
1. Tìm hiểu chung
1.1. Hồng hoa là gì?
Hồng hoa được xem như là một dược liệu quý, từ lâu đã xuất hiện trong rất nhiều bài thuốc về khí huyết. Hồng hoa có tác dụng rất tốt trong điều hòa kinh nguyệt, trị đau do ứ huyết, đau bụng kinh…
Tên khác: Hồng lam hoa
Tên khoa học: Carthamus tinctorius L. Asteraceae (Họ Cúc).
1.2. Đặc điểm thực vật
- Cây thảo sống hàng năm, cao cỡ 1 m. Thân đứng, nhẵn, có vạch dọc, phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, gần như không cuống, gốc lá tròn ôm lấy thân, mũi lá nhọn sắc, mép lá có nhiều răng cưa nhọn trông rất đặc sắc. Cụm hoa đầu ở ngọn thân, bao chung gồm nhiều vòng lá bắc (tổng bao lá bắc) có hình dạng và kích thước khác nhau. Khi chưa nở, cụm hoa đầu có màu trắng xanh. Hoa nhỏ, khi mới nở có màu vàng rồi chuyển dần sang màu đỏ cam.
- Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Hoa (Flos Carthami).
- Dược liệu có màu đỏ, mềm, mùi thơm, vị hơi đắng. Đem ngâm nước thì nước sẽ nhuộm màu vàng tươi (carthamin), ngâm kiềm thì dịch kiềm sẽ có màu đỏ (carthamon).
- Thu hái hoa khi hoa đang nở, cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ. Phơi nắng nhẹ cho khô dần. Hạt và dầu ép từ hạt cũng được sử dụng.
1.3. Phân bố
Giống Hồng hoa quý và tốt nhất là Hồng hoa Tây Tạng. Ngoài ra còn được trồng ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Đức, Pháp, Nhật…
Tại Trung Quốc: Cây trồng ở vùng Tứ Xuyên, Hà Nam, An Huy là giống tốt nhất. Ở Việt Nam, cây trước đây được trồng nhiều ở tỉnh Hà Giang.
2. Thành phần hóa học
- Hoa chứa flavonoid nhóm quinochalcon: carthamin (sắc tố vàng), carthamon (sắc tố đỏ), iso-carthamin, và các flavonoid khác như luteolin, dẫn chất của quercetin,..
- Tinh dầu (caryophyllen, p-allyltoluen, 1-acetoxytetralin và heneicosan)
- Ngoài ra, hoa còn chứa alkaloid là dẫn chất của serotonin.
- Hạt chứa 20-30% dầu, giàu acid béo α-linoleic.
3. Công dụng
- Có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, tán ứ, giảm đau.
- Dùng làm thuốc an thần, điều kinh, chữa kinh nguyệt không đều, chữa bế kinh, đau bụng kinh.
- Hồng hoa và các chất màu chiết từ Hồng hoa còn dùng để nhuộm màu thực phẩm, nhuộm màu tơ lụa.
- Dầu hạt dùng chữa thấp khớp, chữa vết loét. Hạt dùng chữa thấp khớp, dùng để xổ. Nhiều quốc gia như Ấn độ, Mexico, Mỹ, Úc, Tây ban nha sử dụng làm dầu thực vật.
4. Một số bài thuốc thường dùng có chứa Hồng hoa
- Phương thuốc chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông gây đau bụng:
Hồng hoa, Duyên hồ sách, Đương quy, Sinh địa, Ngưu tất, Xích thược, Ích mẫu, Xuyên khung. Sắc nước uống. Hoặc tán ra luyện mật làm hồ để làm thành viên uống.
- Phương thuốc chữa các chứng sưng đau:
Dùng Hồng hoa tươi mà hoa đã chín đỏ, giã vắt lấy nước cốt uống (Ngoại đài bí yếu phương).
- Phương thuốc trục thai chết lưu:
Hồng hoa đun với rượu mà uống.
Hoặc dùng Hồng hoa, rễ Gấc, gỗ Vang, cỏ Nụ áo, vỏ cây Vông đồng, lá Đào, cỏ Xước, sắc rồi chế thêm đồng tiện vào mà uống (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
- Phương thuốc chữa người bị chứng thối tai:
Dùng Hồng hoa cùng với Bạc hà và nước cốt của lá Kim ty hà diệp cho vào một chút phèn phi, tán ra thành bột nhỏ để thổi vào trong lỗ tai.
- Phương thuốc chữa đau bụng kinh:
Dùng 6g Hồng hoa, 12g Đương quy, 4g Xuyên khung, 12g Diên hồ sách, 12g Hương phụ. Sau khi rửa sạch các vị thuốc, cho vào nồi và sắc lấy nước uống. Hoặc uống thuốc kết hợp với rượu Đương quy. Uống trước khi có kinh.
5. Lưu ý khi sử dụng
- Phụ nữ có thai và người cao huyết áp không dùng
- Hồng hoa là một vị thuốc quý. Tuy nhiên, do tính chất thuốc rất mạnh mẽ nên mọi người cần hết sức lưu ý khi sử dụng. Tốt nhất là nên có ý kiến của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng và dùng liều lượng lớn, thời gian dài vì có thể gây một số tác dụng không mong muốn.
Xem thêm bài viết khác tại đây.