1. TÌNH HÌNH DỊCH EBOLA HIỆN NAY
Theo thông tin từ Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHRNFP) và đại diện WHO, dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại Công-gô từ đầu tháng 4/2018, đến ngày 29/5/2018 đã ghi nhận 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, trong đó có 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/ mắc 47%). Có 35 trường hợp đã xác định, 23 trường hợp còn nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là nhân viên y tế. Các trường hợp mắc tập trung tại 3 huyện: Bikoro, Iboko và Wangata. Đây là khu vực hẻo lánh xa thủ đô Kinshasa, có ít khách du lịch vì điều kiện đi lại khó khăn, phương tiện đi lại từ thủ đô Kinshasa đến khu vực này chủ yếu là bằng máy bay trực thăng. Hiện tại, các quốc gia lân cận và các quốc gia khác chưa có trường hợp bệnh Ebola nào được ghi nhận.
Bộ Y tế Việt Nam đánh giá, trong thời gian tới khả năng xâm nhập dịch bệnh Ebola từ Công-gô vào nước ta là thấp, do dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại khu vực hẻo lánh của Công-gô, quan hệ giao lưu và thương mại giữa Việt Nam và Công- gô hiện rất ít, song không loại trừ có thể có một ít trường hợp mắc Ebola từ vùng có dịch đi vào nước ta.
Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Ebola xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai giám sát tại cửa khẩu và tại các bệnh viện nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là những người có tiền sử về từ vùng có dịch, các bệnh viện tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sẵn sàng khu vực cách ly thu dung, điều trị ngay cả khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Ebola tại Việt Nam, rà soát lại kế hoạch hành động và các hướng dẫn chuyên môn về phòng chống…
2. VIRÚT EBOLA LÀ GÌ?
Bệnh do virút Ebola (Ebola virus disease - EVD) là bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng con người. Bệnh do một trong năm loài virút Ebola đã biết, bốn trong số đó có thể gây bệnh ở người:
• Virút Ebola (Zaire ebolavirus)
• Virút Sudan (Sudan ebolavirus)
• Virút rừng Taï (Taï Forest ebolavirus, trước đây là Côte d’Ivoire ebolavirus)
• Virút Bundibugyo (Bundibugyo ebolavirus)
• Virút Reston (Reston ebolavirus), được biết là gây bệnh cho loài linh trưởng và lợn, nhưng KHÔNG gây bệnh cho người.
Virút Ebola lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976 gần sông Ebola, Cộng hòa Dân chủ Công- gô. Kể từ đó, đã có vài đợt dịch bùng phát ở một số nước châu Phi. Các nhà khoa học không biết virút Ebola đến từ đâu. Tuy nhiên, dựa trên bản chất của các virút tương tự, họ tin rằng virút này được sinh ra từ động vật mà nhiều khả năng nhất là xuất phát từ loài dơi. Những con dơi mang virút có thể truyền sang những động vật khác như khỉ, vượn và con người.
Những người đầu tiên bị nhiễm virút Ebola thông qua tiếp xúc với một động vật bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như: một con dơi ăn quả, một con linh trưởng hoặc một con hươu. Sau đó, virút lây lan từ người sang người, có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
Virút lây lan qua tiếp xúc trực tiếp (chẳng hạn như da bị tổn thương hoặc niêm mạc mắt, mũi, miệng) với:
• Máu hoặc dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ và tinh dịch) của một người bị bệnh hoặc đã tử vong do EVD.
• Các vật nhọn (như kim tiêm và ống tiêm) bị nhiễm chất dịch cơ thể từ người bị bệnh EVD hoặc cơ thể của người chết vì EVD.
• Dơi hoặc động vật linh trưởng (như khỉ, vượn) bị nhiễm bệnh.
• Tinh dịch từ người bệnh đã hồi phục.
Virút Ebola KHÔNG THỂ lây lan từ người này sang người khác khi người bệnh chưa có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Ngoài ra, virút Ebola thường không lây truyền qua thức ăn. Tuy nhiên, ở một số nơi trên thế giới, virút Ebola có thể lây lan qua việc xử lý và tiêu thụ rác (động vật hoang dã bị săn bắt làm thức ăn). Cũng không có bằng chứng cho thấy muỗi hoặc côn trùng khác có thể truyền virút Ebola.
Virút Ebola có thể tồn tại trong một số dịch cơ thể (tinh dịch, sữa mẹ, nước mắt, dịch não tủy) sau khi người bệnh đã hồi phục. Đây là những vị trí mà virút Ebola có thể vẫn không bị phát hiện, ngay cả sau khi hệ thống miễn dịch đã làm sạch virút từ các vị trí khác của cơ thể. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu xem virút này tồn tại bao lâu trong các dịch này của cơ thể ở những người sống sót sau Ebola.
Virút Ebola bị tiêu diệt khi sử dụng các hóa chất sát khử khuẩn dành cho virút không vỏ bọc. Trên các bề mặt khô, như tay nắm cửa và mặt bàn, virút có thể tồn tại trong vài giờ. Tuy nhiên trong các dịch của cơ thể chẳng hạn như máu, virút có thể tồn tại đến vài ngày ở nhiệt độ phòng.
3. DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG
Các triệu chứng của bệnh do virút Ebola bao gồm:
• Sốt
• Đau đầu dữ dội
• Đau cơ
• Mệt mỏi
• Tiêu chảy
• Nôn mửa
• Đau bụng
• Xuất huyết không rõ nguyên nhân (chảy máu hoặc bầm tím) Các triệu chứng có thể xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virút, trung bình từ 8 đến 10 ngày. Nhiều bệnh thông thường có thể có những triệu chứng tương tự, như cúm hoặc sốt rét.
Chẩn đoán bệnh virút Ebola ngay sau khi nhiễm có thể khó khăn. Các triệu chứng sớm của EVD như sốt, đau đầu và suy nhược không đặc hiệu và thường thấy ở những bệnh nhân có các bệnh thông thường khác như cúm, sốt rét và sốt thương hàn.
Để xác định xem có bị nhiễm virút Ebola hay không, phải có sự kết hợp các triệu chứng gợi ý VÀ có phơi nhiễm với EVD trong vòng 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng. Phơi nhiễm có thể bao gồm tiếp xúc với:
• Máu hoặc dịch cơ thể của người bị bệnh hoặc tử vong do EVD
• Vật dụng bị nhiễm máu hoặc dịch cơ thể của người bị bệnh hoặc tử vong do EVD
• Dơi và linh trưởng bị nhiễm bệnh (vượn hoặc khỉ)
• Tinh dịch từ người bệnh đã hồi phục.
Mẫu máu từ bệnh nhân cần được thu thập và xét nghiệm tìm kháng nguyên, kháng thể, PCR. Virút Ebola có thể được phát hiện trong máu sau khi khởi phát triệu chứng, đáng chú ý nhất là sốt. Có thể mất tối đa ba ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu để virút đạt đến mức có thể phát hiện được.
4. ĐIỀU TRỊ
Bệnh chưa có thuốc đặc trị, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi can thiệp điều trị sớm, có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống sót.
• Bù đủ dịch và điện giải
• Cung cấp liệu pháp oxy
• Sử dụng thuốc để hỗ trợ huyết áp, giảm nôn mửa và tiêu chảy
• Kiểm soát cơn sốt (bằng Paracetamol) và đau. Tránh dùng NSAIDs và Salicylate vì nguy cơ gây rối loạn đông máu
• Truyền máu và các chế phẩm máu khi có xuất huyết nặng.
• Điều trị các nhiễm khuẩn khác, nếu có.
Khả năng phục hồi phụ thuộc vào chăm sóc hỗ trợ tốt và đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Ở những người hồi phục, hình thành các kháng thể có thể kéo dài 10 năm, có thể lâu hơn. Một số người sống sót có thể có biến chứng lâu dài, chẳng hạn như các vấn đề về khớp và thị lực. Virút Ebola tiếp tục được bài tiết qua tinh dịch và sữa mẹ, vì vậy cần tư vấn cho người bệnh cách phòng tránh lây truyền sau khi xuất viện.
5. THUỐC KHÁNG VIRÚT
Hiện tại không có thuốc kháng virút nào được Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép để điều trị EVD ở người. Các loại thuốc điều trị BVE bằng cách ngăn virút nhân lên đang được nghiên cứu.
6. PHÒNG NGỪA
Các ca bệnh xác định cần phải nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn. Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân (khẩu trang N95, kính bảo hộ mắt, nón, găng tay, bao giày, quần áo), rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Thực hành vệ sinh tay tốt là một cách ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của virút Ebola.
Ở khu vực đang bị dịch Ebola, điều quan trọng là tránh những điều sau đây:
• Tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người bệnh (như nước tiểu, phân, nước bọt, mồ hôi, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch và dịch âm đạo).
• Các vật dụng có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh (như quần áo, khăn trải giường, kim tiêm và thiết bị y tế).
• Lễ tang hoặc tự ý xử lý tử thi người chết vì EVD.
• Tiếp xúc với loài dơi và động vật linh trưởng, thịt sống của những động vật này hoặc thịt không rõ xuất xứ.
Sau khi trở về từ một khu vực bị ảnh hưởng Ebola, sức khỏe của bạn phải được theo dõi trong 21 ngày và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng của EVD.
7. CHỦNG NGỪA EBOLA
Hiện nay, chưa có vắc-xin được cấp phép bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để bảo vệ con người khỏi virút Ebola.
Một loại vắc-xin thử nghiệm được gọi là rVSV-ZEBOV được ghi nhận là có khả năng kháng virút cao (loài Zaire ebolavirus) trong một thử nghiệm được tiến hành bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế khác ở Guinea vào năm 2015. FDA dự kiến cấp giấy phép cho vắc-xin này trong năm nay. Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sự an toàn của vắc-xin này trong các quần thể như trẻ em và những người sống chung với HIV. Trước tình hình vụ dịch hiện nay tại Công-gô, WHO cho phép cấp vắc-xin này cho khoảng 80.000-100.000 người, liều đầu tiên vào ngày 21/5/2018.
Một ứng viên khác cho vắc-xin Ebola là loại vắc-xin adenovirus type 5 Ebola tái tổ hợp, được đánh giá trong một thử nghiệm giai đoạn 2 ở Sierra Leone vào năm 2015. Đáp ứng miễn dịch được kích thích bởi vắc-xin này trong vòng 28 ngày sau khi chủng ngừa, nhưng giảm dần sau sáu tháng. Vắc-xin này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Xem thêm nội dung khác tại đây.