Bệnh ung thư

U MÔ ĐỆM ĐƯỜNG TIÊU HÓA: LƯU Ý TRONG THỰC HÀNH

U MÔ ĐỆM ĐƯỜNG TIÊU HÓA: LƯU Ý TRONG THỰC HÀNH

ĐẠI CƯƠNG

U mô đệm đường tiêu hóa (UMĐĐTH) là những sarcoma, tức là những u tân sinh xuất phát từ lớp trung mô của cơ thể, chiếm một tỷ lệ rất thấp khoảng 1% - 3% các u đường tiêu hóa.

Tính trên dân số theo các nghiên cứu thì tỷ lệ của u mô đệm đường tiêu hóa chỉ là 6,5– 14,5 người / 1 triệu dân. Tuy vậy, chúng là loại u trung mô gặp nhiều nhất của đường tiêu hóa và xếp hàng thứ ba về tần số sau các ung thư tuyến và u lymphô.

Tất cả các u mô đệm đường tiêu hóa đều được xác định bằng biểu hiện dương tính với KIT(CD117), là một thụ quan của yếu tố tăng trưởng tyrosine kinase. Các u này lành có ác có. 70-80% là lành tính và đa số gặp ở dạ dày, ruột non, thực quản, đại tràng và trực tràng. Các u có tiềm năng ác tính cao thường có kích thước lớn >5 cm, chỉ số gián phân cao (nhiều hơn 5 trên 50 quang trường lớn), tế bào có dạng biểu mô và có thể di căn đến gan và phúc mạc.

Nhuộm hóa mô miễn dịch để xác định xem có đột biến gen KIT hay không, từ đó có quyết định điều trị thích hợp. Những hiểu biết mới về nguyên nhân và sinh bệnh học ở cấp độ phân tử đã mang lại những tiến bộ trong điều trị thuốc trúng đích cho căn bệnh này, hỗ trợ rất nhiều cho phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi u.

Bệnh nhân gặp nhiều nhất ở tuổi 50-70, rất hiếm gặp ở tuổi dưới 30. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ là như nhau. Chưa rõ thiên hướng chủng tộc của UMĐĐTH.

SINH LÝ BỆNH

U mô đệm đường tiêu hóa có thể gặp đâu đó trong đường tiêu hóa. Đây là những tổn thương dưới niêm mạc có kích thước từ 1 cm đến 40 cm đường kính. Khoảng 50- 70% của UMĐĐTH xuất phát từ dạ dày. Từ hỗng-hồi tràng là 20-30%. Hiếm hơn là từ đại tràng và trực tràng (5-15%) và thực quản (<5%). Rất hiếm khi gặp ngoài ống tiêu hóa chẳng hạn như ở tụy tạng, mạc nối lớn, mạc treo ruột non hay khoang phúc mạc.

u mô đệm đường tiêu hóa

MÔ BỆNH HỌC

U mô đệm đường tiêu hóa là loại u trung mô đường tiêu hóa hay gặp nhất. Các tiêu bản mô bệnh học cho thấy trong đa số các trường hợp là các u có tế bào hình con suốt và ít gặp hơn là các u dạng biểu mô hoặc hỗn hợp cả hai thứ. Thỉnh thoảng gặp loại mô học nhiều hình thái.

Các thông số dưới đây là quan trọng nhất có liên quan đến tiềm năng sinh học ác tính hay lành tính của u:

(1) kích thước khối u: trên hay dưới 5 cm;

(2) chỉ số gián phân: trên hay dưới 5 / 50 quang trường lớn; (3) hình thái học tế bào: dạng biểu mô ít gặp, có tiềm năng ung thư cao hơn;

(4) thử hóa mô miễn dịch để lựa chọn phương hướng điều trị thích hợp.

CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG

Có đến 75% các u mô đệm đường tiêu hóa được phát hiện khi chúng nhỏ dưới 4 cm đường kính và không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng không đặc hiệu. Chúng thường xuyên được chẩn đoán một cách tình cờ trong những khảo sát X-quang hay nội soi hay phẫu thuật trong thăm khám các bệnh tiêu hóa hoặc trong các điều trị cấp cứu chẳng hạn như chảy máu, tắc ruột hay thủng tạng.

Các biểu hiện lâm sàng bao gồm:

• Đau bụng mơ hồ, không đặc hiệu hay khó chịu bất an (thường gặp nhất)

• Chán ăn sớm hoặc có cảm giác đầy bụng

• Sờ thấy một khối ở bụng (hiếm)

• Khó ở, mệt mỏi hoặc khó thở đi kèm với mất máu đáng kể

• Các dấu hiệu khu trú hay lan rộng của viêm phúc mạc (khi có thủng ống tiêu hóa)

Các dấu hiệu tắc ruột và các triệu chứng có thể đặc hiệu về vị trí như sau:

• Nuốt khó với UMĐĐTH thực quản

• Táo bón và căng bụng với UMĐĐTH của đại trực tràng

• Vàng da, tắc ruột với UMĐĐTH của tá tràng

u mô đệm đường tiêu hóa

CHẨN ĐOÁN

Không có một nghiệm pháp cận lâm sàng nào có thể khẳng định một cách đặc hiệu hay phủ định sự hiện diện của u mô đệm đường tiêu hóa.

Các nghiệm pháp nói dưới đây thường được chỉ định cho người bệnh có các triệu chứng bụng không đặc hiệu; đau bụng; hay các biến chứng như chảy máu, tắc ruột hay thủng ruột.

Khi có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ một u mô đệm đường tiêu hóa, làm các khám nghiệm để xác định vị trí cùng di căn sang các tạng khác.

Chụp cắt lớp có cản quang. Uống chất cản quang để thấy rõ hơn dạ dày và ruột non khi chụp X-quang. Hoặc tiêm chất cản quang. Giúp đánh giá kích thước và vị trí của khối u.

Nội soi tiêu hóa trên: thực quản, dạ dày, đoạn đầu ruột non. Có thể lấy các mẫu sinh thiết các mô bất thường.

Siêu âm nội soi. Giúp xác định chính xác vị trí của khối u. Cũng có thể thấy các u di căn của gan hay thành bụng. Cũng có thể xác định độ sâu của u trong thành dạ dày hay các vị trí khác trong đường tiêu hóa.

Chọc kim nhỏ sinh thiết. Để xác định chẩn đoán UMĐĐTH.

Đôi khi các khám nghiệm trên không có kết quả hay không kết luận được, nếu vẫn nghi ngờ khối u thì phải cần đến phẫu thuật để lấy bỏ khối u và tiến hành các phân tích cần thiết như giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, chỉ số gián phân….

XỬ TRÍ

Phẫu thuật là một xử trí có tính quyết định cho bệnh nhân u mô đệm đường tiêu hóa:

• Phẫu thuật loại trừ triệt để và hoàn toàn khối u là khả năng duy nhất cho chữa khỏi bệnh

• Phẫu thuật cũng được chỉ định cho các bệnh nhân có triệu chứng với bệnh tiến triển tại chỗ hay có di căn

• Bóc tách rộng các tổn thương lớn là hữu ích khi điều trị bổ trợ được tính đến

• Cắt bỏ nội soi được cải tiến và thường được lựa chọn

Imatinib mesylate được sử dụng cho u mô đệm đường tiêu hóa như sau:

• Điều trị bổ trợ sau cắt bỏ hoàn toàn khối u trong các trường hợp có nguy cơ cao

• Điều trị tân bổ trợ nhằm thu nhỏ bớt khối u trước khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ

Các thuốc ức chế tyrosine kinase khác được sử dụng khi Imatinib không chịu đựng được hoặc không có hiệu quả:

• Sunitinib: ít đặc hiệu bằng imatinib, được công nhận là yếu tố đứng hàng thứ hai cho UMĐĐTH

• Sorafenib: yếu tố thế hệ thứ hai đang được nghiên cứu

• Dasatinib: yếu tố thế hệ thứ hai đang được nghiên cứu

• Nilotinib: yếu tố thế hệ thứ hai đang được nghiên cứu

TỬ VONG & BIẾN CHỨNG

Hậu quả trên bệnh nhân u mô đệm đường tiêu hóa phụ thuộc cao vào biểu hiện lâm sàng và các đặc điểm mô bệnh học của u.

Tỷ lệ sống thêm 5 năm là khoảng 28-60%. Tỷ lệ sống thêm ở nhóm bệnh nguyên phát khu trú là 5 năm và ở nhóm có di căn hay tái phát là khoảng 10-20 tháng.

Các u mô đệm đường tiêu hóa kích thước lớn thường kết hợp với các biến chứng như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột và thủng ruột. Các u có thể xếp thành các loại nguy cơ cao và thấp dựa trên kích thước, vị trí, chỉ số gián phân và kết quả thử hóa mô miễn dịch.

Nguồn: TS BS Nguyễn Hữu Thịnh- Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM

 

Xem thêm bài viết tại đây.

 

Đang xem: U MÔ ĐỆM ĐƯỜNG TIÊU HÓA: LƯU Ý TRONG THỰC HÀNH

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng