Bệnh nhược thị là gì?
Bệnh nhược thị mắt là một bệnh lý về mắt chỉ tình trạng thị lực của một bên hoặc cả hai bên mắt bị giảm do não không nhận biết được những hình ảnh mà mắt bệnh nhân chuyển đến khiến não tăng cường hoạt động với chỉ một mắt. Hiện tượng này còn gọi là mắt lười.
Bệnh nhược thị mắt chia làm hai loại là nhược thị chức năng và nhược thị thực thể. Nhược thị chức năng là tình trạng thị lực của mắt có thể cải thiện sau một thời gian điều trị và phục hồi chức năng. Còn nhược thị thực thể là tình trạng mắt không thể phục hồi hoàn toàn trở về bình thường được.
Nguyên nhân gây bệnh nhược thị
Thị lực phát triển nhanh chóng trong những năm đầu đời, đạt gần tối đa lúc 6 tuổi và ổn định vào khoảng 12 tuổi. Để thị lực phát triển tốt, việc tiếp nhận hình ảnh của hai mắt phải đầy đủ và hài hòa, tức là trục thị giác phải thông thoáng và hai mắt phải thẳng hàng cùng nhau.
Mắt sẽ truyền tín hiệu về não để xử lý dần dần hoàn thiện chức năng thị giác hai mắt. Bất cứ nguyên nhân nào gây cản trở đến sự nhìn rõ của một trong hai mắt hoặc có sự tương tác bất thường giữa hai mắt trong giai đoạn phát triển này có thể gây thị lực kém hay nhược thị.
Biểu hiện triệu chứng của bệnh nhược thị
- Mắt lác: Là hiện tượng hai mắt hướng về hai hướng khác nhau.
- Các bất thường khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị.
- Đục các thành phần trong suốt của mắt như thủy tinh thể làm thị lực mắt không phát triển được.
- Các biểu hiện khác như nheo mắt, mỏi mắt hay nghẹo cổ khi nhìn không rõ.
Các phương pháp điều trị bệnh nhược thị
Nguyên tắc chung của việc điều trị nhược thị bao gồm hạn chế sử dụng mắt lành, kích thích và tạo điều kiện cho mắt nhược thị được sử dụng để có thể phát triển thị giác bình thường và giải quyết triệt để các nguyên nhân gây nhược thị.
Điều trị những bệnh nguyên nhân
Chẳng hạn như những người bị tật khúc xạ (cận thị hoặc viễn thị) có thể điều chỉnh được bằng cách mang kính, những người bị đục thủy tinh thể có thể phẫu thuật để điều trị...
Làm cho mắt bị nhược thị hoạt động
Cách điều trị chính là hạn chế dùng bên mắt đang hoạt động tốt để khuyến khích mắt bị nhược thị hoạt động. Nếu điều này được thực hiện sớm ở trẻ em, thị giác thường sẽ được cải thiện đến mức bình thường.
Phương pháp bịt mắt
- Dán băng trực tiếp che mắt, dán băng che lên trên mắt kính, sử dụng kính tiếp xúc mờ hoặc đục.
- Thời gian bịt mắt: bịt hoàn toàn trong ngày (nhược thị nặng), bịt hoàn toàn trừ 1giờ 1 ngày, bịt 1/2 thời gian lúc thức (trẻ dưới 1 tuổi).
- Thời gian theo dõi: một tuần cho 1 năm tuổi, ví dụ trẻ 1 tuổi theo dõi sau 1 tuần, trẻ 2 tuổi theo dõi sau 2 tuần, trẻ 3 tuổi theo dõi sau 3 tuần, từ 4 tuổi trở lên theo dõi sau 1 tháng.
- Phải kiểm tra mắt lành tránh nhược thị đảo ngược và kiểm soát sự cải thiện thị lực của mắt bị nhược thị
Phương pháp gia phạt
Ở phương pháp này, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc kính đặc chế để làm mờ mắt còn tốt thay vì dùng băng dán như vậy có thể khiến cho trẻ sử dụng mắt bị nhược thị để nhìn. Loại thuốc và liều lượng sử dụng thuốc sẽ được chỉ định phụ thuộc vào độ tuổi, độ nặng của nhược thị. Bệnh nhân cũng cần được theo dõi chặt chẽ để tránh tình trạng nhược thị đảo ngược.
Kích thích sử dụng mắt nhược thị
Mắt nhược thị cần được kích thích để hoạt động bằng cách điều chỉnh tật khúc xạ thông qua việc đeo kính đủ số và thường xuyên. Bên cạnh đó có thể chơi những trò chơi về thị giác với trẻ đòi hỏi phải sử dụng mắt bị nhược thị nhiều như xâu hạt cườm, tập đồ hình, tập trên máy....
Cách phòng tránh bệnh nhược thị
Phát hiện và điều trị càng sớm các nguyên nhân có thể gây nhược thị thì khả năng phục hồi của mắt nhược thị càng tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhược thị do lác có thể hồi phục nếu điều trị trước 9 tuổi, trong khi thời điểm này với nhược thị do lệch khúc xạ là 12 tuổi. Do đó với trẻ bị nhược thị dưới 12 tuổi thì việc điều trị là bắt buộc vì có khả năng hồi phục. Các trường hợp do tật khúc xạ cần phải được chỉnh kính tối ưu.
Xem thêm bài viết: Viêm màng bồ đào sau chấn thương: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị