HÌNH ẢNH CHẨN ĐOÁN TRONG Y KHOA KHÔNG DÙNG "PHIM X - QUANG"
TS BS Võ Tấn Đức - Trưởng Khoa Chẩn đoán Hình ảnh
Phim X quang nói chung dùng thể hiện hình ảnh trong các kỹ thuật của ngành điện quang như X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT), chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) và trong ngành y học hạt nhân. Một tấm phim thông thường dày khoảng 0,25 milimét nhưng bao gồm nhiều lớp: lớp nền là tấm nhựa polyester hay cellulose triacetate, lớp kết dính nền chứa gelatin, lớp nhũ tương chứa chủ yếu các hóa chất là muối bạc, và ngoài cùng là lớp gelatin bảo vệ. Phim X quang có một bề dày lịch sử lâu đời và trở thành một hình ảnh quen thuộc gắn liền với chuyên ngành điện quang.
BỀ DÀY LỊCH SỬ CỦA PHIM X QUANG
Phim dùng trong y khoa ra đời từ khi ông Roentgen, nhà vật lý người Đức phát minh ra tia X, vào năm 1895 và được ứng dụng ngay trong chẩn đoán y học. Cho đến nay, ngoài chức năng để ghi nhận và thể hiện hình ảnh X quang từ hơn một trăm năm qua, “phim X quang” còn được dùng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác phát triển về sau này, từ những thập niên 1970 như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và y học hạt nhân. Ngoài chức năng thể hiện hình ảnh, “phim X quang” còn giá trị trong lưu trữ, trao đổi, so sánh, hội chẩn … phục vụ cho công việc khám chữa bệnh hàng ngày.
Với vai trò quan trọng và bề dày lịch sử như thế, “phim X quang” đã hình thành nên một thói quen hiện hữu của người bệnh cho đến hôm nay. Đó là đi chụp chiếu X quang, CT hay MRI, khi ra về phải có kết quả là một túi đựng những tấm phim và tờ giấy đọc, diễn giải hình ảnh, kết luận chẩn đoán của những tấm phim đó. Người thầy thuốc lâm sàng cũng có thói quen tương tự, đó là xem những tấm phim và xem tờ giấy kết quả.
Giá trị và tầm quan trọng không thể thiếu được của chẩn đoán hình ảnh trong khám chữa bệnh nói chung là không thể chối cãi. Việc thể hiện hình ảnh đó cùng với phân tích các đặc điểm hình ảnh, giúp chẩn đoán bệnh ngày càng chính xác hơn, nâng cao hiệu quả điều trị một cách rõ rệt. Hình ảnh là công cụ giao tiếp giữa người bệnh, thầy thuốc lâm sàng và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Đây cũng là bằng chứng pháp lý trong quá trình bệnh lý của người bệnh và thầy thuốc trong các cơ sở y tế và trong các hoạt động xã hội khác. Hình ảnh một người thầy thuốc đứng trước một hộp đèn có có phim X quang để hội chẩn, giải thích cho bệnh nhân hay giảng dạy cho sinh viên y khoa đã gần như trở thành biểu tượng của nghề Y. Vậy tại sao trên thế giới và ở các bệnh viện lớn của Việt Nam, phim X quang đã, đang và sẽ không còn được sử dụng rộng rãi nữa?
NHỮNG PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH HIỆN ĐẠI
Các phương tiện kỹ thuật dùng trong chẩn đoán hình ảnh ngày nay phát triển rất nhanh chóng theo đà phát triển của khoa học công nghệ. Hình ảnh học ngày nay là những hình ảnh kỹ thuật số, ba chiều, bốn chiều và các kỹ thuật đặc biệt khác phát triển không ngừng. Do đó, để chẩn đoán một bệnh, các kỹ thuật CT hay MRI thường tạo ra rất nhiều hình ảnh cơ bản, cùng với các phần mềm xử lý hình ảnh để phát hiện, đo đạc, lý giải bệnh. Số lượng hình ảnh trong mỗi lần chụp như vậy là rất lớn. Một cuộc chụp CT có nhiều thì khác nhau, nhiều cửa sổ khác nhau, tái dựng hình ảnh theo nhiều mặt phẳng khác nhau. Đó là chưa kể đến với các đo đạc, xử lý khác nên số lượng hình của một cuộc chụp có thể lên đến từ vài trăm đến hàng ngàn hình. Tương tự, một cuộc chụp MRI với nhiều chuỗi xung đó và xử lý hình ảnh trên các trạm làm việc mới trình bày hết hàng trăm, thậm chí đôi lúc là hàng ngàn hình ảnh. Chính lượng hình ảnh lớn, nhiều góc độ khác nhau, nhiều phân tích đo đạc phức tạp và chuyên sâu nói trên mới mang lại giá trị chẩn đoán cao được.
NHỮNG HẠN CHẾ LỚN CỦA PHIM X QUANG
Với số lượng hình ảnh thu được từ những cuộc chụp khổng lồ như vậy, nếu in ra toàn bộ hình ảnh thì lượng phim in cho mỗi cuộc chụp cũng sẽ rất lớn. Tính trung bình nếu trình bày 20-30 hình trên mỗi tờ phim khổ 35mm x 43 mm, thì với số lượng hình mỗi cuộc chụp nêu trên sẽ được in ra trên hàng chục đến hàng trăm tấm phim. Đó chưa kể đây là những hình kích thước nhỏ, khó nhìn thấy những tổn thương nhỏ. Một bất lợi rất lớn của những phim in như vậy là những hình tĩnh nên không điều chỉnh, xử lý, đo đạc được.
Hơn nữa, các “phim X quang” sẽ không truyền tải dễ dàng, nhanh chóng nhất là cho những mục đích hội chẩn nhanh chóng hay khám chữa bệnh từ xa.
Việc lưu trữ các phim in có rất nhiều hạn chế như cần không gian kho chứa phim trước sử dụng, kho lưu trữ hồ sơ bệnh án kèm phim X quang trong nhiều năm theo qui định là rất lớn. Các tấm phim vì có cấu tạo là tấm nhựa với nhiều lớp hóa chất như đã nêu trên nên việc suy giảm chất lượng hình ảnh, ẩm mốc là điều không thể tránh khỏi. Tác động môi trường cho việc sản xuất phim cũng như rác thải là các phim sau khi sử dụng, thanh lý cũng có nguy cơ rất lớn gây hại cho môi trường sống chúng ta vì các tấm nhựa polyester khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, khó tái chế và lượng hóa chất có hại vô cùng lớn thải ra môi trường.
Sau cùng, in phim X quang sẽ gây về tốn kém mặt kinh tế. Chi phí của một tấm phim X quang in là khá cao nên chiếm một tỉ lệ đáng kể trong cơ cấu giá. Việc không dùng phim sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và bảo hiểm. Với các bệnh viện thì việc tiết kiệm chi phí này sẽ tạo điều kiện cho đầu tư vào các dịch vụ nâng cao nhằm tăng chất lượng chẩn đoán, điều trị ví dụ như trang bị phần mềm hỗ trợ chẩn đoán, các máy móc, trang thiết bị cho phần cứng khác…. Việc không dùng phim sẽ tránh nhiều lãng phí khác như nhiều trường hợp, tấm phim chỉ mang tính tượng trưng cho cuộc chụp, không sử dụng sau này hay người bệnh bảo quản không đúng cũng như thất lạc, bệnh viện bảo quản không tốt, không còn giá trị sử dụng…
Vậy giải pháp nào thay thế cho vai trò không còn phù hợp của phim X quang trong thời đại hiện nay?
CÁC PHƯƠNG THỨC LƯU TRỮ VÀ THỂ HIỆN HÌNH ẢNH Y KHOA HIỆN ĐẠI
Với những hạn chế của phim X quang in như đã phân tích trên đây, ngành điện quang nói riêng và Y học nói chung đã có những giải pháp thay thế hoàn hảo. Các tiến bộ nhanh chóng như vũ bão của khoa học và công nghệ trong thời đại hiện nay đã phát triển các phương thức thể hiện, lưu trữ, xử lý hình ảnh với những đặc tính vượt trội so với phim X quang in. Đó chính là hệ thống kết nối – lưu trữ - xử lý hình ảnh y khoa (Picture Archiving and Communication Systems hay gọi tắt là PACS).
Hệ thống PACS cho phép kết nối các thiết bị hình ảnh trong y khoa lại với nhau dưới dạng hình ảnh kỹ thuật số. Hệ thống này là một phần tất yếu của hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (Hospital Information System-HIS), bệnh án điện tử (Electronic Medical Record-EMR), là một trong những cơ sở cho hồ sơ sức khỏe cá nhân của mỗi công dân sau này. Việc triển khai PACS và qua đó thực hiện việc không in phim đang được khởi động ban đầu ở nước ta. Đây là chủ trương chung của nhà nước và ngành y tế, được bảo hiểm xã hội chấp nhận, là vấn đề của hội nhập thế giới trong thời đại công nghệ hiện nay.
Thuận lợi to lớn của việc triển khai PACS
- Xu thế phát triển tất yếu, cả nước đổi mới, theo công nghệ theo thời đại 4.0.
- Lợi ích rõ ràng: việc triển khai PACS sẽ tạo điều kiện số hóa nhờ đó có những đặc tính ưu việt rõ rệt như:
+ Toàn bộ các hình ảnh gốc của cuộc chụp được lưu trữ và vĩnh viễn ở dạng số, không suy giảm chất lượng theo thời gian.
+ Hình ảnh khi xem sẽ dễ dàng được xử lý, tinh chỉnh, làm tăng khả năng chính xác cho chẩn đoán.
+ Kết nối được tất cả các thiết bị trong cơ sở y tế, bệnh viện hay nhiều bệnh viện với nhau trong cùng hệ thống.
+ Truyền tải hình ảnh nhanh chóng dễ dàng qua mạng internet, không suy giảm chất lượng hình ảnh.
- Phục vụ cho chẩn đoán tại chỗ, chẩn đoán từ xa, hội chẩn, hội thảo, tham khảo hình ảnh của những lần trước,
- Bệnh án điện tử, tích hợp dễ dàng hồ sơ sức khỏe từng cá nhân như căn cước công dân, quản lý sức khỏe,
- Xem hình ảnh đơn giản, mọi lúc mọi nơi,
- Kết nối trên toàn thế giới.
+ Bản báo cáo kết quả của cuộc chụp được tích hợp trong cùng tập hình ảnh nên có thể xem đồng thời trên cùng màn hình
+ Không dùng phim, không dùng giấy.
+ Do mọi công đoạn đều số hóa nên dòng công việc nhanh chóng, người bệnh đỡ mất thời gian chờ đợi từ khâu khai báo cá nhân, lấy chỉ định, đóng tiền, đến phòng chụp, chờ đợi thứ tự để thực hiện cuộc chụp. Đặc biệt là sau khi chụp xong, người bệnh không cần chờ đợi lấy túi phim và tờ kết quả. Thường công đoạn cuối cùng này cũng mất nhiều thời gian nếu phải in phim.
Kết quả cuộc chụp với nội dung bao gồm tập hình ảnh và báo cáo kết quả chẩn đoán sẽ được thể hiện đơn giản qua nhiều hình thức sẵn có, tiện dụng cho tất cả mọi đối tượng như: đường truy cập, tên tài khoản và mật khẩu được gửi đến đồng thời các dạng như tin nhắn điện thoại (nếu người bệnh dùng điện thoại thông minh hay máy tính bảng có thể bấm vào xem ngay toàn bộ hình ảnh và bản báo cáo kết quả), qua thư điện tử (email) và bản in giấy (dành cho người bệnh không dùng điện thoại và/ hay không dùng thư điện tử).
+ Bảo mật thông tin sức khỏe từng cá nhân,
+ Bảo vệ môi trường,
+ Không tốn không gian lưu trữ,
+ Không sợ thất lạc hay mất hình ảnh,
+ Tiết kiệm thời gian rất nhiều trong việc truy cứu, tham khảo hồ sơ bệnh lý của người bệnh ở những lần nhập viện trước: cùng với bệnh án, trước đây xem, truy cứu lại hồ sơ cũ rất mất thời gian do thủ tục hành chánh, vào kho lục hồ sơ / cất hồ sơ sau đó, nhiều khi thất lạc hay ẩm mốc…
Những khó khăn có thể khắc phục được của việc triển khai PACS
- Kinh phí đầu tư ban đầu lớn và cần phải được bảo hành, bảo trì, cập nhật thường xuyên.
- Thay đổi thói quen hơn trăm năm!!!
+ Xem phim, xem giấy kết quả của bác sĩ,
+ Cầm phim và giấy kết quả của người bệnh khi chụp xong.
- Chưa triển khai rộng khắp, toàn diện trong hệ thống y tế quốc gia để tích hợp vào cùng một bệnh án, chưa liên thông kết quả các kỹ thuật hình ảnh nói riêng và các kết quả thăm khám, xét nghiệm khác nói chung.
- Chưa có nhận thức đầy đủ về những điều kiện cần và đủ của quản lý để trang bị PACS cũng như các thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác.
Tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế khác trên thế giới đã hoàn thành việc triển khai hệ thống PACS đều phải trải qua những khó khăn kể trên nhưng một khi hệ thống đã được triển khai thành công thì lợi ích mang lại sẽ cực kỳ to lớn. Đây là khuynh hướng phát triển tất yếu bắt buộc trên toàn thế giới. Và Việt Nam cũng không là một ngoại lệ.
Với những ích lợi to lớn của như đã nói ở trên trong việc triển khai chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ không in phim, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hướng đến cung cấp cho người bệnh và các bác sĩ lâm sàng trong và ngoài bệnh viện những tiện ích vượt trội. Người bệnh cần yên tâm rằng những hình ảnh được lưu trữ và truyền tải bằng phương thức hiện đại sẽ có giá trị chẩn đoán cao hơn nhiều so với phim X quang. Hơn nữa, việc lưu trữ, truy cập về sau cũng sẽ dễ dàng thuận tiện giúp bác sĩ có nhiều thông tin chẩn đoán hơn.
Nguồn: TS. BS Võ Tấn Đức - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM
Xem thêm bài viết tại đây.