Bệnh tiêu hóa

TẦM SOÁT UNG THU ĐẠI TRỰC TRÀNG

TẦM SOÁT UNG THU ĐẠI TRỰC TRÀNG

TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

TẠI SAO PHẢI TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Ung  thư  đại  trực  tràng   bao gồm ung thư đại tràng (là phần chính của ruột già) và trực tràng (là phần cuối cùng của ruột già, phía dưới là ống hậu môn).

Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh  ung  thư  gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nhưng nếu được phát hiện sớm thì ung thư đại trực tràng có thể điều trị khỏi hoàn toàn và tỷ lệ thành công cao hơn so với  các loại ung thư khác. Vì vậy,  tầm soát ung thư đại trực tràng là vô cùng quan trọng để tìm ra bệnh ở giai đoạn tiền ung thư hoặc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi đó chưa có triệu chứng gì cả và còn có khả năng chữa trị triệt để. Khi đã có các dấu hiệu hay triệu chứng – thí dụ như đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, chảy máu, táo bón hay tiêu chảy – thì phải cần đến  các  thử  nghiệm  khác tập trung vào các triệu chứng đó. Trong nhiều trường hợp, tầm soát còn giúp phát hiện và cắt bỏ được những polyp (còn gọi là u nhú) qua nội soi trước khi chúng phát triển thành ung thư thực sự.

TẦM SOÁT UNG THU ĐẠI TRỰC TRÀNG

CÁC PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

  1. Các xét nghiệm tìm máu  ẩn trong phân (TMÂTP)

Có 3 phương pháp:

Phương pháp phết kính guaiac (gFOBT)

Quan sát tiêu bản phân dưới kính hiển vi để kiểm tra xem có máu trong phân hay không, kể cả khi không nhìn thấy phân đen bằng mắt thường. Phương pháp này có thể không hoàn toàn chính xác nhưng đó là một xét nghiệm tầm soát nhanh chóng, rẻ tiền và tiện lợi để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Nếu kết quả dương tính, cần phải thực hiện tiếp nội soi đại tràng để kiểm tra xem có polyp hay ung thư không.

  • Miếng thử mua không cần toa (flushable reagent pad method)

Sau khi đi tiểu, xả nước bàn cầu. Đi cầu xong, thả miếng thử vào trong bàn cầu, đợi chừng 2 phút. Nếu có máu ẩn trong phân thì miếng này sẽ đổi màu, nhận định kết quả dựa theo các tiêu chuẩn ghi trên bao bì.

  • Thử nghiệm miễn dịch-hóa học của phân (iFOBT / FIT) Sử dụng các kháng thể kháng lại hemoglobin người để phát hiện máu trong phân. Cần chú ý là thử nghiệm này chỉ phát hiện được hemoglobin của máu người nên các nguồn khác đưa đến máu trong phân, ví dụ ăn các thức ăn có máu gia cầm hay gia súc, sẽ không cho kết quả dương tính; hơn nữa, máu chảy từ đường tiêu hóa trên hay từ mũi-miệng sẽ bị phân hủy khi đi xuống thấp nên cũng không dương tính với FIT. Do đó FIT đặc hiệu hơn gFOBT.

Có một điều cần lưu ý: chảy máu từ các polyp hay u thường không liên tục mà chảy từng lúc nên không có máu trong tất cả các mẫu phân, bởi vậy phải lấy nhiều mẫu phân trong vòng 3 ngày để tăng khả năng phát hiện các chảy máu này.

Thử nghiệm TMÂTP thường lặp lại mỗi năm một lần.

  1. Chụp Barium đại tràng cản  quang kép.

Trước đây khi chưa có chụp cắt lớp, phương pháp này  thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý tân sinh ở đại tràng. Tuy nhiên, hiện nay ít được sử dụng trong tầm soát ung thư đại trực tràng do kỹ thuật phức tạp đòi hỏi kỹ thuật viên có kinh nghiệm, bệnh nhân phải hợp tác giữ thuốc, các tai biến liên quan thuốc cản quang… trong  khi  giá trị chẩn đoán so với các phương tiện khác không tốt hơn.

Để thực hiện kỹ thuật này, thuốc cản quang được đưa vào  lòng ruột già qua ống thông đặt vào hậu môn. Có thể bơm thêm không khí để tăng độ tương phản (còn gọi là cản quang kép). Nhờ chất cản quang, toàn bộ khung đại tràng sẽ được hiện hình từ đó phát hiện các thương tổn. Kỹ thuật này mất khoảng 30-60 phút tùy mức độ hợp tác của bệnh nhân.

  1. Nội soi ảo đại tràng (hay còn gọi là chụp cắt lớp dựng hình đại tràng)

Thủ thuật này giúp kiểm tra toàn bộ đại tràng để tìm các polyp hay khối u đã có kích thước thường là từ 6 mm trở lên. Bằng việc sử dụng  máy CT và các phương pháp điện toán mới để tạo dựng hình ảnh khối, các bác sĩ chẩn đoán hình  ảnh có thể khảo sát lòng đại tràng mà không cần tới ống nội soi và không cần gây mê. Các hình ảnh thu thập được xử lý qua 2D, 3D và  xẻ cắt dọc, giúp bác sĩ dễ dàng  quan sát lòng đại tràng như qua một camera. Sự hỗ trợ của một phần mềm chuyên dụng giúp hình ảnh đọc được một cách rõ hơn, hạn chế tối đa sai sót. Tuy nhiên vì là hình ảnh tái tạo, nên có thể cho kết quả âm tính giả (bỏ sót thương tổn nhỏ) hay dương tính giả. Vì thế phương pháp này không thể thay thế hoàn toàn cho nội soi đại tràng. Nếu kết quả chụp cắt lớp dựng hình đại tràng phát hiện có polyp hay khối u thì bạn cần phải thực hiện nội soi đại tràng sau đó để cắt polyp hay sinh thiết khối u để kiểm tra giải phẫu bệnh.

Chụp cắt lớp sẽ cho các  hình xuyên ngang các tạng của bụng. Để có các hình rõ hơn, đưa một catête nhỏ vào trực tràng và bơm thêm không khí hay  CO2  vào trong đại tràng.

Kỹ thuật này mất khoảng 10 phút và thường lặp lại sau mỗi 5 năm.

  1. Nội soi trực tràng và đại tràng sigma

Thủ thuật này nhằm kiểm tra trực tràng và đại tràng sigma để xác định xem có polyp hay khối u không. Bác sĩ thực hiện thủ thuật bằng cách đưa qua hậu môn một ống nhỏ, mềm, có gắn camera để quan sát bên trong trực tràng và đại tràng sigma. Thông thường chỉ cần thụt tháo một lần trước khi nội soi và không cần gây mê. Phương pháp này chỉ tầm soát được phần cuối của đại  tràng,  2/3  các trường hợp ung thư đại trực tràng tập trung ở vùng này. Nếu phát hiện polyp hay khối u thì bác sĩ có thể cắt bỏ polyp hoặc sinh thiết khối u để kiểm tra giải phẫu bệnh.

  1. Nội soi toàn bộ đại tràng

Đây là phương pháp chẩn đoán trực tiếp tốt và nhạy nhất cho các thương tổn của đại trực tràng. Sử dụng một ống dài, mềm, dễ uốn (ống soi đại tràng) đưa vào trực tràng. Đầu ống có một  camera nhỏ giúp bác sĩ phát hiện các biến đổi hay các bất thường khác bên trong toàn bộ khung đại  tràng. Mô bất thường hay polyp sẽ được lấy sinh thiết qua ống soi.

Ưu điểm: có thể quan sát được các u tân sinh nhỏ vài milimet mà hầu hết các phương  pháp  khác bỏ sót; kết hợp làm sinh thiết hoặc làm thủ thuật như cắt polyp, phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi, cắt bỏ niêm mạc qua nội soi. Tuy nhiên bệnh nhân cần phải chuẩn bị ruột để trường quan sát được tốt hơn, một số trường hợp cần tiền mê. Vì vậy, nội soi thường chỉ thực hiện trên đối tượng có nguy cơ cao chứ không thực hiện thành thường quy cho số đông.

Nội soi toàn bộ đại tràng mất khoảng 30-60 phút. Thường  lặp lại sau mỗi 10 năm, nếu soi không thấy gì bất thường và bạn không có tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

  1. Các thử nghiệm tầm soát mới hiện nay

  • Thử nghiệm DNA trong phân, còn có tên là thử nghiệm Cologuard

Phát hiện chính xác ung thư đại trực tràng và các u tuyến lớn. Là một phương pháp mới,  không xâm hại, dùng để tìm ung thư đại trực tràng cho những người muốn được tầm soát mà không muốn phải chuẩn bị đại tràng cũng như các thử nghiệm khác như soi đại tràng… Thử nghiệm này tìm các biến đổi gien mà đôi khi thấy trong các tế bào ung thư đại trực tràng. Có thể giúp phát hiện bệnh sớm trước khi có triệu chứng. Sau khi phát hiện ung thư hay tiền ung thư, cần tiến hành tiếp nội soi đại tràng để chứng thực ung thư và có thể cắt bỏ các polyp.

  • Xét nghiệm tìm Septin 9 trong máu

Gien Septin 9 methyl-hóa là một chỉ điểm sinh học nhạy và đặc hiệu cho mọi ung thư đại trực tràng ở mọi vị trí. Trong nhiều bệnh có khối u, dạng methyl-hóa của một số gien có thể thay đổi. Trong ung thư đại trực tràng, gien Septin9 methyl-hóa ở một số vùng khởi xướng trong khi nó không được methyl-hóa ở các tế bào của niêm mạc ruột lành. DNA methyl- hóa có thể được phát  hiện  bởi xét nghiệm máu tìm Septin 9. Chỉ cần rút máu duy nhất một lần. Xét nghiệm này thường lặp lại  sau mỗi 3 năm.

Nếu kết quả này dương tính, cần phải làm tiếp nội soi đại tràng để kiểm tra xem có polyp hay ung thư   không.

AI VÀ KHI NÀO CẦN TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Bạn thuộc nhóm nguy cơ cao nếu:

  • Có tiền sử ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến.
  • Có tiền sử mắc các bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn).
  • Gia đình có tiền sử rõ ràng của bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp.
  • Gia đình có tiền sử di truyền triệu chứng ung thư đại trực tràng như đa polyp tuyến có tính gia đình hoặc hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng di truyền không polyp).

Bạn thuộc nhóm nguy cơ trung bình:

Từ 50-75 tuổi không có triệu chứng

  • Thay đổi thói quen đi cầu (tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài)
  • Chảy máu tiêu hóa dưới (đi cầu ra máu)
  • Đau bụng không xác định được nguyên nhân
  • Thiếu máu thiếu sắt không xác định được nguyên nhân

Theo khuyến cáo của các hiệp hội điều trị ung thư uy tín (National Comprehensive Cancer Network

  • NCCN, American Cancer Society - ACS, American College of Physicians - ACP, American College of Gastroenterology - ACG), hầu hết thống nhất:
  • Đối với nhóm nguy cơ cao: Chỉ định tầm soát từ 40 tuổi hoặc trước 10 năm so với tuổi khởi phát ung thư đại trực tràng trong gia đình. Cần chỉ định nội soi  đại tràng ngay từ lần đầu tiên
  • Đối với nhóm nguy cơ trung bình, hoặc bệnh nhân có yêu cầu tầm soát : Chỉ định TMÂTP, nội soi trực tràng-đại tràng sigma hoặc soi toàn bộ đại tràng (tùy ưu khuyết điểm của phương tiện, tình trạng y tế cơ sở, chọn lựa của bệnh nhân).
  • Khoảng cách theo dõi mỗi 10 năm với soi toàn bộ  đại  tràng; mỗi 5 năm với soi đại tràng sigma ống mềm, chụp barium đại tràng đối quang kép và chụp CT dựng hình đại tràng; mỗi  3  năm  với thử nghiệm DNA của phân; hàng năm với các phương pháp TMÂTP.

Không cần thiết tầm soát cho người trên  75  tuổi  hoặc  người có tuổi thọ kỳ vọng sống dưới 10 năm.

Xem thêm bài viết tại đây.

Nguồn: TS. BS. Nguyễn Hữu Thịnh, ThS. BS. Trần Đức Huy - Tạp Chí Sống Khỏe -  BV ĐH Y Dược Tp.HCM.

Đang xem: TẦM SOÁT UNG THU ĐẠI TRỰC TRÀNG

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng