Chăm sóc sức khỏe vẫn luôn là ngành khoa học được quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Trong năm qua có rất nhiều phát minh được công bố ở mọi lĩnh vực y khoa. Các nhà khoa học hàng đầu đã bình chọn 10 xu hướng y học nổi bật sẽ là tâm điểm phát triển trong năm 2017.
1. ỨNG DỤNG MICROBIOME TRONG PHÒNG NGỪA, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH
Đường ruột có hệ sinh thái bao gồm hàng nghìn tỷ vi khuẩn trong ruột, được gọi là “microbiome”. Các chất do chúng bài tiết có tác động tới sự tiêu hóa thức ăn, tác dụng của thuốc và sự phát triển của bệnh.
Việc nghiên cứu microbiome giúp tìm ra các phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đồng thời phát triển các sản phẩm “probiotic” (men vi sinh) để ngăn chặn sự mất cân bằng của vi khuẩn độc hại trong cơ thể người.
Các chuyên gia tin rằng trong năm 2017, microbiome sẽ trở thành lĩnh vực hấp dẫn và đầy hứa hẹn.
2. THUỐC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG MỚI, GIẢM BIẾN CHỨNG TIM MẠCH VÀ TỬ VONG
Gần 1 thập kỷ trở lại đây, nhiều loại thuốc đái tháo đường mới được tung ra thị trường. Song những loại thuốc này vẫn chưa cải thiện được biến chứng nghiêm trọng của nhóm đái tháo đường týp 2: một nửa số bệnh nhân chết vì những biến chứng về tim mạch và tỷ lệ tử vong sau tuổi 65 là 70%.
Trong năm 2016, một vài loại thuốc mới đã có thể làm giảm tỷ lệ tử vong một cách đáng kể. Empaglifozin thuộc họ glifozin, giúp làm giảm sự tiến triển của bệnh tim bằng cách tăng cường bảo vệ thận. Hoặc Liraglutide, tương đồng với một hormon là glucagon-like peptide-1 (GLP-1) có hiệu ứng toàn diện trên nhiều tạng của cơ thể; thuốc dạng tiêm có tác dụng kích thích tụy bài tiết insulin.
Các chuyên gia dự đoán năm 2017 sẽ đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong việc kê toa thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường. Các nghiên cứu sẽ tập trung vào giải pháp điều trị mới cho bệnh đái tháo đường týp 2 và các bệnh lý đi kèm.
3. LIỆU PHÁP TẾ BÀO T MANG THỤ THỂ KHÁNG NGUYÊN (CHIMERIC ANTIGEN RECEPTOR T CELL THERAPY - VIẾT TẮT LÀ CAR T CELL THERAPY) DÙNG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH UNG THƯ MÁU
Trong năm 2016, gần 16.000 trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hơn một phần tư trong số này bị bệnh bạch cầu (leukemia). Một trong những liệu pháp miễn dịch tế bào đầu tiên sắp được đưa vào sử dụng và các kết quả đầu tiên đã cho thấy là những bệnh nhân mắc các bệnh này, ngay cả trong giai đoạn nguy hiểm, vẫn có thể chữa trị được.
Chimera là tên một quái vật đuôi rắn, mình dê, đầu sư tử trong thần thoại Hi Lạp. Từ này được sử dụng trong di truyền học với tên gọi Genetic Chimerism để chỉ hiện tượng một sinh vật được tập hợp từ nhiều phần của các cá thể khác nhau, hay là sự kết hợp giữa hai hay nhiều loài trong một cơ thể.
Đây là một liệu pháp miễn dịch tế bào có nhiều hứa hẹn trong điều trị một số loại ung thư máu: bệnh bạch cầu nguyên bào-lymphô cấp (acute lymphoblastic leukemia), bệnh bạch cầu lymphô-bào mạn (chronic lymphocytic leukemia), u lymphô không-Hodgkin, bệnh đa u tủy (multiple myeloma)…
Liệu pháp này được tiến hành như sau: (1) Lấy tế bào T từ bệnh nhân, giữ lại một vài thành phần mong muốn, rồi truyền phần còn lại cho bệnh nhân; (2) Tế bào T được xử lý kỹ thuật trong labo để sản xuất ra các CARs trên bề mặt, các tế bào T lúc này được gọi là “CAR T cells”, CARs là những protein giúp cho tế bào T nhận biết kháng nguyên trên bề mặt các tế bào u đích; (3) Cho nhân lên các CAR T cells, khi có đủ số lượng lớn thì
đưa làm đông lạnh, gửi đến cơ sở điều trị bệnh nhân; (4) Truyền lại các CAR T cells cho bệnh nhân.
Với liệu pháp điều trị này, hệ thống miễn dịch tế bào T của bệnh nhân được loại bỏ và được tái lập trình về mặt di truyền để tìm và diệt các tế bào khối u, các tế bào T mới có khả năng tìm kiếm kháng nguyên, tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư ngoại lai đi kèm để giảm thiểu tái phát. Kết quả của các liệu pháp này rất ấn tượng. Theo báo cáo của một vài nghiên cứu tập trung vào các trường hợp bệnh bạch cầu nguyên bào-lymphô cấp, tỷ lệ thuyên giảm bệnh đạt 90%. Hy vọng, miễn dịch tế bào một ngày nào đó có thể thay thế cho hóa trị liệu, loại bỏ tác dụng phụ, tạo điều kiện phục hồi và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
4. “GÓT CHÂN ACHILLES” CỦA UNG THƯ
Tương tự, một đội ngũ chuyên gia quốc tế công bố phát hiện quan trọng về di truyền học của các khối ung thư. Họ cho biết các tế bào ung thư, ngay cả trong trường hợp đột biến, vẫn tạo ra các kháng nguyên bề mặt đặc trưng. Việc tìm được kháng nguyên này giúp xác định “gót chân Achilles” của khối ung thư, hứa hẹn cải thiện các liệu pháp điều trị theo con đường miễn dịch, mở ra một kỷ nguyên mới cho điều trị ung thư theo từng trường hợp. Tại Việt Nam, được sự trợ giúp từ các chuyên gia Nhật Bản, Đại Học Y Hà Nội cũng đã bắt đầu nghiên cứu từ năm 2013. Đến nay Trường đã thiết lập xong về nhân lực, cơ sở vật chất và quy trình điều trị, hứa hẹn năm 2017 sẽ ứng dụng điều trị trên người bệnh, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bệnh nhân ung thư.
5. “SINH THIẾT DỊCH LỎNG”: PHÁT HIỆN DNA UNG THƯ TRONG MÁU
Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu luôn mong muốn tránh được tính chủ quan trong các kết quả xét nghiệm và sai sót khi sinh thiết. Mong ước này sắp trở thành hiện thực nhờ sự ra đời của phương pháp “sinh thiết dịch lỏng”, hay lấy mẫu máu, giúp tìm ra chỉ dấu của DNA, được các tế bào u phóng thích vào máu. Lợi thế của kỹ thuật này là DNA có trong máu phong phú gấp hơn 100 lần so với có trong các tế bào khối u.
Các chuyên gia tin rằng trong thời gian tới, sinh thiết dịch lỏng sẽ thay thế cho các phương pháp kinh điển (lấy từ các khối u đặc bằng sinh thiết hay phẫu thuật), giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán bệnh, dự báo đáp ứng với các phương pháp điều trị, phát hiện sớm tái phát bệnh cũng như việc phát sinh đề kháng ở người bệnh. Bệnh nhân cũng sẽ được tầm soát bệnh ung thư theo chu kỳ hàng năm, tương tự như khám sức khỏe tổng quát.
6. VẮC XIN NGỪA VIRUS EBOLA
Sau 40 năm hoành hành và gần 1 năm chấm dứt nạn dịch ở Tây Phi. Các nhà khoa học đã tìm ra vắc xin ngừa virus Ebola và bước đầu cho thấy dấu hiệu khả quan. Theo Lancet, nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu cho thấy vắc xin rVSV-ZEBOV có thể bảo vệ cộng đồng trong nghiên cứu thực hiện ở Guinea. Các nghiên cứu trên lâm sàng sẽ được tiếp tục tiến hành và sẽ sớm có công bố chính thức. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ lây lan Ebola trong tương lai.
7. CÁC THUỐC MỚI DÙNG TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH TRẦM CẢM
Nhiều loại thuốc và phương pháp trị liệu đã được ứng dụng để giúp cân bằng hoặc kích thích serotonin, norepinephrine và các dẫn truyền thần kinh khác. Nhưng đối với khoảng một phần ba số bệnh nhân bị trầm cảm, những loại thuốc này không thực sự hiệu quả.
Năm 2013, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được trong tế bào thần kinh các chất đối kháng của thụ thể N-methyl-D- Aspartate (NMDA receptor antagonists), chẳng hạn như ketamine, dextromethorphan (DXM), methoxetamine (MXE), nitrous oxide (N2O)… vốn được sử dụng trong gây mê. Kết quả một thử nghiệm ban đầu cho thấy hiệu quả vượt mong đợi với 70% bệnh nhân kháng thuốc trầm cảm cải thiện triệu chứng trong vòng 24 giờ sau khi được tiêm một lượng nhỏ ketamin.
8. CÔNG NGHỆ HÌNH ẢNH 3D VÀ THỰC TẾ ẢO TRONG PHẪU THUẬT
Trong năm vừa qua, hai trong số những loại phẫu thuật phức tạp nhất – mắt và thần kinh, đã đưa vào thử nghiệm công nghệ mới giúp các bác sĩ có thể phẫu thuật trong tư thế ngẩng cao đầu và tầm nhìn của họ được bao phủ bởi hình ảnh không gian 3 chiều sắc nét của ca mổ. Hệ thống lập thể (thực tế ảo) này còn tạo ra các khuôn mẫu hình ảnh để bác sĩ thực hiện những thao tác trong ca mổ. Các chuyên gia đều nhận xét rằng thông tin hình ảnh mà công nghệ đem lại đã giúp các bác sĩ thao tác hiệu quả và chính xác. Bên cạnh đó còn truyền hình trực tiếp cho học viên hoặc các chuyên gia khác xem cùng. Song song đó, các công ty phần mềm cũng đang phát triển loại kính hiển thị hình ảnh giải phẫu học 3 chiều của cơ thể con người. Với công nghệ này, các trường y khoa sẽ không còn cần đến phòng khám nghiệm tử thi.
9. TỰ XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN HPV (HUMAN PAPILLOMA VIRUS)
Các nhà khoa học đã phát triển một loại công cụ tự xét nghiệm chẩn đoán HPV bao gồm một ống nghiệm, một que thử và một hộp thư. Bộ dụng cụ này giúp phụ nữ có thể tự mình xét nghiệm, sau đó tự gửi mẫu xét nghiệm đến phòng thí nghiệm để được các chuyên gia cảnh báo về các chủng HPV.
Các chuyên gia tin rằng sang năm 2017 những kiểu xét nghiệm như thế này sẽ được phát triển với quy mô lớn, dẫn đầu cho chiến lược phòng chống ung thư cổ tử cung lớn nhất từ trước đến nay.
10. STENT SINH HỌC TỰ TIÊU
Các ống stent mạch vành phần lớn vẫn lưu lại rất lâu trong cơ thể ngay cả khi đã hết tác dụng điều trị, có thể gây ra cản trở lưu lượng máu tự nhiên và gây ra các biến chứng khác như tạo cục máu đông.
Tháng 7 vừa qua, ống stent sinh học đầu tiên đã được phê duyệt cho phép sử dụng tại Hoa Kỳ. Được làm từ Polymer hòa tan tự nhiên, ống stent này sẽ được tiêu biến trong cơ thể sau 2 năm giống như chỉ khâu tan. Bệnh nhân không cần phải sử dụng lâu dài các loại thuốc kháng đông.
Mặc dù hiệu quả toàn diện của stent này vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ, phát minh này được đánh giá là có thể tạo sự thay đổi lớn trong y học năm 2017.
Nguồn: ThS BS Trần Đức Huy - Tạp chí sống khỏe - Đại Học Y Dược TP HCM
Xem thêm các bài viết khác tại đây