Rối loạn lipid máu (Máu nhiễm mỡ) là gì?
Tình trạng Rối loạn lipid máu hay còn gọi là máu nhiễm mỡ do hàm lượng các chất mỡ tồn tại trong máu khá cao. Trong đó, chủ yếu gồm có Cholesterol, Triglyceride và một số thành phần khác. Khi nồng độ Cholesterol và Triglyceride tăng cao đột ngột sẽ làm giảm hàm lượng mỡ máu tốt trong cơ thể (HDL - Cholesterol), gây ra tình trạng rối loạn mỡ trong máu.
Dấu hiệu bị rối loạn lipid máu (Máu nhiễm mỡ)
Rối loạn lipid máu là một quá trình chuyển biến sinh học, xảy ra sau một thời gian dài mà không thể nhận biết được. Do đó, tình trạng này hiếm có những triệu chứng đặc trưng. Phần lớn các biểu hiện lâm sàng của rối loạn lipid máu chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng ở các cơ quan như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, các ban vàng ở mi mắt, khuỷu tay, đầu gối,... Ngoài ra, khi nồng độ triglyceride tăng quá cao trong máu, làm huyết tương đục như sữa và có thể gây viêm tụy cấp tính, ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, rối loạn lipid máu thường được phát hiện muộn trong nhiều bệnh lý khác nhau của nhóm bệnh tim mạch - nội tiết - chuyển hóa.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn lipid máu (Máu nhiễm mỡ)
Do chế độ ăn
- Ăn quá nhiều mỡ động vật
- Ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều Cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần,…)
- Chế độ ăn thừa năng lượng (béo phì)
Do di truyền
- Tăng Cholestero; gia đình
- Rối loạn lipid máu
- Tăng Cholesterol máu do rối loạn hỗn hợp gen
Thứ phát
- Hội chứng thận hư
- Suy giáp
- Đái tháo đường
- Bệnh lý gan tắc nghẽn
- Một số bệnh gây rối loạn prorein máu
Triệu chứng của bệnh rối loạn lipid máu (Máu nhiễm mỡ)
Các biểu hiện bên ngoài của tăng lipid máu
- Cung giác mạc: Màu trắng nhạt, hình vòng tròn hoặc không hoàn toàn, định vị quanh mống mắt. Dấu hiệu này thường có giá trị đối với người dưới 50 tuổi.
- Ban vàng: Nằm ở mí mắt trên hoặc dưới, khu trú hoặc rải rác.
- U vàng gân: Nằm ở gân duỗi của các ngón, gân gót chân và vị trí các khớp đốt bàn ngón tay.
- U vàng dưới màng xương: Tìm thấy ở củ chày trước, trên đầu xương của mỏm khuỷu, ít gặp hơn u vàng gân.
- U vàng da: Nằm ở khuỷu hay đầu gối.
- Dạng ban vàng lòng bàn tay: Phân bố ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay.
Các biểu hiện trên nội tạng của tăng lipid máu
- Xơ vữa động mạch: Đây là biểu hiện thường gặp nhất và cũng là biểu hiện đáng lo ngại nhất của tăng lipoprotein. Tình trạng này thường là không biết rối loạn lipid máu trước đó và có thể kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như thuốc lá, đái tháo đường. Tổn thương động mạch tại tim gây nhồi máu cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ, tại não gây nhồi máu não với biểu hiện nói đớ, yếu liệt tay chân,...
- Nhiễm lipid võng mạc: Thấy được khi soi đáy mắt, gặp trong tình huống triglycerides máu cao.
- Gan nhiễm mỡ: Từng vùng hoặc toàn bộ gan, phát hiện qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp, thường kèm tăng triglycerides máu.
- Viêm tụy cấp: Thường gặp khi triglycerides trên 10 gam/L, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn ói nhiều, đôi khi kèm theo sốt.
Phác đồ điều trị bệnh rối loạn lipid máu
Nguyên tắc điều trị: phụ thuộc vào từng cá thể bệnh nhân trên cơ sở đánh giá tình trạng rối loạn Lipid máu và các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.
Chế độ ăn và sinh hoạt: Dùng chế độ ăn giảm Cholesterol và Calo (nếu béo phì)
- Bước 1: thành phần dinh dưỡng ăn hàng ngày có lượng acid béo bão hòa <10%, tổng số các chất béo không quá 30% và lượng Cholesterol phải < 300mg/ngày. Tức là tránh hoặc giảm các chất mỡ động vật, trứng, sữa nguyên, phủ tạng động vật, các loại phomai, kem,… Tăng cường ăn hoa quả tươi, rau và các loại ngũ cốc với lượng tinh bột chiếm 55-60% khẩu phần.
- Bước 2: áp dụng khi thực hiện bước 1 6-12 tuần mà không có kết quả. Giảm tiếp lượng acid béo bão hòa xuống 7% khẩu phần và lượng Cholesterol <200mg/ngày.
Điều trị bằng thuốc
- Các nhóm thuốc:
- Các loại resins gắn acid mật
- Nicotinic acid (Niacin)
- Thuốc ức chế men HMG – CoA Redutase
- Các dẫn xuất fibrat
- Điều trị thay thế bằng hormomn sinh dục nữ (Estrogen)
- Kết hợp thuốc: có thể dùng 2 loại thuốc ở 2 nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu khác nhau. Sự kết hợp tốt nhất là giữa Statin và Niacin.
- Theo dõi khi dùng thuốc: Cần kiểm tra Cholesterol và TG máu mỗi 3-4 tuần điều trị. Việc điều chỉnh và tuân thủ chế độ ăn phải luôn được bảo đảm.
Cách phòng ngừa bệnh rối loạn lipid máu (Máu nhiễm mỡ)
Rối loạn lipid máu là một căn bệnh đáng lo ngại do những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Theo các bác sĩ, dù có những dấu hiệu rối loạn lipid máu hay không thì mọi người vẫn nên thực hiện những biện pháp sau đây để đẩy lùi hoặc hạn chế khả năng mắc bệnh:
Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh: ngủ đủ giờ - đúng bữa, ăn đủ bữa, tham gia các hoạt động giải trí - thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh.
Luyện tập thể dục mỗi ngày và từ bỏ những thói quen không tốt cho sức khoẻ như uống nhiều bia rượu hoặc hút thuốc lá. Nhằm nâng cao sức đề kháng, đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Lưu ý trong điều trị bệnh rối loạn lipid máu (Máu nhiễm mỡ)
- Chế độ tiết thực hợp lý.
- Tăng cường vận động-tập luyện thể lực.
- Xét nghiệm lipid máu định kỳ, nhất là đối với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, béo phì…
- Khi đã phát hiện có rối loạn lipid máu nên điều trị sớm.
Viết bình luận