Bệnh tăng nhãn áp ( bệnh tăng nhãn áp) – trong dân gian nước ta, quen gọi là bệnh cườm nước - là một bệnh sẽ làm hỏng dây thần kinh thị giác của bạn. Bệnh xảy ra khi thủy dịch tích ứ trong tiền phòng của mắt. Thủy dịch dư thừa sẽ làm tăng nhãn áp, gây thương tổn cho dây thần kinh thị giác, đưa đến khuyết hoặc mất trường nhìn. Thông thường bệnh này do áp suất nội nhãn tăng cao, tuy nhiên có một số người bệnh vẫn mắc bệnh này dù áp suất nội nhãn không tăng.
Có khoảng ba triệu người Mỹ mắc bệnh tăng nhãn áp, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó biết là mình bị bệnh tăng nhãn áp. bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho người trên 60 tuổi. Ở các nước phát triển, bệnh tăng nhãn áp là nguyên nhân gây mù đứng thứ hai sau đái tháo đường và ở Việt Nam, nó là nguyên nhân gây mù quan trọng và chỉ đứng sau đục thủy tinh thể. Nhưng mù lòa do bệnh tăng nhãn áp thường có thể đề phòng được bằng cách điều trị sớm. Khi bị tăng nhãn áp, thường bạn không có bất cứ một triệu chứng sớm nào và bệnh tiến triển rất chậm.
Dây thị giác được tiếp nối với võng mạc – là một lớp mô nhạy với ánh sáng lót phía trong nhãn cầu - và được cấu tạo bởi nhiều sợi thần kinh. Dây thị giác gửi các tín hiệu từ võng mạc đi vào não và tại đấy tạo ra các hình ảnh mà bạn thấy.
Ở một con mắt bình thường, chất dịch trong suốt – gọi là thủy dịch – được tiết ra từ thể mi, đổ vào hậu phòng (sau mống mắt), lưu thông qua đồng tử vào tiền phòng (trước mống mắt), len theo mạng bó dây ở góc dẫn lưu (góc này tạo bởi mống mắt và giác mạc) để thoát ra ngoài nhãn cầu theo các tĩnh mạch phía ngoài củng mạc mắt. Để giữ cho nhãn áp hằng định, mắt sản xuất liên tục một lượng nhỏ thủy dịch trong khi một lượng thủy dịch như vậy chảy ra khỏi mắt. Nếu bạn bị bệnh tăng nhãn áp, thủy dịch không chảy ra ngoài mắt một cách thích hợp. Áp suất nội nhãn tăng lên và theo thời gian, gây tổn thương cho các sợi của dây thị giác.
Nguyên nhân bệnh tăng nhãn áp
bệnh tăng nhãn áp được phân chia thành hai dạng chính là nguyên phát hay thứ phát. Nguyên phát có thể là do di truyền, có người thân trong gia đình mắc bệnh, thường xảy ra cho cả hai mắt. Người bệnh tăng nhãn áp ở dạng này khi phát hiện bệnh thường phải được khám luôn cả mắt lành để có thể điều trị dự phòng sớm khi cần. Thứ phát là mắc phải do một nguyên nhân nào đó, thường xảy ra một bên mắt và không có yếu tố gia đình hay di truyền, bệnh có thể do: dùng thuốc có chứa corticoid dài ngày, chấn thương, viêm nhiễm mắt, đục thủy tinh thể nặng và to ra, khối u, mắc bệnh đái tháo đường hay cao huyết áp… Sự gia tăng áp lực nội nhãn dài ngày sẽ làm cho dây thị giác bị hủy hoại dần đến chết, lúc này người bệnh sẽ bị mù.
Triệu chứng bệnh tăng nhãn áp
Bệnh lúc đầu thường không có triệu chứng. Đôi khi người bệnh cảm thấy cộm xốn ở mắt, thỉnh thoảng đau nhức hay mờ mắt từ từ. Bệnh tiến triển chậm đến nỗi người bệnh không để ý đến sự mất dần thị giác. Thoạt đầu, trường nhìn chu biên bị mất và diễn biến từ từ cho đến khi trung tâm trường nhìn bị mất, tức là người bệnh bị mù hoàn toàn. Như vậy bệnh tăng nhãn áp có thể trộm lén thị giác của bạn rất từ từ. Rất may là, nếu được phát hiện và điều trị sớm (với thuốc rỏ mắt chữa bệnh tăng nhãn áp, phẫu thuật hay cả hai) có thể giúp bạn bảo tồn thị giác. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp bạn giữ được phần thị giác còn lại chứ không thể cứu vãn hay phục hồi lại phần thị giác đã bị mất. Đôi khi xuất hiện đột ngột triệu chứng mờ mắt, nhìn không rõ nét, kèm đau nhức mắt, đỏ mắt, hoa mắt, nhìn thấy các vòng sắc cầu vồng hay các hào quang quanh các tia sáng, kèm theo nhức đầu, buồn nôn, nôn. Đó là các triệu chứng của cơn tăng nhãn áp cấp tính.
Cơn tăng nhãn áp góc-đóng là một cấp cứu nhãn khoa thực sự, phải được xử trí ngay. Không may là người có nguy cơ tăng nhãn áp góc-đóng không có hay chỉ có một ít triệu chứng trước khi bị cơn cấp tính.
Lúc này phải làm ngay, tuy là đã muộn, các khảo sát sau đây: khi một mắt bị tăng nhãn áp thì phải thăm khám luôn cả mắt kia, đo và theo dõi nhãn áp, khám mắt, soi đáy mắt chú ý tổn thương của gai thị, khảo sát trường nhìn v.v… Cũng phải đánh giá thị giác, các đồng tử, nhãn áp, bề dày giác mạc, và khảo sát các bán phần trước và sau của mắt. Còn phải khảo sát tình trạng của góc dẫn lưu bằng cách soi góc với các thấu kính và các gương đặc biệt – gọi là soi góc dẫn lưu. Cần xác định xem góc dẫn lưu là “mở” hay “đóng”. Khảo sát trường nhìn và hình ảnh gai thị để đánh giá chính xác hơn tình trạng của dây thị giác.
Bệnh tăng nhãn áp có các loại sau đây:
Tăng nhãn áp góc-mở
Tăng nhãn áp góc-mở là loại bệnh nguyên phát, hay gặp nhất. Nguyên phát được hiểu là do di truyền, có người thân trong gia đình mắc bệnh, thường xảy ra ở cả hai mắt. Trong loại này, góc dẫn lưu tạo bởi giác mạc và mống mắt vẫn mở nhưng mạng bó dây (trabecular meshwork) tại đây bị tắc một phần dần dần trở nên kém hiệu quả trong dẫn lưu thủy dịch, đưa đến tăng nhãn áp từ từ và gây tổn thương cho gai mắt cùng dây thần kinh thị giác. Dần dần dẫn đến mất thị giác, trước khi biết là mình bị bệnh này. Tổn thương dây thị giác có thể gặp ở các áp suất không giống nhau giữa các bệnh nhân với nhau.
Không có một nhãn áp “chuẩn” như nhau cho mọi bệnh nhân. BS nhãn khoa sẽ xác định nhãn áp đích của bạn nhằm giúp bảo vệ dây thị giác cho bạn khỏi bị các tổn thương về sau. Các bệnh nhân khác nhau có nhãn áp đích khác nhau.
Vùng nhìn của một người bị tăng nhãn áp
Điển hình, bệnh tăng nhãn áp góc-mở không có triệu chứng gì trong các giai đoạn sớm và thị giác của bạn vẫn bình thường. Khi dây thị giác bị tổn thương nhiều hơn, các ám điểm bắt đầu xuất hiện trong trường nhìn của bạn. Bạn thường không nhận thấy các ám điểm này trong các hoạt động hàng ngày của bạn cho đến khi dây thị giác bị thương tổn đáng kể và các ám điểm này to ra. Khi tất cả các sợi của dây thị giác bị chết, bạn sẽ bị mù. Khoảng 15% bệnh nhân bệnh tăng nhãn áp sẽ bị mù, ít nhất là một mắt, trong vòng 20 năm.
