Hiện nay việc tiêm chủng vacxin ngừa các bệnh nhiễm trùng cho bệnh nhân đái tháo đường được xem là biện pháp cần thiết nhằm giảm các tỷ lệ nhập viện và tử vong do các bệnh nhiễm trùng gây ra. Tác dụng phụ do tiêm vacxin thường là nhẹ (như đau, sốt) và rất ít gặp. Rất hiếm khi có phản ứng phụ nghiêm trọng.
Đái tháo đường được xem là đại dịch của toàn cầu khi tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Liên đoàn Đái Tháo Đường Thế Giới (IDF) thì số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới vào năm 2015 là 415 triệu người, và ước tính sẽ tăng đến 642 triệu người vào năm 2040. Bệnh đái tháo đường gây nên các biến chứng nghiêm trọng, và để lại hậu quả nặng nề, bao gồm các biến chứng trên mạch máu lớn (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch ngoại biên), biến chứng trên mạch máu nhỏ (suy thận, bệnh võng mạc do đái tháo đường…).
Trong khi đó, phần lớn bệnh nhân lại ít quan tâm đến việc đái tháo đường còn làm suy giảm sức đề kháng của họ đối với bệnh tật. Theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA) thì hoạt động miễn dịch của bệnh nhân đái tháo đường bị suy giảm, ngay cả khi đường-huyết của họ được kiểm soát tốt, bởi vậy họ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn so với người không bị đái tháo đường. Đặc biệt ở những bệnh nhân có biến chứng tim mạch hay biến chứng thận thì bệnh nhiễm trùng sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
1. BỆNH CÚM
Cúm là bệnh của toàn cầu, thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 4 hoặc tháng 5 ở Bắc bán cầu, từ tháng 4 đến tháng 9 ở các vùng khí hậu ôn hòa thuộc Nam bán cầu, và xảy ra quanh năm ở vùng nhiệt đới.
Theo khuyến cáo của Ủy ban Tư Vấn Về Thực Hành Tiêm Chủng (ACIP), chủng ngừa cho những người có nguy cơ cao trước khi vào mùa dịch cúm là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tác hại của bệnh cúm. Chủng ngừa cúm làm giảm tần suất bệnh và giảm chi phí chăm sóc y tế cho bệnh nhân đái tháo
đường. Theo ACIP, nên tiêm vacxin cúm cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường ≥ 6 tháng tuổi, thời gian tiêm chủng thay đổi tùy theo từng vùng trên thế giới. Ở Việt Nam, thời điểm tiêm là vào đầu tháng 9 dương lịch và nên tiêm nhắc lại hàng năm vì tính miễn dịch của vacxin giảm đi sau 1 năm.
2. BỆNH NHIỄM PHẾ CẦU
Bệnh nhân đái tháo đường cũng dễ nhiễm vi khuẩn phế cầu(Streptococcus pneumoniae) với các thể bệnh như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não do phế cầu. Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm phế cầu hơn người khác và nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Nguy cơ nhiễm phế cầu tăng nhiều hơn ở bệnh nhân đái tháo đường
≥ 65 tuổi và có kèm bệnh tim phổi mạn tính. Vacxin ngừa nhiễm phế cầu bảo vệ được đối với 85-90% týp huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn phế cầu. Theo ACIP, vacxin phế cầu giúp giảm tỷ lệ viêm phổi và tử vong do viêm phổi một cách hiệu quả. Hiện không có khuyến cáo tiêm ngừa nhắc lại vacxin phế cầu cho bệnh nhân đái tháo đường, ngoại trừ chỉ định tiêm nhắc 1 lần cho các trường hợp đặc biệt sau: bệnh nhân trên 65 tuổi đã được tiêm chủng trước đó, bệnh nhân dưới 65 tuổi đã được tiêm vacxin hơn 5 năm, bệnh nhân đái tháo đường có các bệnh lý mạn tính đi kèm như hội chứng thận hư, bệnh thận mạn, tình trạng suy giảm miễn dịch và người sau ghép tạng.
3. BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI B
Người đái tháo đường cũng có tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B cao hơn so với bệnh nhân không đái tháo đường cùng lứa tuổi. Tỷ lệ không tự thải trừ được siêu vi viêm gan B sau nhiễm bệnh và diễn tiến thành viêm gan siêu vi B mạn tính cũng cao hơn so với bệnh nhân không đái tháo đường. Tình trạng kiểm soát đường-huyết kém và suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường cũng làm tăng các đợt bùng phát siêu vi B, các đợt viêm gan tiến triển, tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan ở các bệnh nhân đái tháo đường.
Phòng ngừa viêm gan siêu vi B bằng chủng ngừa 3 liều vacxin (mũi đầu tiên, mũi thứ hai sau 1 tháng và mũi thứ ba sau 5 tháng kế tiếp) gây được miễn dịch bảo vệ cho 98% số bệnh nhân. Vacxin viêm gan B sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp an toàn và hiệu quả, rất hiếm phản ứng phụ.
Ngoài ra, theo khuyến cáo năm 2015 của Trung tâm kiểm soát bệnh và phòng bệnh (CDC), bệnh nhân đái tháo đường còn nên được tiêm bổ sung vacxin DTaP hoặc Tdap (để ngừa 3 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà) và vacxin thủy đậu.
4. VACXIN DTaP HOẶC TDAP
DTaP (Diphteria, Tetanus, acellular Pertussis) là vacxin ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà dành cho trẻ em. Bệnh ho gà rất nguy hiểm nếu nhiễm cho trẻ quá nhỏ. Trẻ em cần được tiêm đủ 5 liều vacxin DTaP trước 7 tuổi (vào lúc 2, 4, 6 tháng, 15-18 tháng và 4-6 tuổi). Một liều tăng cường miễn dịch cho trẻ vị thành niên và người lớn cũng được khuyến cáo (thường khuyến cáo tiêm cho trẻ 1-12 tuổi) nhằm giúp duy trì miễn dịch bảo vệ đối với bệnh ho gà và ngăn ngừa truyền vi khuẩn từ người lớn cho trẻ nhỏ. Tdap (Tetanus, Diphteria, acellular Pertussis) là vacxin ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà, có liều kháng nguyên bạch hầu nhỏ hơn, dành cho trẻ lớn và người lớn. Thường được dùng cho các trường hợp cần tiêm nhắc lại ở trẻ lớn >11-12 tuổi và người lớn. Phụ nữ có thai cũng được đề nghị tiêm một liều Tdap cho mỗi lần mang thai (tốt nhất là từ các tuần 27 đến 36) để bảo vệ cho trẻ sơ sinh đối với bệnh ho gà. Trước khi có các vacxin này, ở Hoa Kỳ mỗi năm có tới 200.000 ca bạch hầu, 200.000 ca ho gà, và hàng trăm ca uốn ván. Từ khi có vacxin này, số ca uốn ván và bạch hầu giảm 99% và ho gà giảm 80%.
5. BỆNH THỦY ĐẬU
Bệnh thủy đậu là bệnh do vi rút nhóm Herpes dễ diễn biến mạn tính ở cơ địa suy giảm miễn dịch và bệnh nhân đái tháo đường. Nhiễm vi rút mạn tính ở các cơ địa này dễ tái hoạt từng đợt dưới biểu hiện của bệnh zona và gây đau dữ dội theo rễ thần kinh, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh thủy đậu ở người suy giảm miễn dịch nặng còn có thể dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi do virut, viêm não, màng não, bội nhiễm vi trùng từ da, nhiễm trùng huyết… Bệnh nhân đái tháo đường chưa từng bị thủy đậu có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách tiêm 2 liều vacxin thủy đậu riêng lẻ cách nhau 4-8 tuần.
Tóm lại, các bệnh nhiễm trùng gây diễn biến không thuận lợi cho sức khỏe ở bệnh nhân đái tháo đường dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng thuốc và chăm sóc y tế, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong. Thực hành tiêm chủng đầy đủ cho bệnh nhân đái tháo đường là biện pháp chủ động và hữu hiệu nhất để bảo đảm chất lượng sống, bảo vệ sức khỏe, giảm đáng kể các tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cho bệnh nhân đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường cần đến khám tại các phòng khám tiêm ngừa hay các phòng khám chuyên khoa nội tiết để được tư vấn về các mũi tiêm ngừa cần thiết để được bảo vệ tốt nhất và tránh được các chi phí y tế cho các bệnh lý có thể phòng ngừa được này.
Nguồn: BS CKI Nguyễn Thành Thuận - Khoa Nội Tiết - Tạp chí sống khỏe- Đại Học Y Dược TP HCM
Xem thêm các bài viết khác tại đây
Viết bình luận