Bệnh truyền nhiễm

BỆNH VIÊM GAN BÍ ẨN Ở TRẺ EM

BỆNH VIÊM GAN BÍ ẨN Ở TRẺ EM

Tình hình và biểu hiện lâm sàng bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em

viêm gan bí ẩn

Ngày 15/4/2022, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo về một đợt bùng phát bệnh viêm gan cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân ở 74 trẻ em trên khắp Vương quốc Anh. Gần đây nhất, theo thống kê ngày 09/05/2022, số ca bệnh hiện tại là gần 350 trường hợp, ghi nhận ở ít nhất 23 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Đặc biệt, theo nhà khoa học cấp cao của WHO, bà Phillipa Easterbrook, ngoài gần 350 ca bệnh nói trên, 70 trường hợp khác từ 13 quốc đang nghi ngờ, chờ xác minh. Vị chuyên gia cho biết số lượng các ca bệnh viêm gan bí ẩn được tổng hợp từ những trường hợp mới phát hiện và trẻ có triệu chứng tương tự trước đó theo cảnh báo từ WHO.

Trong số 33 quốc gia phát hiện ca mắc, nghi mắc, chỉ 6 nước có số bệnh nhân dưới 5 ca. Vương Quốc Anh vẫn đứng đầu toàn cầu với hơn 160 ca, Mỹ có khoảng 109 ca.

WHO không đưa chi tiết số ca bệnh của từng quốc gia mới có dịch. Song, truyền thông các nước như Argentina, Hàn Quốc, Canada cũng đã có báo cáo về những ca mắc, nghi mắc mới. Riêng tại Indonesia, số trẻ tử vong vì bệnh viêm gan bí ẩn tăng nhanh. Đến nay, nước này đã có 6 trẻ qua đời và ít nhất 15 ca mắc bệnh.

Bệnh viêm gan bí ẩn này là các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em trước đó khỏe mạnh trong lứa tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi. Triệu chứng lâm sàng bao gồm các triệu chứng ở giai đoạn khởi phát như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói; sau đó là các biểu hiện đặc trưng của giai đoạn toàn phát: viêm gan cấp nặng với nồng độ men gan tăng rất cao và vàng mắt vàng da xuất hiện. Hầu hết các trường hợp đều không sốt. Đa số các ca hồi phục hoàn toàn, khoảng 10% cần phải ghép gan và 9 trẻ đã tử vong (3 ca tử vong ở Indonesia).

Nhiều điều chưa sáng tỏ

Nhận định về chùm ca bệnh gần đây, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết những giả thuyết ban đầu đang nghiêng về việc nghi ngờ căn nguyên là virus Adeno.

Theo đó, ban đầu các nhà khoa học nhận thấy có 79 bệnh nhân dương tính với virus Adeno sau khi xét nghiệm sinh học phân tử. 20 trường hợp khác dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này, 19 trường hợp đồng thời nhiễm cả 2 loại virus trên.

Virus Adeno được nghi ngờ là tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. 

viêm gan bí ẩn

Vi rút Adeno được cảnh báo trong y tế về gây bệnh ở trẻ nhỏ

Về adenovirus, TS-BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật - Bệnh viện Nhi T.W (Hà Nội), cho biết đây là vi rút đã được phát hiện từ năm 1953 và nó có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan. Vi rút này có tới 57 type và 7 chủng với những khả năng gây bệnh khác nhau. Các tổn thương thường gặp nhất gồm: viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm bàng quang, viêm màng não… Sau vi rút rota, vi rút adeno là nguyên nhân thứ 2 gây bệnh ở đường tiêu hóa với các triệu chứng tại dạ dày, ruột… Ở trẻ nhỏ, các rối loạn tiêu hóa thường gặp do vi rút adeno bao gồm tiêu chảy, nôn, buồn nôn.

Adeno là vi rút rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu trước đây, đa số trẻ nhỏ từng nhiễm adeno một lần trong giai đoạn từ 0 - 4 tuổi. Gần đây, adenovirus type 41 được tìm thấy ở các trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn, song việc vi rút này có thực sự là căn nguyên gây bệnh hay không vẫn là câu hỏi lớn.

BS Hoa cũng cho hay, adenovirus type 41 hiện chỉ được xác định là nguyên nhân gây tiêu chảy. Tại thời điểm này, vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định adeno là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm trẻ có tổn thương gan cấp nói trên. Tuy nhiên, việc ghi nhận sự có mặt của adeno ở một số bệnh nhi cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ và nghiên cứu sâu.

BS Hoa đánh giá khả năng xuất hiện các trường hợp mắc viêm gan bí ẩn tại VN là hoàn toàn có thể. Hiện các nước gần VN đã ghi nhận ca mắc, trong đó Indonesia đã báo cáo có 3 ca tử vong; Singapore ghi nhận 1 ca mắc là trẻ 10 tháng tuổi. Về điều trị, dù là nguyên nhân nào thì viêm gan ở trẻ em cũng cần cảnh giác để phát hiện sớm, điều trị sớm nhằm hạn chế thấp nhất mức độ tổn thương.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.W, các năm qua, vi rút adeno vẫn được cảnh báo là cần khống chế, vì vi rút này thường lây nhiễm trên nền các trẻ có suy giảm miễn dịch, trẻ có bệnh phổi mãn (trẻ đẻ non). Ngoài ra, Adeno vẫn được biết là nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và vẫn thường được cảnh báo trong y tế.

Adenovirus là gì?

Đặc điểm sinh học

Hình thể, cấu trúc

Adenovirus là các virus có lõi là Adn, đường kính 80 -100 mm vỏ capsid có 252 capxome. Virus có cấu trúc hình khối đa diện với các mặt là hình tam giác đều, không có bao ngoài. Virus có chứa 13% là ADN và 87% là protein. Trọng lượng phân tử của ADN là 175ì166 Da. Vỏ capcid có các thành phần được gọi là hexon, penton và fiber. Hexon là capsome nằm ở mặt bên, các penton nằm ở đỉnh  (virus có 12 đỉnh), fiber là các sợi nhỏ nhỏ gắn vào các đỉnh và là một phần của penton.

ADN của virus là một sợi thẳng có chứa nhiều gen quy định type huyết thanh, bộ gen của virus có chứa 35.000 – 36.000 cặp base.

viêm gan bí ẩn

Phân loại

Adenovirus thuộc họ Adenoviridae chia ra làm hai nhóm chính là một nhóm gây bệnh ở chim là Aviadenovirus và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Virus gây bệnh ở người chủ yếu thuộc nhóm Mastadenovirus. Người ta đã phân lập được 47 type Adenovirus ở người và một số loài động vật khác.

Adenovirus gây bệnh cho người được chia làm 6 nhóm ký hiệu A- F dựa vào đặc điểm sinh lý, sinh hoá và sinh học phân tử.

Khả năng gây bệnh của Adenovirus

Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như đường hô hấp, đường tiêu hoá, mắt, tiết niệu và ở gan. Trong số 6 nhóm gồm 47 type huyết thanh gây bệnh đã biết, nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Nhiễm Adenovirus thường là nhiễm một type, nhiễm Adenovirus chiếm khoảng 5% nhiễm virus hô hấp cấp tính ở trẻ em, virus này còn thường gặp trong bệnh lý nhiễm virus ở mắt và đường tiêu hoá.

Viêm đường hô hấp do Adenovirus

– Viêm họng cấp: thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện sốt sưng họng, ho và chảy nước mũi. Chẩn đoán thường khó phân biệt với các nhiễm virus khác. Bệnh thường do Adenovirus nhóm C gây ra.

– Viêm họng kết mạc: triệu chứng giống viêm họng nhưng kèm thêm viêm kết mạc thành dịch ở  người trẻ tuổi và trẻ em. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè. Bệnh do virus nhóm B, các type 3, 7, 1.

– Viêm cấp tính đường hô hấp: biểu hiện bằng viêm họng, sốt, ho. Bệnh diễn biến  cấp tính, khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày, chủ yếu ở trẻ nhỏ. Các type gây bệnh là 3, 4, 7.

– Viêm phổi: Chủ yếu là type 3 và 7, chiếm tỷ lệ 10% viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Viêm phổi do Adenovirus có tỷ lệ tử vong 8- 10%.

Viêm kết mạc mắt (bệnh đau mắt đỏ thành dịch)

Còn gọi là bệnh bể bơi “swimming pool” do dễ lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè. Bệnh dễ dàng phát triển thành dịch biểu hiện viêm cấp tính kết giác mạc, dễ bị bội nhiễm nếu không can thiệp kịp thời. Bệnh này chủ yếu là virus nhóm B đặc biệt là type 3, 7.

Bệnh viêm dạ dày  – ruột

Một số type Adenovirus gây bệnh đường tiêu hoá với biểu hiện viêm dạ dày và ruột cấp tính, virus được đào thải trong phân và là nguồn lây chủ yếu. Type 40 và 41 gây bệnh dạ dày ruột, chúng chiếm 5 – 15 % các trường hợp. Một số tác giả còn mô tả các virus nhóm C cũng chiếm một tỷ lệ nhất định.

Các bệnh khác

Các type 11 và 12 có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ em trai. Virus thường thấy trong nước tiểu của những bệnh nhân này. Type 37 thấy ở niệu đạo, tử cung và được coi là lây truyền qua đường tình dục.

Miễn dịch sau nhiễm Adenovirus

Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có miễn dịch với Adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type mắc bệnh nhưng không có khả năng bảo vệ với các type khác.

Chẩn đoán

Bệnh phẩm

Bệnh phẩm cần được thu thập từ cơ quan bị tổn thương hoặc nơi virus cư trú. Trên lâm sàng bệnh phẩm có thể lấy là phân, nước tiểu, dịch họng, kết mạc, tăm bông trực tràng.

Phân lập và xác định virus

– Bệnh phẩm sau khi đã xử lý được nuôi cấy trên các tế bào có nguồn gốc từ người như tế bào thận phôi người, đây là tế bào mẫn cảm nhất với Adenovirus. Một số tế bào biểu mô khác như Hela, Hep-2 và KB cũng nhạy cảm nhưng khó áp dụng do phải nuôi cấy trong thời gian lâu (28 ngày) mới phát hiện được các chủng virus phát triển chậm. Khi thấy các tế bào có dấu hiệu co cụm lại, bong ra khỏi thành ống nghiệm, tế bào bị phình to và vỡ ra chứng tỏ virus đang nhân lên Adenovirus còn làm tăng glycolysis dẫn đến toan hoá môi trường nuôi tế bào .

– Việc xác định type Adenovirus dựa vào kháng thể huỳnh quang hoặc kiểm tra bằng thử nghiệm cố định bổ thể (CF) để xác định kháng nguyên đặc hiệu nhóm. Ngoài ra còn có thể dùng phản ứng ngưng kết hồng cầu để xác định type của virus. Các phương pháp chẩn đoán nhanh hơn được dựa vào kỹ thuật phát hiện vỏ virus trong ống nghiệm (“Shell vial” technique). Bệnh phẩm chứa virus được ly tâm trực tiếp trong ống tế bào nuôi. Nuôi cấy ống tế bào 1 – 2 ngày và thử phản ứng với kháng thể đơn dòng kháng vỏ virus (kháng nguyên nằm trên Hexon).

– Để xác định chắc chắn  Adenovirus thuộc các nhóm khác nhau, người ta sử dụng kỹ thuật PCR. Dùng bệnh phẩm là các dịch của cơ thể, sử dụng các cặp mồi là đoạn gen mã hoá cho các kháng nguyên đặc hiệu (Hexon, VA…) để phát hiện hầu hết các type của virus.

– Ngoài ra để phát hiện virus trong phân người ta có thể sử dụng kính hiển vi điện tử hoặc kỹ thuật ELISA.

Chẩn đoán huyết thanh

Khi bị nhiễm Adenovirus có sự tăng phức hợp kháng thể với kháng nguyên nhóm của Adenovirus. Thử nghiệm CF được sử dụng để phát hiện hầu hết các nhóm của Adenovirus. Hiệu giá kháng thể tăng lên 4 lần giữa giai đoạn nhiễm virus cấp và giai đoạn hồi phục trong máu bệnh nhân chứng tỏ bệnh nhân nhiễm loài Adenovirus tương ứng.

Có thể dùng phản ứng NCHC hoặc phản ứng trung hoà để phát hiện kháng thể đặc hiệu trong huyết thanh bệnh nhân khi có yêu cầu. Hiệu giá kháng thể của huyết thanh  tăng cao trên 4 lần sau 2 tuần thì có giá trị chẩn đoán.

Dự phòng và điều trị

Dự phòng

Hiện nay nghiên cứu chế tạo vaccine sống, giảm độc lực được bao phim, dùng dạng uống, có chứa các type 4 và 7 .

Điều trị

Dùng các thuốc diệt virus, ức chế tổng hợp acid nucleic của virus và thuốc tăng cường hệ thống miễn dịch.

Xem thêm bài viết tại đây.

 

Đang xem: BỆNH VIÊM GAN BÍ ẨN Ở TRẺ EM

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng