TRIỆU CHỨNG
Tuyến Tiền liệt là một Tuyến nằm bên dưới cổ bàng quang và bao quanh đoạn đầu của niệu đạo ở nam giới. Thể tích bình thường khoảng 15-25 ml. Cân nặng khoảng 20-30 gram, khi to ra có thể lên đến 100g. Chức năng quan trọng nhất của tuyến tiền liệt là tiết ra tinh dịch, sẽ trộn lẫn tại niệu đạo với các tinh trùng Từ Tinh hoàn đi lên cùng các chất dịch đi từ các túi tinh và một vài tuyến khác của niệu đạo tạo thành tinh dịch, góp phần nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng. Không phải tất cả các trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đều có rối loạn tiểu tiện. Chỉ có ở khoảng 40% các trường hợp, nguyên nhân do tuyến tiền liệt khi to ra sẽ chèn ép vào niệu đạo làm tắc nghẽn lối ra của dòng nước tiểu.
Các rối loạn tiểu tiện của người bệnh thường được chia làm hai nhóm chính:
• Nhóm triệu chứng về tích chứa của bàng quang: tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp.
• Nhóm triệu chứng về tiểu tiện: tiểu khó lúc bắt đầu, tiểu phải rặn, cảm giác đi tiểu không hết, tiểu ngắt quãng, dòng nước tiểu yếu, tiểu nhỏ giọt về cuối.
Các triệu chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có thể giống với một số bệnh khác cần được phân định như: viêm đường niệu, viêm tuyến tiền liệt, trít hẹp niệu đạo, sỏi bàng quang hay sỏi thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang.
NGUYÊN NHÂN & CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Chưa rõ những nguyên nhân nào làm cho tuyến tiền liệt to ra. Tuy nhiên, người ta cho là có thể do những thay đổi về thăng bằng của các nội tiết tố sinh dục khi người đàn ông già đi, một nguyên nhân không bắt buộc là sản xuất dihydrotestosterone (DHT) tăng.
Các yếu tố nguy cơ có thể là: lão hóa, gia đình (cha anh cũng có bệnh này), chủng tộc (đàn ông châu Á ít gặp hơn so với người da trắng và người da đen), một số bệnh (đái tháo đường, bệnh tim, sử dụng thuốc chặn beta), lối sống (béo phì, ít tập thể dục...).
ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA
Làm sao để sống chung với tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt?
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là bệnh lý thường gặp ở nam giới nhưng không phải trường hợp nào cũng cần phải phẫu thuật. Trước hết cần có một lối sống lành mạnh, điều độ và hợp lý: giảm hoặc bỏ rượu và cà phê, uống từng lượng nước nhỏ trong cả ngày chứ không uống nhiều một lúc, không uống nhiều nước trước khi đi ngủ, tránh táo bón, đi tiểu ngay khi có cảm giác mắc tiểu, thư giãn tránh căng thẳng và tập thể dục thường xuyên. Đi khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng rối loạn đi tiểu.
Có 2 loại thuốc đặc hiệu giúp giảm nhẹ các triệu chứng và trì hoãn việc can thiệp phẫu thuật:
• Các thuốc chặn-α1 hay dùng nhất, làm chùng các cơ trơn của tuyến tiền liệt và cổ bàng quang, làm giảm nhẹ tắc nghẽn đường tiểu.
• Các thuốc ức chế 5α-reductase ức chế việc sản xuất ra DHT là nội tiết tố làm cho tuyến tiền liệt to ra. Chỉ định dùng khi thể tích tuyến tiền liệt tăng. Dùng kết hợp 2 thứ sẽ làm giảm bí tiểu cấp và được khuyến cáo dùng khi bệnh có nguy cơ tiến triển cao (thể tích tuyến tiền liệt > 40 ml hay PSA > 4 ng/ml). Hiệu ứng phụ: giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương hay phóng tinh.
CÁC CAN THIỆP XÂM LẤN TỐI THIỂU
Cho những người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa nhưng không muốn mổ, có thể làm hoại tử các tế bào bướu bằng cách sử dụng các dạng năng lượng như sóng vi ba, sóng cao tần, holmium laser đưa vào bướu qua ngả niệu đạo, kết quả là tuyến tiền liệt sẽ nhỏ lại và niệu đạo hết tắc nghẽn. Tuy nhiên, các phương pháp này chưa đủ thời gian để xác nhận độ an toàn cùng các tai biến. Trong số này, điều trị laser được sử dụng ngày một nhiều và có thể thay thế cho cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo trong tương lai.
ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
Chỉ định phẫu thuật bao gồm: ứ đọng bàng quang, bí tiểu tái phát nhiều lần, tiểu máu đại thể nhiều lần, nhiễm trùng niệu tái diễn, có sỏi bàng quang, bàng quang chống đối, suy thận, hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Các loại phẫu thuật bao gồm:
• Cắt tuyến tiền liệt mổ mở hoặc cắt tuyến tiền liệt nội soi qua niệu đạo chỉ định cho người bệnh ứ đọng nước tiểu cấp hay mạn tính, với các triệu chứng tắc nghẽn vừa hoặc nặng và chất lượng cuộc sống tồi. Cắt tuyến tiền liệt nội soi, loại bỏ một phần tuyến tiền liệt quanh niệu đạo, hiện vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị phẫu thuật tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Đây là phẫu thuật ít xâm hại, ít biến chứng so với mổ mở, thời gian nằm viện ngắn.
• Rạch tuyến tiền liệt qua niệu đạo. Đưa ống soi và dụng cụ cắt (resectoscope) vào qua niệu đạo, cắt 1 hay 2 đường rãnh tại cổ bàng quang để mở rộng đường tiểu. Chỉ định khi tuyến tiền liệt nhỏ, thể tích ≤30 mL. Các tai biến: són tiểu, phóng tinh ngược, vô sinh nam.
Các bất lợi của phẫu thuật nói chung: phóng tinh ngược, đưa đến vô sinh nên không phải là phương pháp lựa chọn cho những người còn muốn có con.
CHĂM SÓC VÀ THEO DÕI SAU PHẪU THUẬT
• Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được đặt một ống thông tiểu vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu tạm thời. Thông thường sau khi mổ, người bệnh sẽ được tưới rửa nước liên tục vào bàng quang qua thông tiểu để loại bỏ các cục máu đông, tưới rửa trong vài ngày. Thời gian lưu ống thông tiểu trung bình khoảng 3 ngày. Sau khi rút ống thông tiểu, thường là người bệnh có thể tự đi tiểu được ngay và có thể xuất viện 3 - 4 ngày sau mổ. Một số ít người bệnh có thể đi tiểu ra máu nhạt trong vài ngày hoặc có cảm giác đau khi đi tiểu nhưng các triệu chứng này thường không kéo dài.
• Trong 4 - 6 tuần sau mổ, người bệnh cần: uống nhiều nước (1- 2 lít mỗi ngày); không nâng vật nặng trên 5 kg; không vận động hay tập nặng; tránh ngồi xe hai bánh lâu; ngăn ngừa táo bón; thảo luận về bất cứ thuốc nào đang dùng với bác sĩ; tránh quan hệ tình dục.
• Cần tái khám hoặc quay lại bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng sau: sốt, không thể đi tiểu hoặc tiểu rất khó và đau, tiểu ra máu nhiều hoặc tiểu có máu cục.
Xem thêm các bài viết khác tại đây
Nguồn: TS BS Từ Thành Tiến Dũng, CNĐD Lê Thị Anh Đào - Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM