VÌ SAO PHẢI NGỪA CÚM HÀNG NĂM
Cấu trúc vi rút cúm A
Đặc điểm đáng chú ý nhất của vi rút cúm là thường hay có những biến đổi kháng nguyên. Sự biến đổi này diễn ra hàng năm và thường gặp ở vi rút cúm A, ít gặp ở vi rút cúm B và không gặp ở vi rút cúm C. Khi có sự biến đổi kháng nguyên sẽ xuất hiện chủng cúm mới gây bệnh trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch chống lại chủng mới này. Đó là lý do tại sao hàng năm vẫn có nhiều vụ dịch cúm trong cộng đồng và tại sao chúng ta phải chủng ngừa hàng năm.
Vi rút cúm có thể biến đổi kháng nguyên theo hai cách khác nhau: thay đổi “vận động kháng nguyên” (antigenic drift) và thay đổi “đột biến kháng nguyên” (antigenic shift).
THAY ĐỔI “VẬN ĐỘNG KHÁNG NGUYÊN”
Đây là những thay đổi nhỏ trong các gen của vi rút cúm xảy ra liên tục theo thời gian khi vi rút sao chép. Những thay đổi di truyền nhỏ này làm thay đổi cấu trúc kháng nguyên ở một hoặc vài acid amin.
Những thay đổi di truyền nhỏ này thường gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Nhưng khi có sự tích lũy lớn của những thay đổi kháng nguyên theo thời gian, các kháng thể được tạo ra để chống lại các vi rút cũ không nhận ra được vi rút “mới” và người nhiễm vi rút đó có thể bị cúm trở lại. Những thay đổi di truyền dẫn đến một chủng vi rút mới có đặc tính kháng nguyên khác là lý do chính khiến mọi người có thể bị cúm nhiều lần. Đây cũng là lý do tại sao thành phần vắc-xin cúm phải được xem xét lại hàng năm và được cập nhật khi cần thiết để bắt kịp với việc biến đổi vi rút.
THAY ĐỔI “ĐỘT BIẾN KHÁNG NGUYÊN”
Sự thay đổi “đột biến kháng nguyên” là một sự thay đổi lớn trong vi rút cúm A, dẫn đến hemagglutinin mới và/hoặc các protein hemagglutinin và neuraminidase mới của vi rút cúm. Sự thay đổi kháng nguyên là do cơ chế tái tổ hợp tức là sự sắp xếp lại bộ gen. Kết quả là hình thành một chủng vi rút cúm mới. Nguồn kháng nguyên gây dịch ở người chính là các loại vi rút cúm A ở các loài động vật khác nhau (gia cầm, lợn…). Ví dụ, nếu một vi rút cúm A của lợn nhiễm sang đường hô hấp của một người, thì có thể xảy ra tái tổ hợp giữa vi rút cúm người và cúm lợn, tạo nên một biến thể vi rút cúm A mới ở con người.
Sự tái tổ hợp dẫn tới thay đổi kháng nguyên vi rút cúm
Trong thế kỷ XX, có 3 hemagglutinin mới và 2 neurominidase mới. Năm 1957, có chủng vi rút gây đại dịch là cúm A/H2N2. Năm 1968, có sự chuyển dịch kháng nguyên ở hemagglutinin, tạo nên chủng cúm mới là cúm A/H3N2 gây đại dịch. Năm 1977,
có sự chuyển dịch kháng nguyên ở cả H và N, cúm A có chủng mới là H1N1 gây đại dịch. Năm 2009, khi đó vi rút H1N1 có sự kết hợp mới các kháng nguyên xuất hiện ở người bị nhiễm và lan rộng nhanh chóng, gây đại dịch. Khi xảy ra đột biến, đa số con người chỉ được bảo vệ rất ít hoặc hoàn toàn không trong việc chống lại vi rút mới.
PHÒNG NGỪA CÚM BẰNG VẮC XIN
Như đã nói, phòng bệnh cúm bằng vắc xin gặp nhiều khó khăn do vi rút cúm thường xuyên biến đổi kháng nguyên. Nếu trước đây bạn đã từng bị cúm thì trong cơ thể bạn đã có sẵn các kháng thể có thể chống lại được chủng vi rút đặc hiệu đó. Nhưng các kháng thể chống lại cúm mà bạn có trong quá khứ lại không thể giúp bạn tránh được các nhóm phụ (còn gọi là các thứ loại) cúm mới mà có thể rất khác về mặt miễn dịch với loại cúm bạn mắc trước đó. Nếu lần sau bạn lại mắc cùng chủng cúm, hoặc bạn được tiêm chủng vắc xin cúm mùa thì các kháng thể đó có thể giúp bạn đề phòng được bệnh cúm hoặc làm giảm nhẹ triệu chứng.
Mỗi năm nhà sản xuất phải thay đổi công thức vắc xin bằng cách thêm kháng nguyên các chủng vi rút của mùa cúm năm trước. Vắc xin này tạo đáp ứng miễn dịch không bền vững, sự bảo vệ thường chỉ kéo dài 6 tháng, nên cần tiêm nhắc lại hàng năm ngay trước mùa cúm. Mùa cúm thường là từ tháng 10 kéo dài đến tháng 5. Mọi người đều nên chủng ngừa cúm, đặc biệt là nhân viên y tế, những người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, có bệnh mạn tính, cơ địa suy giảm miễn dịch.
NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ CÚM H1N1
GIỚI THIỆU
Bệnh cúm nói chung trong đó có cúm H1N1 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa. Trong lịch sử, có rất nhiều đại dịch cúm làm chết hàng triệu người. Ngày nay một số đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai và một số người mắc các bệnh mạn tính vẫn có thể gặp nguy hiểm ngay cả khi bị nhiễm cúm thông thường. Cúm có nhiều loại khác nhau trong đó có cúm H1N1 và chủng cúm này vẫn được xem là một loại cúm thông thường mặc dù thời gian qua đã gây ra một số trường hợp tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh.
CHẨN ĐOÁN BỆNH NHIỄM CÚM H1N1
Chẩn đoán cúm chủ yếu dựa vào triệu chứng và chỉ định danh được chủng cúm bằng cách lấy dịch mũi-họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.
a) Các triệu chứng nhiễm cúm chung
Triệu chứng có thể rất khác nhau giữa người này và người khác nhưng thường bao gồm các triệu chứng sau:
- Sốt (nhiệt độ thường cao hơn 38ºC)
- Nhức đầu và đau cơ
- Mệt mỏi, biếng ăn
- Ho và đau họng cũng có thể gặp
Người bị cúm thường sốt 2-5 ngày. Điều này khác với các bệnh do vi rút khác của đường hô hấp thường hết sốt sau 24 đến 48 giờ. Nhiều người bị cúm có sốt và đau cơ và một số người khác có triệu chứng cảm lạnh như chảy mũi và đau họng. Các triệu chứng cúm thường cải thiện sau 2-5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu cơ có thể kéo dài hàng tuần. Cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và cúm với bệnh cúm theo bảng sau:
Triệu chứng | Cảm lạnh | Cúm |
Sốt | Hiếm | Thường gặp, sốt cao (trẻ nhỏ) và kéo dài 3 và 4 ngày |
Nhức đầu | Hiếm | Hay gặp |
Đau nhức | Nhẹ | Hay gặp, đau nhiều |
Mệt mỏi, yếu người | Đôi khi | Hay gặp, có thể kéo dài 2-3 tuần |
Kiệt sức | Không | Hay gặp, ngay từ khi bắt đầu bệnh |
Nghẹt mũi | Hay gặp | Đôi khi |
Hắt hơi | Hay gặp | Đôi khi |
Đau họng | Hay gặp | Đôi khi |
Cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai. Viêm phổi hay gặp nhất là tình trạng phổi bị nhiễm trùng nặng thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và những người sống trong viện dưỡng lão hay và những người có mắc một số bệnh khác như đái tháo đường, bệnh ảnh hưởng đến tim-phổi. Viêm phổi cũng hay xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm.
b) Xét nghiệm
- Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên:
+ Real time RT-PCR là xét nghiệm xác định vi rút cúm A (H1N1). Bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản (lấy càng sớm càng tốt).
+ Nuôi cấy vi rút: thực hiện ở những nơi có điều kiện.
- Công thức máu: số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.
- X quang phổi: có thể có biểu hiện của viêm phổi không điển hình.
c) Chẩn đoán
- Trường hợp nghi ngờ: Có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp.
- Trường hợp xác định đã mắc bệnh: Có biểu hiện lâm sàng cúm và xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm vi rút cúm A (H1N1).
- Người lành mang vi rút: Không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A (H1N1).
ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH CÚM H1N1
a) Điều trị cúm
Hầu hết bệnh nhân bị cúm tự hết sau 1-2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Nên liên hệ đi khám để được đánh giá đầy đủ khi:
- Cảm thấy khó thở
- Cảm thấy đau hay đè ép lồng đau thắt ngực
- Có dấu hiệu mất nước như chóng mặt khi đứng hay không đi tiểu
- Thấy lơ mơ
- Nôn liên tục hay không thể uống đủ nước
Ở trẻ em, nếu có một trong các triệu chứng trên hay nếu trẻ có các biểu hiện sau thì nên đi khám:
- Da xanh tái
- Bứt rứt nhiều
- Khóc không có nước mắt (sơ sinh)
- Sốt kèm nổi ban
- Đánh thức không dễ dàng
Có nhiều nhóm người có nguy cơ biến chứng cao như phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (< 5 tuổi và đặc biệt < 2 tuổi), người có bệnh mạn tính như bệnh phổi mạn (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng) và một số các bệnh khác. Nếu bạn và con/cháu bạn có triệu chứng cúm và thuộc nhóm có nguy cơ biến chứng cao thì nên gặp nhân viên y tế để được tư vấn kịp thời.
b) Điều trị triệu chứng
Điều trị triệu chứng cúm giúp bạn cảm thấy khỏe hơn nhưng không thể giúp bệnh cúm hết nhanh hơn. Nghỉ ngơi cho đến khi bình phục hoàn toàn; đặc biệt khi bệnh nặng. Uống đủ nước để không bị mất nước. Một cách để xem mình đã uống đủ nước chưa là xem màu sắc của nước tiểu. Nước tiểu bình thường có màu trắng vô sắc (không màu) hay màu vàng lợt. Nếu uống đủ nước thì bạn sẽ đi tiểu mỗi 3-5 giờ một lần.
c) Điều trị bằng thuốc
+ Acetaminophen (còn gọi là paracetamol) có thể hạ sốt, giảm nhức đầu và đau cơ. Aspirin cũng có thể giảm đau và hạ sốt nhưng không được khuyên dùng phổ biến vì nhiều tác dụng phụ.
+ Thuốc ho thường ít khi có ích và ho thường tự hết mà không cần điều trị. Không nên dùng thuốc ho và thuốc cảm cho trẻ dưới 6 tuổi.
+ Thuốc chống vi rút có thể được dùng để điều trị hay phòng ngừa cúm, tuy nhiên thuốc này không phổ biến ở nước ta và thường chỉ được dùng trong mùa dịch. Phần lớn người mắc cúm không cần phải sử dụng đến thuốc này mà chỉ những người có triệu chứng nặng hay có nguy cơ bị biến chứng cao mới được bác sĩ chỉ định dùng thuốc này. Các thuốc chống vi rút cúm bao gồm oseltamivir (Tamiflu®) and zanamivir (Relenza®). Thuốc chống vi rút có hiệu quả nhất khi dùng trong 48 giờ đầu. Theo phác đồ của Bộ Y Tế, cách sử dụng thuốc như sau:
Oseltamivir (Tamiflu):
- Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
- Trẻ em từ 1-13 tuổi: dùng dung dịch uống tuỳ theo trọng lượng cơ thể
+ < 15 kg: 30 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
+ 16 - 23 kg: 45 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
+ 24 - 40 kg: 60 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
+ > 40 kg: 75 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
- Trẻ em dưới 12 tháng:
+ < 3 tháng: 12 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
+ 3 - 5 tháng: 20 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
+ 6 - 1 tháng: 25 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
Zanamivir: dạng hít định liều. Sử dụng trong các trường hợp: Không có oseltamivir, trường hợp chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir.
- Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: 2 lần xịt 5mg x 2 lần/ngày.
- Trẻ em: Từ 5-7 tuổi: 2 lần xịt 5 mg x 1 lần/ngày.
+ Trường hợp nặng có thể kết hợp oseltamivir và zanamivir.
+ Trường hợp đáp ứng chậm với thuốc kháng vi rút: thời gian điều trị có thể kéo dài đến khi xét nghiệm hết vi rút.
+ Cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
+ Kháng sinh không phải là thuốc dùng để chữa bệnh do vi rút như cúm. Kháng sinh chỉ nên dùng khi có biến chứng nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tai hay viêm xoang. Dùng kháng sinh không đúng có thể gây hại như bị tác dụng phụ của thuốc và tạo ra vi trùng kháng thuốc.
+ Các điều trị khác ngoài tây y - Có nhiều cách điều trị cúm ngoài tây y như sử dụng cây cỏ, đông y, gia truyền Tuy nhiên vì chưa
có các nghiên cứu hợp lý nên khó đánh giá hiệu quả cũng như tính an toàn của các phương pháp điều trị này.
PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM CÚM
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, sổ mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thời gian lây truyền thường là trước khởi phát 1 ngày đến ngày thứ 7. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch.... Bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Năm 2015, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ đưa ra 3 bước để chống lại bệnh cúm mùa, bao gồm:
- Bước 1: Chủng ngừa cúm hàng năm
- Bước 2: Ngăn chặn lây nhiễm vi rút.
- Bước 3: Điều trị thuốc kháng vi rút.
Bài viết này chủ yếu tập trung vào bước 2: ngăn chặn sự lây truyền vi rút.
ĐẠI CƯƠNG VỀ VI RÚT CÚM
Vi rút cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A, B và C. Vỏ của vi rút bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của vi rút cúm A.
Vi rút cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, các chất hòa tan lipid như cồn, ether, formol, chloramine…Vi rút cúm cũng dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ 560C trong vài chục phút và các chất có tính acid (vi rút thường mất tính lây nhiễm ở pH<4,5).
ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN CỦA VI RÚT CÚM: ĐƯỜNG GIỌT BẮN HAY KHÔNG KHÍ?
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ vẫn coi cúm lây qua đường giọt bắn, tức là qua các hạt có kích thước
> 5µm. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu cho thấy vi rút cũng xuất hiện trong các hạt nhỏ hơn.
Các nghiên cứu cho thấy RNA vi rút có thể tìm thấy ở cả các hạt > 5 µm và < 5 µm. Cụ thể 75,5% vi rút xuất hiện trong các hạt kích thước 1-4 µm, 19,5% trong các hạt < 1 µm và 5% trong các hạt > 5µm. Đặc biệt khi làm các thủ thuật xâm lấn đường thở (như hút đàm, đặt nội khí quản…) số lượng các hạt khí dung nhỏ tăng lên. Tính toán theo định luật Stoke, các hạt > 5µm cần 67 phút để lắng xuống từ độ cao 3m. Lindsley và cộng sự cho rằng các hạt ≥ 4µm cần 3 phút để lắng xuống từ độ cao 1 mét, các hạt 1 µm cần tới 8 giờ, và trong điều kiện không khí bị xáo trộn, thời gian này còn lâu hơn.
Chính vì vậy, có thể coi vi rút cúm lây qua cả đường giọt bắn và đường không khí (droplet and airborne). Từ đó có thể suy ra các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sau:
- Cách ly người bệnh: người bệnh cần được nằm phòng riêng. Đối với người bệnh cơ địa khỏe mạnh, theo dõi tại nhà, ở phòng riêng thì cần để cửa phòng thông thoáng. Thời gian cách ly: 7 ngày từ khi khởi phát triệu chứng.
- Hạn chế tiếp xúc gần người bệnh, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính. Tiếp xúc gần được định nghĩa là tiếp xúc trong phạm vi bán kính 2 mét hay ở chung phòng người bệnh trong thời kỳ lây truyền.
- Cho người bệnh mang khẩu trang y tế. Khẩu trang y tế giúp làm giảm sự phát tán các hạt khí dung khi người bệnh nói chuyện.
- Khi ho, hắt hơi, cần phải che mũi, miệng bằng khăn giấy và ngay lập tức bỏ khăn giấy vào thùng rác ‘lây nhiễm’. Nếu không có khăn giấy, hắt hơi vào mặt trong khuỷu tay, không dùng bàn tay.
- Nhân viên y tế mang khẩu trang N95 (loại khẩu trang giữ lại được ít nhất là 95% các hạt rất nhỏ - 0,3 micron) khi chăm sóc người bệnh, đặc biệt khi làm thủ thuật xâm lấn đường thở như hút đàm, đặt nội khí quản…
VI RÚT CÚM SỐNG BAO LÂU NGOÀI MÔI TRƯỜNG?
Sau khi phát tán ra môi trường từ người bệnh, các giọt bắn lớn sẽ rơi xuống trong bán kính khoảng
1 - 2 m. Các hạt khí dung nhỏ hơn sẽ dần lắng xuống và bám trên các bề mặt. Trên bề mặt môi trường cứng, không có lỗ (như gỗ, kim loại) thì vi rút cúm sống được 24-48 giờ, và có khả năng lây qua bàn tay trong vòng 24 giờ. Trên bề mặt môi trường có lỗ (như đồ vải hoặc giấy), vi rút cúm sống được 8-12 giờ, khả năng lây qua bàn tay trong vòng 15 phút.
Khả năng sống trên bàn tay của vi rút cúm, theo tác giả Bean và cộng sự là 5 phút. Theo tác giả Thomas, vi rút cúm sống trên ngón tay tới 30 phút. Như vậy, nếu như bàn tay một người chạm vào các bề mặt môi trường có vi rút, sau đó đưa lên niêm mạc (mắt, mũi, miệng) thì hoàn toàn có khả năng bị nhiễm vi rút cúm. Đây chính là đường lây thứ ba của vi rút cúm: đường tiếp xúc (contact). Tiếp xúc có thể là trực tiếp qua bàn tay hoặc gián tiếp qua bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút.
Từ cơ sở đó, các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả là:
- Tuân thủ triệt để vệ sinh tay 5 thời điểm. Đây chính là biện pháp đơn giản mà hữu hiệu nhất trong việc chặn đường lây qua tiếp xúc của vi rút cúm. Sát khuẩn tay nhanh với cồn (nồng độ ít nhất 60%) hoặc rửa tay với nước và xà phòng đều rất hiệu quả trong loại bỏ vi rút cúm trên bàn tay.
- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Niêm mạc chính là ngõ vào của vi rút cúm.
- Vệ sinh tăng cường môi trường bề mặt nhằm làm giảm số lượng vi rút sống trên các bề mặt môi trường. Vì vi rút dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hóa chất sát khử khuẩn thông thường, nên có thể dùng các chất tẩy rửa (Javel, Chloramin B…) để vệ sinh bề mặt môi trường.
- Khi xử lý đồ vải nghi nhiễm vi rút, cần mang găng tay bảo hộ. Không giũ tung đồ vải. Giặt sấy đồ vải với chế độ nhiệt và hóa chất dành cho đồ vải nhiễm (ngâm 30 phút ở 700C).
Nguồn: BS Phạm Minh Tiến, TS BS Huỳnh Minh Tuấn, ThS BS Nguyễn Như Vinh – Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Xem thêm các bài viết về bệnh tại đây.