TỔNG QUAN VIRUT U NHÚ (HPV) Ở NGƯỜI
Virut u nhú ở người (HPV) là một loại virut thuộc họ Papovaviridae, là nguyên nhân gây ra những sang thương ở da và niêm mạc. Bệnh thường lây từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp từ da-qua-da. Có hơn 150 týp HPV nhưng chỉ khoảng vài chục là có khả năng gây ung thư cổ tử cung. Đa số nam giới và nữ giới không có triệu chứng hay các vấn đề khác về sức khỏe chứng tỏ là họ mắc HPV. Đôi khi, một số týp HPV có thể gây ra các mụn cơm (mụn cóc) ở nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Các týp HPV khác có thể đưa đến các tổn thương tiền ung thư và ung thư.
Các týp HPV đường sinh dục có thể gây ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn, vùng hầu họng. Bệnh u nhú sinh dục còn được gọi là bệnh mồng gà sinh dục.
Đặc biệt vacxin HPV có thể giúp chống lại các týp HPV là nguyên nhân của hầu hết các ung thư cổ tử cung.
CÁC TÝP HPV VÀ LÂY LAN RA SAO
- Đa số các týp HPV có thể gây ra các mụn cơm “thông thường”. Các mụn này mọc tại chỗ như ở bàn tay và bàn chân.
- Tuy vậy, có hơn 40 loại virut được gọi là các “týp sinh dục” của HPV lây truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay đường miệng.
Các týp sinh dục của HPV gây nhiễm vùng sinh dục người phụ nữ, bao gồm phía trong và phía ngoài âm đạo. Cũng có thể gây nhiễm vùng sinh dục người đàn ông, bao gồm dương vật. Ở nữ và nam, týp sinh dục của HPV có thể gây nhiễm cho hậu môn và một số vùng ở đầu và cổ. Đôi khi các týp sinh dục “nguy cơ thấp” của HPV có thể gây ra các mụn cơm hay các tổn thương khác của đường sinh dục hay gặp nhất là HPV-6 và HPV- 1. Các tổn thương này khác nhau về kích cỡ, hình thù và số lượng nhưng hiếm khi dẫn đến ung thư.
HPV GÂY UNG THƯ NHƯ THẾ NÀO?
Khi người phụ nữ phơi nhiễm với HPV, hệ miễn dịch của họ sẽ chống lại các virut này. Các HPV “nguy cơ cao” là các týp sinh dục của HPV có khả năng sinh ung thư nhiều hơn. Một số ít virut vẫn tồn tại trong nhiều năm, làm biến đổi tế bào biểu mô cổ tử cung trở thành tế bào tiền ung thư hay ung thư. Biến đổi đầu tiên là sự thay đổi trong cấu trúc tế bào thành tế bào rỗng, đây là dấu hiệu của nhiễm virut. Tiếp đó các tế bào sẽ tiếp tục phát triển thành các dạng tân sinh của biểu mô cổ tử cung, sang thương này có thể tự nhiên mất đi hoặc tiếp tục phát triển thành ung thư xâm lấn. Diễn tiến ung thư tùy thuộc vào týp HPV, thói quen hút thuốc lá, thừa cân, dùng thuốc ngừa thai kéo dài.
Cách để phòng tránh lây nhiễm HPV là hạn chế số bạn tình và sử dụng bao cao su. Bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HPV, đồng thời cũng ngăn ngừa các bệnh khác lây nhiễm qua đường tình dục, tuy nhiên sử dụng bao cao su không thể bảo vệ bạn một cách tuyệt đối. Bên cạnh đó, việc tiến hành các biện pháp tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất quan trọng.
Các ung thư sau đây có liên quan với HPV:
Ung thư cổ tử cung.
Hầu hết các ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV gây ra, tuy vậy nên nhớ rằng số đông các trường hợp nhiễm HPV đường sinh dục không gây ra ung thư. Trong số ung thư cổ tử cung có liên quan với HPV, khoảng 70% gây ra bởi 2 dòng HPV-16 và HPV-18.
Ung thư miệng.
HPV có thể gây ra ung thư miệng và lưỡi. Nó cũng có thể gây ra ung thư của họng miệng. Các ung thư liên quan với HPV hiện đang tăng lên ở cả nam giới và nữ giới. Các thay đổi về thói quen tình dục, bao gồm việc tăng làm tình đường miệng, có thể đóng góp vào sự gia tăng này.
Các ung thư khác.
HPV có liên quan ít hơn với các ung thư hiếm gặp, bao gồm ung thư hậu môn, ung thư âm hộ và âm đạo ở nữ giới và ung thư dương vật ở nam giới.
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Những yếu tố nguy cơ nhiễm HPV bao gồm: có nhiều bạn tình, tuổi sinh sản, suy giảm miễn dịch, da bị tổn thương, tiếp xúc trực tiếp với sang thương.
CÁC CHIẾN LƯỢC DỰ PHÒNG UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư hiện nay có thể phòng tránh được. Những thay đổi của tế bào cổ tử cung, được biết là do HPV gây ra, có từ nhiều năm trước khi xuất hiện ung thư cổ tử cung. Có thể chẩn đoán bệnh rất sớm bằng cách tầm soát ung thư cổ tử cung với các thử nghiệm Pap (Pap là tên viết tắt của Papanicolaou), thử nghiệm HPV DNA, thử nghiệm acid acetic (dung dịch acid acetic có thể làm chuyển màu sang thương HPV thành màu trắng, dùng để phân biệt trong các trường hợp khó chẩn đoán).
Thử nghiệm Pap
Thử nghiệm truyền thống cho việc phát hiện sớm là thử nghiệm Pap, tiến hành bằng cách lấy một mẫu tế bào cổ tử cung và tìm những thay đổi bất thường của các tế bào này (gồm các tế bào vảy và các tế bào tuyến). Khi thử nghiệm Pap thấy các tế bào bất thường, các khảo sát bổ sung tiếp theo có thể là: soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung, soi và sinh thiết cổ tử cung, nạo buồng cổ tử cung, sinh thiết hình nón, phẫu thuật cắt bỏ bằng thòng lọng điện (LEEP).
Thử nghiệm HPV
Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đưa đến ung thư cổ tử cung là sự lây nhiễm HPV, do đó thử nghiệm HPV là cách dự phòng ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất. Hai týp HPV “nguy cơ cao” 16 và 18 là nguyên nhân của 70% ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Thử nghiệm HPV được tiến hành bằng cách lấy một mẫu tế bào cổ tử cung, soi tìm trong đó các đoạn DNA của các týp HPV có nhiều liên quan với ung thư cổ tử cung. Thử nghiệm HPV cũng có thể làm từ mẫu tế bào âm đạo và do người phụ nữ tự mình lấy mẫu. Có thể chỉ làm mỗi một thử nghiệm HPV hoặc phối hợp làm với thử nghiệm Pap. Hai thử nghiệm này thường có thể tiến hành chung từ một mẫu tế bào cổ tử cung.
Thử nghiệm HPV được sử dụng trong các trường hợp sau:
(1) một phần của kết hợp hai thử nghiệm Pap/HPV cho phụ nữ ≥ 30 tuổi,
(2) thử nghiệm HPV được sử dụng đầu tiên trong tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ ≥ 25 tuổi, tiếp sau là thử nghiệm Pap,
(3) khi kết quả của thử nghiệm Pap không rõ ràng, để biết có sự hiện diện của HPV hay không. Hiện tại thử nghiệm HPV (cobas® test) được khuyến cáo sử dụng đầu tiên cho phụ nữ ≥ 25 tuổi trong tầm soát ung thư cổ tử cung (nghĩa là nó có thể được làm một mình không có thử nghiệm Pap).
Khi thử nghiệm HPV dương tính, không thể kết luận là bạn có bị ung thư cổ tử cung hay không mà chỉ có thể nói là trong cơ thể bạn khi đó đang có sự hiện diện của virut HPV. Đồng thời không quên là cũng như trong nhiều thử nghiệm sàng lọc khác, thử nghiệm HPV vẫn có khả năng âm tính giả và dương tính giả.
Việc xử trí tiếp theo tùy thuộc vào týp HPV bạn bị nhiễm có nguy cơ cao hay thấp.
Chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung
Trước đây có một khuyến cáo là không làm tầm soát một cách thường qui cho phụ nữ < 30 tuổi vì lợi ích không cao, do tỷ lệ nhiễm tuy cao nhưng nhiều khả năng siêu vi sẽ tự hết sau 1-2 năm. Nhưng theo các khuyến cáo gần đây, các phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở tuổi từ 21 đến 29 vẫn nên tầm soát 3 năm 1 lần. Từ 30 đến 65 tuổi, thử nghiệm Pap mỗi 3 năm hoặc 5 năm nếu có kết hợp làm các thử nghiệm Pap và HPV. Trên 65 tuổi có thể ngừng kiểm tra nếu trước đó có 3 lần thử nghiệm Pap bình thường hoặc 2 lần kết hợp với thử nghiệm HPV bình thường.
CHỦNG NGỪA VACXIN HPV
Việc tiêm chủng rộng rãi vacxin HPV có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Các vacxin dự phòng này không thể chữa khỏi một nhiễm HPV đang hiện hữu.
Các trung tâm Kiểm soát bệnh và phòng bênh (Hoa Kỳ) (CDC) khuyến cáo tiêm vacxin HPV thường quy cho trẻ nam và nữ từ 1 - 12 tuổi. Một số tổ chức khác thì khuyến cáo từ 9 - 10 tuổi. Lý tưởng là trẻ nên được tiêm vacxin trước khi bắt đầu quan hệ tình dục và phơi nhiễm HPV bởi vì khi đã bị nhiễm virut thì vacxin không còn hiệu lực hoặc hiệu quả kém. Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêm vacxin sớm không liên quan đến độ tuổi quan hệ tình dục sớm nhưng đáp ứng vacxin ở người càng nhỏ thì hiệu quả càng cao. Cập nhật của CDC 10/2016 cho thấy rằng tiêm vacxin ở độ tuổi từ 9 - 14 chỉ cần 2 liều cách nhau 6 tháng là đủ hiệu quả (so với trước đây là 3 liều). Còn độ tuổi từ 15 - 26 thì vẫn giữ nguyên 3 liều.
Đối tượng nào không nên tiêm vacxin HPV
Vacxin HPV không khuyến cáo dùng cho người mang thai hoặc đang mắc một bệnh nào đó từ trung bình đến nặng. Báo ngay với bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng dị ứng với nấm men hoặc latex. Nếu đã có tiền căn dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vacxin thì không nên tiêm mới hoặc tiêm lại.
Lợi ích của vacxin khi đã có quan hệ tình dục
Đối với người đã có quan hệ tình dục, lợi ích của vacxin vẫn còn. Nếu đã từng bị nhiễm một vài týp HPV nào đó thì vacxin vẫn có hiệu quả phòng ngừa đối với những týp còn lại. Tuy nhiên, vacxin không có tác dụng điều trị với các nhiễm HPV hiện hữu trước đó. Vacxin chỉ có tác dụng bảo vệ đối với những týp HPV chưa từng phơi nhiễm.
Nguồn: PGS TS BS Ngô Thị Kim Phụng, ThS BS Nguyễn Thị Tố Thư – Tạp chí Sống Khỏe – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Xem thêm bài viết tại đây.