Hở van động mạch chủ (HoC) có hai loại: cấp tính và mạn tính. Được định nghĩa là tình trạng van tim đóng không kín làm một phần lượng máu sau khi được bơm vào động mạch chủ chảy ngược lại tâm thất trái. Bình thường van động mạch chủ gồm 3 lá van thanh mảnh đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất trái ra động mạch chủ.
Nguyên nhân gây bệnh
Tình trạng cấp tính:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Lóc tách động mạch chủ
- Chấn thương làm tổn thương các lá van: sau chấn thương gia tốc hoặc chấn thương ngực
- Sau can thiệp thủ thuật: biến chứng của thay van động mạch chủ qua da (TAVI)
Tình trạng mạn tính:
- Tổn thương van hậu thấp (thấp tim)
- Giãn gốc động mạch chủ, bệnh van động mạch chủ hai lá van, vôi hóa van
- Ngoài ra có thể gặp hở chủ ở bệnh nhân có bệnh lí di truyền như: hội chứng Marfan, hội chứng Ehler-Danlos,..
Triệu chứng bệnh
Tình trạng cấp tính:
Thường biểu hiện bằng suy tim cấp trên lâm sàng. Các biểu hiện gồm có:
- Khó thở mức độ nhiều,
- Phù phổi cấp có thể sốc tim.
Ngoài ra bệnh nhân còn có các biểu hiện của nguyên nhân gây ra:
- Đau ngực dữ dội nếu nguyên nhân là lóc tách động mạch chủ, dấu hiệu nhiễm khuẩn trong viêm nội tâm mạc
Tình trạng mạn tính:
Thường không gây nên triệu chứng trong một thời gian dài, cho đến khi chức năng tim giảm đi. Bệnh nhân thường đi khám khi có các dấu hiệu:
- Khó thở, khó thở khi gắng sức, có cơn khó thở về đêm
- Đau ngực do giảm tưới máu mạch vành, dù mạch vành của bệnh nhân bình thường. Đau ngực có thể xảy ra vào ban đêm khi nhịp tim chậm hơn, huyết áp giảm đi, thể tích dòng hở tăng lên do càng gây giảm tưới máu mạch vành.
- Phù chân
- Khám có thể thấy tiếng thổi tâm trương ở ổ van động mạch chủ, ổ Ert- Botkin
- Mạch nảy mạnh chìm sâu (gọi là mạch Corrigan)
- Chênh lệch lớn giữa huyết áp tâm thu và tâm trương
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Thăm khám lâm sàng tại các bệnh viên đã có thể hướng đến chẩn đoán bệnh với các triệu chứng: Mạch nảy mạnh, huyết áp tâm thu cao và tâm trương thấp nghe tim có tiếng thổi tâm trương đặc trưng.
- Điện tâm đồ: Biểu hiện tăng gánh thể tích thất trái, ngoại tâm thu thường có.
- Siêu âm tim
- Đánh giá kích thước và chức năng thất trái (quan trọng phân số tống máu).
- Phát hiện các bệnh lý của động mạch chủ kèm theo, nhất là các trường hợp hở van động mạch chủ thứ phát do giãn gốc động mạch chủ
- Hình thái của van động mạch chủ, qua đó đánh giá nguyên nhân gây hở van động mạch chủ như van động mạch chủ chỉ có hai lá van, van dầy của thấp tim, sa lá van...
- Mức độ của hở van động mạch chủ
- Do tiến bộ của siêu âm tim nên thông tim và chụp buồng tim không còn được chỉ định để chẩn đoán hở van động mạch chủ. Tuy nhiên chụp động mạch vành bằng đường ống thông có thể nên làm trong những trường hợp bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao về bệnh mạch vành.
Phương pháp điều trị bệnh
- Nếu hở chủ cấp gây suy tim cấp thông thường cần phải phẫu thuật cấp cứu.
- Điều trị bằng thuốc không thể làm hết hở van động mạch chủ nhưng vẫn có vai trò tích cực trên những bệnh nhân chưa có triệu chứng hoặc chưa có chỉ định phẫu thuật.
- Các thuốc giãn mạch: Các thuốc ức chế men chuyển (ACE) có thể không đem lại hiệu quả trong giai đoạn đầu của bệnh khi hệ Renin-Angiotensin chưa hoạt hóa. Ở trong giai đoạn sau, đây lại là thuốc điều trị cơ bản. Trong giai đoạn đầu các thuốc ức chế kênh canxi nhóm Dihydropyridine (như Amlodipine) có vai trò quan trọng
- Các thuốc chẹn Beta giao cảm làm kéo dài thời kỳ tâm trương, về lý thuyết không có lợi nhưng vẫn nên dùng liều nhỏ vì sự liên quan giữa bệnh lý hở van động mạch chủ và bệnh lý phình động mạch chủ. Khi dùng cần theo dõi sát nhịp tim đề phòng nhịp tim chậm
- Bệnh nhân cần tư vấn các bác sĩ chuyên khoa tim mạch chi tiết về các hoạt động thể lực. Bệnh nhân cần tránh các hoạt động nặng của tay như tập tạ, bóp tạ vì sẽ tăng trở kháng ngoại biên theo cơ chế phản xạ làm tăng gánh nặng cho tim. Tuy nhiên, nên khuyến khích đạp xe vì vận động đều các nhóm cơ lớn ở chi dưới nên có tác dụng giãn mạch và tạo cảm giác khỏe mạnh.
Phương thức phòng ngừa bệnh
Đối tượng có nguy cơ mang bệnh cao bao gồm: Người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tăng huyết áp, tiền sử thấp khớp, hoặc có bệnh di truyền như hội chứng Marfan, hội chứng Ehler-Danlos,… và bênh lí tim bẩm sinh.
Vì vậy cần duy trì một số thói quen sau nhằm hạn chế và phòng ngừa bệnh:
- Tăng cường tập thể dục: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
- Chế độ ăn giảm muối, nhiều rau xanh, hạn chế mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật
- Dùng thuốc đều đặn (đối với người đang theo điều trị)
- Vệ sinh sạch sẽ tránh các bệnh liên quan đường hô hấp.
*Bài viết tham khảo Thực hành tim mạch của tác giả Gs. Nguyễn Lân Việt
Tham khảo thêm bài viết Hở van lai lá: Cách nhận biết hở van hai lá
Viết bình luận