1. TỔNG QUAN
Bệnh động mạch vành (BĐMV) làm giảm dòng máu trong các mạch máu cung cấp máu cho tim. BĐMV là bệnh hay gặp nhất của tim và ảnh hưởng đến 16,5 triệu người Mỹ trên 20 tuổi.
Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu của tử vong cho cả hai giới ở Hoa Kỳ. Người ta ước lượng cứ mỗi 40 giây có một người bị lên cơn đau tim. Cơn đau tim có thể xảy ra do BĐMV không được kiểm soát.
2. CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA BĐMV
Nguyên nhân thường gặp nhất của BĐMV là tổn thương mạch do một mảng cholesterol tích tụ trong các động mạch vành, bệnh này được gọi là chứng xơ mỡ động mạch. Dòng máu giảm sút khi có một hay nhiều hơn các động mạch này bị tắc bán phần hay hoàn toàn.
Có 4 động mạch vành chính yếu nằm trên bề mặt tim:
• Động mạch vành chính phải
• Động mạch vành chính trái
• Động mạch mũ trái
• Động mạch đi xuống trái trước
Những động mạch này mang ôxy và chất bổ dưỡng trong máu đi đến tim. Tim là một khối cơ có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể. Một trái tim khỏe mạnh bơm khoảng 3.000 ga-lông máu mỗi ngày cho khắp cơ thể (ga-lông là đơn vị đo dung tích, bằng 4,546 lít ở Anh hoặc 3,785 lít ở Hoa Kỳ).
Nếu dòng máu đi đến tim bị giảm sút thì có thể gây ra các triệu chứng của BĐMV.
Các nguyên nhân hiếm gặp khác do động mạch vành bị tổn thương hay bị tắc cũng làm hạn chế dòng máu đi đến tim.
3. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BĐMV
Khi tim không nhận đủ máu động mạch, bạn có thể cảm thấy một số triệu chứng. Đau thắt ngực là triệu chứng hay gặp nhất của BĐMV. Có thể gặp:
- Đau ngực
- Tức nặng
- Bó chặt
- Nóng bỏng
- Vắt ép
Các triệu chứng này cũng có thể nhầm với chứng ợ nóng hoặc ăn không tiêu.
Các triệu chứng khác của BĐMV bao gồm:
- Đau ở hai tay hay hai vai
- Khó thở
- Ra mồ hôi
- Hoa mắt, choáng váng
Bạn có thể có các triệu chứng khác nữa khi dòng máu của bạn bị hạn chế nặng hơn. Nếu bị tắc hoàn toàn hay gần hoàn toàn, tim bạn bắt đầu chết nếu không thể hồi phục. Đây là một cơn đau tim (heart attack).
Không được bỏ sót bất cứ một triệu chứng nào, nhất là khi không thể nào chịu đựng nổi hay kéo dài quá 5 phút. Điều trị thuốc ngay lập tức nếu cần thiết.
4. Các triệu chứng của BĐMV ở phụ nữ
Phụ nữ cũng có thể gặp các triệu chứng nói trên nhưng dường như là ở họ hay gặp hơn:
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau lưng
- Đau hàm
- Khó thở mà không cảm thấy đau ngực
Nam giới có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn so với phụ nữ tiền mãn kinh. Phụ nữ sau mãn kinh ở tuổi 70 có cùng nguy cơ như nam giới.
Do giảm dòng máu, tim cũng có thể bị:
- Tim trở nên yếu
- Nhịp tim bất thường (tim loạn nhịp) hay
- Không thể bơm đủ máu cho các nhu cầu của cơ thể.
5. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CHO BĐMV
Hiểu biết các yếu tố nguy cơ cho BĐMV có thể giúp bạn đặt kế hoạch đề phòng hay giảm thiểu khả năng phát triển bệnh.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Cao huyết áp
- Cholesterol–máu cao
- Hút thuốc
- Kháng insulin / đường-huyết cao / đái tháo đường
- Béo phì
- Ít hoạt động
- Thói quen ăn uống không lành mạnh
- Ngừng thở, tắc thở khi ngủ
- Tâm trạng căng thẳng do cảm xúc
- Bệnh sử tiền kinh giật khi mang thai
Nguy cơ BĐMV cũng tăng theo tuổi. Nếu chỉ căn cứ trên tuổi là yếu tố nguy cơ thì nam giới có nguy cơ bị mạch vành bắt đầu từ tuổi 45 và ở nữ giới bắt đầu từ tuổi 55. Nguy cơ BĐMV cũng cao hơn khi trong gia đình có người bị.
CHẨN ĐOÁN BĐMV
Bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, cho làm các khám nghiệm thực thể và các xét nghiệm máu thông thường. Các nghiệm pháp chẩn đoán cần thiết có thể bao gồm:
- Điện tâm đồ. Ghi các tín hiệu điện đi qua tim. Điện tim thường có thể phát hiện bằng chứng của một cơn đau tim trước đó hay một cơn đau tim đang tiến triển.
- Trong những trường hợp khác, mang Holter được khuyến cáo. Trong typ này của điện tim, bạn được mang máy đo huyết áp liên tục trong 24 giờ kể cà khi làm các hoạt động bình thường. Một số bất thường có thể cho thấy dòng máu đi đến tim bạn không đủ.
- Siêu âm tim. Siêu âm tim sử dụng các sóng âm để tạo ra các hình ảnh của tim bạn. Qua đó, bác sĩ có thể xác định xem tất cả các phần của vách tim liệu có đóng góp một cách bình thường cho hoạt động bơm máu của tim bạn hay không. Các phần hoạt động yếu có thể do bị tổn thương bởi cơn đau tim hoặc vì tiếp nhận quá ít dưỡng khí. Điều này có thể chứng tỏ bệnh của động mạch vành hay do các tình trạng khác.
- Nghiệm pháp gắng sức. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng hay xảy ra nhất là khi tập thể dục, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi trên băng chuyền hay đạp xe tại chỗ khi làm điện tim. Điều này được gọi là nghiệm pháp gắng sức. Trong một số trường hợp, có thể thay bài tập bằng sử dụng thuốc kích thích tim tăng hoạt động mạnh.
Một vài nghiệm pháp gắng sức được tiến hành cùng với siêu âm tim. Ví dụ, bác sĩ của bạn có thể dùng siêu âm trước và sau khi bạn tập trên băng chuyền hay trên xe đạp. Hoặc bác sĩ có thể dùng một số thuốc kích thích tim khi làm siêu âm tim.
Một nghiệm pháp gắng sức khác được biết dưới tên gọi nghiệm pháp gắng sức hạt nhân dùng để đo dòng máu đi đến tim của bạn lúc nghỉ và khi gắng sức. Nó giống với nghiệm pháp tập gắng sức thông thường nhưng thêm vào các hình ảnh ghi điện tim. Chất phóng xạ đánh dấu được tiêm vào máu của bạn và các máy chụp đặc hiệu có thể phát hiện các vùng của tim nhận được dòng máu kém hơn.
- Thông tim và chụp mạch máu. Để thấy được dòng máu đi qua tim, bác sĩ có thể tiêm một chất nhuộm đặc biệt vào các động mạch vành của bạn. Đây gọi là chụp mạch máu. Chất màu được tiêm vào các động mạch của tim qua một catête dài, mảnh và dễ uốn được chọc vào một động mạch, thường là ở cẳng chân, và đẩy lên các động mạch của tim.
Phương pháp này được gọi là thông tim. Chất màu cho thấy nét ngoài các đốm hẹp và các chỗ tắc trên các hình X-quang. Nếu bạn có một chỗ tắc cần được điều trị, một ống nong (stent) được đưa vào catête và bơm phồng lên để cải thiện dòng máu trong các động mạch vành của bạn. Ống nong giữ cho động mạch được giãn to.
- Hình cắt lớp của tim. Các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính có thể giúp cho bác sĩ thấy được các lắng đọng can-xi trong các động mạch mà có thể gây hẹp các động mạch. Nếu phát hiện một lượng quan trọng can-xi, có khả năng là bạn bị bệnh động mạch vành.
Chụp CT động mạch vành có được khi tiêm một chất tương phản vào tĩnh mạch cũng có thể cung cấp hình ảnh các động mạch của tim bạn.
ĐIỀU TRỊ BĐMV
Điều trị bệnh động mạch vành thường bao gồm các thay đổi lối sống và nếu cần thì dùng các thuốc và các phương pháp y khoa.
Thay đổi lối sống
Các thay đổi sau đây để có một lối sống lành mạnh có thể giúp làm cho các động mạch được khỏe mạnh hơn:
- Bỏ hút thuốc. Hút thuốc là một nguy cơ lớn cho bệnh động mạch vành: nicotine làm co mạch khiến cho tim phải làm việc nặng nhọc hơn và carbon monoxide làm giảm ôxy trong máu gây tổn thương cho nội mạc các mạch máu.
- Kiểm soát huyết áp của bạn. Hỏi bác sĩ của bạn các vấn đề về huyết áp, ít nhất là mỗi hai năm. Phải đo thường xuyên hơn nếu huyết áp của bạn cao hơn bình thường.
- Kiểm soát cholesterol của bạn. Hỏi bác sĩ về số đo cholesterol bình thường khi bạn dưới 60 tuổi và sau đó ít nhất mỗi 5 năm. Đặc biệt số đo lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL cholesterol hay cholesterol “xấu”) phải < 130 mg/dL, hoặc < 3,4 millimoles/L. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim, LDL cholesterol < 100 mg/dL (2,6 mmol/L).
- Kiểm soát chặt chẽ đái tháo đường. Nếu bạn bị đái tháo đường, kiểm soát và xử trí kịp thời mức đường-huyết có thể giúp bạn giảm nguy cơ của bệnh tim.
- Ăn các thức ăn có lợi cho sức khỏe. Chủ yếu ăn rau, củ, quả, lúa mì, gạo, ngũ cốc. Lượng mỡ bão hòa, cholesterol và sodium thấp có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol. Mỗi tuần ăn 1 – 2 phần nhỏ (serving) cá. Tránh dùng mỡ bão hòa, mỡ chuyển hóa, dư thừa muối, dư thừa đường.
Nếu bạn uống rượu, phải biết tiết chế: một liều uống (one drink) mỗi ngày cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi và cho nam giới tuổi trên 65, dưới hai liều mỗi ngày cho nam giới tuổi 65 hay thấp hơn. Một liều uống là 12 ounces bia, 5 ounces rượu vang hay 1,5 ounces rượu chuẩn (1 ounce bằng 28,35 g).
- Tập luyện đều đặn. Giúp giữ cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát được đái tháo đường, tăng cholesterol, và cao huyết áp – mọi thứ này đều có nguy cơ cho bệnh động mạch vành. Mỗi tuần tập thể lực vừa phải trong khoảng 150 phút. Ví dụ, cố gắng đi bộ mỗi ngày khoảng 30 phút cho đa số hay tất cả các ngày trong tuần.
- Không để thừa cân. Thừa cân làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành. Chỉ cần kéo giảm một phần nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm nguy cơ bệnh động mạch vành.
- Giảm tâm trạng căng thẳng. Giảm được càng nhiều càng tốt. Xử lý căng thẳng bằng cách thư giãn các cơ và thở sâu.
- Thuốc
- Các thuốc làm thay đổi cholesterol. Bằng cách làm giảm lượng cholesterol trong máu, nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL hay cholesterol “xấu”), các thuốc này làm giảm thành phần nguyên thủy lắng đọng trong các động mạch vành. Bác sĩ có thể lựa chọn giữa: các statin, niacin, các fibrate và các chất khử acid mật.
- Aspirin. Bác sĩ có thể khuyến cáo dùng hàng ngày aspirin hay một thuốc làm loãng máu khác. Các thuốc này có thể làm giảm xu hướng đông máu nên có thể ngăn cản làm tắc các động mạch vành.
- Nếu bạn đã từng có một cơn đau tim, aspirin có thể giúp đề phòng các cơn đau sau đó. Có một số trường hợp mà aspirin không thích hợp, ví dụ như bạn có rối loạn chảy máu hoặc bạn đã có sử dụng một thuốc làm loãng máu khác, cần tham khảo bác sĩ trước khi bắt đầu dùng aspirin.
- Các thuốc ngăn chận beta. Các thuốc này làm chậm nhịp tim và làm giảm huyết áp, do đó làm cho tim giảm nhu cầu về ôxy. Nếu bạn đã từng bị cơn đau tim, các thuốc ngăn chận beta làm giảm nguy cơ của các cơn về sau.
- • Các thuốc ngăn chận kênh can-xi. Các thuốc này có thể dùng cùng các thuốc ngăn chận beta khi các thuốc ngăn chận beta dùng đơn độc không có hiệu quả hoặc dùng thay cho các thuốc ngăn chận beta khi bạn không thể dùng nó.
- Ranolazine. Thuốc này có thể giúp cho người bị đau thắt ngực. Có thể kê toa cùng với thuốc ngăn chận beta hoặc thay cho thuốc ngăn chận beta nếu bạn không thể dùng nó.
- Nitroglycerin. Nitroglycerin dạng thuốc viên, thuốc xịt hay các miếng dán có thể kiểm soát cơn đau ngực bằng cách làm giãn tạm thời các động mạch vành và làm cho tim giảm nhu cầu về máu.
- Các thuốc ức chế men chuyển angiotensin và các thuốc ngăn chận thụ quan angiotensin II. Các thuốc này làm giảm huyết áp và có thể giúp đề phòng sự tiến triển của bệnh động mạch vành.
CÁC PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI VÀ CẢI THIỆN DÒNG MÁU
Đôi khi phải dùng đến một điều trị xâm lấn hơn khi cần thiết. Dưới đây là một vài lựa chọn:
- Tạo hình mạch máu bằng bóng và đặt ống nong hay tái tạo mạch vành qua da. Bác sĩ đưa một catête dài, mảnh vào đến đoạn hẹp của động mạch. Sợi dây kim loại và bóng xẹp hơi được đưa vào theo catête tới đoạn hẹp. Rồi bơm phồng bóng, ép các chất lắng đọng vào các thành của động mạch.
Ống nong thường được để lại trong động mạch giúp cho động mạch luôn mở. Đa số các ống nong loại phóng thích thuốc chậm giúp giữ cho các động mạch luôn mở.
• Phẫu thuật nối tắt động mạch vành. Phẫu thuật viên dùng mạch máu ở một nơi khác trong cơ thể bạn để làm một đoạn ghép nối tắt các động mạch vành bị tắc hay bị hẹp. Đoạn ghép làm cho máu chảy vòng quanh động mạch vành bị tắc hay bị hẹp. Vì phẫu thuật này đòi hỏi phải mổ tim-mở nên nó thường được giành cho các trường hợp mà các động mạch vành bị hẹp ở nhiều chỗ.
TRIỂN VỌNG THẾ NÀO CHO BĐMV?
Triển vọng cho BĐMV khác nhau cho từng người. Bạn có nhiều khả năng hơn trong việc đề phòng tổn thương tim của bạn lan rộng nếu bạn có thể bắt đầu sớm hơn việc điều trị hoặc thay đổi lối sống.
Tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ là rất quan trọng trong sử dụng thuốc cũng như thay đổi lối sống. Nếu bạn có nguy cơ BĐMV cao hơn, bạn cần phải giảm bớt những nguy cơ này.
-------------------------------------------------
Bảng các thuật ngữ chuyên môn Việt-Anh được sử dụng trong bài viết:
Bệnh động mạch vành / Coronary Artery Disease – CAD; Bó chặt / Tightness; Các thuốc chẹn beta / Beta blockers; Các thuốc chẹn kênh can-xi / Calcium channel blockers; Các thuốc ức chế men chuyển angiotensin / Angiotensin-converting enzyme inhibitors; Các thuốc chẹn thụ thể angiotensin II / Angiotensin II receptor blockers (ARBs); Chụp cắt lớp vi tính / Computerized tomography – CT; Chứng ợ nóng / Heartburn; Xơ vữa động mạch / Atherosclerosis; Cơn đau tim / Heart attack; Đau ngực / Chest pain; Đau thắt ngực / Angina; Đặt ống nong /Stent placement; Điện tâm đồ / Electrocardiography; Hoa mắt, choáng váng / Dizziness; Loạn nhịp tim / Arrythmia; Lipoprotein tỷ trọng thấp / LDL cholesterol; Mỡ bão hoà / Saturated fat; Mỡ chuyển hoá / Trans fat; Nghiệm pháp gắng sức / Stress test; Phẫu thuật nối tắt động mạch vành / Coronary artery bypass surgery; Siêu âm tim/ Echocardiogram; Tái tạo mạch vành qua da / Percutaneous coronary revascularization; Tạo hình mạch máu bằng bóng/ Balloon angioplasty; Thông tim và chụp mạch máu / Cardiac catheterization and angiogram.
---------------------------------------------------
(Nguồn: BS Bùi Ngọc Minh Tâm - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)
Xem thêm các bài viết hữu ích khác tại đây.
Viết bình luận