Mùa thi đến, để giúp các sĩ tử có sức khỏe tốt vượt qua kỳ thi căng thẳng, một số món ăn bài thuốc sau giúp tăng cường sức đề kháng.
Theo ThS. BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh 4 món ăn bài thuốc dưới đây giúp tăng sức đề kháng cho sĩ tử trong mùa thi.
1. Gà hầm sâm tăng sức đề kháng
- Nguyên liệu: 1 con gà con, 100g gạo nếp, 30g hạt sen, 1 củ nhân sâm (30g), 4 quả táo tàu, 10g gừng tươi thái sợi, 10g cam thảo, tam thất bột 10g, muối canh lượng vừa đủ.
- Cách làm: Gà đã làm thịt, được sơ chế sạch. Vo sạch gạo nếp đã chuẩn bị và ngâm gạo trong khoảng 1 giờ, sau đó nhồi một ít gạo vào bụng gà và cho thêm táo bỏ hạt, bột tam thất vào phần bên trong mình gà.
Cho nước và các gia vị còn lại như sâm, gừng, hạt sen, cam thảo… vào nồi để đun sôi khoảng 30 phút.
Sau đó đem gà thả vào nồi nước đã đun sôi rồi hầm cho đến khi gà đủ độ chín. Nếu không muốn ăn gạo nhiều thì bạn có thể giảm lượng gạo nếp còn 30g.
Phương giải bài thuốc:
- Thịt gà vị ngọt, tính ấm, có tác dụng ôn trung ích khí, bổ tinh tủy, không độc.
- Gạo nếp vị ngọt, tính ôn, vào tỳ vị và phế; tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ, cố biểu chỉ tả.
- Hạt sen vị ngọt, tính bình, hơi chát, lợi về kinh tâm, tỳ, thận; có công hiệu bổ tỳ, ích thận, dưỡng tâm; chữa các chứng tim đập hốt hoảng mất ngủ, di tinh, bệnh lậu, tỳ hư tiêu chảy, khí hư quá nhiều...
-Nhân sâm vị ngọt hơi đắng, tính hơi ôn; vào kinh tâm tỳ, phế.
- Công năng chủ trị: Đại bổ nguyên khí, cố thoát sinh tân phục mạch, an thần ích trí; dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, tỳ vị hư nhược…
- Gừng có vị cay, tính hơi ấm, có tác dụng chống lạnh, tiêu đàm, chặn nôn, giúp tiêu hóa.
- Táo tàu tính ôn, vị ngọt, có tác dụng bổ ích tỳ vị, dưỡng huyết an thần, có hiệu quả điều trị với người tỳ vị suy nhược, ăn ít, phân loãng, mệt mỏi, khí huyết không đủ, tim đập nhanh...
- Tam thất có vị ngọt, đắng, tính ấm vào kinh can, vị; có tác dụng tán ứ, chỉ huyết, tiêu sưng, giảm đau.
Các vị thuốc trên kết hợp với nhau trong món gà hầm sâm giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng cho các sĩ tử trong mùa thi.
2. Cháo thịt dê
- Cách chế biến: Thịt dê 250g rửa sạch bằng nước chanh muối hoặc nước vo gạo cho đỡ mùi hôi, thái miếng nhỏ đem luộc với một củ cải cho hết vị gây, sau đó bỏ hết củ cải ra rồi cho 150g gạo vào hầm nhừ thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng.
- Công dụng: Làm ấm tỳ vị, bổ thận dương, bổ ích khí huyết.
Phương giải bài thuốc
- Thịt dê vị đắng ngọt, tính đại ôn, vào kinh can, tỳ, thận; có tác dụng ích tâm tỳ nên dùng để làm thuốc bổ dưỡng cơ thể.
- Gạo tẻ vị ngọt, tính bình; vào tỳ, vị; có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ vị trừ phiền.
Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, mệt mỏi, ăn kém, chậm tiêu, đầy tức bụng, tiêu chảy, kiết lỵ.
3. Canh mộc nhĩ trắng với kỷ tử
- Cách chế biến: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 20g rửa sạch thái sợi, kỷ tử 30g, hai thứ đem hầm với một chút đường phèn rồi ăn nóng.
- Công dụng: Bồi bổ can thận, hoạt huyết thông khí, dưỡng âm sinh tân.
Phương giải bài thuốc
- Ngân nhĩ vị ngọt nhạt, tính binhfm vào phế, vị, thận; tác dụng tư âm, nhuận phế, ích khí bổ thận, hoạt huyết thông mạch.
- Kỷ tử có tác dụng bổ thận, can, được dùng nhiều trong những bài thuốc bổ thận, sinh tinh. Đây là vị thuốc có công hiệu bồi bổ sức khỏe, tăng cường chức năng thận, làm sáng mắt.
4. Bồ câu hầm
- Cách chế biến: Lấy một con bồ câu non, vặt sạch lông, thêm hoài sơn và kỷ tử mỗi thứ 15 - 20g, dùng nước lạnh hầm nhừ, mỗi tuần ăn 1 lần.
- Công dụng: Kiện tỳ vị, ích khí hòa trung, sinh huyết.
Phương giải bài thuốc
- Bồ câu tính bình, vị mặn, có tác dụng bổ thận, bổ âm, khu phong giải độc, kiện tì vị (kích thích tiêu hóa), ích khí huyết.
- Hoài sơn vị ngọt, tính mát mà nhuận (dược tính loại minh).
- Tác dụng: Bổ tỳ, ích khí, uống lâu ngày tai mắt đều rõ (Bản kinh), sung ngũ tạng, trừ phiền nhiệt, cường âm (Biệt lục); bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, sáp tinh (Trung Quốc dược điển); kiện tỳ, bổ phế, cố thận, ích tinh (Trung dược Đại từ điển).
Nguồn: báo Sức khỏe & đời sống
Xem thêm bài viết tại đây.