Sức khỏe đời sống

MỀ ĐAY LÀ GÌ? TRIỆU CHỨNG VÀ HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ

MỀ ĐAY LÀ GÌ? TRIỆU CHỨNG VÀ HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ

1. Nổi mề đay là gì?

Nổi mề đay là một phản ứng của mạch máu dưới da, đặc trưng bởi sự xuất hiện thoáng qua các sẩn hoặc mảng mịn màu đỏ, nổi cao và thường kèm theo ngứa dữ dội. Hầu hết các trường hợp đều xuất hiện trong thời gian ngắn và tự khỏi, với các đợt cấp hiếm khi kéo dài quá vài ngày, nhưng có thể tái phát trong nhiều tuần trong khi các đợt tái phát mề đay mãn tính lại kéo dài trên 6 tuần.

mề đay

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nổi mề đay

Trên da xuất hiện các sẩn màu hồng hoặc trắng, phù nề với kích thước và hình dạng không giống nhau, thường kèm theo ngứa dữ dội. Đôi khi có bọng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy.

Dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý (Red flags):

  • Phù mạch (sưng mặt, môi hoặc lưỡi).

  • Thở rít, thở khò khè hoặc suy hô hấp.

  • Tổn thương tăng sắc tố, loét hoặc mày đay kéo dài > 48 giờ.

  • Các dấu hiệu toàn thân (ví dụ: Sốt, nổi hạch, vàng da, suy nhược cơ thể).

Tác động của nổi mề đay đối với sức khỏe 

Trạng thái tinh thần: Gây mệt mỏi, stress, kiệt sức, lo âu.

Tâm thần: Cảm giác cô đơn, lo lắng, cảm giác mất vệ sinh.

Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng đến những mối quan hệ xã hội, hạn chế các sinh hoạt hằng ngày...

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nổi mề đay

Mề đay không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu bệnh nhân bị ngứa nặng, có thể gây ra các vết xước trên nốt ban và bị nhiễm trùng thứ phát.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc mề đay mãn tính có khả năng phát triển thành phù mạch.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay

Mề đay cấp tính: Thường kéo dài dưới 6 tuần, là phản ứng dị ứng type 1 (qua trung gian IgE) hoặc type 3 (qua trung gian bổ thể) hoặc không qua trung gian miễn dịch.

  • Tiếp xúc hoặc hít phải các chất gây dị ứng (ví dụ: Cao su, nước bọt động vật, bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông vũ).

  • Tác dụng phụ của thuốc.

  • Kích thích ngoại cảnh (nhiệt độ môi trường, ánh nắng mặt trời...) hoặc nội tại (căng thẳng, lo lắng gây tăng hoạt hệ giao cảm; vận động mạnh; đổ mồ hôi nhiều...).

  • Nhiễm trùng (Streptococcus nhóm A, Helicobacter pylori), ký sinh trùng (Giardia lamblia, Schistosoma mansoni, Strongyloides stercoralis, Trichuris trichiura, Blastocystis hominis, Toxocara canis) hoặc virus (viêm gan A, B, C; HIV, CMV, EBV, enterovirus).

  • Ăn phải các loại thức ăn gây dị ứng (đậu phộng, hạt cây, cá, động vật có vỏ, lúa mì, trứng, sữa, đậu nành...).

  • Côn trùng cắn.

  • Bệnh huyết thanh.

  • Phản ứng truyền máu.

Mề đay mãn tính: Kéo dài trên 6 tuần, nguyên nhân thường là các bệnh tự miễn.

  • Rối loạn tự miễn (ví dụ: SLE, hội chứng Sjögren, bệnh tuyến giáp tự miễn, bệnh máu lạnh, viêm mạch nổi mề đay).

  • Ung thư (điển hình là đường tiêu hóa, phổi , ung thư hạch).

  • Mề đay tự phát (không rõ nguyên nhân).

  • Bất thường nội tiết (ví dụ, rối loạn chức năng tuyến giáp, mức progesterone tăng cao).

  • Kích thích vật lý hoặc do một số loại thuốc (giống mề đay cấp tính).

  • Bệnh tế bào mast hệ thống.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải nổi mề đay?

Mọi đối tượng không phân biệt giới tính, tuổi tác, chủng tộc đều có nguy cơ nổi mề đay. Tỷ lệ này cao hơn với những người có cơ địa dị ứng, phổ biến hơn ở phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên so với người lớn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nổi mề đay

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nổi mề đay, bao gồm:

  • Đã từng bị nổi mề đay trước đây.

  • Có các phản ứng dị ứng khác.

  • Tiền sử gia đình bị nổi đề đay.

  • Cơ địa nhạy cảm.

5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị

5.1. Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán 

Đánh giá bệnh sử

Bệnh nhân cần trả lời bảng câu hỏi chi tiết về thời gian khởi phát bệnh, tần suất xuất hiện, sự phân bố và kích thước các mảng mề đay.

Cần hỏi thêm về việc tập thể dục, tiếp xúc với tác nhân có nguy cơ gây dị ứng (xà phòng, thực phẩm, thuốc, nhiễm trùng gần đây), bị côn trùng và động vật cắn/ đốt; tình trạng stress và tiền sử bệnh dị ứng hoặc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Một số triệu chứng gợi ý bệnh lý có thể gây nổi mề đay:

  • Nhiễm trùng: Sốt, mệt mỏi, đau bụng và tiêu chảy.

  • Viêm tuyến giáp tự miễn: Không dung nạp với sự thay đổi nhiệt độ, run hoặc thay đổi cân nặng.

  • Cryoglobulin máu, lupus ban đỏ hệ thống (SLE): Đau khớp, phát ban malar (SLE).

  • Hội chứng Sjögren: Khô mắt và khô miệng.

  • Viêm mạch mày đay: Loét da và tổn thương tăng sắc tố da sau hết mày đay.

  • Bệnh tế bào mast: U nhú sắc tố nhỏ.

  • Bệnh do virus, ung thư, bệnh huyết thanh: Bệnh hạch.

  • Viêm ruột do virus hoặc ký sinh trùng: Tiêu chảy cấp tính hoặc mãn tính.

  • Ung thư: Sốt, đổ mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân.

Lâm sàng

Đánh giá hình thái, kích thước, độ phù nề và mức độ tổn thương da của các mảng mề đay.

Kiểm tra thêm vùng mặt, hầu họng, bụng để phát hiện thêm các triệu chứng khác. 

Cận lâm sàng

Gồm xét nghiệm kích thích (provocation test) và xét nghiệm vật lý (physical test), chỉ áp dụng khi chẩn đoán mề đay nguyên phát mạn tính:

Xét nghiệm đề nghị: CTM, VS, CRP, test chẩn đoán dị ứng thuốc (NSAIDs).

Xét nghiệm chẩn đoán (dựa trên bệnh sử):

  • Tìm bệnh lý nhiễm trùng;

  • Định lượng các tự kháng thể;

  • Hormone tuyến giáp và các tự kháng thể;

  • Test lấy da;

  • Định lượng tryptase;

  • Sinh thiết da.

5.2. Phương pháp điều trị nổi mề đay hiệu quả

Kháng Histamin H1

Tác dụng dược lý: Ức chế cạnh tranh histamin tại receptor H1 trên cơ trơn mạch máu, tế bào nội mô, dây thần kinh và tế bào mast dẫn đến ức chế phản ứng do histamin gây ra. Đây là nhóm thuốc thường được chỉ định nhất trong điều trị nổi mề đay, hiệu quả cao trong giảm ngứa và tổn thương nhưng có thể gây nhiều tác dụng phụ do kháng cholinergic (như khô miệng, nhìn mờ, tim nhanh, rối loạn tiết niệu…) và an thần (buồn ngủ).

Kháng H1 thế hệ 1: Được sử dụng từ lâu nhưng tác dụng phụ và tương tác thuốc nhiều.

Tên thuốc

Liều lượng

Liều tối đa

Diphenhydramine

25 - 50 mg/lần x 3 - 4 lần/ngày

300 mg/ngày

Cyproheptadine

4 mg/lần x 3 lần/ngày

32 mg/ngày

Chlorpheniramine

8 - 12 mg/lần x 3 - 4 lần/ngày

16 - 24 mg/ngày

Hydroxyzine

25 mg/lần x 3 - 4 lần/ngày

100 mg/ngày

Kháng H1 thế hệ 2: Ít hoặc không gây, ít tác dụng cholinergic và ít có khả năng gây tương tác thuốc.

Tên thuốc

Liều lượng

Liều tối đa

Loratadine

10 mg x 1 lần/ngày

10 mg/ngày 

Cetirizine 

5 - 10 mg x 1 lần/ngày

10 mg/ngày

Fexofenadine 

180 mg x 1 lần/ngày 

hoặc 60 mg x 2 lần/ngày

180 mg/ngày

Desloratadine 

5 mg x 1 lần/ngày

5 mg/ngày

Levocetirizine 

5 mg x 1 lần/ngày

5 mg/ngày

Kháng Histamin H2

Tác dụng dược lý: Thuốc gắn cạnh tranh, có thể đảo ngược tại các thụ thể H2 của histamin, đặc biệt là ở các tế bào thành dạ dày. Thuốc kháng histamin H2 có tính chọn lọc cao, không ảnh hưởng đến thụ thể H1 và không kháng cholinergic. Thuốc ngăn chặn sự giãn mạch qua trung gian của các thụ thể H2 trong mạch máu, dẫn đến giảm phù nề do mề đay.Kháng histamin H2

Thuốc kháng histamin H2 không hiệu quả khi dùng đơn lẻ. Sự kết hợp của một chất kháng H1 với một chất kháng H2 cho hiệu quả cao hơn dùng kháng H1 đơn thuần. Có thể sử dụng bất kỳ chất kháng H2 nào, trong đó, thuốc phổ biến nhất là ranitidine và cimetidine.

  • Ranitidine: 1 - 2 mg/kg x 2 lần/ngày.

  • Cimetidine: 5 - 8 mg/kg x 4 lần/ngày.

Corticoid

Chỉ định: Điều trị mề đay cấp tính và nghiêm trọng. Hạn chế chỉ định cho mề đay mãn trừ trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc kháng histamin H1 ở liều cao hoặc gặp tác dụng không mong muốn. 

Mỗi đợt điều trị bằng corticosteroid kéo dài 5 - 7 ngày.

Các thuốc được chỉ định: Methylprednisolone, prednisolone, prednisone. Tuy nhiên, không dùng prednisone cho bệnh nhân mắc các bệnh gan vì thuốc phải chuyển hóa bởi enzyme gan thành dạng có hoạt tính prednisolone nên có thể giảm hiệu quả.

Epinephrin

Chỉ định: Điều trị mày đay nặng.

Tác dụng dược lý: Epinephrine là chất chủ vận alpha, làm tăng sức cản ngoại vi, gây co mạch, giảm tính thấm thành mạch và tăng huyết áp. Ngoài ra, tác dụng chủ vận beta của thuốc làm giãn phế quản, tăng co bóp tim dẫn đến tăng sản xuất cAMP nội bào.

Liều dùng: Tiêm dưới da 0,2 - 1ml dung dịch epinephrine 0,1 mg/ml. 

Kháng Leukotrien

Chỉ định: Điều trị mề đay mãn tính do thuốc (aspirin…), stress hoặc giảm nhiệt độ.

Tác dụng dược lý: Montelukast và zafirlukast là các chất đối kháng mạnh, có chọn lọc trên thụ thể leukotriene D4 (LTD4) tại thụ thể cysteinyl leukotriene (Cys LT1), dẫn đến tác dụng ức chế hoạt tính của chất gây viêm leukotriene. Thuốc dung nạp tốt và khá ít tác dụng phụ.

  • Montelukast: 10 mg/lần x 1 lần/ngày.

  • Zafirlukast: 20 mg/lần x 2 lần/ngày.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng - Doxepin

Chỉ định: Điều trị mề đay mãn tính, không rõ nguyên nhân hoặc do hạ nhiệt độ.

Tác dụng dược lý: Kháng cholinergic ở trung ương và ngoại vi, an thần, ngăn chặn sự tái hấp thu tích cực của norepinephrine và serotonin. Ngoài ra, doxepin còn có tác dụng kháng histamin H1 và H2.

Liều dùng: 10 - 50 mg/lần x 3 lần/ngày.

Kháng thể đơn dòng - Omalizumab

Omalizumab, một kháng thể đơn dòng tái tổ hợp đối kháng immunoglobulin E (IgE) trên bề mặt tế bào mast và bạch cầu ưa base (basophil) dẫn đến giảm giải phóng các chất trung gian gây viêm. Omalizumab đã được sử dụng điều trị thành công ở những bệnh nhân nổi mề đay thực thể, bao gồm cả chứng nổi mề đay có triệu chứng. 

Liều dùng: 150 - 300 mg tiêm dưới da mỗi 4 tuần.

Các thuốc khác

Dapson và colchicin:

  • Chỉ định: Điều trị mề đay viêm mạch và mề đay kháng trị.

  • Liều dùng: Dapsone: 50 - 150 mg x 1 lần/ngày. 

Colchicin: 0,6 mg/lần x 2 lần/ngày

Levothyroxin: Điều trị mề đay mãn tính do kháng thể kháng giáp. Xuất hiện đáp ứng trong vòng 2 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị. Nếu tình trạng bệnh thuyên giảm sau 3 - 6 tháng, có thể giảm dần liều và ngưng hẳn.

Cyclosporin:

  • Chỉ định: Điều trị mề đay mãn tính, vô căn và không đáp ứng với các điều trị khác.

  • Liều dùng: Uống 4 - 6 mg/kg/ngày trong tối đa 3 tháng.

Vitamin D: Bổ sung vitamin D liều cao (4000 IU/ngày) có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng trong mề đay mãn tính.

Tiêm máu toàn phần tự thân (AWBI): Đây là một giải pháp thay thế trong điều trị mề đay mãn tính kháng trị. Bệnh nhân được điều trị trong 8 tuần có sự cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống đáng kể.

6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nổi mề đay

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Không chà xát mạnh hoặc dùng xà phòng tính kiềm cao lên vùng bị nổi mề đay.

  • Có thể dùng kem dưỡng da hoặc vaselin để làm mát, giúp giảm khó chịu.

Chế độ dinh dưỡng:

Hạn chế dùng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, bao gồm: đậu phộng, thịt bò, sữa bò, hải sản, các loại thực phẩm cay nóng (như gừng, ớt, tiêu...). Giảm dùng đường, muối và tránh xa các chất kích thích có trong rượu, cà phê, thuốc lá...

Những loại thực phẩm nên dùng: Rượu vang đỏ, hành tỏi, bưởi, hạt lanh, quả óc chó, nghệ, hạt hướng dương, trà xanh...

Phương pháp phòng ngừa nổi mề đay hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân đã biết sẽ kích hoạt phản ứng dị ứng (như thức ăn, thuốc, nơi ô nhiễm, mỹ phẩm...).

  • Tắm rửa và thay quần áo nếu tiếp xúc với phấn hoa hoặc động vật.

  • Những người bị mề đay do lạnh phải đặc biệt thận trọng, luôn giữ ấm và không được ngâm mình đột ngột vào nước lạnh. 

  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể và nơi ở luôn sạch sẽ.

Xem thêm các thông tin tương tự tại đây.

Đang xem: MỀ ĐAY LÀ GÌ? TRIỆU CHỨNG VÀ HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng