Sức khỏe đời sống

NỘI SOI MẬT - TỤY NGƯỢC DÒNG

NỘI SOI MẬT - TỤY NGƯỢC DÒNG

1. SƠ LƯỢC

Nội soi mật - tụy ngược dòng là thủ thuật dùng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý của ống mật chủ, túi mật và ống tụy. Ống mật chủ là ống dẫn mật bài tiết từ gan và đổ vào tá tràng (phần đầu của ruột non). Ống tụy dẫn lưu dịch tụy và hợp lưu với ống mật chủ trước khi đổ vào tá tràng tại nhú Vater (nhú tá lớn).

2. CHỈ ĐỊNH NỘI SOI MẬT-TỤY NGƯỢC DÒNG

Nội soi mật-tụy ngược dòng được chỉ định cho các bệnh lý lành tính và ác tính của đường mật và đường tụy.

  • Bệnh lý lành tính của đường mật bao gồm: sỏi ống mật chủ, sỏi ống gan đơn giản, viêm đường mật cấp tính, hẹp đường mật lành tính, rò mật sau mổ cắt túi mật nội soi, rò mật sau cắt gan hay vỡ gan do chấn thương…
  • Bệnh lý ác tính của đường mật bao gồm: u quanh bóng Vater, u đoạn cuối ống mật chủ, u rốn gan,…
  • Bệnh lý lành tính của tụy bao gồm: viêm tụy cấp do sỏi mật, viêm tụy mạn, sỏi tụy…
  • Bệnh lý ác tính của tụy là ung thư tụy chèn ép đường mật gây tắc mật.
  • Rối loạn chức năng cơ vòng Oddi. Khi bị rối loạn này, cơ vòng Oddi không mở ra lúc cần thiết làm cho mật và dịch tụy không chảy được xuống ruột và gây trào ngược các dịch tiêu hóa. Sự trào ngược này có thể gây ra đau bụng nghiêm trọng, nôn ói, sốt, rét run, tiêu chảy. Rối loạn này hay gặp ở những người đã mổ cắt túi mật, nhất là ở phụ nữ tuổi trung niên. Khám siêu âm có thể thấy giãn đường mật khi cần thiết để chẩn đoán phân biệt, có thể tiến hành đo áp suất cơ vòng Oddi qua ngả nội soi. Điều trị nội khoa bằng các thuốc giảm đau và chống co thắt, nếu thất bại mới phải mổ cắt cơ vòng Oddi nội soi.

NỘI SOI MẬT - TỤY NGƯỢC DÒNG

3. KỸ THUẬT NỘI SOI MẬT-TỤY NGƯỢC DÒNG

  • Nội soi mật-tụy ngược dòng được thực hiện bằng cách: Bác sĩ nội soi sử dụng ống nội soi nhìn nghiêng đưa qua miệng, vào thực quản và dạ dày, đến tá tràng. Khi thấy nhú tá lớn (nơi ống mật chủ và ống tụy đổ chung vào tá tràng), bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ chuyên biệt (catête hay dao cắt cơ vòng) thông vào nhú tá lớn, bơm thuốc cản quang và chụp hình X–quang để chẩn đoán bệnh lý của đường mật và đường tụy. Đây là bước quan trọng nhất quyết định sự thành công của thủ thuật trước khi tiến hành các thủ thuật khác.
  • Những thủ thuật được thực hiện trong quá trình nội soi mật-tụy ngược dòng bao gồm:
  • Cắt cơ vòng: bác sĩ nội soi dùng dao cắt cơ vòng được kết nối với máy cắt đốt điện để cắt cơ vòng mật hay cơ vòng tụy. Đây là thủ thuật đầu tiên trước khi thực hiện các thủ thuật tiếp theo trong quá trình thực hiện nội soi mật- tụy ngược dòng. Đường cắt dài khoảng 0,5 – 1cm (75% chiều dài của nhú tá lớn) và không gây đau.
  • Lấy sỏi: đây là thủ thuật thường được sử dụng để điều trị sỏi ống mật chủ hay sỏi ống tụy. Sỏi được lấy bằng rọ kéo sỏi hay bóng kéo sỏi. Sỏi lớn có thể được tán thành những viên sỏi nhỏ bằng rọ tán sỏi cơ học hay tán sỏi (tán sỏi điện thủy lực hay tán sỏi laser).
  • Đặt stent: stent được đặt tạm thời hoặc vĩnh viễn để điều trị những trường hợp hẹp lành tính và ác tính của đường mật và đường tụy. Có 2 loại stent: stent nhựa và stent kim loại. Stent nhựa thường có đường kính nhỏ, phải thay mỗi 2 - 3 tháng, chi phí thấp. Stent kim loại có đường kính lớn, thời gian bị tắc lâu, là stent được đặt vĩnh viễn và có giá thành cao. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân loại stent tốt nhất cho từng bệnh lý cụ thể.
  • Nong chỗ hẹp: bác sĩ nội soi dùng bóng nong chuyên dụng đưa qua chỗ hẹp (lành tính), bơm bóng với áp lực cao để làm rộng chỗ hẹp.
  • Lấy mẫu thử giải phẫu bệnh: có thể dùng kềm sinh thiết để lấy mẫu trực tiếp từ chỗ hẹp hay dùng chổi chuyên dụng để chải tế bào nhằm xác định nguyên nhân hẹp lành tính hay ác tính.

NỘI SOI MẬT - TỤY NGƯỢC DÒNG

4. BIẾN CHỨNG

Nội soi mật-tụy ngược dòng tỷ lệ tai biến khoảng 5 – 10%.

  • Viêm tụy cấp: đây là tai biến thường gặp nhất trong nội soi mật-tụy ngược dòng, chiếm tỷ lệ 1,6 – 15,7%. Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng tăng dần và amylase-máu tăng từ 3 lần trở lên so với trị số bình thường sau 24 giờ làm thủ thuật. 80% viêm tụy cấp là nhẹ và điều trị thành công bằng thuốc và dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch (tạm nhịn ăn trong thời gian viêm tụy).
  • Chảy máu: chiếm khoảng 1,3%, có thể chảy máu ngay sau khi làm nội soi mật-tụy ngược dòng hoặc chảy máu muộn (2 tuần sau). Chảy máu có thể điều trị hoàn toàn qua nội soi (chích cầm máu, đốt điện hay kẹp cầm máu), hiếm khi phải phẫu thuật. Biến chứng chảy máu thường xảy ra khi người bệnh có rối loạn đông máu hay sử dụng các loại thuốc làm máu khó đông (ví dụ Clopidogrel).
  • Thủng tá tràng: chiếm tỷ lệ 0,1 – 0,6%, thủng thường xảy ra khi có cắt cơ vòng kiểu cắt trước, sau cắt dạ dày, hẹp đường mật do nguyên nhân ác tính. Thủng tá tràng có thể điều trị bằng bít lỗ thủng qua nội soi (kẹp clip) kết hợp với nhịn ăn hay phẫu thuật khâu lại lỗ thủng.
  • Nhiễm trùng đường mật: chiếm khoảng 1%, thường xảy ra trên những người bệnh tắc mật do u rốn gan, dẫn lưu đường mật thất bại. Người bệnh sẽ có biểu hiện sốt, lạnh run sau khi làm nội soi mật-tụy ngược dòng. Tai biến này có thể được phòng ngừa bằng kháng sinh dự phòng và kháng sinh điều trị.

5. THEO DÕI SỚM SAU NỘI SOI MẬT-TỤY NGƯỢC DÒNG

  • Người bệnh cần nhịn ăn uống hoàn toàn ít nhất 8 giờ sau thủ thuật. Sau đó, người bệnh có thể uống nước đường hoặc dùng các viên ngậm trong có đường. Sau 24 giờ, nếu không có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ biến chứng thì có thể ăn uống bình thường trở lại.
  • Người bệnh có thể sinh hoạt, vận động bình thường.
  • Người bệnh có thể được làm lại các xét nghiệm để kiểm tra sự cải thiện của tình trạng nhiễm trùng, viêm tụy hay tắc mật sau thủ thuật.
  • Sau 48 giờ, nếu không có tai biến và biến chứng hay điều trị đặc biệt (điều trị các bệnh kèm theo) thì người bệnh có thể xuất viện. Về một nơi ở không xa bệnh viện quá 30 phút ôtô để có thể được cấp cứu kịp thời khi cần kíp. Trong vòng 72 tiếng sau can thiệp, cần được khám cấp cứu nếu có các triệu chứng như: đau bụng nghiêm trọng, ho liên tục, sốt, rét run, đau ngực, buồn nôn, nôn.

6. DẶN DÒ KHI RA VIỆN

  • Tái khám định kỳ theo hẹn. Những người bệnh được đặt stent nhựa sẽ được hẹn để rút stent hoặc thay stent sau 2 – 3 tháng.
  • Nếu người bệnh có các biểu hiện: đau bụng nhiều, nôn ra máu, tiêu phân đen, sốt lạnh run thì cần tái khám ngay.

Các thuật ngữ chuyên môn Việt-Anh được sử dụng trong bài: Cắt cơ vòng / Sphincterotomy; Đo áp suất cơ vòng Oddi nội soi / Endoscopic Sphincter of Oddi manometry; Rối loạn chức năng cơ vòng Oddi / Sphincter of Oddi dysfunction; Tán sỏi điện thủy lực / Electrohydraulic lithotripsy; Tán sỏi laser / Laser lithotripsy; Viên ngậm / Lozenge.

ThS BS Phạm Công Khánh

Xem thêm nội dung khác tại đây.

Đang xem: NỘI SOI MẬT - TỤY NGƯỢC DÒNG

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng