Náng hoa trắng hay Đại tướng quân hoa trắng (Crinum asiaticum L. Họ Amaryllidaceae) mọc phổ biến khắp từ Bắc vào Nam. Cây dễ trồng và cho năng suất thu dược liệu lớn hơn nhiều lần (gấp khoảng 6 lần) so với Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifilium L.).
Có thể kháng ung thư?
Các nghiên cứu đều cho thấy sự gần gũi về thành phần hóa học (alcaloid) và tác dụng chống viêm, chống độc tế bào của hai loại dược liệu này. Tuy nhiên, hàm lượng alcaloid toàn phần và lycorin trong Náng hoa trắng lớn hơn so với Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.). Vì thế, nó có thể được sử dụng thay thế dược liệu Trinh nữ hoàng cung.
Năm 2001, nhóm tác giả người Nhật Bản và Hàn Quốc đã nghiên cứu và phân lập từ phân đoạn ethyl acetat ở cao chiết methanol thân rễ loài Crinum asiaticum var. japonicum được 3 alcaloid phenanthridine và một dẫn chất flavan bằng các phương pháp sắc ký kết hợp. 3 alcaloid đó là criasiaticidin, pratorimin và lycorin. Cả 3 alcaloid này đều có hoạt tính gây độc tế bào và hoạt tính kháng u in vivo. Lycorine, một alkaloid của phenanthridine – liên quan đến lycobetaine, cũng được phát hiện là có tác dụng kháng mô ung thư phổi thể tế bào lớn (large cell lung carcinoma) LXFL529 và ung thư phổi Lewis (LLC) (đối với trường hợp thứ hai, E[D.sub.50]=0,5mg/mL). Điều này được thử nghiệm in vivo trên chuột BDF-1 được cấy các tế bào LLC dưới da. Sau hai tuần điều trị, lycorine với liều 10mg/kg cho thấy có sự kháng ung thư, với tỷ lệ hạn chế ung thư là 80,5% vào ngày thứ 19. (Tỷ lệ hạn chế ung thư được tính bằng tỷ lệ phần trăm khối tế bào ung thư trung bình của nhóm được điều trị trong khối tế bào ung thư trung bình của nhóm được theo dõi).
Cùng trong thời gian này, Trần Bạch Dương và cộng sự đó nghiên cứu về alcaloid của Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium) và Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) đã phân lập được 12 alcaloid từ Trinh nữ hoàng cung và 6 alcaloid từ Náng hoa trắng. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát hoạt tính alcaloid toàn phần của Náng hoa trắng và Trinh nữ hoàng cung – đều thể hiện tính kháng khuẩn, kháng nấm và tác dụng ức chế rất mạnh 3 dòng tế bào ung thư người là Hep-G2, RD và FI. Trong một nghiên cứu khác, Phan Tống Sơn và cộng sự cũng đã công bố kết quả nghiên cứu các ancaloid từ cây Náng hoa trắng và xác định hàm lượng lycorin của loài này khá cao. Các tác giả này đã khảo sát hoạt tính sinh học và gây độc tế bào của ancaloid từ Náng hoa trắng.
Năm 2001, Viện Dược liệu đã bắt đầu triển khai nghiên cứu về cây Náng hoa trắng (đề tài cấp cơ sở năm 2001 – 2002). Năm 2003, Viện Dược liệu đã thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.) làm thuốc chữa phì đại lành tính tuyến tiền liệt”. Đề tài thực hiện trong 3 năm (từ 1/2003 – 12/2005). Năm 2006, đề tài được nghiệm thu và được đánh giá xuất sắc.
Theo đó: Náng hoa trắng hơn hẳn Trinh nữ hoàng cung về năng suất thu nguyên liệu và hàm lượng alcaloid toàn phần cũng như hàm lượng lycorin. Biến động hàm lượng alcaloid theo vùng sinh thái thấp. Vì thế, cây rất có lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu. Cây có hàm lượng alcaloid toàn phần cao (Trung bình 0,97%), cao hơn Trinh nữ hoàng cung(TB 0,49% ) và Náng hoa đỏ (TB 0,56%). Thời gian thu dược liệu cho hàm lượng alcaloid toàn phần cao nhất vào tháng 6 trên cây chưa ra hoa. Các vùng sinh thái khác nhau, sơ bộ xác định chất lượng dược liệu không sai khác lớn (trên 70% số lượng mẫu hàm lượng hoạt chất tương tự nhau).
Kết quả nghiên cứu dược lý
+ Xác định tác dụng chống viêm mạn (liều 3g dược liệu khô/kg thể trọng) trên cả 2 dạng cao cồn và cao nước đều có tác dụng chống viêm mạn tốt. Cao cồn có tác dụng tốt hơn (giảm trọng lượng u hạt 25,4% ở cao cồn và 11,8% ở cao nước).
+ Cao cồn và cao nước (liều 3g dược liệu khô/kg thể trọng) đều làm giảm phì đại lành tính trên tuyến tiền liệt (có ý nghĩa thống kê). Cao cồn có tác dụng tốt hơn (giảm 35,4% ở cao cồn và 28,9% ở cao nước).
+ Xác định tác dụng giảm phì đại tuyến tiền liệt của bột alcaloid toàn phần Náng hoa trắng với các liều lượng 60mg, 90mg và 120mg (tương ứng với 2g, 3g và 4g dược liệu khô/kg thể trọng) tương tự nhau. Sai khác không có ý nghĩa thống kê (từ 20,2% đến 23,5%).
+ Xác định độc tính cấp theo đường uống trên chuột là: LD50 = 0,683g bột alcaloid toàn phần/kg thể trọng = 22,75g dược liệu/kg thể trọng.
+ Xác định độc tính bán trường diễn của cây trên thỏ uống với liều lượng cao gấp 10 lần so với liều lượng dự kiến sử dụng trên người (75mg alcaloid toàn phần/kg thể trọng) và kéo dài 30 ngày, không thấy có biểu hiện ngộ độc trên chức năng gan, thận, huyết học và mô học của thỏ thí nghiệm.
+ Các tác dụng dược lý không mong muốn: Khi truyền alcaloid Náng hoa trắng vào tĩnh mạch mèo với liều 10 mg và 20 mg/kg thể trọng, bột alcaloid Náng hoa trắng không gây ảnh hưởng đến huyết áp bình thường của mèo. Khi truyền dung dịch alcaloid Náng hoa trắng vào tim thỏ cô lập với nồng độ 10 mg và 20 mg/100ml đều không gây ảnh hưởng đến nhịp tim; biên độ co bóp tim và lưu lượng dịch qua tim trên mô hình tim thỏ cô lập. Với liều 90mg alkaloid NHT/kg/ngày x 21 ngày (tương đương 3g dược liệu/kg/ngày) không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến sinh dục chuột đực. Với liều 90mg alcaloid NHT/kg/ngày x 30 ngày không gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh dục của chuột đực biểu hiện qua số chuột đực gây có thai trên chuột cái và số chuột cái được thụ thai và số chuột con sinh ra. Có thể kết luận: bột alcaloid Náng hoa trắng không gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh dục cũng như không gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim và huyết áp trên động vật thí nghiệm ở các liều tương đương lâm sàng. Cần được nghiên cứu tiếp sâu hơn ở các giai đoạn thử lâm sàng trên người.
Từ các kết quả nghiên cứu hóa học nhất là về dược lý đã chứng minh: Có cơ sở khoa học thay thế dược liệu TNHC bằng Náng hoa trắng trong một số hướng điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt, u vú, u xơ tử cung và hỗ trợ điều trị ung thư.
Tham khảo thêm bài viết SILYMARIN – ĐẶC TÍNH DƯỢC LÝ VÀ ỨNG DỤNG LÂM SÀNG để biết thêm thông tin.