Bệnh tiêu hóa

MỒNG GÀ HẬU MÔN LÀ BỆNH GÌ VÀ TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO?

MỒNG GÀ HẬU MÔN LÀ BỆNH GÌ VÀ TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO?

VÀI CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI BỆNH

1. Như những buổi chiều thứ sáu hàng tuần, tôi nhận nhiệm vụ khám bệnh tại phòng khám Hậu môn-Trực tràng. Đối diện với tôi là một thanh niên khoảng 25 tuổi, mảnh mai, trắng trẻo và có vẻ hiền lành. Sau lời gợi mở “Em bị sao mà đi khám bệnh?” của tôi là một giọng kể hết sức chân thành về câu chuyện tình cảm của em với một người “bạn trai” khác. Lời kể của em thể hiện sự tự hào về người bạn này và sự tin tưởng đối với tôi. Em đi khám vì thấy rát và sờ thấy những nốt nhỏ lổn nhổn ở hậu môn, kèm theo có những lúc đi cầu ra máu đỏ tươi. Qua thăm khám, tôi phát hiện ở quanh hậu môn của em có những nốt sần trắng hồng, kích thước khoảng 1 - 4 mm, giống như những bông cải nhỏ. Trong lòng hậu môn cũng có những nốt tương tự. Kiểm tra dương vật của em không thấy những tổn thương tương tự. Tôi kết luận em bị bệnh mồng gà ở hậu môn. Khi tôi giải thích thêm cho em về căn bệnh và nguồn gốc lây nhiễm, tôi thấy em tỏ ra bình thản và đồng ý được cắt đốt để điều trị bệnh. Em chỉ yêu cầu tôi không nói cho người nhà em biết về bệnh của mình.

Mồng gà hậu môn

 

2. Người mẹ bật khóc khi nghe tôi giải thích về căn bệnh của con mình. Theo bà, đó là một đứa bé hiền lành, đã rời xa quê nhà lên Sài Gòn đi học. Mới hơn 20 tuổi, vóc người nhỏ, nước da hơi ngăm đen, nhìn em như lọt thỏm giữanhịp sống xô bồ của thành thị. Em bảo chỉ lo học hành, chưa từng đua đòi với bạn bè. Trong lần dự tiệc sinh nhật một bạn học, em đã hơi quá chén, khi tỉnh giấc thấy có cảm giác thốn vùng hậu môn… Và 2 tháng sau em phát hiện thấy những nốt sần nhỏ quanh hậu môn, có lúc đau rát và ra máu khi đi cầu. May mắn cho em là kết quả thử vi-rút HIV âm tính…

ĐẠI CƯƠNG BỆNH MỒNG GÀ HẬU MÔN

Bệnh mồng gà hậu môn còn có nhiều tên gọi khác: condylom sùi, mụn cóc hay mụn cơm hậu môn, u nhú hậu môn…

Bệnh mồng gà hậu môn là những nhú nhỏ thấy ở bên trong hay xung quanh hậu môn, là một thể của bệnh mồng gà sinh dục. Trong đa số trường hợp, mồng gà hậu môn không gây ra khó chịu hoặc đau đớn, cho nên người bị nhiễm có thể không biết là mình mắc bệnh. Nếu để vậy không điều trị, các nhú sẽ to lên và lan rộng, che lấp hết vùng hậu môn.

Theo các Trung tâm Kiểm soát Bệnh, 90% trường hợp mồng gà sinh dục bắt đầu bằng nhiễm vi-rút u nhú người (Human Papilloma Virus - HPV) lây nhiễm qua đường tình dục. Đa số các typ HPV không gây bệnh cho người, tuy vậy, một số typ có thể gây bệnh mồng gà cho da và niêm mạc người ở các nơi như họng, miệng, bàn chân, ngón tay, móng, hậu môn và cổ tử cung. Có hơn 100 typ HPV, trong đó trên 40 typ có thể gây nhiễm cho các vùng sinh dục, họng và miệng. Hay gặp nhất là HPV các typ 6 và 1 nhưng không tiến triển thành ung thư. Đa số các nhiễm HPV ở phụ nữ trẻ chỉ là tạm thời, 70- 90% sẽ khỏi trong vòng 12-24 tháng, bệnh chỉ tồn tại trong 5-10% các trường hợp mà một số nhỏ có thể có nguy cơ nhiều năm sau sẽ phát triển thành ung thư cổ tử cung, dương vật, âm đạo, hậu môn hay họng. HPV các typ 16 và 18 được biết là gây ra hầu hết các ung thư của cổ tử cung và họng.

QUÁ TRÌNH LÂY NHIỄM HPV

Lây nhiễm HPV có thể xảy ra ngay cả khi chưa xuất hiện các mụn cóc. Bệnh lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với hậu môn, miệng, dương vật hay âm đạo của người bị nhiễm. Không nhất thiết phải có giao cấu, bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp da-với-da hay gián tiếp qua đồ dùng, quần áo. Bệnh mồng gà sinh dục có thể lan truyền dễ dàng. Có cảnh báo là có đến 2/3 những người có quan hệ tình dục với bạn tình mắc bệnh sẽ phát bệnh trong vòng 3 tháng kể từ lần tiếp xúc đầu tiên.

TRIỆU CHỨNG

Có nhiều trường hợp người bệnh không thấy gì bất thường.

Các mụn cóc hậu môn thấy ở bên trong ống hậu môn hay quanh vùng hậu môn. Bắt đầu là nổi lên những nốt nhỏ không to hơn đầu đinh ghim, sau to dần và họp thành cụm thì có dạng như bông cải. Có thể có màu da, vàng, hồng hay nâu sáng.

Mồng gà hậu môn

 

Vì vi-rút gây ra mụn cóc hậu môn cũng gây ra mụn cóc sinh dục nên bệnh có thể thấy đồng thời ở nhiều nơi trên cơ thể. Ở nữ giới có thể thấy ở âm hộ, âm đạo hay cổ tử cung. Ở nam giới có thể thấy ở dương vật, vùng bẹn, bìu, mông hay đùi. Ngoài ra có thể gặp ở môi, miệng, lưỡi và họng nếu lây qua tiếp xúc bằng miệng. Các triệu chứng khác của mụn cóc hậu môn tuy hiếm gặp nhưng cũng cần lưu ý là: ngứa, chảy máu, có cảm giác như có một cục ở vùng hậu môn.

CHẨN ĐOÁN

•        Chảy dịch ở hậu môn, ngứa, chảy máu và cảm giác nóng rát hậu môn.

•        Quan sát các mụn cóc. Khi khám có thể bôi acid acetic (dấm), các mụn cóc sẽ trắng ra và nhìn rõ hơn.

•        Soi hậu môn-trực tràng để tìm các mụn cóc ở trong ống hậu môn hoặc phần thấp của trực tràng.

•        Khám cẩn thận vùng chậu hông để tìm các dạng khác của mụn cóc sinh dục.

•        Ở phụ nữ, có thể làm thêm phết kính Pap.

•        Có khi phải làm sinh thiết mụn cóc để xác định bệnh khi điều trị lần đầu tiên không đáp ứng.

•        Xét nghiệm: phối hợp các xét nghiệm tìm các bệnh khác lây qua đường tình dục như giang mai hay HIV.

ĐIỀU TRỊ

Tùy thuộc vào số lượng, vị trí và mức độ lan rộng các mụn cóc.

Những mụn cóc nhỏ, ở phần da quanh hậu môn và phần ngoài của ống hậu môn, điều trị tại chỗ bằng các loại kem:

•        Bichloroacetic acid (BCA)

•        Trichloroacetic acid (TCA)

•        Podophyllin (Podocon)

•        Podofilox (Condylox)

•     Imiquimod (Aldara, Zyclara), là một chất giúp hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất ra interferon chống lại các tế bào bất thường và các vi-rút.

Những mụn cóc lớn hơn và vị trí cao hơn:

•        Lựa chọn phẫu thuật sẽ hiệu quả hơn.

•        Gửi giải phẫu bệnh để loại trừ loạn sản hay ung thư.

•      Cần lưu ý: đối với những mụn cóc đã có dùng podophyllin trước đó, có thể có những thay đổi về mặt mô học giống như loạn sản.

Ngoài phẫu thuật, có thể lựa chọn: liệu pháp lạnh, đốt điện, đốt laser.

Hay gặp các trường hợp mụn cóc tái phát, do đó người bệnh cần được theo dõi trong nhiều tháng để biết chắc là không có các mụn cóc mới.

PHÒNG BỆNH

Bệnh có thể lây trực tiếp do tiếp xúc da-với-da hay gián tiếp qua đồ dùng, quần áo. Nhân viên y tế khi điều trị cho người bệnh cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Đường lây truyền chủ yếu là quan hệ tình dục. Các hành vi tình dục có nguy cơ:

•        Quan hệ với nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau.

•        Quan hệ đồng tính nam.

•        Không dùng bao cao su.

•        Quan hệ tình dục với người đang nhiễm bệnh. Vậy nên cần thiết:

•        Sống một vợ, một chồng hoặc chỉ quan hệ với một bạn tình.

•        Dùng bao cao su.

•        Không quan hệ với người đang nhiễm bệnh.

•        Kiểm tra “đối phương” trước khi quan hệ.

•        Tiêm vắc-xin kháng HPV typ 6 và 1 cho nam và nữ từ 26 tuổi.

•      Vì người bệnh có thể không biết là mình bị mồng gà hậu môn, người bệnh cần động viên bạn tình đi thử HPV ngay cả khi không có triệu chứng. Điều này giúp tránh nguy cơ  tái nhiễm. Hiểu rõ về bệnh mồng gà vùng hậu môn, chúng ta không nên quá lo lắng hay kì thị những người mắc căn bệnh này. Sự động viên, thân thiện của nhân viên y tế và người thân giúp họ dũng cảm đối mặt đồng thời có thể thay đổi lối sống. Mỗi người bệnh là một câu chuyện chân thật về con người, xã hội mà chúng ta cần quan tâm, chia sẻ.

Xem thêm các bài viết khác tại đây

Nguồn: PGS TS BS Nguyễn Trung Tín, BSCKII Võ Thị Mỹ Ngọc - Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Đang xem: MỒNG GÀ HẬU MÔN LÀ BỆNH GÌ VÀ TRIỆU CHỨNG NHƯ THẾ NÀO?

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng