ĐIỀU TRỊ EBOLA
Hiện nay chưa có gì xác minh đầy đủ cho việc điều trị đặc hiệu Ebola, tuy nhiên cũng đã có những biện pháp giúp cải thiện sự sống còn của người bệnh. Các triệu chứng của Ebola có thể bắt đầu sớm từ ngày thứ 2 hoặc muộn đến 21 ngày sau khi bị phơi nhiễm với vi-rút. Bệnh thường mở đầu đột ngột với các triệu chứng giống cúm: cảm thấy mệt mỏi, sốt, đau bắp thịt và các khớp. Muộn hơn: đau đầu, buồn nôn, và đau bụng. Thường tiếp theo là nôn nặng và tiêu chảy.
Nếu không bù nước, tình trạng mất nhiều dịch sẽ dẫn đến mất nước và có thể kéo theo sốc giảm thể tích khi không có đủ máu cho tim bơm đi khắp cơ thể. Nếu người bệnh không ở tình trạng báo động và không nôn thì có thể cho bù dịch đường uống, nhưng nếu người bệnh nôn kèm theo sảng thì phải truyền các dịch đường tĩnh mạch. Trong các đợt bùng phát dịch trước đây, một số người bệnh bị mất máu do chảy máu trong hay ngoài nhưng trong đợt bùng phát dịch lần này, hiếm gặp triệu chứng chảy máu. Ngày 7/11/2014, một nhóm khoa học gia đề xướng “khai thác” các kháng thể từ những người thoát chết có thể chữa khỏi bệnh; điều này gần giống với “miễn dịch thụ động”.
CÁC ĐIỀU TRỊ THỬ NGHIỆM
Những người nghiên cứu vi-rút Ebola phải mặc bên ngoài quần áo BSL-4 áp lực dương để tránh bị nhiễm vi-rút.
Chưa có các thuốc và vắc-xin hiệu nghiệm. Giám đốc Viện Dị ứng và các Bệnh Nhiễm khuẩn Hoa Kỳ cho rằng những hiểu biết của chúng ta về điều trị và dự phòng Ebola hiện vẫn còn rất hạn chế. Việc áp dụng các phương pháp điều trị chưa sẵn sàng ở những vùng dịch bệnh nặng nhất đã gây ra nhiều tranh cãi: trong khi bên cạnh xu hướng dùng rộng rãi hơn ở châu Phi một vài dạng thuốc đang được thử nghiệm vì lý do nhân đạo thì lại có những cảnh báo khác cho rằng việc sử dụng rộng rãi các thuốc chưa được công nhận có thể là trái với đạo lý, nhất là trước đây đã có những thử nghiệm thuốc bởi các công ty Dược phương Tây ở các nước đang phát triển. Do có sự bất đồng, ngày 12/8, một hội đồng chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) đã thông qua một danh mục các can thiệp mà hiệu quả chưa rõ ràng được phép sử dụng trong cả điều trị và dự phòng Ebola, đồng thời cũng đưa ra ý kiến về những vấn đề cần thảo luận thêm như việc việc quyết định phương pháp điều trị nào sẽ được sử dụng và làm sao để việc phân phối được công bằng.
Hiện tại một số phương pháp điều trị thử nghiệm đang được xem xét để sử dụng trong bối cảnh bùng phát dịch, những phương pháp này đang được hoặc sẽ sớm đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, cần phải mất thời gian để có đủ số lượng thuốc cho việc thử nghiệm rộng rãi. Ngày 13/11, Tổ chức các Thầy thuốc Không Biên giới (MSF) thông báo việc thử nghiệm của ba biện pháp điều trị khả thi – huyết thanh, brincidofovir và favipiravir – sẽ được bắt đầu trong tháng 11 tại các trung tâm điều trị Ebola.
• Truyền huyết thanh - được cho là phương pháp có triển vọng trong nghiên cứu về Ebola từ đầu thập niên 1970, TCYTTG đã nhận ra rằng việc truyền máu toàn phần hoặc huyết thanh điều chế từ các bệnh nhân Ebola khỏi bệnh là phương pháp điều trị khả thi nhất có thể tiến hành sớm, mặc dù chỉ có ít thông tin về hiệu quả của nó. Ngày 21/10, bác sĩ Marie Paule Kieny (TCYTTG) đã công bố tên các hiệp hội tại ba nước có thể trích lấy huyết tương một cách an toàn để điều trị cho những người bị nhiễm. Trường hợp đầu tiên có thể được thực hiện ở Liberia trong tháng 11. Một báo cáo ngày 13/11 ghi nhận, các thử nghiệm truyền máu đầu tiên sẽ được bắt đầu vào tháng 12 tại Conakry, Guinea.
• Zmapp, là một kết hợp của tháng thể đơn clone. Thuốc được cung cấp có giới hạn và đã được sử dụng cho 7 bệnh nhân Ebola. Mặc dù vài người trong số đó khỏi bệnh, kết quả không được coi là có ý nghĩa thống kê. Zmapp được chứng minh là có hiệu quả cao trong thử nghiệm trên khỉ macaque rhesus. Ngày 8/10, Trung tâm A&M (Đại học Texas) cho biết, thuốc này đang được chuẩn bị để sản xuất số lượng lớn trong khi chờ đợi sự phê chuẩn cuối cùng.
• TKM – Ebola, thuốc tác động lên RNA. Thử nghiệm lâm sàng pha 1 trên những người tình nguyện khỏe mạnh đã bắt đầu sớm trong năm 2014 nhưng bị đình chỉ do các tác dụng phụ; tuy vậy Tổ chức Thuốc và Thực phẩm (FDA) đã cho phép dùng trong cấp cứu để điều trị các bệnh nhân thực sự nhiễm vi-rút.
• Favipiravir (Avigan), thuốc được công nhận ở Nhật Bản để điều trị cúm; có thể hữu ích trên chuột bị Ebola, thử nghiệm lâm sàng được dự định tiến hành cho bệnh nhân Ebola ở Guinea trong tháng 11. Thuốc đã được dùng cho 4 bệnh nhân Ebola và sau đó khỏi bệnh, tuy nhiên kết quả này không có ý nghĩa thống kê.
• BCX4430 là một thuốc kháng vi-rút phổ rộng của BioCryst Pharmaceuticals và hiện đang được USAMRIID nghiên cứu về khả năng điều trị Ebola. Thuốc đã được chấp thuận tiến hành các thử nghiệm pha 1, dự kiến vào khoảng cuối 2014.
• Brincidofovir, một thuốc kháng vi-rút khác được FDA chấp thuận là một thuốc mới cho điều trị Ebola sau khi được chứng minh là có tác dụng chống vi-rút Ebola trên các thử nghiệm in vitro.
• JK-05 là một thuốc kháng vi-rút của công ty Sihuan Pharmaceutical cùng với Viện Y học Quân sự (Trung Quốc). Trong các thử nghiệm trên chuột, JK-05 cho thấy hiệu quả kháng nhiều loại vi-rút trong đó có Ebola.
Thuốc được khẳng định là có cấu trúc phân tử đơn giản thuận lợi cho việc sản xuất số lượng lớn. Thuốc được công nhận sơ bộ bởi các nhà chức trách Trung Quốc để sẵn sàng dùng cho các nhân viên y tế của họ tham gia chống dịch. Công ty Sihuan đang chuẩn bị cho các thử nghiệm lâm sàng ở Tây Phi.
CÁC VẮC-XIN PHÒNG BỆNH THỬ NGHIỆM
Tháng 9, một vắc-xin thử nghiệm, nay được biết dưới tên gọi vắcxin cAd3-ZEBOV, bắt đầu đồng thời các thử nghiệm Pha 1 cho những người tình nguyện ở Oxford và Bethesda. Vắc-xin được phát triển với sự phối hợp của GlaxoSmithKline và NIH. Trong tháng 10, vắc-xin đã được thử cho một nhóm người tình nguyện khác ở Mali. Kết quả thử nghiệm pha 1 tại Bethesda cho thấy 20 người tình nguyện đều chấp nhận tốt và có đáp ứng miễn dịch. Vắc-xin này sẽ được nhanh chóng sử dụng tại Tây Phi. Để chuẩn bị cho điều này, GSK đã sẵn sàng cho việc sản xuất 10.000 liều.
Ứng viên vắc-xin thứ hai, rVSV- ZEBOV, được phát triển bởi Sở Y tế Công cộng Canada. Ngày 29/10, Welcome Trust thông báo nhiều thử nghiệm nhanh chóng được bắt đầu trên những tình nguyện khỏe mạnh ở châu Âu, Gabon, Kenya và Hoa Kỳ. Đây là cam kết quốc tế mới nhất nhằm đẩy nhanh việc sớm kiểm tra loại vắc-xin Ebola này, để nó có thể được tiến hành thử nghiệm ở Tây Phi vào cuối năm, và nếu kết quả tốt sẽ triển khai rộng rãi hơn trong năm 2015.
Ứng viên vắc-xin thứ ba, với thành phần adenovirus từ Crucell (Johnson & Johnson) và thành phần vaccinia Ankara biến đổi từ Bavarian Nordic, đang được chuẩn bị cho các thử nghiện lâm sàng đầu năm 2015. Johnson & Johnson đã cam kết sẽ thúc đẩy việc phát triển vắc-xin này và sẽ sản xuất hơn 1 triệu liều trong năm 2015.
Nguồn: “Trích dẫn từ Wikipedia, bài viết ‘Ebola virus epidemic in West Africa’ của Trung tâm châu Âu Dự phòng và Kiểm soát bệnh – ECDC” - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM
Xem thêm các bài viết về bệnh tại đây.