Bệnh ung thư

Các phương pháp điều trị ung thư thận

Các phương pháp điều trị ung thư thận

1. Định nghĩa

Ung thư thận là ung thư bắt nguồn từ trong các thận. Ở người lớn, loại thường gặp nhất là carcinom hay ung thư biểu mô tế bào thận, còn có thể gặp các loại ung thư hiếm hơn của thận. Ở trẻ nhỏ, gặp nhiều hơn cả là ung thư nguyên bào thận (nephroblastoma), còn gọi là u Wilms. Ung thư thận chiếm khoảng 2% tất cả các loại ung thư. 
Trong hai mươi năm qua, với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp điện toán, ung thư thận đã tăng lên đáng kể nhưng tỷ lệ sống còn sau điều trị cũng đã tăng  do ung thư thận được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn. Ung thư thận thường gặp nhiều ở nam giới hơn ở nữ giới. độ tuổi thường gặp là 60 - 70.

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Các nguyên nhân gây ung  thư thận chưa được biết rõ ràng, tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ của ung thư thận được ghi nhận như: tuổi cao, hút thuốc lá, béo phì, cao huyết áp, điều trị  suy thận với chạy thận kéo dài, một số hội chứng di truyền… Một số thay đổi lối  sống,  quan  trọng nhất là việc bỏ hút thuốc và giữ một thể trọng khỏe mạnh, có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư thận.

3. Triệu chứng và chẩn đoán

Ung thư thận ở  các  giai  đoạn sớm thường không có biểu hiện lâm sàng. Ở các giai đoạn muộn hơn, ung thư thận có các triệu chứng và dấu hiệu sau đây: tiểu máu, đau hông  lưng,  sụt  cân, mỏi mệt, sốt từng lúc, thiếu máu, chán ăn, tăng men gan  và  tiểu cầu  trong  máu,  huyết  áp  cao. 
 
Đa số các trường hợp bệnh phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính. Tam chứng cổ điển của ung thư thận - gồm tiểu máu, đau hông lưng và sờ thấy khối u ở thận - hiện nay chỉ chiếm khoảng  10%  số  trường hợp ung thư được phát hiện. Khi người bệnh đã có triệu chứng thì đồng nghĩa với bệnh đã ở giai đoạn muộn và thường đã có  di căn xa. 
Có thể  có  triệu  chứng đau xương hoặc ho kéo dài khi ung thư đã di căn đến xương và phổi. các nghiệm pháp chẩn đoán: 

- Thử máu và nước tiểu, để biết nguyên nhân gây ra các triệu chứng và dấu hiệu trên người bệnh. 

- Các nghiệm pháp  hình  ảnh học: siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ cho thấy các bất thường hay khối u thận. 

- Sinh thiết thận: được chỉ định khi có nghi ngờ, đánh giá giai đoạn của ung thư thận: 

Các giai đoạn ung thư thận

  • Giai đoạn I: u có đường kính nhỏ hơn 7 cm và còn giới hạn trong thận. 
  • Giai đoạn II: u  lớn  hơn  7  cm và còn giới hạn trong thận. 
  • Giai đoạn III: u vượt ra ngoài thận đến các mô quanh thận, u xâm lấn mạch máu chính hoặc tuyến thượng thận  hoặc  một hạch vùng.
  • Giai đoạn IV: u xâm lấn cân Gerota hoặc nhiều hơn một hạch vùng hoặc di căn tới các nơi xa của cơ thể như xương, gan, phổi.

4. Điều trị

4.1. Phẫu thuật

Do ung thư thận là loại ung thư không nhạy cảm với hóa trị và xạ trị nên đến nay phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chuẩn và triệt để nhất cho đa số các ung thư thận, từ giai đoạn sớm của bệnh đến giai đoạn bướu đã di căn xa. Các phẫu thuật điều trị ung thư thận bao gồm: cắt thận triệt để, cắt thận bán phần và cắt thận giảm số lượng tế bào ung thư tùy theo giai đoạn bệnh. Có thể thực hiện bằng mổ mở hay mổ nội soi. 
- Cắt thận triệt để: là cắt bỏ toàn bộ một thận có bướu và các mô mỡ quanh thận, chỉ định cho ung thư thận khu trú có kích thước bướu lớn hơn 7 cm hoặc bướu đã xâm lấn mô xung quanh. Người bệnh có thể sống bình thường nhờ thận còn lại có chức năng tốt.
- Cắt bỏ khối ung thư hay Cắt thận bán phần: Cắt bỏ khối u và một mép nhỏ mô lành xung quanh chứ không phải cắt bỏ toàn bộ một thận. Có thể mổ mở hay mổ nội soi. Được chỉ định cho bướu có kích thước nhỏ hơn 7 cm và còn nằm giới hạn trong thận, chưa xâm lấn mô xung quanh. Hoặc bướu to hơn 7 cm trên người bệnh có thận độc nhất hoặc chức năng thận đối bên không bình thường hoặc bướu xuất hiện trên cả 2 thận. 
- Cắt thận giảm số lượng tế bào ung thư (Cytoreductive nephectomy): Trong trường hợp bướu đã di căn sang các tạng khác như gan, phổi… phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ một thận cũng được khuyến cáo để làm giảm số lượng tế bào ung thư và làm giảm triệu chứng, cũng có thể cắt bỏ thêm các tạng lân cận bị di căn (ruột, tụy, lách, một phần gan). Có thể kết hợp với liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm trúng đích. Thời gian sống thêm được khoảng 3 tháng – 1 năm. 

4.2. Các điều trị không phẫu thuật 

Áp dụng cho các trường hợp không thể phẫu thuật do quá chỉ định hay do thể trạng người bệnh kém không chịu đựng được phẫu thuật, hoặc cho các trường hợp bướu nhỏ hơn 4 cm. Bao gồm:
- Liệu pháp áp lạnh (Cryoablation) 
Còn được gọi là Loại bỏ bướu bằng đông lạnh, là một lựa chọn điều trị khác cho ung thư thận. Liệu pháp này sử dụng một loại khí hóa lỏng, phổ biến nhất là nitơ lỏng hoặc argon, để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách làm đông lạnh. Khí hóa lỏng dẫn đến bướu thông qua một hệ thống kim. Thông thường, phương pháp áp lạnh được thực hiện qua da và siêu âm hoặc chụp cắt lớp được sử dụng để hướng dẫn cho chọc kim. Phương pháp áp lạnh cũng có thể được thực hiện trong khi mổ nội soi hay mổ mở. Phương pháp áp lạnh có thể được thực hiện nhiều lần, trong trường hợp bướu tái phát hoặc lần điều trị đầu tiên không thành công. 
- Đốt nóng các tế bào ung thư (hay Cắt bỏ bằng sóng cao tần - Radiofrequency ablation) 

Đốt nóng các tế bào ung thư bằng sóng cao tần

Sử dụng một kim đặc biệt cắm qua da vào đến khối  u  thận dưới sự hướng dẫn của X-quang, phóng điện cao tần qua kim, các tế bào u sẽ nóng lên hoặc bị bỏng.
4.3 Điều trị cho các ung thư thận tiến triển hoặc tái phát 
Ung thư thận tái phát hoặc đã lan rộng sang các nơi khác của cơ thể là không thể chữa khỏi, nhưng cũng có thể kiểm soát bằng một số phương pháp điều trị. Bao gồm: 
- Liệu pháp miễn dịch 
Sử dụng các thuốc nhằm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Hai loại thuốc miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư thận là Interferon-alpha (INF-α) và Interleukin-2 (IL-2). Liệu pháp này thường được sử dụng khi: còn sót lại mô bướu sau phẫu thuật, bướu ở giai đoạn di căn xa, có thể hoặc không thể cắt thận giảm số lượng tế bào hoặc trường hợp bướu tái phát không thể phẫu thuật cắt bỏ. Các thuốc này có thể có các hiệu ứng phụ như: sốt, rét run, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau ở cơ và khớp, giảm tạm thời số lượng các tế bào máu… 
- Liệu pháp nhắm trúng đích 
Các điều trị trúng đích ngăn chặn các tín hiệu bất thường đặc hiệu của ung thư thận làm cho bướu phát triển. Các thuốc được sử dụng làm chậm sự tăng trưởng các tế bào ung thư thậm chí có thể thu nhỏ kích thước bướu. Có thể sử dụng trước phẫu thuật làm giảm kích thước bướu để thuận lợi cho phẫu thuật, hay sử dụng sau phẫu thuật cắt thận khi đã có di căn xa và cũng có thể dùng kết hợp với liệu pháp miễn dịch. Các thuốc chống tạo mạch (axitinib, bevacizumab, pazopanib, sorafenib, sunitinib) ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới cung  cấp  các  chất  nuôi  dưỡng tế bào ung thư và làm cho các tế bào ung thư lan rộng. Các thuốc điều trị trúng đích Temsirolimus và everolimus ngăn chặn tín hiệu làm cho các tế bào ung thư phát triển và tiếp tục sống. 
- Xạ trị 
Sử dụng các tia năng lượng mạnh ví dụ như tia X - để giết các tế bào ung thư. Đôi khi được dùng để kiểm soát và làm giảm nhẹ triệu chứng của ung thư thận khi đã có di căn xa.

5. THEO DÕI SAU ĐIỀU TRỊ UNG THƯ (3 - 6 THÁNG) 

Sau phẫu thuật cắt thận bán phần hay cắt thận triệt để hoặc điều trị bằng các liệu pháp khác, người bệnh cần được theo dõi tích cực mỗi 3 - 6 tháng/lần về các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Theo dõi lâu dài, ít nhất là 5 năm, thông thường cần chụp mscT bụng, siêu âm bụng, chụp X-quang phổi và các xét nghiệm đánh giá chức năng thận...

Đang xem: Các phương pháp điều trị ung thư thận

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng