Mạng xã hội ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?
Về cốt lõi, mạng xã hội là một công cụ giao tiếp mạnh mẽ và nó đã thay đổi cách mọi người tương tác với nhau. Nó khiến cho việc trao đổi và chia sẻ thông tin, suy nghĩ và ý tưởng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn thông qua các mạng ảo. Tuy nhiên, mạng xã hội có những mặt trái. Một số bằng chứng cho thấy rằng việc sử dụng mạng xã hội - đặc biệt là việc lạm dụng nó - có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần theo nhiều cách.
Mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay
Với nhiều người trong thế giới ngày nay, điện thoại thông minh trở thành bạn đồng hành không thể thiếu của họ. Và ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất trên các thiết bị này chính là các nền tảng mạng xã hội. Người dùng lướt các nền tảng này mỗi ngày để cập nhật các thông tin về bạn bè, những người nổi tiếng mà họ yêu thích cũng như các sự kiện toàn cầu. Phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên tích hợp vững chắc vào cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người. Theo một số ước tính, khoảng 4 tỷ người trên khắp thế giới sử dụng các trang web mạng như Facebook, Twitter và Instagram.
Nếu sinh ra sau năm 1995, bạn sẽ không thể nhớ được cuộc sống không có Internet. Kết nối thông qua điện thoại thông minh và mạng xã hội giờ đây đã trở thành một phần trong quá trình trưởng thành của nhiều trẻ em và thanh thiếu niên.
Không thể chối cải những mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại cho chúng, tuy nhiên rủi ro luôn tồn tại, chẳng hạn như việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần của con người.
Được thiết kế để khuyến khích người dùng sử dụng quá mức
Chúng ta đều biết các nền tảng mạng xã hội được thiết kế với chủ đích thu hút sự chú ý của người dùng lâu nhất có thể, đánh vào thiên kiến và lỗ hổng tâm lý trong chúng ta chẳng hạn như mong muốn được công nhận hay nỗi sợ bị từ chối.
Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội quá mức một cách thụ động –tức là dành thời gian chỉ để lướt các bài đăng, trong đó có thể chứa nội dung không lành mạnh.
Làm gia tăng cảm xúc cô đơn
Thanh thiếu niên thường tương tác trên mạng xã hội với những người mà các em quen biết ngoài đời thực. Ở mức độ vừa phải, việc sử dụng mạng xã hội theo cách này cho phép thanh thiếu niên giữ liên lạc với bạn bè, bạn học hay người thân và có khả năng cải thiện các mối quan hệ thực của mình. Tuy nhiên, cảm xúc được khơi dậy bởi một cái “like” có thể tạm thời làm vơi đi nỗi cô đơn, nhưng không thể thay thế hoàn toàn giao tiếp xã hội. Một biểu tượng cảm xúc hoặc một bình luận “LOL” có thể đem lại cảm giác kết nối hời hợt, thay vì giao tiếp mặt đối mặt với tương tác có ý nghĩa hơn thông qua ngôn ngữ cơ thể, tiếp xúc thân mật cùng cảm xúc thể hiện qua giọng điệu và sắc thái gương mặt - tất cả những điều này thường biến mất trong thế giới số.
Người trẻ gặp rủi ro, nguy hiểm – bắt nạt trực tuyến
Những người bạn trên mạng xã hội dễ khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên những “những người bạn lạ mặt này” có thể là “kẻ bắt nạt trên mạng xã hội”, và phát tán những lời nói và hình ảnh bạo lực, gây tổn thương và hạ nhục trẻ chỉ bằng một lần nhấn phím. Bạo lực tuy xảy ra trên không gian ảo, nhưng sẽ để lại hậu quả thực.
Nguy cơ mắc bệnh lý tâm thần
Sử dụng mạng xã hội, đặt biệt khi tiếp xúc với những nội dung tiêu cực, không lành mạnh có mối liên hệ với cảm giác đố kỵ, thua kém và kém hài lòng với cuộc sống. Các nghiên cứu thậm chí còn cho rằng thói quen này có thể dẫn đến các triệu chứng ADHD, trầm cảm, lo âu và thiếu ngủ.
Hơn nữa với sức hấp dẫn từ việc kiếm tiền trên internet, nhiều người chạy theo đồng tiền, bất chấp những giá trị, chuẩn mực đạo đức làm các video có nội dung xấu, độc như “thử thách 24 giờ làm chó”, “đốt nhà ông ngoại”, “tắm mắm tôm”, hay các video có nội dung bạo lực, sex, mê tín dị đoan... với mục đích tăng lượt xem, lượt tương tác tìm kiếm quảng cáo để kiếm tiền. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ em, thanh thiếu nhiên xem nhiều các nội dung này và có thể bắt chước các động tác và hành vi của nhân vật trong video trong cuộc sống thực. Các video có nội dung ma quái có thể khiến người xem bị ám ảnh, mộng mị, rối loạn lo âu, ám ảnh tâm lý... Càng nguy hại hơn nếu người xem trở nên nghiện xem các nội dung độc hại này và trở nên đắm chìm trong thế giới ảo. Khi đó tất cả thời gian, tâm trí, sức lực chỉ tập trung cho việc xem điện thoại, lâu dần không chỉ ảnh hưởng đến nhân cách, hành vi, tâm sinh lý mà có thể mắc các bệnh lý tâm thần.
Lời khuyên
Việc xây dựng thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh rất quan trọng để tránh những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe tâm thần. Nên sử dụng mạng xã hội ở mức độ vừa phải và cân bằng với thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Sau đây là một số gợi ý cho bạn để bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội từ những việc nhỏ nhất:
- Tỉnh táo, có tư duy phản biện, đánh giá và phân tích khi tiếp nhận thông tin
- Hạn chế các tính năng thiết kế với mục đích thu hút việc sử dụng như thông báo hay tính năng tự động phát…
- Đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị. Có thể đặt bộ hẹn giờ khi đang sử dụng mạng xã hội hoặc cài đặt một ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính để theo dõi khoảng thời gian đã dành trên một trang web mạng..
- Lập kế hoạch và dành thời gian để tận hưởng cuộc sống ngoại tuyến như đọc sách, xem phim, đi dạo, chơi trò chơi, nướng bánh mì hoặc trò chuyện qua điện thoại với bạn bè
Xem thêm bài viết tương tự tại đây.