Học sinh bị stress, đau dạ dày vào mùa thi: Làm gì để nhận biết và vượt qua?
Áp lực học và thi cử khiến học sinh căng thẳng và bị stress ngày càng nhiều hơn. Nhất là thời điểm "chạy" nước rút để tiến dần đến các kỳ thi cuối năm học trở thành gánh nặng. Áp lực này sẽ khiến trẻ mắc nhiều bệnh lý không đáng có.
Trên thực tế tại phòng khám, thời gian gần đây độ tuổi bị stress đã sớm hơn, nhiều trẻ ở lứa tuổi học sinh cấp 2 đã mắc stress và các bệnh lý liên quan như: Rối loạn cảm xúc, hành vi, đau hoặc viêm loét dạ dày.
1. Nhận biết stress, căng thẳng ở trẻ
Vào mùa thi, tỷ lệ học sinh bị các rối loạn về tâm lý liên quan đến stress, căng thẳng, áp lực học và thi cử lại tăng cao. Những áp lực này có thể khiến các em lo âu, sợ hãi mà không thể kiểm soát được.
Vì vậy, việc nhận biết các rối loạn lo âu vào mùa thi là vô cùng quan trọng, để từ đó cha mẹ gần gũi, đồng hành giúp trẻ vượt qua được khó khăn, áp lực
Các biểu hiện stress, căng thẳng thường gặp ở trẻ là cảm xúc không ổn định, trẻ có thể lo lắng, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày, không thể nào thoát ra khỏi sự lo lắng. Bên cạnh đó trẻ sẽ bị vã mồ hôi, hồi hộp đập trống ngực, tim đập nhanh. Trẻ có cảm giác buồn nôn, đau bụng, muốn đi vệ sinh. Run tay chân, ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau các cơ.
Ngoài những vấn đề lo lắng quá mức do thi cử, có nhiều trường hợp trẻ bị căng thẳng gây ra tình trạng trầm cảm, thậm chí tử tự do thất vọng với bản thân.
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý tâm thần giúp các em được tư vấn kịp thời, từ đó có chế độ học tập sinh hoạt hợp lý để đảm bảo sức khỏe và tâm lý tham gia tốt các kỳ thi. Đặc biệt, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện bất thường của con. Khi thấy con có dấu hiệu lạ như ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, ăn uống thất thường, dễ khóc, tập trung kém, mệt mỏi... phụ huynh cần theo dõi sát sao và đưa trẻ đi khám kịp thời.
2. Đau dạ dày vì căng thẳng học tập nhận biết thế nào?
Nhiều người vẫn cho rằng chỉ có người lớn mới bị đau dạ dày do ăn uống, sinh hoạt bừa bãi. Tuy nhiên, viêm loét dạ dày ở lứa tuổi học sinh đang ngày càng phổ biến và có xu thế xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ tuổi. Nguyên nhân gây bệnh là do ăn uống không khoa học, thiếu vệ sinh, có trạng thái lo âu, sức ép học tập lớn. Việc phụ huynh thúc ép trẻ học hành tạo cảm giác căng thẳng, khiến trẻ luôn rơi vào trạng lo lắng thái quá dễ dẫn tới bệnh dạ dày. Nếu không được lưu ý chăm sóc tốt, sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thậm chí xuất huyết tiêu hóa.
Biểu hiện của bệnh chủ yếu là những cơn đau bụng, không dữ dội mà âm ỉ, giống như giả vờ một lúc là hết. Đây là biểu hiện ban đầu của bệnh, là triệu chứng thường gặp, theo các nghiên cứu từ 81 - 97% số trẻ viêm dạ dày tá tràng có biểu hiện đau bụng âm ỉ, tuy nhiên, tình trạng đau bụng ở trẻ em thường không giống như ở người lớn. Vị trí đau bụng có thể trên rốn hoặc quanh rốn. Đau bụng thất thường có khi như giả vờ, thường liên quan đến bữa ăn (trước ăn hoặc sau ăn), tái đi tái lại. Vì vậy, phụ huynh thường hay chủ quan nghĩ rằng đau do rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun… nên bệnh được phát hiện muộn. Nếu kéo dài trên 3 tháng mà không được chẩn đoán và điều trị có thể sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa…
Đau bụng tái diễn (kéo dài trên 3 tháng) do nguyên nhân tiêu hóa, đặc biệt là bệnh lý dạ dày tá tràng chiếm tới 17 - 70%. Tỷ lệ nhiễm H. Pylori ở các trẻ bị đau bụng tái diễn khoảng 56 - 79%.
Ngoài biểu hiện đau bụng, trẻ còn có biểu hiện buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua… và ở một số trẻ có biểu hiện cấp tính như: Đột ngột nôn, đi ngoài ra máu, có trường hợp da xanh lướt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, học không tập trung, gia đình đưa đến bệnh viện thì mới biết là đau dạ dày.
3. Cần làm gì để cùng con vượt qua stress trong các kỳ thi?
Cha mẹ cần đồng hành với con, lắng nghe, động viên con trẻ, tránh những lời chỉ trích, mắng nhiếc. Trước khi đi thi, hãy tạo cho trẻ cảm giác an tâm, tinh thần thoải mái. Nếu trẻ đạt kết quả tốt trong kỳ thi, cha mẹ nên có những phần thưởng khen ngợi, khích lệ để con tiếp tục cố gắng trong các kỳ thi sau. Ngược lại, hãy bình tĩnh, động viên con. Không nên mắng mỏ, đay nghiến, dồn con vào con đường cùng.
Cùng đồng hành với trẻ sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý, không tự tạo ra áp lực cho bản thân, dành thời gian hàng ngày để thư giãn. Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, trường học khi cảm thấy lo lắng quá mức, khó kiểm soát.
Tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao. Chơi thể thao sẽ giúp cân bằng về thể chất và tinh thần. Không gây áp lực cho con mình.
Giúp trẻ có thói quen sinh hoạt học tập, ăn uống, ngủ nghỉ khoa học để phòng tránh những nguy cơ gây hại đến sức khoẻ. Hạn chế đồ cay nóng như tương ớt, gà chiên cay, mì cay; ăn nhanh không nhai kỹ; ăn không đúng bữa; bỏ bữa, sinh hoạt, ăn ngủ không điều độ…
Giúp con mình biết cách thư giãn tham gia các trò chơi, các hoạt động giải trí… để trẻ cảm thấy thoải mái và đỡ lo lắng khi đối mặt với áp lực thi cử.
Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ bằng cách khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, món ăn nhiều Protein… để cơ thể khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Tránh lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá…
Nguồn: báo Sức khỏe & đời sống
Xem thêm bài viết tại đây.