Việc di chuyển bằng tàu, xe hoặc máy bay trên những tuyến đường dài càng phổ biến vào dịp lễ. Tuy nhiên, việc ngồi bất động một chỗ với tư thế gò bó trong suốt hành trình dài 5 - 6 tiếng hay lâu hơn thường gây ra cảm giác mệt mỏi, khó chịu, tê buốt chân, chứng say xe… Quan trọng hơn, một mối nguy hiểm tiềm ẩn khi ngồi tàu, xe, máy bay lâu mà ít người biết đến là nguy cơ tạo lập cục máu đông trong lòng tĩnh mạch chân, hay là bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, có thể âm thầm xảy ra và để lại nhiều hậu quả.
Huyết khối tĩnh mạch (hKtm) sau chuyến đi dài được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1954 ở một bác sĩ 54 tuổi, sau một chuyến bay liên tục 14 tiếng. Ngay sau đó, biến chứng này được y học quan tâm nhiều hơn và các nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa việc ngồi tàu xe, máy bay lâu với việc xảy ra hKtm sau đó. Hiện tượng này được gọi là hội chứng đi vé bay hạng thường, ám chỉ việc phải ngồi lâu trong một không gian chật hẹp với tư thế bó gối và bất động lâu.
Huyết khối tĩnh mạch với các biểu hiện như sưng phù, căng tức chân đột ngột, đau nhức ở một bên chân và thường xảy ra sau một chuyến đi dài, khiến người bệnh phải đến bệnh viện. Việc chẩn đoán các trường hợp này thường không khó khăn vì chỉ cần siêu âm Doppler mạch máu chân là có thể xác định bệnh và bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sau chuyến đi dài, cục máu đông có thể tạo lập trong lòng mạch nhưng không gây tắc nghẽn, khi đó người bệnh có thể không có triệu chứng gì rõ rệt. Ở tình huống này, huyết khối tĩnh mạch không được phát hiện kịp thời và thường không được điều trị, có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng thuyên tắc phổi do cục máu đông di chuyển về tim và làm tắc động mạch phổi. Biến chứng này rất nguy hiểm và không được báo trước.
Một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng, khảo sát trên 200 trường hợp đi máy bay dài liên tục trên 5 tiếng, cho thấy việc mang vớ tĩnh mạch trong suốt hành trình đạt hiệu quả rõ rệt giúp phòng ngừa biến chứng huyết khối tĩnh mạch, khi so sánh với nhóm người không mang vớ.
Hiện nay, theo hiệp hội tĩnh mạch thế giới, một số đối tượng như người béo phì, mang thai, có tiền sử mắc bệnh hktm, lớn tuổi, suy tim, bệnh ung thư, mới phẫu thuật… rất cần lưu ý cẩn thận đến biến chứng huyết khối tĩnh mạch và nên mang vớ phòng ngừa trong các chuyến đi dài (phân loại 1, áp lực khoảng 18 - 20 mmhg). Ngoài ra, họ cũng được khuyến cáo khi di chuyển lâu trên tàu xe hay máy bay, cố gắng thu xếp cho mình một chỗ ngồi thoải mái, cất hành lý trên cao để có đủ chỗ duỗi chân, mặc quần áo rộng rãi và không thắt lưng chật, nên đi lại mỗi khi có thể, thường xuyên gấp duỗi cổ chân và các ngón chân mỗi 30 phút, uống nhiều nước, không uống rượu bia và thuốc ngủ. Đặc biệt, các đối tượng có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch như kể trên cần mang vớ tĩnh mạch và thầy thuốc có thể cân nhắc cho những người có tiền sử huyết khối uống các thuốc chống đông máu để việc phòng ngừa được tốt hơn.
Nguồn: ThS BS Lê Phi Long - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM
Xem thêm các bài viết về bệnh tại đây.
Viết bình luận