Stress và cách đối phó
Trong thời đại hiện nay, khi con người luôn bị cuốn theo vòng xoáy bận rộn của cuộc sống, những lo toan về cơm áo gạo tiền đã khiến cho quỹ thời gian riêng tư dành cho mỗi cá nhân càng trở nên hạn hẹp. Những áp lực này đã giúp con người luôn phấn đấu, trau dồi trong lao động và học tập nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng chính những áp lực này nếu không được kiểm soát tốt trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Những căng thẳng này ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ sinh dục… cùng các rối loạn về tinh thần, dẫn đến trầm cảm, suy nhược cơ thể.
Do đó, người ta đã tìm nhiều cách, liệu pháp để có thể chế ngự, kiểm soát và đối phó với căng thẳng. Và một trong các cách ấy là bạn hãy chấp nhận áp lực như chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi hay ngăn chặn, ví dụ: cái chết của người thân, căn bệnh hiểm nghèo hay thất bại trong công việc... việc chấp nhận này có thể khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài nó sẽ dễ dàng hơn. Thay vì luôn lo lắng cho những điều không kiểm soát được thì ngược lại, bạn nên tập trung vào những điều bản thân có thể làm được như một giải pháp để đối phó với tình huống khó khăn hay tiêu cực.
TÌM KIẾM XU HƯỚNG THÍCH HỢP
Khi phải đối mặt với thất bại hay thách thức lớn, hãy nhìn sự việc như một cơ hội tốt để phát triển bản thân; tích cực suy nghĩ và học hỏi từ những sai lầm của bản thân và người khác.
CHIA SẺ CẢM XÚC CỦA BẠN
Nói chuyện, tâm sự với người mà bạn tin cậy. Khi nói, bạn sẽ nhận ra những điểm mà mình mắc sai lầm và cả những gì bạn đạt được. Nói cũng giúp bạn trải lòng và căng thẳng sẽ vơi dần qua từng lời nói, từng âm từ, hơi thở. Việc tâm sự này cũng giúp tăng thêm mối thâm tình của bạn và những người thân.
HỌC CÁCH THA THỨ
Chấp nhận một thực tế là không ai có thể hoàn hảo cũng như không ai là không có lúc nào đó phạm sai lầm. Hãy phản ứng với sự việc căng thẳng bằng sự bình tĩnh, im lặng và nụ cười, đây là cách tốt nhất để xua tan sự căng thẳng cho chính bản thân mình.
Để đối phó với sự căng thẳng thì việc thư giãn sẽ là biện pháp tốt nhất. Bạn hãy tự kiểm tra tình trạng hiện tại để lựa chọn các kỹ thuật thư giãn phù hợp: tập thiền, nghe nhạc, đọc truyện, viết nhật ký, tâm sự cùng chuyên gia, đi bộ, tán gẫu với người thân, hòa mình cùng thiên nhiên, tập thể dục, thưởng thức một tách trà hay cà phê nóng, chơi đùa với thú cưng, xem một bộ phim hài, ngâm mình trong nước ấm... các hoạt động thư giãn hoặc thực hành các kỹ thuật thư giãn này cần được thực hiện thường xuyên và cần được đánh giá hiệu quả liên tục: theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ da. Sử dụng phương thức thư giãn như một liều thuốc giảm đau cho bạn.
Hãy áp dụng lối sống lành mạnh, tăng cường sức khỏe thể chất để làm tăng sức đề kháng của bản thân đối với căng thẳng. Bạn cần thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tập thể dục thường xuyên: Dành thời gian 20 - 30 phút/lần, 5 - 7 lần/tuần.
- Ăn uống đúng và đủ chất.
- Tránh các chất kích thích: cà phê, nước ngọt, sô cô la, ma túy, rượu, thuốc lá…
- Tránh sử dụng thuốc ngủ: giấc ngủ tự nhiên sẽ giúp cho cơ thể lấy lại thăng bằng tốt hơn là sử dụng thuốc ngủ. Vì giấc ngủ do thuốc mang lại thường kèm theo những tác dụng phụ làm cho cơ thể bạn mệt mỏi hơn và rơi vào một cơn trầm cảm khác.
- Ngủ đủ giấc: tạo không gian yên tĩnh với ánh sáng nhẹ, nhạc êm dịu mà bạn thích, nhắm mắt và liên tưởng đến những điều thoải mái, yêu thích bạn sẽ đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng.
Tóm lại: hãy tăng cường sức khỏe về tinh thần và thể chất, nhìn cuộc sống với thái độ tích cực, lạc quan, đó là cách tốt nhất để đối phó với căng thẳng hàng ngày. Hãy yêu cuộc sống như yêu chính bạn và những người chung quanh bạn, nhìn nhận sự căng thẳng và những vấn đề khó khăn trong cuộc sống là những bài học quý báu, đòn bẩy giúp chúng ta trưởng thành từng ngày.
Xem thêm thông tin tại đây.
Nguồn: ThS Nguyễn Thị Ngọc Sương– Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM