Tình trạng bệnh hẹp van động mạch chủ sẽ gây nên việc cản trở sự lưu thông của dòng máu chứa oxy và các dưỡng chất tới các bộ phận trong cơ thể. Đây là 1 trong 4 loại bệnh van tim thường gặp nhất và có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Động mạch chủ là gì? Hẹp van động mạch chủ là gì?
- Động mạch chủ (ĐMC) là phần động mạch lớn nhất trong cơ thể có nhiệm vụ đưa máu từ tim đi nuôi các bộ phận trên toàn bộ cơ thể. Kích thước bình thường của động mạch chủ ngực tăng dần cùng với tuổi bệnh nhân và nằm trong khoảng từ 2 - 3,5 cm. Nó là phần động mạch chủ nằm ở ngực, phía trước cột sống, cấp máu cho các bộ phận nhu: Tim, não, đầu cổ, cột sống.
- Hẹp van động mạch chủ (HC) là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường tống máu của thất trái. Đây là căn bệnh thường gặp nhất về van tim, chiếm khoảng 1/4 số ca mắc bệnh về van tim với hơn 80% các bệnh nhân hẹp van động mạch chủ là nam giới. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác bao gồm: Hẹp dưới van động mạch chủ do màng xơ, hẹp dưới van động mạch chủ do cơ tim phì đại và hẹp trên van động mạch chủ.
Nguyên nhân gây bệnh
- Bẩm sinh: Dạng hẹp van ĐMC thường hay gặp nhất ở người lớn. Do sự cấu tạo bất thường của van tim từ khi mới sinh ra như van 2 lá (chiếm khoảng 1 - 2% dân số), chủ yếu ở nam giới. Những người bị dính lá van, van một cánh... Theo thời gian van động mạch chủ thường thoái hóa và vôi hóa sớm hơn người thường.
- Hẹp van động mạch chủ mắc phải:
- Hẹp van tim do thoái hóa và vôi hóa là bệnh thường gặp nhất và độ tuổi nổi trội khi mắc bệnh này rơi vào những người cao tuổi khoảng 70 – 80 tuổi. Tuổi thọ càng tăng sẽ làm cho van động mạch chủ bị vô hóa, các mảng cholesterol đóng ở van tim, gây ra nhiều vấn đề về tim mạch trong đó có hẹp van động mạch chủ. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành thúc đẩy nhanh quá trình vôi hóa ở các lá van bị thoái hóa.
- Do thấp tim: Thấp tim kèm theo bệnh van 2 lá, thấp tim gây xơ hóa, vôi hóa, dính các lá van và mép van của động mạch chủ, dày bờ lá van nhất là tại bờ.
Các triệu chứng thường gặp
Triệu chứng cơ năng
Một số triệu chứng sau chỉ xuất hiện đối với người bị hẹp van động mạch chủ ở mức độ nặng:
- Đau ngực: Do tăng tiêu thụ oxy cơ tim trong khi quá trình cung cấp oxy cho cơ tim bị giảm hoặc do xơ vữa động mạch vành. 25% số bệnh nhân không đau ngực đã có bệnh mạch vành, trong khi đó 40 - 80% số bệnh nhân HC đau ngực có kèm bệnh mạch vành
- Choáng váng, ngất: Triệu chứng này xảy ra do tắc nghẽn cố định đường tống máu từ thất trái, giảm khả năng tăng cung lượng tim. Người bệnh có thể bị tụt huyết áp nặng hơn sẽ dẫn đến choáng váng hoặc ngất.
- Suy tim: Do rối loạn chức năng tâm thu hoặc chức năng tâm trương. Xơ hóa tim dẫn đến giảm co bóp của tim. Các cơ chế bù trừ nhằm tăng thể tích lòng mạch sẽ làm tăng áp lực thất trái, tăng áp lực mao mạch phổi gây ứ huyết phổi. Các tình trạng gây rối loạn đỗ đầy thất trái như rung nhĩ hoặc tim nhanh đơn thuần cũng có thể gây biểu hiện suy tim
Triệu chứng thực thể
- Bắt mạch: Triệu chứng nổi bật là mạch cảnh nẩy yếu đến chậm (pulsus parvus et tardus) là dấu hiệu tốt nhất cho phép ước lượn mức độ HC tại giường.
- Sờ thấy mỏm tim đập rộng, lan tỏa nếu thất trái phì đại nhưng chưa lớn hẳn. Đối với một số trường hợp, sờ thấy mỏm tim đập đúp, tương ứng với sóng a hay tiếng T4 do thất trái giãn nở kém.
- Nghe tim: Các tiếng bệnh lý chính gồm
- Thổi tâm thu tống máu ở phía trên bên phải xương ức, lan lên cổ và đạt cường độ cao nhất vào đầu - giữa tâm thu. Mức độ hẹp van động mạch chủ ở mức độ càng nặng thì tiếng thổi càng dài, mạnh hơn và đạt cực đại chậm hơn.
- Tiếng T1 và T2 không thay đổi khi hẹp van động mạch chủ.
- Tiếng T3 là dấu hiệu chức năng tâm thu thất trái bị kém.
- Tiếng T4 xuất hiện do nhĩ trái co bóp tống máu vào buồng thất trái có độ dãn kém khi hẹp van động mạch chủ khít.
- Ngoài ra, còn có thể gặp các tiếng thổi của hở van động mạch chủ do hẹp thường đi kèm hở van.
- Nhịp tim nhanh lúc nghỉ ở bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng là một trong các dấu hiệu đầu tiên khi cung lượng tim giảm thấp.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán hẹp van ĐMC, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân mô tả đầy đủ chi tiết những triệu chứng mà người bệnh mắc phải cũng như tiền sử mắc bệnh của bản thân và gia đình. Một số xét nghiệm, cận lâm sàng được thực hiện giúp bác sĩ xác định tình trạng và mức độ tổn thương của van. Bao gồm:
- Điện tâm đồ: Giúp phát hiện phì đại thất trái và dày nhĩ trái. Hậu quả phổ biến nhất của hẹp van động mạch chủ.
- Chụp X-quang lồng ngực: Đánh giá tình trạng của lồng ngực và các khu vực lân cận
- Siêu âm Doppler tim: Phương pháp hàng đầu để chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng nhẹ của tình trạng hẹp van động mạch chủ. Thăm dò này thường được chỉ định khi bệnh nhân khám lâm sàng có tiếng thổi tim hoặc có các triệu chứng gợi ý của bệnh.
- Thông tim: Phương pháp này được thực hiện khi các xét nghiệm khác không có đủ khả năng để đánh giá hoặc phối hợp để làm tăng tính chính xác khi chẩn đoán bệnh.
- Nghiệm pháp gắng sức: Biên pháp được chỉ định cho các bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng, giúp cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho việc chẩn đoán hẹp van động mạch chủ.
Phương thức điều trị
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của van động mạch chủ và những ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe mà bạn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả cho tình trạng bệnh của bản thân.
- Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân để giúp hạn chế các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ suy tim.
Các loại thuốc này bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống loạn nhịp hoặc chống đông máu,...
Ngoài ra, một số loại thuốc kháng sinh cũng có thể được sử dụng cho các trường hợp bị hẹp van do thấp tim nhằm phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng nội tâm mạc và viêm cơ tim.
- Điều trị can thiệp nong van bằng bóng qua da
Phương pháp này đa phần chỉ được áp dụng cho trẻ em, những người cao tuổi không thể thực hiện phẫu thuật thay van hoặc để can thiệp tạm thời trong thời gian đợi thay van.
- Phẫu thuật mổ hở thay van
Đây là một trong những phương pháp điều trị tương đối an toàn và có tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên tuổi thọ của van và sự ảnh hưởng của nó còn phụ thuộc ít nhiều vào cơ địa cũng như sự tuân thủ theo điều trị của mỗi người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thay các loại van sau:
- Van sinh học: Dành cho những người từ 70 tuổi trở lên có sức khỏe yếu. Mặc dù loại van này không cần sử dụng thuốc chống đông dài ngày nhưng tuổi thọ của chúng khá ngắn và có thể gây ra các biến chứng như hở hoặc hẹp van trong vòng 10 năm.
- Van cơ học: Loại van này được làm bằng kim loại và có tuổi thọ cao. Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời nhằm hạn chế nguy cơ tạo huyết khối và một số biến chứng tắc mạch khác có thể xảy ra.
Cách phòng ngừa hẹp van động mạch chủ
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo và tăng cường các loại rau củ quả
- Tập thể dục thường xuyên đều đặn giúp duy trì vóc dáng khỏe mạnh
- Bỏ thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên thăm khám để phát hiện và điều trị sớm viêm họng do liên cầu, giúp tăng khả năng phòng ngừa nguy cơ thấp tim.
- Thực hiện đúng theo phác đồ điều trị và nên theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị để thông báo kịp thời cho bác sĩ
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối hoặc rau xanh thẫm (nếu bạn sử dụng thuốc chống đông để không làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc).
- Nên tái khám sức khỏe định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ để theo dõi tình trạng hẹp van cũng như phát hiện sớm các bất thường.
*Bài viết tham khảo Thực hành tim mạch của tác giả Gs. Nguyễn Lân Việt
Tham khảo thêm bài viết Thông liên thất
Viết bình luận