Bệnh về rối loạn tâm thần

VẬT LÝ TRỊ LIỆU Ở BỆNH NHÂN PARKINSON

VẬT LÝ TRỊ LIỆU Ở BỆNH NHÂN PARKINSON

BỆNH PARKINSON LÀ GÌ?

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa của hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở những người lớn tuổi (trên 60 tuổi), nhưng cũng có khoảng 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới 40 tuổi, ở giai đoạn này được gọi là bệnh Parkinson khởi phát sớm. Bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới nhưng thường gặp ở nam giới hơn và hiện nay các nhà nghiên cứu cũng chưa biết nguyên nhân tại sao.

Hiện nay chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hẳn bệnh. Tuy nhiên với sự phát triển của nền y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh như dùng thuốc nhiều năm, phẫu thuật và kết hợp điều trị vật lý trị liệu.

BỆNH PARKINSON BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Parkinson là một loại rối loạn vận động nên các triệu chứng biểu hiện rõ nhất liên quan đến chức năng vận động.

CÁC DẤU HIỆU LÂM SÀNG ĐẶC TRƯNG

Triệu chứng phổ biến nhất là run. Run thường bắt đầu ở tay và chân, cử động thường thấy là đối chiếu ngón cái và ngón trỏ (thường là loại run sấp-ngửa của bàn tay, ngón trỏ có xu hướng gặp ngón cái khi run). Thường là run khi nghỉ ngơi.

Bệnh Parkinson có thể làm cho khó khăn khi bắt đầu một động tác tự ý, ví dụ như khi khởi đầu bước đi, nhưng sau khi đi được rồi thì cũng khó dừng lại. Điều này cũng khiến cho việc thực hiện các chức năng đơn giản trở nên khó khăn và mất thời gian nhiều hơn. Vận động chậm - Vận động giảm - Mất vận động.

•      Tư thế và dáng bộ không vững.

•      Cứng cơ: Do tăng trương lực cơ, có thể xảy ra ở bất cứ phần nào của cơ thể. Nó làm giới hạn tầm vận động, gây đau. Từ đó ảnh hưởng đến chức năng di chuyển sinh hoạt của người bệnh.

•      Bước đi tê cứng: Là sự mất khả năng di chuyển tạm thời, đột ngột, kéo dài trong vài giây hoặc vài phút. Chẳng hạn người bệnh muốn nhấc chân lên để bước đi nhưng không thể. Vì vậy "tê cứng" cũng là nguyên nhân phổ biến gây té ngã ở người bệnh Parkinson.

- Một số triệu chứng khác:

•      Mất thăng bằng và mất điều hòa vận động.

•      Chữ viết nhỏ dần.

•      Giọng nói thay đổi: đơn điệu, lặp lại từ, lắp bắp trước khi nói hoặc nói chuyện nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn.

•      Mất sự biểu cảm trên khuôn mặt.

•      Rối loạn lo âu, trầm cảm.

•      Rối loạn giấc ngủ.

•      Táo bón.

parkinson

 

NGUYÊN NHÂN NÀO DẪN ĐẾN BỆNH PARKINSON?

Nguyên nhân chính xác của bệnh Parkinson chưa được rõ và đang được nghiên cứu. Tuy nhiên có một số yếu tố được cho là có liên quan như gen và yếu tố môi trường (hóa chất công nghiệp, chất gây ô nhiễm, thuốc trừ sâu, kim loại...). Các triệu chứng vận động của bệnh là do chết các tế bào thần kinh trong chất đen (substantia nigra) của não giữa, đưa đến thiếu và mất sản xuất dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh.

CÁC NGUYÊN LÝ CHÍNH TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH PARKINSON

Đầu tiên sử dụng các thuốc kháng- parkinson như L-DOPA, làm tăng hoạt động của dopamine hoặc làm giảm hoạt động của acetylcholine ở hệ thần kinh trung ương. Nếu không khỏi, dùng các thuốc dopamine, làm kích hoạt các thụ thể dopamine. Đặt các vi điện cực để đo hoạt động điện và kích thích các vùng nhỏ của não sâu.

VAI TRÒ CỦA VẬT LÝ TRỊ LIỆU

Kỹ thuật viên vật lý trị liệu khám và lượng giá trên từng bệnh nhân để đưa ra mục tiêu và chương trình điều trị phù hợp, giúp làm gia tăng tầm vận động của khớp, giảm trương lực cơ, tăng khả năng điều hòa vận động, giảm tình trạng tê cứng, giúp người bệnh cải thiện dáng đi, di chuyển, sinh hoạt dễ dàng và độc lập hơn.

Ngoài ra các kỹ thuật viên vật lý trị liệu còn hướng dẫn người nhà và người bệnh ngăn ngừa tư thế xấu, tránh co rút, cách phòng tránh nguy cơ té ngã.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần tích cực tập luyện theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu để đạt được kết quả tốt nhất. Người bệnh cần độc lập trong sinh hoạt hằng ngày, cố gắng thực hiện từ việc dễ đến việc khó hơn. Người bệnh không nên chủ quan phụ thuộc vào người nhà vì như thế sẽ càng làm hạn chế hoạt động của người bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp cũng cần sự hỗ trợ từ người nhà để người bệnh được an toàn và tự tin hơn.

parkinson

 

Cần lưu ý người nhà không nên hối thúc người bệnh khi tập luyện vì điều này càng làm cho người bệnh thêm căng thẳng, khó tập trung, thậm chí không thể thực hiện được. Người nhà nên động viên khuyến khích để người bệnh có động lực tập luyện.

Theo các nhà nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ, vật lý trị liệu có thể kết hợp với đa ngành khác như vận động trị liệu, âm ngữ trị liệu, định hướng nghề nghiệp, chế tạo dụng cụ. để cùng phối hợp điều trị bệnh Parkinson.

Tóm lại, điều trị bệnh Parkinson là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ giữa bản thân người bệnh, gia đình người bệnh và các thầy thuốc.

Với mỗi người bệnh có biểu hiện và mức độ bệnh khác nhau, các kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn những bài tập phù hợp cho từng người bệnh và người nhà. Đồng thời kỹ thuật viên vật lý trị liệu cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để theo dõi quá trình điều trị, tập luyện và sự tiến bộ của người bệnh, giúp cho người bệnh Parkinson giảm thiểu được tối đa những khó khăn hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống và không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguồn: CN VLTL Phạm Văn Thạnh, CN VLTL Cao Thị Kim Hân, CN VLTL Nguyễn Ngọc Anh Thư - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM

 

Xem thêm bài viết tại đây.

 

Đang xem: VẬT LÝ TRỊ LIỆU Ở BỆNH NHÂN PARKINSON

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng