường được dùng cho những người cần đến sự hỗ trợ của hô hấp nhiều hơn bình thường, ví dụ cho những bệnh nhân suy tim sung huyết, bệnh động mạch vành, các rối loạn nội khoa của phổi hay thần kinh. Cũng có ích cho những trường hợp rối loạn thần kinh-cơ.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ MỚI VỚI THIẾT BỊ INSPIRE

Thiết bị này lần đầu tiên được giới thiệu năm 2014, đây là một thiết bị nhỏ gọn được cấy vào thành ngực để dùng cho những người bệnh bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mà không thể dùng hoặc không đạt kết quả với thở máy ALDLT. Thiết bị được nối với một thiết bị cảm biến đặt dưới hàm, chạy pin, bệnh nhân tự bật/tắt thiết bị bằng 1 hộp điều khiển ở bên ngoài khi bắt đầu ngủ. Máy phát ra một kích thích nhẹ đến dây thần kinh hạ thiệt (dây XII) kiểm soát hoạt động của lưỡi và các cơ chủ yếu khác của đường hô hấp, nhờ đó đường thở vẫn thông thoáng, không bị tắc nghẽn trong khi ngủ. Phương pháp này đang được nhiều nơi nghiên cứu và có nhiều hứa hẹn trong tương lai.

ngưng thở khi ngủ

 

CAN THIỆP PHẪU THUẬT

Có nhiều phương pháp can thiệp khác nhau cho ngưng thở và ngáy khi ngủ. Tuy nhiên cần chú ý là bao giờ cũng phải thực hiện trước các lựa chọn đầu tiên cho mọi trường hợp, thông thường là thở máy ALDLT và điều trị với các thiết bị đường miệng trong các ngưng thở từ nhẹ đến trung bình.

Phẫu thuật sử dụng cũng có thể là một quá trình nhiều giai đoạn gồm nhiều hơn một phương pháp. Sau mổ nhiều khi bạn phải tiếp tục sử dụng thở máy ALDLT ngay cả khi phẫu thuật đã làm giảm được độ nặng của ngưng thở. Có nhiều các phương pháp phẫu thuật khác nhau:

+ Tạo hình lưỡi gà-vòm miệng-họng (Uvulopalatopharyngoplasty – UPPP)

+ Phẫu thuật laser tạo hình lưỡi gà-vòm miệng (Laser-Assisted UvuloPalatoplasty – LAUP)

+ Dùng sóng cao tần làm giảm thể tích mô (Radiofrequency Volumetric Tissue Reduction – RFVTR)

+ Tạo hình vách ngăn và Cắt giảm cuốn mũi (Septoplasty and Turbinate Reduction)

+ Đưa cằm và lưỡi ra trước (Genioglossus Advancement)

+ Treo xương móng (Hyoid Suspension)

+ Cắt và tạo hình lưỡi đường giữa (Midline glossectomy and lingualplasty)

+ Các phẫu thuật ghép vòm miệng mềm (Palatal implants) với các que nhỏ cứng

+ Cắt mở các xương hàm trên-hàm dưới đưa lưỡi ra trước (Maxillomandibular osteotomy (MMO) and advancement (MMA)

+ Phẫu thuật giảm cân (Weight loss surgery) áp dụng cho người béo phì

+ Mở thông khí quản (Tracheostomy)

Các phẫu thuật nói trên nhằm cắt xén các phần mô dư thừa (thí dụ tạo hình lưỡi gà, cắt bỏ các amiđan to), cắt phần lưng của lưỡi làm cho nó nhỏ lại, điều chỉnh các sai lệch về giải phẫu (chữa lệch vách ngăn mũi, điều chỉnh các cuốn mũi), cắt mở các xương hàm đưa lưỡi ra trước … nhằm mục đích làm rộng đường thở (hốc mũi, họng). Ngoài ra có thể tiến hành các phẫu thuật giảm cân nhưng chỉ khi nào thật cần thiết.

Nguồn: ThS BS Hoàng Đình Hữu Hạnh - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM

 

Xem thêm bài viết tại đây.

Đang xem: NGƯNG THỞ KHI NGỦ: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng