1. ĐẠI CƯƠNG
Nhiễm khuẩn âm đạo là một bệnh lý phổ biến do sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn khỏe mạnh ở âm đạo, gây ra sự tiết dịch bất thường như hôi, ngứa rát, khó chịu cho người phụ nữ. bệnh thường gặp trong độ tuổi sinh sản, chiếm gần 40 - 50% các trường hợp đến khám phụ khoa ở hoa kỳ. do bệnh không mang tính chất đặc hiệu của một tình trạng viêm âm đạo, nên các tác giả hiện nay đều thống nhất gọi bệnh với thuật ngữ là “nhiễm khuẩn âm đạo” thay cho “viêm âm đạo do vi khuẩn” như trước đây.
2. TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ
Trong môi trường âm đạo của người phụ nữ khỏe mạnh thường có rất nhiều lactobacilli. Đây là các trực trùng hình que, gram dương, ái khí, có chiều dài khác nhau, có khả năng biến đổi các glycogen (được tiết ra ở các tế bào biểu mô âm đạo dưới sự kích thích của estrogen) thành acid lactic, duy trì cho môi trường âm đạo có pH luôn ở mức 3,8 - 4,8, nhờ đó chống lại được các vi trùng gây bệnh. Bất kỳ nguyên nhân nào làm cho pH của âm đạo thay đổi cũng sẽ dẫn đến giảm sự cân bằng bảo vệ tại chỗ, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, từ đó gây ra các triệu chứng bất thường của dịch tiết âm đạo. Các tác nhân gây bệnh thường tìm được trong dịch tiết âm đạo của người bệnh là các vi khuẩn kị khí như Gardnerella vaginalis, Prevotella species, Porphyromonas species, Bacteroides species, Peptostreptococcus species, Mycoplasma hominis, Ureaplasma urealyticum, Mobiluncus species... dẫn đến sự thay thế các lactobacilli và làm pH âm đạo tăng từ 4,5 lên đến 7,0.
Bệnh thường gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất (xà bông, kem bôi), thụt rửa âm đạo, sử dụng dị vật đường âm đạo hoặc quan hệ tình dục với nhiều người, có nhiễm các bệnh lý lây qua đường tình dục hoặc dùng kháng sinh phổ rộng lâu ngày. Bệnh cũng có thể gặp ở phụ nữ có thai hoặc có bệnh lý về da như chàm, vẩy nến, nhiễm trùng da…
3. CHẨN ĐOÁN
Đa số trường hợp bị nhiễm khuẩn âm đạo không có triệu chứng (50 – 70%). Người bệnh thường đến khám phụ khoa than phiền vì tình trạng khí hư âm đạo có mùi hôi như mùi cá thối, hoặc khí hư đổi màu trắng xám, đặc, đặc biệt là tiết ra nhiều sau khi hành kinh hoặc giao hợp. Trong nhiễm khuẩn âm đạo đơn thuần, người bệnh không có triệu chứng tiểu gắt, đau sau giao hợp hoặc nóng, rát âm đạo, hoặc viêm âm hộ hay viêm cổ tử cung kèm theo. Nếu có một trong các triệu chứng đó, có thể gợi ý cho một tình trạng viêm âm đạo phức tạp do nhiều tác nhân khác nhau.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo là nhuộm Gram huyết trắng. Tuy nhiên, phương pháp này thường mất thời gian, nên hiện tại chỉ áp dụng trong nghiên cứu.
Để chẩn đoán nhanh nhiễm khuẩn âm đạo, các nhà lâm sàng thường dựa trên các tiêu chuẩn Amsel với độ nhạy là 90%, độ chuyên 77%. Chẩn đoán xác định khi có ít nhất 3 trong 4 tiêu chuẩn như sau:
- Khí hư: nhiều, hôi, đồng nhất, trắng xám, đặc biệt sau giao hợp, hành kinh.
- pH khí hư > 4,5.
- Nghiệm pháp mùi hôi dương tính: Nhỏ dung dịch Potassium (KOH) 10% vào dịch âm đạo, (+) khi có mùi cá thối bay lên ngay sau khi nhỏ.
- Các tế bào đầu mối khi soi kính hiển vi: trên lam soi nhuộm huyết trắng, thấy hình ảnh các tế bào biểu mô lát bị bao phủ bởi rất nhiều vi khuẩn ở xung quanh, làm cho bờ của tế bào không còn rõ ràng.
4. ĐIỀU TRỊ
Do tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi trùng kị khí nên các phác đồ sau có thể được lựa chọn:
Metronidazole 500 mg: uống 2 lần /ngày x 7 ngày.
Metronidazole gel 5 g: bôi âm đạo 2 lần /ngày x 5 ngày.
Tinidazol 2 g: uống /ngày x 2 ngày hoặc 1 g uống /ngày trong 5 ngày.
Clindamycin 300 mg: uống 2 lần /ngày x 7 ngày. Đối với các thai phụ, trên thế giới vẫn khuyến cáo có thể sử dụng Metronidazol hoặc Clindamycin uống với liều tương tự. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của việc điều trị cũng như các tác dụng phụ trên thai nhi. Vì thế, đường đặt thuốc tại chỗ vẫn thường được lựa chọn. Do nhiễm khuẩn âm đạo kéo dài là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra sanh non, ối vỡ non, nên cần cân nhắc điều trị khi đã có triệu chứng. Ngoài ra, không cần thiết phải điều trị cho bạn tình của người bệnh vì các bằng chứng hiện nay cho thấy tác nhân gây bệnh thường không lây từ bạn tình, cũng như việc điều trị cho bạn tình cũng không làm giảm nguy cơ tái phát bệnh cho người bệnh. Việc cần thiết là nên tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục nếu có nghi ngờ người bệnh mắc kèm theo. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy hạn chế quan hệ hoặc sử dụng bao cao su trong những ngày có kinh cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
5. KẾT LUẬN
Nhiễm khuẩn âm đạo là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Chẩn đoán thường dựa vào triệu chứng của dịch tiết âm đạo theo tiêu chuẩn của Amsel. Do tác nhân thường gặp là vi khuẩn kị khí nên Metronidazole được khuyến cáo là thuốc đầu tay trong điều trị bệnh. Không cần thiết phải điều trị cho bạn tình trừ khi có nghi ngờ người bệnh mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
Người phụ nữ cần bỏ thói quen thụt rửa âm đạo, đặt thuốc trong âm đạo (các loại thuốc viên bao gồm cả kháng sinh, kháng nấm và kháng viêm) một cách vô tội vạ để bảo tồn vi trùng có lợi trong âm đạo.
Xem thêm các bài viết khác tại đây
Nguồn: PGS.TS.BS. Ngô Thị Kim Phụng, ThS.BS. Lâm Hoàng Duy - Tạp chí Sống khỏe - ĐH Y Dược TP.HCM