1. ĐẠI CƯƠNG
Bướu giáp nhân là bệnh rất phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân trong cộng đồng từ 20%-76%, bệnh này xảy ra ở các châu lục. Tại Việt Nam, tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều nhờ tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ, mỗi năm có khoảng 15.000 người được khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Các nhân giáp đa số lành tính, số ác tính chỉ chiếm khoảng 5%. Phẫu thuật mổ mở cắt bướu giáp nhân được hoàn thiện dần từ những năm 1800, cho đến nay vẫn còn là phương pháp kinh điển giữ vai trò quan trọng trong điều trị các loại bướu giáp nhân, bướu giáp Basedow… đặc biệt trong phẫu thuật điều trị ung thư giáp. Nối tiếp vai trò của phẫu thuật mở kinh điển, phẫu thuật nội soi cắt bướu giáp được Gagner và cộng sự thực hiện lần đầu tiên năm 1996 và được xem là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, thẩm mỹ hơn. Tuy nhiên, điều trị phẫu thuật bướu giáp nhân cũng còn tồn tại một số vấn đề như gây mê, sẹo mổ, thiểu năng tuyến giáp hay cận giáp và tỷ lệ tái phát nhân giáp cao ở phần tuyến giáp để lại. Phẫu thuật cũng có các nguy cơ như: biến chứng khàn giọng do tổn thương dây thần kinh thanh quản, tổn thương mạch máu…
Đa số các nhân giáp nhỏ và lành tính, ổn định và không có triệu chứng, chỉ cần được theo dõi thận trọng. Có thể điều trị thử làm ức chế tuyến giáp với levothyroxine, tuyến yên sẽ giảm tiết TSH - là một hocmôn kích thích làm phát triển mô giáp. Chỉ một thiểu số bệnh nhân là phải can thiệp khi có triệu chứng như đau tại chỗ hay có dấu hiệu của chèn ép, hoặc có các triệu chứng toàn thân của cường giáp. Theo xu hướng điều trị mới, các can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu ngày càng được quan tâm vì tính hiệu quả, nhanh chóng, và ít tốn kém hơn phẫu thuật. Các can thiệp tối thiểu này gồm có tiêm ethanol qua da và 4 loại can thiệp nhiệt qua da bao gồm: cắt laser, cắt đốt sóng cao tần (CĐSCT), cắt vi ba và cắt siêu âm tập trung cường độ cao. Các can thiệp này cho thấy có hiệu quả tốt trong điều trị nhân giáp, có độ an toàn cao, chi phí rẻ và tỷ lệ biến chứng thấp so với phẫu thuật.
CĐSCT được sử dụng trong điều trị ung thư tế bào gan từ những năm 1990. Năm 1998, trường hợp đầu tiên của CĐSCT trên tuyến giáp là của Solbiati và cộng sự để điều trị các hạch di căn từ ung thư tuyến giáp dạng nhú. Năm 2001, Dupuy và cộng sự dùng CĐSCT để điều trị tái phát của các ung thư tuyến giáp biệt hóa tốt. Nhiều nghiên cứu gần đây chứng minh CĐSCT là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị nhân giáp lành tính.
Các nhân “độc” tuyến giáp còn được gọi là các nhân “nóng” hay các nhân có “chức năng tự trị”, tiết dư thừa I 131 và nhìn thấy rõ trên scan, hầu hết lành tính nhưng có thể đưa đến cường giáp, các nhân này gặp ung thư trong 5-9%; khác với các nhân “lạnh” chiếm khoảng 95% số nhân giáp, chúng không còn chức năng và không hấp thụ phóng xạ nên nhìn như những ổ khuyết trên xạ hình, ung thư gặp trong 15-20%.
2. CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ CẮT ĐỐT SÓNG CAO TẦN
CĐSCT được chỉ định cho một số các trường hợp sau:
- Nhân giáp lành tính kích thước ≥ 1,5 cm.
- Nhân giáp có triệu chứng (đau vùng cổ, cảm giác khó chịu, nuốt vướng, khó nói, ho, ảnh hưởng thẩm mỹ).
- Nhân độc tuyến giáp.
- Ung thư giáp tái phát tại vị trí đã cắt trọn tuyến giáp cũng như các hạch.
CĐSCT không được khuyến cáo thực hiện cho các ung thư giáp nguyên phát hoặc ung thư dạng túi tuyến vì không có bằng chứng CĐSCT có ích lợi hơn trong điều trị ung thư giáp.
Chú ý thận trọng khi sử dụng CĐSCT ở phụ nữ có thai, bệnh nhân có vấn đề tim mạch nghiêm trọng và bệnh nhân bị liệt dây thanh đối bên.
Cần xác định bản chất bướu giáp lành tính với ít nhất 2 mẫu chọc hút kim nhỏ (CHKN) dưới hướng dẫn siêu âm. Thận trọng trong trường hợp CHKN là lành tính nhưng siêu âm lại nghi ngờ ung thư. Siêu âm có vai trò quan trọng trong đánh giá đặc tính nhân giáp và các cấu trúc giải phẫu xung quanh. Cần đánh giá các đặc tính sau của nhân giáp: kích thước, hình dạng, thành phần đặc hay nang, hồi âm, vôi hoá, máu nuôi, xâm lấn vỏ bao.
Xét nghiệm máu gồm: công thức máu, đông máu, FT3, FT4, TSH. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, nên điều chỉnh các rối loạn trước khi tiến hành CĐSCT. Xạ hình giáp giúp phân biệt nhân lạnh và nhân nóng, nhất là những trường hợp có TSH thấp.
3. NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CẮT ĐỐT SÓNG CAO TẦN
CĐSCT là kỹ thuật phá hủy các mô bằng nhiệt phát sinh từ dòng điện cao tần xoay chiều dao động giữa 200 và 1.200 kHz. Sóng cao tần đi qua điện cực làm lắc mạnh các ion của mô quanh điện cực làm tăng nhiệt độ bên trong mô khối u (nhiệt do ma sát), gây ra hiện tượng đông đặc protein và hoại tử các tế bào quanh điện cực khoảng mấy mm.
Khi nhiệt độ giữa 60oC và 100oC, hiện tượng đông đặc mô xảy ra gần như tức thì và tạo ra tổn thương không thể đảo ngược của mô. Khi nhiệt độ giảm còn 50oC - 52oC, phải 4 - 6 phút để gây ra tổn thương mô không hồi phục. Khi nhiệt độ lên tới > 100oC - 110oC sẽ làm bốc hơi và than hóa mô, ngăn cản nhiệt lan tỏa và như vậy làm giảm hiệu quả của CĐSCT.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Các loại điện cực sử dụng:
Có nhiều loại điện cực dùng cho các nhân có thể tích từ 6 mL đến 25 mL:
- Điện cực đơn cực qui ước: vùng tác động tối đa không quá 1,6 cm đường kính
- Nhiều hàng các điện cực hình móc câu, có thể xòe rộng tới 3,5 cm
- Điện cực được làm lạnh liên tục ở đầu phía trong với nước lạnh, giữ cho nhiệt độ không quá 900C, làm đông đặc mô chung quanh 2,8 cm đường kính
- Chùm 3 điện cực có thể làm đông đặc mô 5,3 cm đường kính.
4. TIẾN TRÌNH ĐIỀU TRỊ NHÂN GIÁP BẰNG SÓNG CAO TẦN
- Tư thế bệnh nhân: nằm ngửa, cổ hơi ngửa.
- Bệnh nhân tỉnh táo khi tiến hành thủ thuật, được gây tê tại chỗ vùng cổ.
- Đầu điện cực được đặt xuyên qua eo tuyến giáp vào tới trong nhân giáp dưới hướng dẫn của siêu âm (giống như làm CHKN nhân giáp).
- Tiến hành kỹ thuật “đốt di chuyển”: đốt nhiều vùng nhỏ liên tiếp bằng cách di chuyển điện cực. Kết thúc khi toàn bộ nhân thay đổi và trở thành một vùng không hiện rõ khi kiểm tra trên siêu âm với tiêm chất tương phản sulfur hexafluoride.
- Công suất từ 30 – 120W, tùy thuộc vào kích cỡ đầu đốt điện cực và đặc tính của nhân giáp.
- Thời gian can thiệp từ 15 phút đến 45 phút.
- Sau can thiệp CĐSCT, bệnh nhân được nằm nghỉ ngơi và theo dõi trong vài giờ trước khi xuất viện. Không cần uống thuốc kháng sinh hay giảm đau khi xuất viện.
KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ
Nhiều nghiên cứu xác định phương pháp CĐSCT làm giảm thể tích nhân giáp 33 – 58% sau 1 tháng, 51 – 85% sau 6 tháng.
Sau CĐSCT, thể tích bướu thường giảm nhiều nhất trong tháng đầu. Thể tích bướu tiếp tục giảm từ từ đến khi tạo thành mô xơ sẹo là tiến trình điều trị hoàn tất.
Tùy theo thể tích đầu tiên và độ chắc của nhân (đây là những yếu tố tiên lượng độc lập cho hiệu quả của CĐSCT) mà bác sĩ sẽ quy định số lần điều trị khác nhau. Đối với khối bướu có đường kính dưới 3 cm, việc điều trị thường có hiệu quả sau một lần duy nhất. Với khối bướu kích thước trên 3 cm, thường điều trị 2 – 3 lần để đốt hết hoàn toàn.
Điều trị CĐSCT hiệu quả với nhân độc tuyến giáp, ngoài việc giảm kích thước nhân, bất thường về chức năng tuyến giáp cũng được cải thiện.
Những bệnh nhân đã từng được cắt trọn 1 thùy tuyến giáp thì phương pháp CĐSCT giúp bảo tồn chức năng tuyến giáp còn lại, vì vậy có lợi hơn phẫu thuật hoặc điều trị iod phóng xạ với những nhân giáp lành tính có triệu chứng.
5. BIẾN CHỨNG
Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy phương pháp điều trị CĐSCT bướu giáp an toàn cho người bệnh hơn hẳn so với phẫu thuật kinh điển hoặc phẫu thuật nội soi tuyến giáp. Biến chứng hiếm khi xảy ra nếu bác sĩ thực hiện đúng kỹ thuật, có kinh nghiệm và kỹ năng tốt.
Một số biến chứng có thể gặp: đau vùng cổ, thay đổi giọng tạm thời, tụ máu vết chích đặt điện cực, bỏng da nhẹ… Các triệu chứng nói trên thường khu trú và sẽ hết sau vài ngày hoặc vài tuần.
TRIỂN VỌNG
Với đặc điểm là vùng dịch tễ bệnh bướu tuyến giáp, điều trị bệnh bướu giáp tại Việt Nam đang là một gánh nặng cho xã hội và ngành Y tế.
Áp dụng điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần là một lựa chọn an toàn, hiệu quả và thẩm mỹ cao. Phương pháp này có thể giải quyết được các loại bướu tuyến giáp lành tính hoặc nhân độc tuyến giáp mà không cần phải phẫu thuật.
Trong tương lai, CĐSCT không chỉ là kỹ thuật ít xâm lấn trong điều trị nhân giáp lành tính mà còn có thể dùng để điều trị các ung thư giáp tái phát sau phẫu thuật.
Xem thêm các bài viết khác tại đây
Nguồn: ThS BS Trần Thanh Vỹ - Tạp chí sống khỏe - Đại Học Y Dược TPHCM