1.Tìm hiểu chung
1.1. Xích thược là dược liệu gì?
Tên khoa học : Pall., Paeonia obovata Maxim, Paeonia veitchii Lynch.
Họ : Mẫu đơn (Paeoniaceae).
Bộ phận dùng :
Xích thược (Radix Paeoniae rubrae) là rễ phơi hay sấy khô của 3 loài Thược dược:
- Thược dược (Paeonia lactiflora Pall.) đã mô tả ở trên. Nhưng là loài Thược dược mọc hoang, củ nhỏ bé hơn dùng chế thành Xích thược.
- Thảo Thược dược (Paeonia obovata Maxim.). Cây này cũng mọc hoang, rễ phát triển thành củ có vỏ màu nâu đỏ.
- Xuyên Xích thược (Paeonia veitchii Lynch).
Tất cả Xích thược đều do cây mọc hoang cung cấp, vào các tháng 3-5 hay các tháng 5-10 đào về, trừ bỏ thân rễ và rễ nhỏ, chia thành từng rễ to nhỏ riêng biệt, rửa sạch đất cát, phơi khô. Có thể ủ mềm thái mỏng để dùng sống; có thể tẩm rượu hay tẩm giấm sao.
1.2. Phân bố
Xích thược có xu hướng phân bố từ đông bắc đến tây nam của Trung Quốc. Loài lactiflora mọc hoang ở phía đông bắc, nơi có nhiệt độ và lượng mưa thấp khoảng 340 – 680 mm, trải dài từ Hắc Long Giang, Nội Mông, Liêu Ninh, Hà Bắc, đến Ninh Hạ, Sơn tây và Thiểm tây. Loài veitchii phân bố chủ yếu ở phía tây nam nơi có nhiệt độ và lượng mưa cao khoảng 560 – 1200 mm, từ Thiểm Tây đến Tứ Xuyên, Trùng Khánh.
2. Thành phần hoá học
Như Bạch thược, gồm paeoniflorin , polysaccharid, proanthocyanidin, flavonoid, tannin và acid benzoic.
3. Tác dụng dược lý
Xích thược có tác dụng chống oxy hóa trong ống nghiệm, có thể do sự hiện diện của paeoniflorin, proanthocyanidin và flavonoid. Polysaccharid tìm thấy trong Xích thược đã có khả năng kích thích các tế bào miễn dịch trong ống nghiệm.
Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng Xích thược, dùng một mình hoặc kết hợp với các loại dược liệu khác, có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương gan do chất độc hóa học. Một nghiên cứu sơ bộ cho thấy dịch chiết của Xích thược có thể giảm xơ gan ở một số bệnh nhân viêm gan siêu vi mãn tính.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm và trên thỏ cho thấy dịch chiết của Xích thược và 1 số dược liệu khác có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, huyết khối, đông máu và giảm cholesterol trong động mạch chủ. Điều này cho thấy Xích thược có thể hữu ích trong phòng chống xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng là cần thiết để xác nhận tác dụng này.
4. Công dụng
4.1. Trong cuộc sống
• Chữa chảy máu cam: Xích thược tán nhỏ. Mỗi lần uống 6-8 g.
• Chữa băng huyết bạch đới: Xích thược, Hương phụ hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 6- 8 g. Ngày uống 2 lần. Uống trong 4-5 ngày.
• Trị đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Xích thược 40 g. Sắc uống ngày 3 lần.
4.2. Trong đông y
Tính vị, quy kinh: Xích thược có vị chua, đắng, tính hơi hàn, vào phần huyết của kinh can.
Công năng, chủ trị: Tán ác huyết, tả can hoả. Xích thược có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giải độc tiêu ung chỉ thống. Dùng sống: tán tà, hành huyết. Tẩm rượu sao: trị thổ huyết, đổ máu cam. Tẩm giấm sao: trị kinh bế, đau bụng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng từ 6 - 12 g hoặc 15 – 30 g nếu cần, dùng dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Không nên phối hợp vị thuốc này với Lê lô.
Trị sốt do ngoại tà xâm nhập: phát ban, nôn ra máu, chảy máu cam, chất lưỡi đỏ thẫm: Xích thược phối hợp với Sinh địa hoàng và Mẫu đơn bì.
Trị huyết ứ: rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, viêm cấp có sưng nóng đỏ đau do ngoại thương: Xích thược phối hợp với Xuyên khung, Ðương qui, Ðào nhân và Hồng hoa.
Trị mụn nhọt: Xích thược phối hợp với Kim ngân hoa và Liên kiều.
5. Các bài thuốc đông y
- Đối với các chứng đau: Do ứ huyết đều dùng Xích thược có kết quả tốt. Trường hợp bụng dưới, vùng thắt lưng đau do nhiệt huyết ứ như: phụ nữ tắt kinh bụng đau, phối hợp Đào nhân, Hồng hoa, Quy vĩ. Nam giới viêm tuyến tiền liệt mạn tính (thực chứng) phối hợp Bồ công anh, Bại tương thảo dùng bài Thang tuyến tiền liệt gồm: Xích thược 20 g, Bồ công anh 40 g, Bại tương thảo 20 g, Đào nhân 8 g, Vương bất lưu hành 8 g, Đơn sâm 8 g, Trạch lan 8 g, Nhũ hương 8 g, Xuyên luyện tử 8 g, sắc uống.
- Chữa thoái hóa đốt sống cổ thể khí huyết đều hư, huyết ứ, triệu chứng thường gặp là đau đầu, gáy khó cử động, tay chân yếu, nhất là ở các đầu ngón tay, vai và tay tê, mệt mỏi, mất ngủ, hay mơ, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, chóng mặt, tim hồi hộp, hơi thở ngắn, da mặt xanh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng: Hoàng kỳ 18 g, Kê huyết đằng 15 g, Xích thược, Bạch thược mỗi loại đều 12 g, Quế chi, Cát căn mỗi loại đều 9 g, Sinh khương 6 g, Táo 4 trái.
- Chữa ứ huyết do chấn thương: đau sưng dùng phối hợp với Nhũ hương, Một dược, Đào nhân, Quy vĩ . Trường hợp chấn thương sọ não có di chứng đau đầu, phối hợp Xuyên khung, Bạch chỉ, Đương qui, Khương hoạt.
- Chữa liệt nửa người: Sinh Hoàng kỳ 40 – 100 g, Quy vỹ 8 – 12 g, Xích thược 6 – 8 g, Địa long 4 g, Xuyên khung 8 g, Đào nhân 8 g, Hồng hoa 8 g, sắc nước uống. Thuốc có tác dụng bổ khí hoạt huyết thông lạc.
- Trị đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Xích thược 20 g, Giáng hương 20 g, Hồng hoa 20 g, Đơn sâm 40 g, Xuyên khung 40 g. Tán bột mịn hòa nước uống chia 3 lần trong ngày, liên tục dùng 4 tuần là một liệu trình.
- Trị nhồi máu não cấp: phối hợp với một số vị thuốc chế dịch truyền tĩnh mạch.
- Trị mất ngủ: Cam thảo, Trần bì, Thanh bì, Hương phụ, Đào nhân, Xích thược, Vỏ trắng cây Dâu: mỗi vị 15 g; Sài hồ, Mộc thông, Bán hạ, Đại phục bì, Tô tử: mỗi vị 10 g. Ngày 1 thang.
- Trị thủy đậu: Liên kiều 6 g, Đương quy 8 g, Xích thược 6 g, Phòng phong 6 g, Ngưu bàng 4 g, Thuyền thoái 3 g, Mộc thông 3 g, Hoạt thạch 8 g, Cù mạch 6 g, Kinh giới 8 g, Sài hồ 6 g, Hoàng cầm 6 g, Sơn chi 3 g, Thạch cao 6 g, Xa tiền tử 4 g, Đăng tâm thảo 6 g. Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần. Nếu trẻ tiểu tiện vàng sẻn, nốt đậu ngứa ngáy dùng: Liên kiều 4 g, Kim ngân hoa 4 g, Bạc hà 4 g, Nhân trần 6 g, Xích thược 3 g, Đại thanh diệp 6 g, Sinh chi tử 3 g. Sắc uống ngày một thang.
- Trị ung nhọt mới mưng mủ: Chích Xuyên sơn giáp 8 – 12 g, Bạch chỉ 8 – 12 g, Thiên hoa phấn 8 – 12 g, Cam thảo 4 – 8 g, Tạo giác thích sao 8 – 12 g, Quy vĩ 8 – 12 g, Xích thược 12 g, Nhũ hương, Một dược, Phòng phong, Trần bì mỗi thứ 6 – 8 g, Bối mẫu 8 – 12 g, Kim ngân hoa 12 – 20 g, sắc nước hoặc nửa rượu nửa nước uống.
Xem thêm bài viết khác tại đây.