TỔNG QUAN
Trong thời đại hiện nay, hội chứng chuyển hóa là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đây là một vấn đề sức khỏe rất phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là tại các nước công nghiệp hóa và trong các đô thị lớn. Ở Mỹ, có khoảng 40% người từ 50 tuổi trở lên mắc phải hội chứng này. Điều quan trọng là đa số bệnh nhân không nhận thức được là họ đang mắc bệnh, trong khi đây là một dấu hiệu quan trọng cảnh báo bệnh nhân cần phải thay đổi lối sống để phòng ngừa những biến cố nghiêm trọng về sức khỏe trong tương lai.
Khoa học đã chứng minh nguyên nhân chủ đạo là do sự tích tụ mỡ thừa cũng như sự phân bố mỡ không hợp lý. Quá nhiều mỡ tập trung ở vùng bụng (còn được gọi là tình trạng mập kiểu trái táo) sẽ làm tăng tỉ lệ vòng bụng trên vòng hông và làm tăng các axit béo tự do ở vùng tĩnh mạch cửa, tăng lượng chất béo tích tụ tại gan. Không những thế, chất béo dư thừa còn tích tụ trong tế bào cơ. Sự tích tụ của chất béo lâu ngày làm xuất hiện hiện tượng đề kháng insulin làm cho khả năng chuyển hóa đường của cơ thể bị suy giảm. Cùng với đó, cơ thể bắt đầu xuất hiện các vấn đề khác như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và tình trạng tăng đông máu. Tập hợp những bất thường này tạo nên hội chứng chuyển hóa.
YẾU TỐ NGUY CƠ
Hai yếu tố nguy cơ quan trọng là:
- Béo phì thể trung tâm: có nghĩa là mỡ tập trung quanh phần giữa và phần phía trên của cơ thể.
- Hiện tượng đề kháng insulin: đây là hiện tượng cơ thể bị suy giảm khả năng tiêu thụ lượng đường đã được nhập vào qua đường ăn uống.
Ngoài ra còn có những yếu tố khác làm tăng nguy cơ như:
- Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao.
- Tiền căn đái tháo đường thai kỳ hoặc tiền căn gia đình có đái tháo đường type 2.
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực.
- Phụ nữ mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu.
Như vậy, bên cạnh những yếu tố có tính chất gia đình thì chế độ ăn nhiều mỡ, đường, thừa năng lượng và lối sống tĩnh tại lười vận động là những yếu tố quan trọng đưa đến hội chứng chuyển hóa. Thông điệp quan trọng là những yếu tố liên quan đến dinh dưỡng và vận động là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.
TRIỆU CHỨNG
Đa số các dấu hiệu và triệu chứng không xuất hiện rõ ràng. Một dấu hiệu quan trọng mà chúng ta có thể nhận ra qua thăm khám thông thường là số đo vòng eo vượt quá mức cho phép. Một số trường hợp nếu đường huyết của bạn quá cao thì bạn có thể có một số triệu chứng của đái tháo đường như tiểu nhiều, uống nhiều, sụt cân nhiều, mệt mỏi. Ngoài ra bạn có thể có triệu chứng đau đầu, chóng mặt thường xuyên nếu có huyết áp cao.
CHẨN ĐOÁN
Hiện nay có nhiều hướng dẫn đưa ra những tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa. Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Tim mạch Hoa Kỳ. Một người được chẩn đoán là mắc hội chứng chuyển hóa khi có ít nhất 3 trong 5 vấn đề dưới đây:
- Đường huyết đói ≥ 100 mg/dl hoặc đang sử dụng các thuốc làm giảm đường huyết. Đường huyết đói từ 100 – 125 mg/dl được gọi là tiền đái tháo đường, đường huyết đói ≥ 125 mg/dl được gọi là đái tháo đường.
- Nồng độ triglycerides ≥ 150 mg/dl hoặc đang sử dụng các thuốc điều trị giảm triglyceride.
- Nồng độ HDL cholesterol < 40 mg/dl đối với nam và < 50 mg/dl đối với nữ. HDL cholesterol là một loại cholesterol tốt. Loại cholesterol này làm giảm tổn thương của cholesterol lên mạch máu.
- Tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 130/85 mmHg hoặc đang sử dụng các thuốc hạ áp.
- Tích tụ mỡ quá nhiều ở vùng bụng: Tích tụ mỡ ở vùng bụng là loại tích tụ mỡ xấu và có nhiều nguy cơ với sức khỏe nhất. Một người được gọi là quá nhiều mỡ thừa ở vùng bụng khi vòng eo lớn hơn 102 cm đối với nam và lớn hơn 88 cm đối với nữ.
Mặc dù nếu chỉ có một trong những yếu tố trên đây thì bạn chưa được chẩn đoán là mắc hội chứng chuyển hóa, nhưng cứ mỗi một yếu tố bạn có thì nguy cơ xuất hiện các biến cố xấu về tim mạch trong tương lai sẽ ngày càng cao. Khi bạn có đủ 3 hoặc nhiều hơn 3 yếu tố trên thì bạn được chẩn đoán hội chứng chuyển hóa. Hội chứng rối loạn chuyển hóa sẽ làm nguy cơ xuất hiện các biến cố xấu về tim mạch trong tương lai tăng lên đáng kể.
HẬU QUẢ CỦA HỘI CHỨNG RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA
Hội chứng chuyển hóa gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong số đó có hai biến chứng phổ biến và thường gặp nhất là đái tháo đường type 2 và các biến cố xấu về tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ) cũng như các tình trạng bệnh lý khác.
- Đái tháo đường type 2: Trong nghiên cứu Framingham người ta nhận thấy hơn một nửa dân số mắc đái tháo đường là do hội chứng chuyển hóa gây ra. Tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở bệnh nhân có hội chứng rối loạn chuyển hóa cao hơn gấp 5 lần so với những người bình thường. Có thể nói hội chứng chuyển hóa là một yếu tố nguy cơ rất mạnh của việc khởi phát đái tháo đường type 2 trong tương lai cả ở nam và nữ.
- Cũng trong nghiên cứu Framingham người ta nhận thấy hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành trong tương lai. Theo ước tính có khoảng 25% bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa sẽ xuất hiện bệnh mạch vành sau 10 năm theo dõi. Không những vậy, những người này còn có nguy cơ cao xuất hiện các biến cố tim mạch nặng hơn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chí còn làm tăng nguy cơ tử vong do các nguyên nhân tim mạch.
Ngoài ra hội chứng chuyển hóa còn làm tăng nguy cơ của nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Ví dụ như người ta nhận thấy ở bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa thường mắc phải các tình trạng như sỏi túi mật, buồng trứng đa nang, hen suyễn, rối loạn giấc ngủ và gan nhiễm mỡ.
ĐIỀU TRỊ
Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng về tim mạch và đái tháo đường trong tương lai. Chúng ta sẽ làm giảm nguy cơ bằng cách kiểm soát các thành tố trong hội chứng chuyển hóa (kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu, làm giảm hiện tượng đề kháng insulin). Và để đạt được mục tiêu trên, bạn nên thực hiện những biện pháp sau đây.
- Giảm cân: Bạn nên cố gắng giảm ít nhất là 7 đến 10% cân nặng, quan trọng hơn là phải duy trì được cân nặng của mình sau khi đã giảm. Theo Hội Tim mạch Việt Nam thì mức chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) lý tưởng nhất ở người Việt Nam là từ 18,5 đến 22,9 kg/m2. BMI của một người được tính bằng cân nặng (tính theo kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng cm). Hoặc đơn giản nhất là chỉ cần đo cân nặng, chiều cao rồi nhập vào các công thức có sẵn trên mạng internet. Bạn nên làm việc với các bác sĩ dinh dưỡng để có một kế hoạch giảm cân hợp lý và phù hợp nhất. Nếu việc giảm cân của bạn gặp nhiều khó khăn, các bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ bằng thuốc hoặc thậm chí là phẫu thuật.
- Vận động nhiều hơn: Vận động thể lực chỉ cần ở mức trung bình là đã có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Bạn có thể vận động với cường độ cao hơn nếu sức khỏe cho phép. Ngoài việc luyện tập đúng cường độ, tập luyện điều độ cũng rất quan trọng. Vì vậy, bạn nên bỏ ra khoảng 30 phút mỗi ngày và 5 – 7 ngày một tuần để tập thể dục. Bạn có thể lựa chọn hình thức tập luyện đơn giản nhất là đi bộ, ban đầu có thể tập với mục tiêu khoảng 5.000 bước mỗi ngày, sau đó tăng dần lên thành 10.000 bước mỗi ngày.
- Bỏ hút thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động: Nếu bạn đang hút thuốc lá thì bỏ thuốc là điều bắt buộc. Nếu bạn không hút thuốc lá thì bạn nên tránh xa những người hút thuốc lá để không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc.
- Hạn chế uống rượu bia: Rượu bia quá mức có thể làm tăng huyết áp. Đồng thời, rượu bia được gọi là thức uống mang năng lượng “rỗng” gây tích tụ mỡ thừa, đặc biệt là mỡ tạng.
Ngoài việc thay đổi lối sống, các bác sĩ sẽ điều trị bệnh mà bạn mắc phải trong nhóm hội chứng chuyển hóa. Ví dụ như bác sĩ sẽ điều trị thuốc hạ áp nếu bạn mắc bệnh tăng huyết áp; thuốc làm giảm mỡ máu nếu bạn mắc phải rối loạn lipid máu và cho thuốc ổn định đường huyết nếu bạn có tình trạng đái tháo đường.
PHÒNG NGỪA
Có nhiều phương pháp có thể phòng ngừa được sự xuất hiện của hội chứng chuyển hóa.
Có chế độ ăn lành mạnh: Dù bạn có đang ở giai đoạn nào của bệnh đi chăng nữa thì việc có một chế độ ăn lành mạnh cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nên lựa chọn bữa ăn giàu các thực phẩm như rau xanh, hoa quả, các loại đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt. Tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và thực phẩm chứa hàm lượng đường thấp, hạn chế các chất béo bão hòa.
Tăng cường luyện tập thể dục thể thao: Vận động là một liệu pháp điều trị và phòng ngừa hội chứng chuyển hóa toàn diện nhất. Phương pháp này có thể làm cải thiện huyết áp, cân nặng và nhiều yếu tố khác trong hội chứng chuyển hóa. Vì vậy bạn nên cố gắng dành ít nhất 30 – 60 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục thể thao.
Khám và theo dõi sức khỏe thường xuyên: Ngoài điều chỉnh lối sống ra thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm là không thể thiếu. Ở mỗi lần khám sức khỏe, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, nồng độ cholesterol, triglycerides, trị số đường máu cũng như một số chỉ số quan trọng khác có liên quan. Nhờ đó, các bất thường sẽ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
KẾT LUẬN
Tóm lại, hội chứng chuyển hóa là một vấn đề rất phổ biến không những ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Tình trạng này góp phần vào việc đưa đến sự bùng nổ những tai biến tim mạch và đái tháo đường type 2. Hội chứng chuyển hóa là tiếng chuông cảnh báo cho người bệnh. Người mắc hội chứng chuyển hóa cần phải tích cực thay đổi lối sống hơn và cần sự can thiệp điều trị kịp thời từ phía nhân viên y tế để giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân cũng như gánh nặng xã hội. Một lối sống cân bằng cảm xúc, giảm thiểu stress; chế độ ăn giàu thịt cá, rau; thường xuyên vận động và điều trị những bệnh lý nguy cơ là các trụ cột trong phòng ngừa và điều trị.
Nguồn: ThS BS Trần Đăng Khương (Khoa Nội Tim mạch) - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM
Xem thêm các bài viết về bệnh tại đây.
Viết bình luận