Sức khỏe đời sống

CHĂM SÓC GIẢM NHẸ LÀ GÌ?

CHĂM SÓC GIẢM NHẸ LÀ GÌ?

GIỚI THIỆU VỀ CHĂM SÓC GIẢM NHẸ

1. Chăm sóc giảm nhẹ gì? 

Chăm sóc giảm nhẹ là chuyên ngành chăm sóc và điều trị, vận dụng những chứng cứ khoa học tốt nhất hiện có nhằm ngăn ngừa và làm giảm nhẹ các đau khổ về mặt thể chất, tâm lý, xã hội và cả tâm linh, mà những người bệnh mắc phải các bệnh lý  nghiêm trọng phải chịu đựng.

Là một quá trình chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm, biện pháp này đồng hành  với người bệnh và gia đình người bệnh trong toàn bộ quá trình diễn biến của bệnh, kể cả khi người bệnh ở vào giai đoạn cuối đời, nhằm mang lại cho người bệnh chất lượng và giá trị cuộc sống tối ưu nhất. Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh mà biện pháp này sẽ đóng vai trò đồng hành hỗ trợ hoặc chủ đạo so với điều trị. Ngoài ra, biện pháp còn tiếp tục theo dõi hỗ trợ người thân sau khi người bệnh đã mất.

chăm sóc giảm nhẹ

    2. Những ai cần được chăm sóc?

    Chăm sóc dành cho tất cả những người bệnh đang đối mặt với các bệnh mạn tính không chữa khỏi; những bệnh có khả năng đe dọa tính mạng (ung thư, HIV/AIDS, suy các cơ quan, bệnh lý di truyền bẩm sinh gây giới hạn sự sống ...); các bệnh mạn  tính giai đoạn cuối (suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn  mạn,  suy  thận  mạn, xơ gan, sa sút trí tuệ …); những người bị đau mạn tính; các triệu chứng gây đau đớn hoặc các vấn đề tâm lý ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Chăm sóc đặc biệt quan trọng đối với những người có khả năng qua đời trong vòng 6 tháng sắp tới. Đối với những người này, chăm sóc  được xem là chăm sóc cuối đời (end of life care - EOLC). Một trong những mục đích mang tính nhân văn của của chăm sóc cuối đời là không để cho một người bệnh nào phải chịu đựng đau đớn một cách không cần thiết chỉ vì nhân viên y tế né tránh việc sử dụng morphine như là một biện pháp chống đau hữu hiệu.Chăm sóc giảm nhẹ còn quan tâm hỗ trợ cho gia  đình  người  bệnh và người chăm sóc, đây là những người cũng rất đau khổ và căng thẳng vì gánh nặng chăm sóc người bệnh.

    Bên cạnh đó, biện pháp này còn quan tâm hỗ trợ cho các nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc người bệnh, những  người hằng ngày phải tiếp xúc với sự đau khổ của người bệnh và người nhà người bệnh. Đội  ngũ các nhân viên y tế này thường xuyên phải chứng kiến cảnh người bệnh tử vong và những đau đớn cuối đời của người bệnh nên rất dễ bị căng thẳng và kiệt sức.

      3. Vì sao phải cần chăm sóc?

      “Chăm sóc là quyền của con người”. Theo nghị quyết của Đại Hội đồng Y tế Thế giới tháng 05 năm 2014: “Chăm sóc là một nhiệm vụ đạo đức của hệ thống y tế. Việc đảm bảo cho người bệnh có nhu cầu có thể tiếp cận với chăm sóc giảm nhẹ là trách nhiệm và đạo đức của các nhân viên y tế”.
      Hội nghị toàn cầu về Chăm sóc sức khỏe ban đầu  (CSSKBĐ)  của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018 với chủ đề “Từ Alma-Ata đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân  và các mục tiêu phát triển bền vững” đã đưa ra tuyên ngôn Astana. Tuyên ngôn này nêu rõ các cam kết và hành động để đạt được “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” (Universal Health Coverage-UHC):
      • CSSKBĐ phải bao gồm các  dịch vụ chăm sóc nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ, đồng thời các dịch vụ này phải dễ dàng cho mọi người tiếp cận.
      • Cam kết đáp ứng mọi nhu cầu sức khỏe ở mọi giai đoạn của cuộc đời người bệnh bằng các dịch vụ nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ.

      4. Nhu cầu chăm sóc trên thế giới như thế nào?

      Trên toàn thế giới, hiện nay mỗi năm có đến 40 triệu người đang sống chung với các bệnh lý giai đoạn cuối và cần phải được chăm sóc. Tuy  nhiên,  trên thực tế chỉ có 14% trong số những người này thực sự được chăm sóc, 86%  người  bệnh  còn lại phải chịu đựng những đau khổ không cần thiết chỉ vì không biết đến hoặc không tiếp cận được chăm sóc.

      Nhu cầu về chăm sóc hiện nay là rất lớn. Các  số  liệu ước tính cho thấy trung bình có khoảng  377/100.000  người  lớn và 63/100.000 trẻ em cần đến chăm sóc. Tuy nhiên, dù đã được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần nay song  chăm sóc đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

      5. Thực trạng chăm sóc tại Việt Nam ra sao?

      • Dựa theo tỉ lệ bình quân của thế giới thì Việt Nam, với dân số trên 97 triệu người (theo thống kê dân số Việt Nam 09/09/2020), mỗi năm có ít nhất khoảng 365.690 người lớn và trên 15.000 trẻ em cần phải được chăm sóc  giảm nhẹ.
      • Việt Nam được xếp hạng năng lực chăm sóc giảm nhẹ đứng thứ 12 trong số 18 nước Châu  Á  – Thái Bình Dương. Trên bình diện thế giới, hoạt động  chăm  sóc giảm  nhẹ  của  nước  ta  vẫn  còn ở vị trí thấp,  đứng  thứ  58/80 trên toàn thế giới theo xếp hạng năm 2015 của EIU (Economist Intelligence Unit).

      Việt Nam được xếp hạng năng lực CSGN thuộc nhóm 3a: sự phát triển chưa đồng bộ, còn khu trú (Nguồn:  http://www.thewhpca. org/resources/global-atlas-on- end-of-life-care)

      Phương pháp tiếp cận nhóm chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm là gì? 

      Trong chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm (patient-centered care), những nhu cầu và mong ước đặc thù về sức khỏe của mỗi một cá nhân chính là động lực thúc đẩy tất cả những quyết định chăm sóc y tế cũng như những đánh giá về chất lượng chăm sóc sức khỏe của cơ sở y tế. Bệnh nhân là đối tác  của  thầy  thuốc và thầy thuốc điều trị bệnh nhân không chỉ dưới góc độ lâm sàng mà còn phải xem xét đến những cách tiếp cận về cảm xúc, tinh thần, tâm linh, xã hội và tài chính. Đối với những người mắc bệnh nan y hoặc những người bệnh ở giai đoạn cuối đời thì chăm sóc giảm nhẹ là một thành tố cực kỳ quan trọng và trong nhiều trường hợp đóng vai chủ đạo. Chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện bởi một nhóm liên ngành có thể bao gồm: bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ, dược sĩ, nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tâm lý, chuyên gia hỗ trợ tâm linh, gia đình người bệnh, tình nguyện viên và các chuyên gia khác.

      Chỉ với phương thức làm việc nhóm liên ngành này thì người bệnh và  gia  đình  người  bệnh mới có thể được chăm sóc toàn diện về thể chất,  tâm  lý  xã  hội và tâm linh.

      ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ CHĂM SÓC GIẢM NHẸ VÀ CHĂM SÓC CUỐI ĐỜI

      Ngày quốc  tế  chăm  sóc  giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời được Liên minh toàn cầu  chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời (World Hospice and  Palliative Care Association- WHPCA) khởi xướng. Đây là ngày toàn thế giới thống nhất hành động để kỷ niệm và ủng hộ dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời trên toàn cầu, nhằm nâng cao  hiểu biết cộng đồng ở các quốc gia; cổ động cho việc phát triển chăm sóc giảm nhẹ trên toàn thế giới. WHPCA  đã  thống  nhất  chọn ngày thứ Bảy, tuần thứ 2 của tháng 10 hằng năm làm. ngày quốc tế chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời.

      Vào  ngày  này, những người trên khắp nơi trên thế giới bị ảnh hưởng bởi những bệnh giới hạn sự sống (cả người bệnh lẫn gia đình người bệnh) - sẽ được mọi người lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng  của  họ về chăm sóc. Những người này được nêu lên những kiến nghị với mục đích làm cho các nhà hoạch định chính sách chú ý và ưu tiên phát triển các chính sách và dịch vụ chăm sóc. Hơn nữa, những người đã và đang đồng hành với họ (như các cơ quan chức năng, tình nguyện viên, người ủng hộ, nhân  viên  chăm sóc sức khỏe) sẽ tình  nguyện dành thời gian để lan tỏa thông điệp ý nghĩa này.

      Mục đích của ngày quốc tế chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời là gì?

      • Chia sẻ tầm nhìn nhằm phát triển sự sẵn có các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc  cuối đời trên toàn thế giới bằng cách tạo cơ hội để vấn đề được biết đến và thảo luận.
      • Nâng cao nhận thức  và  hiểu biết về các nhu  cầu  về  y  tế, xã hội, tâm lý và tâm linh của những người bệnh và gia đình người bệnh đang sống cùng các bệnh lý làm giới hạn sự sống.
      • Gây quỹ hỗ trợ và phát triển các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời trên khắp  thế giới.

      Ngày quốc tế chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời mỗi năm có 1 chủ đề  khác  nhau. Chủ đề của   năm 2020 là : “Chăm  sóc  cho tôi, giúp tôi thoải mái” (“My care, my comfort”). Ngày quốc tế chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời của năm  2020  được tổ chức vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 10.

      Những thông điệp chính của ngày chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời 2020

      1. Với chăm sóc giảm nhẹ, người bệnh có thể tiếp cận tiêu chuẩn chăm sóc tốt  nhất,   với   mức độ  thoải   mái   nhất có thể, khi họ đang phải  trải  qua   một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
      2. Chăm sóc giảm nhẹ đảm bảo người chăm sóc và gia đình người bệnh nhận  được sự hỗ trợ tốt nhất  để  cung  cấp sự chăm sóc và thoải mái cho người thân yêu  của  họ  tại  nhà và / hoặc  tại  các  cơ  sở  chăm sóc y tế.
      3. Nhân viên y tế được yêu cầu cung cấp sự chăm sóc và thoải mái về  tâm  lý, xã  hội và tâm linh trong các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và quá trình họ được đào tạo.
      4.  Để đảm bảo sự chăm sóc tốt nhất và thoải mái nhất có thể cho tất cả mọi người, chăm sóc nên được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, thông qua cải cách bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
      5. Chăm sóc giảm nhẹ là một dịch vụ cần thiết để giảm  thiểu sự đau đớn và đau khổ về  thể chất và tâm lý liên quan đến COVID-19 và các bệnh lý nền có từ trước.
      6. Hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế chăm sóc giảm nhẹ và  chăm sóc cuối đời chính là: “Thể hiện sự ủng hộ cho  chăm  sóc  giảm nhẹ trong xây dựng hệ thống y tế vững mạnh, với chăm sóc giảm nhẹ phải được cấp  ngân  sách và bao hàm trong bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

      Xem thêm bài viết tại đây.

      Nguồn: CN Hồ Thị Quỳnh Duyên, ThS. BS Lê Đại Dương, TS. BS Thân Hà Ngọc Thế - Tạp Chí Sống Khỏe - BV ĐH Y Dược Tp. HCM.

      Đang xem: CHĂM SÓC GIẢM NHẸ LÀ GÌ?

      0 sản phẩm
      0₫
      Xem chi tiết
      0 sản phẩm
      0₫
      Đóng