Sức khỏe đời sống

Sẹo lồi trên da - Cách nào để chữa?

Sẹo lồi trên da - Cách nào để chữa?

Sẹo lồi trên da - Cách nào để chữa?

Sẹo, đặc biệt là sẹo lồi trên da gây mất thẩm mỹ, mất tự tin... đối với người mắc. Vậy có cách nào để trị sẹo lồi hiệu quả?.

1. Vì sao chúng ta có sẹo lồi trên da?

Sẹo là quá trình phục hồi tổn thương bình thường ở da. Khi chúng ta bị tổn thương như có vết cắt, vết mổ, hay bị nhiễm trùng (mụn)… làm tổn thương bề mặt da, các tế bào bên trong vùng tổn thương như tiểu cầu, đại thực bào (dọn dẹp vết thương), bạch cầu, fibroblast, cùng với các protein như collagen, sẽ tái tạo lại phần mô bị tổn thương.

sẹo lồi

Cơ chế tái tạo phục hồi sau vết thương nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế phức tạp qua nhiều giai đoạn. Tương tự như cách chúng ta xây lại một căn nhà sau khi cháy, gồm dọn dẹp rác, thiết kế lại phần hư hỏng, chuẩn bị vật liệu và xây dựng lại phần bị hư.

Vấn đề là khi các tế bào vùng mô tổn thương phục hồi, chúng có thể phục hồi với mật độ nhiều hơn hay ít hơn vùng da trước khi bị tổn thương. Nếu các tế bào này phục hồi nhiều hơn trước, có quá nhiều chất độn collagen, khiến vùng da phục hồi có nhiều tế bào hơn, sẽ đẩy vùng da lên phía trên, tạo ra sẹo lồi. Vùng da phục hồi sau vết thương cũng có thể ít tế bào fibroblast hơn, ít collagen hơn và ít dinh dưỡng hơn, dẫn đến sẹo lõm. 

Sẹo lồi trên da có thể ảnh hưởng đến người mang vết sẹo như: Ngứa, đau nhức như kim châm; vùng da bị sẹo có thể ảnh hưởng đến chức năng da. 

Sẹo lồi keloid là dạng sẹo lớn và khó chữa, có thể khiến bệnh nhân mất tự tin, thậm trí là trầm cảm. Sẹo keloid thường có nhiều hơn ở người có làn da sậm như châu Á hay người gốc Phi. 

2. Điều trị sẹo lồi bằng cách nào?

2.1. Các loại kem trị sẹo lồi trên da

Có khá nhiều loại kem trị sẹo trên thị trường được quảng cáo là có thể chữa trị hay chữa hết sẹo lồi. Tuy nhiên trước khi mua về sử dụng, cần cẩn thận vì thực tế nghiên cứu chỉ ra các kem chỉ có tác dụng nhất định, không thể chữa hoàn toàn hết vùng sẹo, giúp phục hồi như trước khi có vết cắt. Viện Hàn Lâm Da Liễu Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo dùng thuốc trị sẹo như sau:

- Silicon: Silicon có các dạng kem, gel, miếng dán... mỗi loại lại có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau.

Kem silicon cải thiện sẹo bằng cách tăng cường độ ẩm ở vùng ngoài cùng của lớp thượng bì. Bằng cách này, tế bào fibroblast được sản xuất nhiều hơn và giảm thiểu tạo ra collagen. 

Kem silicon cũng ngăn ngừa vi khuẩn tấn công vào da, khiến quá trình phục hồi nhanh hơn, ít viêm hơn và để lại ít sẹo hơn. Lưu ý là kem silicon phải dùng hàng ngày và thường phải từ 3 tháng trở lên mới có kết quả.

Gel silicon gel cũng giúp cân bằng growth factor (còn gọi là yếu tố tăng trưởng, một phân tử protein do cơ thể tạo ra), các tín hiệu để tăng cường mạch máu, tế bào. Khi cân bằng các growth factor, vùng da sẽ phát triển đồng đều hơn, hạn chế các vùng phát triển quá mức, tạo ra dư thừa mô và máu.

Miếng dán silicon dùng khó hơn kem và gel, nên đa số bệnh nhân dùng kem/gel thay vì miếng dán.

- Retinol: Sẹo do mụn có thể dùng retinol để chữa trị và tái tạo da. Các nghiên cứu chỉ ra sẹo do mụn có thể cải thiện nhiều với kem retinol do retinol giúp tái tạo làn da mới, dần dần cải thiện sẹo lõm, sẹo lồi do mụn.

Dùng kem retinol chữa sẹo phải kết hợp với keo giữ ẩm và kem chống nắng.

2.2. Chữa sẹo lồi bằng laser 

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra laser có thể cải thiện sẹo. Tùy vào loại sẹo mà bác sĩ sẽ dùng loại laser khác nhau. Nhìn chung, laser dùng bước sóng để nhắm vào các mô theo để kích thích tái tạo quá trình làm mới da.

sẹo lồi

Có thể hiểu đơn giản là laser tạo ra các vết thương mới nhưng các vết thương này đồng nhất hơn và phục hồi cùng một lượt.

Lưu ý là laser có thể làm sẹo lồi bị sậm màu nên phải rất cẩn thận và hỏi kỹ các loại laser. Với sẹo bề mặt như sẹo lõm hay sẹo rỗ thì laser ablative tái tạo như CO2 là lựa chọn tốt trong khi intense pulsed light (IPL)  có thể cải thiện sẹo sâu. Các loại laser khác như YAG 1064nm hay Q-switch cũng có thể làm giảm nhẹ sẹo rỗ hay sẹo lõm. 

2.3. Chữa sẹo lồi bằng tiêm steroid 

Tiêm steroid là cách chữa trị thông dụng nhất với sẹo lồi. Các nghiên cứu chỉ ra tiêm steroid trực tiếp vào vết sẹo có thể làm giảm độ lồi hơn 50% và giảm độ sần của da. Tuy nhiên, tiêm steroid lâu dài cũng có thể làm mỏng da, làm nổi các mạch máu dưới da và làm vết sẹo lồi, hoặc tuy bớt lồi, nhưng lại bị đỏ và mỏng đi...

2.4. Chữa sẹo lồi bằng xịt lạnh

Bác sĩ dùng tia lạnh (cryosurgery) làm đông và vỡ mạch máu bên trong sẹo lồi. Bằng cách này, sẹo lồi sẽ teo lại dần dần. 

2.5 Phẫu thuật tạo hình 

Đây là cách chữa cuối cùng trong chữa trị sẹo lồi khi sẹo gây mất thẩm mỹ và sau khi sử dụng các biện pháp nêu trên không được cải thiện.

Thường bác sĩ phẫu thuật tạo hình hay bác sĩ da liễu sẽ mổ lấy sẹo lồi. Sau đó, chữa trị vết thương dùng kem đặc trị (như imiquimod 5% cream) hay bôi kem silicon mỗi ngày để giảm sự phát triển của tế bào sau khi phẫu thuật vì rủi ro sẹo lồi sau phẫu thuật là rất cao.  

3. Một vài lưu ý

Nên gặp bác sĩ da liễu để tìm ra cách chữa trị sẹo tốt nhất cho mình.
Mỗi cách chữa có một thế mạnh khác nhau, có thể cần phải chữa nhiều cách để có kết quả chữa sẹo tối ưu.
Chữa sẹo bắt đầu bằng chăm sóc vết thương tốt, tránh nhiễm khuẩn: Giữ ẩm, giữ sạch và dinh dưỡng đầy đủ để đẩy nhanh tốc độ lành vết thương và giảm thiểu sẹo lồi. Vết thương càng lâu thì khả năng bị sẹo càng cao do quá trình viêm sưng kéo dài. 
Cách chăm sóc vết thương với bệnh nhân có tiền sử sẹo lồi cũng khác với người không bị sẹo lồi. Có thể cần phải dùng thêm các kem đặc trị để hạn chế tốc độ sẹo lồi.

Nguồn: báo Sức khỏe & đời sống

Xem thêm bài viết tại đây.

Đang xem: Sẹo lồi trên da - Cách nào để chữa?

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng