BỆNH VIRÚT EBOLA LÀ BỆNH GÌ?
Bệnh virút Ebola là một trong những bệnh dễ gây chết người nhất từng được biết đến. Hiện dịch Ebola đang bùng phát dữ dội tại 4 nước Tây Phi (Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria) và cuối tháng 8 vừa rồi đã lan sang nước Tây Phi thứ 5 là Senegal. Đợt bùng phát năm nay có số ca tử vong cao hơn của cả trên một chục lần các đợt bùng phát trước đây cộng lại. Mặc dù khả năng ảnh hưởng của dịch bệnh đến Việt Nam là tương đối nhỏ nhưng không phải không thể xảy ra, vì vậy, Bộ Y tế nước ta đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Sáng ngày 12/8/2014, tại cuộc họp báo thông tin về dịch bệnh Ebola, ông Kato Masaya, điều phối kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng nguy cơ dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp. Vì vậy, công tác truyền thông cần chú trọng chính xác để phòng chống dịch tốt, không gây hoang mang trong cộng đồng. Lý giải về nhận định này, ông Kato cho biết đường lây truyền của virút Ebola chủ yếu là tiếp xúc trực tiếp với máu và các thể dịch khác của người nhiễm virút có triệu chứng, người mắc bệnh tử vong hay động vật nhiễm virút. Thứ hai là lây gián tiếp qua tiếp xúc với dịch xét nghiệm, nước mắt, nước tiểu, máu vương ra môi trường, bàn ghế, giường chiếu, quần áo…
BỆNH NGUYÊN
Bệnh gây ra bởi một loại virút thuộc giống Ebolavirus, họ Filoviridae. Loài virút đầu tiên thuộc giống này được phân lập vào năm 1976 tại một địa phương gần sông Ebola thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Congo, do vậy được đặt tên là Ebola. Dịch Ebola năm đó còn xảy ra ở cả Sudan (một quốc gia thuộc Bắc Phi) với 284 người mắc và 151 người chết (tỷ lệ tử vong 53%).
Hình Virút Ebola
Cho đến nay đã có 5 loài virút thuộc giống Ebolavirus được định danh và được đặt tên theo nơi phát hiện:
- Virút Ebola (Zaire ebolavirus)
- Virút Sudan (Sudan ebolavirus)
- Virút Tai Forest (Tai Forest ebolavirus, trước đó còn có tên là Côte d’Ivoire ebolavirus)
- Virút Bundibugyo (Bundibugyo ebolavirus)
- Virút Reston (Reston ebolavirus): loài này chỉ gây bệnh ở các loài linh trưởng, không gây bệnh ở người.
NGUỒN GỐC TRONG TỰ NHIÊN
Nguồn gốc trong tự nhiên của các loài virút Ebola vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Cho đến nay chỉ có các bằng chứng cho thấy đây có thể là một loại bệnh của động vật truyền sang người, và loài dơi ăn quả có thể là vật chủ tự nhiên của virút Ebola. Phân bố địa lý của virút Ebola gần như trùng với phạm vi hoạt động của loài dơi này. Dơi lưu trữ virút Ebola trong đường tiêu hóa và lây sang các động vật khác (linh trưởng, linh dương, lợn, chó…) qua ăn uống. Những người đầu tiên bị nhiễm Ebola và lây lan bệnh có thể do đi săn và ăn phải các con vật bị nhiễm. Cho nên “Ăn thịt thú rừng, cẩn thận virút Ebola “ăn” lại bạn”.
Đường lây truyền của Virút Ebola
ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN
Virút Ebola được lây truyền thông qua các tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người hay động vật bị nhiễm bệnh hoặc qua các phơi nhiễm, tai nạn nghề nghiệp ví dụ như bị kim đâm (kim chứa máu hoặc dịch tiết của người bệnh).
Virút Ebola còn có thể lây nhiễm qua sữa mẹ, do đó những người mẹ mắc bệnh Ebola cũng được khuyến cáo không cho con bú và phải cách ly cả mẹ lẫn con.
Người ta cũng phân lập được virút Ebola từ tinh dịch của một nam giới (bị nhiễm Ebola trong phòng thí nghiệm) vào ngày thứ 69 kể từ khởi phát bệnh. Nói chung, nam giới đã khỏi bệnh rồi vẫn có thể lây nhiễm virút qua tinh dịch trong tới 7 tuần sau khi bình phục.
Vấn đề lây truyền Ebola qua đường không khí đang được bàn cãi. Trước đây, người ta cho rằng virút này không thể lây nhiễm vào không khí như sởi, thủy đậu, lao, đậu mùa, cảm cúm. Và sự phát tán mạnh mẽ ở Châu Phi hiện nay là do thói quen sinh hoạt kém vệ sinh của người dân ở khu vực này. Gần đây, năm 2012, tại Canada, trên thực nghiệm người ta nhận thấy virút Ebola có thể lây qua không khí giữa các loài vật từ lợn sang khỉ mà giữa chúng không hề có sự chung đụng trực tiếp nào.
Các nhà nghiên cứu tin rằng sự lây truyền qua đường không khí có thể tham gia làm lan rộng Ebola ở một số vùng của Châu Phi, từ các vùng rừng núi tấn công vào thành thị, nhất là trước tình trạng đột biến “siêu tốc” như người ta thấy hiện nay ở loại virút này. Người ta cho rằng không thể loại trừ virút Ebola lây lan thông qua các phần tử rất nhỏ lơ lửng trong không khí. Virút Ebola sống nhiều ngày ngoài các vật chủ mắc bệnh và có thể “lướt theo” các giọt nhỏ li ti trong không khí lây sang các nạn nhân có tiềm năng. Cũng không thể loại trừ khả năng lây nhiễm trong một môi trường đóng kín chẳng hạn như trong cabin của máy bay.
Người ta cũng chưa có căn cứ để phản bác lại các quan niệm hiện tại là virút Ebola không lây truyền qua nước uống hay thực phẩm nhiễm bẩn, cũng như không lây truyền từ người lành mang mầm bệnh mà chỉ có thể lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh đã có triệu chứng.
Thời gian ủ bệnh là từ 2 - 21 ngày.
LÂM SÀNG
Bệnh cảnh lâm sàng thường bắt đầu rất cấp tính trong khoảng thời gian từ 2 - 21 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh và nhiễm phải virút, thường nhất là sau khoảng 8 - 10 ngày. Các triệu chứng bao gồm: sốt cao nhanh chóng, nhức đầu, đau cơ khớp, đau đầu, mệt ghê gớm, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, khó nuốt.
- Sau sốt là nôn, suy thận, viêm gan và xuất huyết ngoài da cũng như ở các nội tạng (đường tiêu hóa, mũi, âm đạo và nướu răng).
- Danh xưng “sốt xuất huyết Ebola” từng được dùng để chỉ bệnh này - một hội chứng nặng đa phủ tạng, đi kèm với chảy máu. Tuy nhiên, các triệu chứng chảy máu là không thường xuyên (chỉ chiếm tỉ lệ 10%) và tự nó ít khi gây chết người. Chết thường do hội chứng suy giảm chức năng đa phủ tạng. Tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50 đến 90%.
Một số hình ảnh của bệnh nhân Ebola
Xuất huyết các nội tạng
ĐIỀU TRỊ
Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Hiện có 3 hướng nghiên cứu điều trị bệnh Ebola: (1) điều trị triệu chứng (xuất huyết, nhiễm trùng…); (2) ngăn chặn sự sinh sôi của virút qua việc tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch; (3) hạn chế sự lây lan của virút trong máu bằng các kháng thể đơn dòng hoặc đa dòng. Do tình hình phức tạp của dịch Ebola, hiện TCYTTG đã cho phép điều trị bệnh này bằng một số loại dược phẩm chưa được thử nghiệm trên người về độ an toàn cùng hiệu quả.
ZMapp được phát triển bởi hãng Mapp Biopharmaceutical Inc - MBI (Mỹ) với sự tài trợ của hai chính phủ Mỹ và Canada. ZMapp là một loại huyết thanh gồm 3 kháng thể đơn dòng khác nhau chiết suất từ các tế bào sống của chuột liên kết với các protein của virút Ebola nhằm khống chế và vô hiệu hóa virút Ebola bên trong cơ thể. Thử nghiệm trên động vật cho kết quả tích cực: hiệu quả trên khỉ là 100% nếu được dùng sau khi nhiễm virút 1 giờ, là 43% sau khi nhiễm virút 104 - 120 giờ tức là sau khi đã có triệu chứng bệnh. Thuốc này đã được gửi sang Liberia dùng cho bác sĩ Kent Brantly và tình nguyện viên Nancy Writebol, đều là người Mỹ bị nhiễm Ebola tại Liberia và sau đó được đưa về Mỹ điều trị tiếp, hiện đã khỏi bệnh xuất viện. Trong khi đó, Zmapp đã không cứu được nhà truyền giáo người Tây Ban Nha là linh mục Miguel Pajares (đã chết tại một bệnh viện ở Madrid), một bác sĩ người Mỹ gốc Liberia là Patrick Sawyer, và tiến sĩ Abraham Borbor người Liberia…
Ngoài Zmapp, các nhà khoa học Mỹ và Canada mới đây cũng đã thử nghiệm thành công trên khỉ đuôi ngắn thuốc điều trị virút Marburg (gây dịch bệnh ở miền Bắc Angola, năm 2005) cùng họ với virút Ebola, mở ra hi vọng về khả năng chống virút nguy hiểm Ebola trong thời gian tới. GS Thomas Geisbert đến từ khoa miễn dịch và vi trùng học của ĐH Texas, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết thuốc siRNA được bào chế bằng công nghệ nano. Khi được tiêm vào cơ thể, thuốc sẽ tấn công các tế bào nhiễm bệnh để ngăn chặn virút Marburg phát triển. Hai loại virút Marburg và Ebola cùng thuộc họ Filoviridae và bệnh gây ra có triệu chứng giống nhau (sốt, nôn mửa, xuất huyết, tiêu chảy…), GS Geisbert hi vọng loại thuốc này có thể đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh virút Ebola. Hiện hãng dược phẩm Tekmira đang tiến hành thử nghiệm thuốc này trên người.
Ở Nhật Bản, một loại thuốc được nghiên cứu và chế tạo là Favipiravir (tên thương mại là Avigan) có tác dụng kháng virút cúm và đang thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ. Vì virút cảm cúm và virút Ebola tương tự nhau và đều là virút RNA nên người ta hi vọng là loại thuốc này có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập cũng như kiềm chế sự gia tăng của virút Ebola.
PHÒNG NGỪA
Biện pháp phòng ngừa trước hết là tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mà không có các biện pháp bảo vệ cần thiết, hoặc gián tiếp qua việc sờ mó cầm nắm các đồ vật có thể đã bị vấy máu hoặc dịch tiết của người hay động vật bị nhiễm bệnh.
Tránh lây nhiễm qua đường sữa mẹ hay tinh dịch.
Giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật hoang dã sang người do tiếp xúc với dơi ăn quả hoặc các động vật khác (khỉ, linh trưởng…) nhiễm bệnh và ăn thịt nấu chưa thật chín của chúng. Khi xử lý động vật cần mang găng tay và quần áo bảo vệ thích hợp. Các sản phẩm từ động vật (máu và thịt) cần được nấu kỹ trước khi ăn.
Thực hiện những phòng ngừa phổ thông chuẩn khi phải chăm sóc hoặc tiếp xúc với người bệnh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các biện pháp cách ly bệnh nhân, mang găng và rửa tay đúng cách; ngoài ra cũng cần quan tâm đến việc xử lý đúng các loại dụng cụ chăm sóc bệnh nhân.
Hiện tại, chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu với virút Ebola.
Một số vắc-xin đang có triển vọng: loại vắc-xin của Anh (hãng dược GlaxoSmithKline với sự tài trợ của tổ chức nhân đạo Wellcome Trust) sẽ được thử nghiệm trên 60 người tình nguyện ở Anh vào tháng 9 này; viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (DTRA) của NIH đang nghiên cứu vắc-xin Ebola; công ty dược phẩm sinh học Crucell đang nghiên cứu vắc-xin Ebola/ Marburg; NIH và ĐH Thomas Jefferson đang nghiên cứu vắc- xin Ebola dựa trên vắc-xin bệnh dại đã được bào chế
Nguồn: ThS BS Huỳnh Minh Tuấn - Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
Xem thêm các bài viết về bệnh tại đây.