Gan là một cơ quan có nhiều vai trò tổng hợp và chuyển hóa quan trọng sống còn của cơ thể. Ghép gan là kỹ thuật duy nhất có thể cải thiện ngoạn mục chức năng gan, trả lại cuộc sống bình thường cho người mắc bệnh gan nặng, đặc biệt là bệnh gan giai đoạn cuối.
Mỗi một ca phẫu thuật ghép gan thành công không chỉ mang lại sự sống cho một con người mà còn đem đến sự đoàn tụ cho cả gia đình, đồng thời thắp lên hy vọng cho hàng ngàn người mắc các bệnh gan giai đoạn cuối đang chờ đợi được phẫu thuật.
Ghép gan là một quy trình phức tạp nhất trong các phương pháp điều trị bệnh gan. Bên cạnh độ khó của kỹ thuật phẫu thuật, một ca ghép gan được thực hiện thành công đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị điều phối ghép và hiến tạng cùng với nhiều chuyên khoa khác, bao gồm hồi sức tích cực, nội tiêu hoá, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng chăm sóc.
Trong phẫu thuật ghép gan, toàn bộ gan bệnh lý của người bệnh được lấy ra khỏi cơ thể và được thay thế bởi một phần hoặc toàn bộ gan lành từ người hiến gan.
DANH SÁCH NGƯỜI BỆNH CHỜ GHÉP GAN
Người bệnh có chỉ định ghép gan có thể do mắc những bệnh gan lành tính, thường gặp ở người lớn, bao gồm suy gan nặng diễn tiến và xơ gan không hồi phục (do viêm gan siêu vi B hoặc C, xơ gan do rượu, ngộ độc thuốc như paracetamol…); hoặc các bệnh lý gan thường gặp ở trẻ em như bệnh gan tự miễn, bao gồm xơ gan ứ mật nguyên phát, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát….
Bên cạnh đó, phẫu thuật ghép gan còn là phương thức điều trị cứu mạng cho các trường hợp ung thư tế bào gan giai đoạn sớm hoặc ít gặp hơn như u nguyên bào gan.
Ở nước ta, các thông tin của người bệnh có chỉ định ghép gan sẽ được cập nhật lên trang điện tử của “Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người” thuộc Bộ Y Tế nhằm sắp xếp thứ tự những người bệnh thuộc danh sách chờ được ghép gan từ người hiến gan chết não, hoặc được thực hiện ghép gan khi có người hiến gan còn sống phù hợp.
Tất cả những người bệnh có chỉ định ghép gan sẽ được đánh giá và theo dõi chức năng gan bằng thang điểm MELD (thang điểm dành cho những người mắc bệnh gan giai đoạn cuối). Những người bệnh có chỉ số MELD ≥ 15 điểm sẽ được đưa vào danh sách chờ ghép.
Tuy nhiên, đa số những trường hợp người bệnh mắc ung thư tế bào gan thường có chức năng gan vẫn còn tốt. Do đó, để giúp làm giảm thời gian chờ đợi ghép gan và giảm nguy cơ khối ung thư gan diễn tiến gây mất cơ hội được ghép gan của người bệnh trong những trường hợp này, một thang điểm MELD ngoại lệ sẽ được sử dụng để theo dõi chức năng gan và cảnh báo thời gian chờ đợi ghép gan của người bệnh.
Các trường hợp có chỉ định ghép gan sẽ được theo dõi tái khám định kỳ tại bệnh viện nhằm kiểm tra chức năng gan và các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội có nguy cơ mắc phải trong cộng đồng. Thời gian tái khám phụ thuộc vào điểm MELD của mỗi người bệnh. Mục đích của tái khám định kỳ nhằm giúp cảnh báo sớm những trường hợp có chức năng gan xấu dần đi hoặc thời gian chờ ghép gan quá lâu, từ đó đưa ra các ưu tiên cho những người bệnh trong danh sách chờ ghép gan.
NGUỒN GAN HIẾN CỨU NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?
Phần gan hiến phù hợp ghép gan được cho từ người hiến gan chết não (deceased donor liver transplantation – DDLT) hoặc từ người hiến gan còn sống (living donor liver transplantation – LDLT). Người nhận gan sẽ được nhận toàn bộ gan của người hiến gan chết não, hoặc nhận một phần gan từ người hiến gan còn sống.
Tại các nước châu Á, phần lớn nguồn gan hiến được cho từ người hiến gan còn sống. Một trong những lý do lớn của sự khác biệt này là do số lượng người hiến gan chết não không đủ so với nhu cầu người bệnh chờ ghép gan. Bên cạnh đó còn vì lý do tôn giáo và do gia đình nạn nhân không đồng thuận hiến tạng.
Đa số những trường hợp người hiến gan còn sống là dành cho những người thân trong gia đình. Những người hiến gan này sẽ được đánh giá. Nguồn tạng từ người hiến gan còn sống có ưu điểm giúp giảm thời gian chờ đợi được phẫu thuật ghép gan của người bệnh thuộc danh sách chờ ghép gan quốc gia. Bên cạnh đó, người nhận gan cũng có sự hồi phục nhanh hơn vì được nhận gan từ người hiến khỏe mạnh.
NHỮNG TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN NGƯỜI HIẾN GAN CÒN SỐNG PHÙ HỢP
1. Độ tuổi: Hiện nay, người hiến gan được pháp luật chấp thuận cho phép hiến tạng phải từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, người bệnh nhận gan từ người hiến gan lớn hơn 40 tuổi thường có tỉ lệ xơ hóa mảnh gan ghép cao hơn sau phẫu thuật. Do đó, người hiến gan trong khoảng từ 18 đến dưới 30 tuổi là độ tuổi tốt nhất để lựa chọn.
2. Nhóm máu ABO: Hầu hết người hiến gan được lựa chọn có cùng nhóm máu ABO và Rhesus với người nhận gan, nhằm giảm nguy cơ thải ghép.
Người hiến gan có nhóm máu ABO khác với người nhận gan cũng có thể được lựa chọn, tuy nhiên cần phải tuân thủ nguyên tắc tương hợp nhóm máu như trong truyền máu. Trường hợp này được gọi là bất tương đồng nhóm máu ABO một phần và sẽ có nguy cơ thải ghép cao hơn.
Đây là những trường hợp ghép gan rất phức tạp, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở người nhận trước khi ghép, đồng thời phải chăm sóc điều dưỡng chặt chẽ ngay sau ghép, nhằm đảm bảo mảnh ghép có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể người nhận.
3. Tình trạng nhiễm mỡ gan: Mức độ nhiễm mỡ gan của người hiến có ảnh hưởng rất lớn đến thành công của ca phẫu thuật. Lý do là vì gan nhiễm mỡ sau khi được đưa vào cơ thể người nhận có thể sẽ không hoạt động, hoặc nguy cơ thải ghép cao hơn rất nhiều lần so với mảnh gan ghép không nhiễm mỡ. Các nghiên cứu cho thấy chỉ số khối cơ thể (BMI) < 25-30 kg/m2 có tương quan chặt chẽ với sự giảm tỉ lệ thoái hoá mỡ của mảnh ghép. Đặc biệt, những người bệnh có chỉ số BMI > 30 kg/m2 là nhóm có nguy cơ cao bị mất chức năng của mảnh ghép.
4. Người hiến gan nếu nhiễm viêm gan siêu vi B hoặc C vẫn có thể hiến gan, sau khi đã được xét nghiệm kiểm tra để đảm bảo tình trạng vi-rút viêm gan trong máu không còn hoạt động, đồng thời không hoặc ít có nguy cơ tái nhiễm vi-rút trở lại ở người nhận sau phẫu thuật ghép gan.
5. Người hiến gan nếu mắc bệnh lý ung thư cũng có thể hiến tạng được. Tuy nhiên, những trường hợp này thường được chỉ định rất hạn chế vì nguy cơ xuất hiện ung thư gan ở người nhận sau ghép. Do đó, chỉ các trường hợp như ung thư thận đã phẫu thuật cắt bỏ hai thận, ung thư tử cung và cổ tử cung, ung thư tinh hoàn và ung thư tuyến giáp là có thể được cân nhắc hiến tạng.
6. Người hiến gan sẽ được thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra đầy đủ về chức năng các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan. Đồng thời, người hiến gan sẽ được chụp các loại phim chuyên biệt để khảo sát các cấu trúc đường mật và mạch máu, nhằm đánh giá người hiến có phù hợp để hiến gan hay không, ngoài ra việc đánh giá còn nhằm đảm bảo sự an toàn của người hiến sau khi thực hiện phẫu thuật.
CHĂM SÓC ĐIỀU DƯỠNG SAU GHÉP GAN
Người bệnh sau khi được ghép gan sẽ được theo dõi tại khoa Hồi sức Tích cực trong vòng 5-7 ngày, để được điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra sớm sau ghép gan.
Sau đó, người bệnh sẽ được điều trị tiếp tục tại khoa Ngoại Gan Mật Tụy, để được theo dõi và điều chỉnh các thuốc ức chế miễn dịch và dự phòng nhiễm trùng cơ hội từ cộng đồng sau khi ra viện.
Sau thời gian 3-4 tuần điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được trở lại cuộc sống thường nhật và quay trở lại với công việc hằng ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được hẹn tái khám định kỳ để được điều chỉnh các thuốc đang sử dụng và tầm soát các bệnh lý nhiễm trùng từ cộng đồng nếu có.
Người hiến gan còn sống Trong các tạng của cơ thể, gan là cơ quan duy nhất có khả năng tái sinh hay phục hồi trở lại thể tích bình thường, trong vòng vài từ tuần đến vài tháng sau phẫu thuật.
Người hiến gan sẽ được theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật tại khoa Ngoại Gan Mật Tụy từ 5-7 ngày và sẽ được cho ra viện. Tất cả các trường hợp hiến gan đều được kiểm tra lại và xác nhận thể tích gan tăng lên để bù đắp lại phần gan ghép đã được lấy đi.
KẾT QUẢ PHẪU THUẬT GHÉP GAN
Phẫu thuật ghép gan đem lại kết quả khả quan cho những người bệnh mắc bệnh lý gan mạn tính và ung thư tế bào gan, với tỉ lệ người bệnh sống trên 5 năm sau ghép khoảng 80-90%. Nhiều trường hợp người bệnh đã sống được trên 10 năm sau phẫu thuật mà không cần phải nhập viện lại để điều trị các biến chứng.
Cho đến nay, có thể nói phẫu thuật ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung là một bước ngoặt mang tính lịch sử của ngành y học hiện đại. Đây chắc chắn là phương thức cứu mạng, giúp hồi sinh những người bệnh mắc bệnh lý gan giai đoạn cuối mà trước đây không lâu tưởng chừng như không còn cách gì để cứu vãn.
Thành công của ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung thực sự mang lại hạnh phúc và niềm hi vọng lớn lao cho hàng ngàn người bệnh và gia đình ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam của chúng ta.
Nguồn: ThS BS Phạm Hồng Phú - Đơn vị Ung thư Gan Mật và Ghép Gan- Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM
Xem thêm bài viết tại đây.