Tổn thương gai thị và trường nhìn giai đoạn muộn với mất trường nhìn phía mũi kèm theo ám điểm hình vòng ở phía trên và dưới
Một nửa số bênh nhân tăng nhãn áp không có nhãn áp cao trong thăm khám lần đầu. Nhãn áp không phải lúc nào cũng như nhau – khi cao khi thấp từ ngày này sang ngày khác, từ giờ này sang giờ khác. Như vậy một lần đo nhãn áp duy nhất có thể bỏ sót nhiều bệnh nhân tăng nhãn áp. Ngoài việc đo nhãn áp thường qui, cũng cần thiết khám dây thị giác bởi BS nhãn khoa để có chẩn đoán phù hợp.
Tăng nhãn áp với nhãn áp-bình thường
Nhãn áp được biểu thị bằng mmHg, cùng một đơn vị dùng để đo khí áp trong theo dõi thời tiết. Mặc dù nhãn áp “bình thường” được coi là dưới 21 mmHg, điều này có thể bỏ sót một số bệnh nhân bị bệnh tăng nhãn áp thuộc loại có nhãn áp-bình thường hoặc có nhãn áp–thấp. Nhãn áp của họ bao giờ cũng thấp dưới 21 mmHg, trong khi đó dây thị giác vẫn bị thương tổn và vẫn xảy ra mất thị giác. Nguyên nhân chưa được biết chính xác. Có thể là bạn có dây thị giác dễ bị thương tổn, hoặc dây này không được cung cấp máu đầy đủ (do xơ- mỡ động mạch hay do một bệnh khác nào đó) Người bị bệnh tăng nhãn áp với nhãn áp – bình thường vẫn thường được điều trị như người bệnh tăng nhãn áp góc–mở.
Tăng nhãn áp góc-đóng (còn gọi là tăng nhãn áp góc-hẹp)
Loại này gặp khi mống mắt bị phồng ra trước làm hẹp hay tắc góc dẫn lưu, kết quả là thủy dịch lưu thông qua mắt bị cản trở và nhãn áp tăng. Một số người có góc dẫn lưu hẹp, có nguy cơ cao của bệnh tăng nhãn áp góc-đóng. Loại này có thể diễn ra đột ngột (cấp tính) hay từ từ (mạn tính). Một số người có rìa mống mắt nằm rất sát với góc dẫn lưu của mắt, làm cho góc dẫn lưu bị chặn. Khi góc dẫn lưu bị chặn hoàn toàn, nhãn áp tăng lên rất nhanh tạo ra một cơn cấp tính. Đây thực sự là một cấp cứu nhãn khoa và bạn phải đến ngay BS nhãn khoa của bạn, nếu không bạn có thể bị mù. Người có nguồn gốc châu Á và người viễn thị có xu hướng dễ bị loại bệnh tăng nhãn áp này.
Cơn tăng nhãn áp góc-đóng là một cấp cứu nhãn khoa và phải được điều trị ngay. Không may là người có nguy cơ bệnh tăng nhãn áp góc- đóng không có hay chỉ có ít triệu chứng trước khi bị cơn cấp tính. Người có nguy cơ bệnh tăng nhãn áp góc- đóng cần tránh dùng các thuốc chống sung huyết và các thuốc khác bán ngoài quầy thuốc, không có chỉ định dùng khi bạn bị bệnh tăng nhãn áp. Các thuốc này vẫn có thể sử dụng an toàn cho bệnh tăng nhãn áp góc-hẹp sau khi đã được phẫu thuật laser mống mắt, nhưng phải hỏi ý kiến BS nhãn khoa của bạn.
Tăng nhãn áp bẩm sinh
Loại này hiếm gặp, có thể bị từ khi sinh cho đến mấy năm đầu đời, và có thể có tính di truyền. Dây thị giác bị tổn thương là do tắc đường dẫn lưu hay do một bệnh nội khoa nào đó. Ít gặp hơn các loại khác nhưng hậu quả có thể xấu nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Tăng nhãn áp thứ phát
Xảy ra sau một bệnh khác của mắt hay một bệnh nào khác, thí dụ: sau một tổn thương mắt, điều trị steroid kéo dài, khối u… Hay gặp nhất là bệnh tăng nhãn áp tróc mảnh, bệnh tăng nhãn áp nhiễm sắc tố, có các hạt sắc tố của mống mắt gây tắc các kênh dẫn lưu làm tăng nhãn áp từng lúc, bệnh tăng nhãn áp tân sinh mạch.
Nghi ngờ bị tăng nhãn áp
Một số bệnh nhân có nhãn áp bình thường nhưng dây thị giác hay trường nhìn bị nghi ngờ bị bệnh tăng nhãn áp. Những người này cần được theo dõi cẩn thận vì một số cuối cùng bị bệnh tăng nhãn áp thực sự cần phải điều trị.
Những người khác có nhãn áp cao hơn bình thường nhưng họ không có các triệu chứng khác của bệnh tăng nhãn áp, thí dụ tổn thương của dây thị giác hay các ám điểm ở vùng ngoại vi của trường nhìn. Đây là dấu hiệu của tăng nhãn áp. Những người bị tăng nhãn áp có nguy cơ cao của bệnh tăng nhãn áp so với những người có nhãn áp thấp hơn hoặc trung bình.
Các yếu tố nguy cơ
- Tăng áp suất nội nhãn
- Tuổi trên 60
- Người da màu hay có nguồn gốc Tây Ban Nha
- Gia đình có người bị
- Một số bệnh như: đái tháo đường, bệnh tim, cao huyết áp, thiếu máu hồng cầu liềm
- Bệnh mắt, thí dụ: cận thị nặng hay gặp trong bệnh tăng nhãn áp góc-mở, hoặc viễn thị hay gặp trong bệnh tăng nhãn áp góc-đóng.
- Tổn thương mắt hay một số phẫu thuật mắt
- Thiếu estrogen sớm: cắt hai buồng trứng trước 43 tuổi
- Dùng thuốc corticosteroid, nhất là thuốc dạng rỏ mắt dù kéo dài.
Điều trị và thuốc
Bệnh tăng nhãn áp góc - đóng
Các tổn thương do bệnh tăng nhãn áp là không thể đảo ngược được nhưng điều trị và thăm khám đều đặn có thể giúp làm chậm hay đề phòng được mù, nhất là khi biết bệnh sớm.
Mục đích điều trị: làm hạ nhãn áp với thuốc rỏ mắt, điều trị laser hay phẫu thuật.
bệnh tăng nhãn áp góc-đóng là một cấp cứu, dùng phẫu thuật laser ngoại vi mống mắt để tạo ra các lỗ nhỏ dẫn lưu thủy dịch, làm hạ nhãn áp. Trước kia là làm phẫu thuật mống mắt, tạo ra một đồng tử nhân tạo.
Phát hiện bệnh sớm bằng cách nào?
Đo nhãn áp và soi đáy mắt cho tất cả người bệnh trên 40 tuổi đến khám mắt để phát hiện bệnh sớm. Cần phải khám và theo dõi cho những người có nguy cơ mắc bệnh như người ruột thịt của bệnh nhân bệnh tăng nhãn áp vì nhóm người này có nguy cơ bị bệnh gấp 5-6 lần người bình thường. Nhóm người có nguy cơ nên được thăm khám sớm hơn, từ 30 tuổi. Khi phát hiện được người bệnh có nguy cơ bệnh tăng nhãn áp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng laser tạo ra các lỗ nhỏ ở vùng rìa mống mắt để dự phòng tăng nhãn áp cho người bệnh.
Phẫu thuật laser vùng ngoại vi mống
--
Các thuật ngữ chuyên môn Việt- Anh sử dụng trong bài:
Ám điểm (blank/blind spots), áp suất nội nhãn (internal eye pressure), bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), bệnh tăng nhãn áp góc-đóng (closed- angle glaucoma), bệnh tăng nhãn áp góc-mở (open-angle glauco- ma), bệnh tăng nhãn áp nhiễm sắc tố (pigmentary glaucoma), bệnh tăng nhãn áp tân sinh mạch (neovascular glaucoma), bệnh tăng nhãn áp tróc mảnh (pseudo- exfoliative glaucoma), bệnh tăng nhãn áp với nhãn áp-bình thường (normal-tension glaucoma), gai thị (papilla), góc dẫn lưu (drainage angle), mạng bó dây (trabecu- lar meshwork), phẫu thuật laser ngoại vi mống mắt (laser periph- eral iridotomy), phẫu thuật mống mắt (iridotomy), soi góc dẫn lưu (gonioscopy), thủy dịch (aqueous humor), trường nhìn (visual field).
--
(Nguồn: BS CKI Trịnh Xuân Trang - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)
Xem thêm các bài viết hữu ích khác tại đây