Sức khỏe đời sống

SUY GIÃN TĨNH MẠCH MẠN TÍNH

SUY GIÃN TĨNH MẠCH MẠN TÍNH

SUY TĨNH MẠCH MẠN TÍNH LÀ GÌ?

Các động mạch đưa máu từ tim đến toàn bộ cơ thể. Các tĩnh mạch đưa máu về lại tim và các van bên trong tĩnh mạch ngăn không cho dòng máu chảy ngược lại. Các tĩnh mạch của tứ chi được phân biệt ra: các tĩnh mạch nông, các tĩnh mạch sâu và các tĩnh mạch xuyên nối liền giữa hai hệ trên. Khi các tĩnh mạch bị rối loạn trong việc chuyển máu từ các chi về lại tim, máu không chảy trở về tim một cách đầy đủ mà ứ lại ngày một nhiều trong các tĩnh mạch của các chi làm căng các thành tĩnh mạch. Tình trạng này được gọi là suy tĩnh mạch mạn tính (STMMT) và bệnh có thể gây ra các triệu chứng có ý nghĩa như hình thành phù hay các ổ loét ở chi dưới…

STMMT thường gặp nhất là vấn đề của hồi lưu tĩnh mạch nông, còn được gọi là suy tĩnh mạch ngoại biên mạn tính và cần phân biệt không được nhầm lẫn với hội chứng hậu-huyết khối, do các tĩnh mạch sâu bị tổn thương từ trước bởi các cục huyết khối nằm ở bên trong. Ngoài các cục huyết khối có trong các tĩnh mạch sâu hay nông, các tĩnh mạch giãn cũng là một yếu tố thường gặp có thể gây ra suy tĩnh mạch.

Đa số các STMMT có thể được cải thiện bằng các điều trị hệ tĩnh mạch nông hoặc đặt ống nong (stenting) cho hệ tĩnh mạch sâu.

suy tĩnh mạch mạn tính

Tỷ lệ STMMT ở nữ giới cao hơn nam giới. Theo một nghiên cứu, các tỷ lệ này là 18 % ở nam và 42% ở nữ. Tình trạng này đã được biết từ xa xưa và Hippocrates sử dụng phương pháp băng bó để điều trị.

Ngay cả khi gia đình bạn có người bị suy tĩnh mạch, vẫn có những bước đơn giản có thể giúp bạn giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh này.

Các dấu hiệu và triệu chứng

STMMT ở chân có các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Giãn các tĩnh mạch
  • Ngứa chân
  • Tăng sắc tố ở da
  • Phù bạch huyết do viêm tĩnh mạch
  • Phù mạn tính các chân và mắt cá chân
  • Các ổ loét tĩnh mạch ở chân
  • Đau nặng hơn khi đứng và đỡ đau hơn khi nâng cao chân
  • Các cơn chuột rút
  • Đau, nhoi nhói, hay cảm thấy nặng hai chân

suy tĩnh mạch mạn tính

  • Chân yếu
  • Da chân hay mắt cá chân dày
  • Da đổi màu, nhất là quanh các mắt cá
  • Cảm giác bó chặt ở bắp chân STMMT ở chân có thể gây ra:
    • Ứ trệ tĩnh mạch Các ổ loét
    • Viêm da do ứ trệ, còn được gọi là chàm bội nhiễm do giãn tĩnh mạch (varicose eczema)
    • Viêm da tiếp xúc.

Các bệnh nhân suy tĩnh mạch có hàng rào biểu mô bị hư hại nên dễ bị hơn sự nhạy cảm do tiếp xúc so với cộng đồng và tiếp sau đó là viêm da.

  • Chứng teo trắng. Là tình trạng cuối cùng xuất hiện các mảng da teo màu trắng ngà với giãn mao mạch, là di chứng muộn của xơ cứng da-mỡ tại nơi da không có máu nuôi dưỡng.
  • Chứng xơ cứng da-mỡ. Đây là một mảng cứng ở mắt cá trong.
  • Thoái hóa ác tính là một biến chứng hiếm nhưng quan trọng của bệnh tĩnh mạch vì các u phát triển từ ổ loét có sức phá hoại lớn hơn.
  • Đau. Đau là một đặc điểm của bệnh tĩnh mạch không được chú ý và thường không được điều trị thích đáng.
  • Tình trạng lo âu
  • Trầm cảm
  • Viêm
  • Da bạc màu
  • Da dày lên
  • Viêm mô dưới da

NGUYÊN NHÂN BỆNH SUY TĨNH MẠCH

Các nguyên nhân thường gặp nhất của suy tĩnh mạch là các trường hợp trước đó bị cục máu đông (gây trào ngược tại các van tĩnh mạch của các tĩnh mạch nông hay sâu) và các tĩnh mạch giãn (trong các tĩnh mạch giãn, các van bị mất đi hoặc bị hư hại làm cho máu đi ngược trở lại).

Suy tĩnh mạch gặp ở nữ nhiều hơn nam. Cũng hay gặp hơn ở người tuổi trên 50.

Dưới đây là một số các yếu tố nguy cơ khác, thường ít gặp hơn:

  • Suy yếu các cơ của chân làm cho máu tĩnh mạch bị dồn ứ ở ngoại vi.
  • Phù tĩnh mạch nông (Viêm tĩnh mạch).
  • Rò động-tĩnh mạch là một sự kết nối bất thường hay một sự nối tắt giữa một động mạch và một tĩnh mạch) có thể gây ra STMMT ngay cả khi các van tĩnh mạch vẫn hoạt động.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu và nông có thể gây ra bởi tình trạng tăng đông vì có thiên hướng gia tăng hình thành các cục máu đông.
  • Hội chứng May-Thurner. Đây là một tình trạng hiếm trong đó các cục máu đông nằm trong tĩnh mạch chậu-đùi do các mạch máu ở chân bị chèn ép. Điều đặc biệt ở đây là tĩnh mạch chậu chung trái bị chèn ép bởi động mạch chậu chung phải nằm phía trước. Nhiều trường hợp chèn ép May-Thurner bị bỏ sót khi không có cục máu đông. Giờ đây ngày càng có nhiều các trường hợp này được chẩn đoán nhờ có các kỹ thuật hình ảnh học tiên tiến và được điều trị (bằng cách đặt ống nong – stenting).
  • Có nguy cơ cao hơn ở các đối tượng sau: béo phì, thai nghén, hút thuốc, bị vết thương hay chấn thương ở chân, bệnh sử gia đình có người bị bệnh này, ngồi hay đứng lâu không vận động…

suy tĩnh mạch mạn tính

CHẨN ĐOÁN BỆNH SUY GIÃN TĨNH MẠCH

Bệnh sử và khám xét của thầy thuốc tìm các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng nói chung là đủ để loại trừ các nguyên nhân toàn thân của một tăng huyết áp tĩnh mạch, chẳng hạn như tăng thể tích máu và suy tim.

Có thể chỉ định làm một số nghiệm pháp hình ảnh học để xác định nguồn gốc của vấn đề: Chụp tĩnh mạch hay Siêu âm hai chiều.

  • Chụp tĩnh mạch. Tiêm chất tương phản vào tĩnh mạch để có một hình ảnh rõ hơn về các tĩnh mạch và tình trạng các van.
  • Siêu âm Doppler (sử dụng các sóng âm tần số-cao để có được hình ảnh tĩnh mạch). Để đánh giá tốc độ và hướng chảy của dòng máu trong các tĩnh mạch, có thể phát hiện tắc tĩnh mạch hay van bị bất lực là nguyên nhân của suy tĩnh mạch, và được sử dụng để lên kế hoạch cho các phương pháp cắt bỏ tĩnh mạch. Tuy nhiên siêu âm không nhất thiết phải làm khi nghi ngờ có một suy tĩnh mạch mà không có một can thiệp phẫu thuật nào được chỉ định.

Phân loại

Phân loại CEAP căn cứ trên các yếu tố lâm sàng, nguyên nhân, giải phẫu và sinh lý bệnh:

0 = Không có các dấu hiệu nhìn thấy hay sờ thấy của bệnh tĩnh mạch

1 = Giãn mao mạch hay các tĩnh mạch hình lưới

2 = Giãn tĩnh mạch

3 = Phù

4 = Các thay đổi ở da (sắc tố, chàm bội nhiễm tĩnh mạch, xơ cứng da-mỡ)

5 = Các thay đổi của da như trên với ổ loét đã lành

6 = Các thay đổi của da như trên với ổ loét hoạt động.

 

Cần sử dụng sớm vớ ép để hạn chế phù và tình trạng xơ hoá tiến triển, khởi đầu quá trình lành bệnh bằng cải thiện vi tuần hoàn của hệ tĩnh mạch.

XỬ TRÍ

Bảo tồn

Điều trị bảo tồn STMMT ở chân bao gồm điều trị triệu chứng và các nỗ lực để đề phòng tình trạng xấu hơn thay vì thực hiện việc điều trị. Điều này có thể bao gồm:

  • Xoa bóp bằng tay nơi mạch bạch huyết bị chèn ép
  • Bôi trơn da
  • Bơm áp lực liên tục
  • Bơm cổ chân
  • Dùng vớ ép

suy tĩnh mạch mạn tính

  • Thuốc huyết áp
  • Các giai đoạn nghỉ thường xuyên, đưa chân lên cao hơn mức của tim
  • Nghiêng giường sao cho các bàn chân cao hơn tim. Bằng cách sử dụng cái nêm giường 20 cm (7 inch) hoặc ngủ ở tư thế Trendelenburg 6 độ. Các bệnh nhân béo phì hay mang thai được thầy thuốc khuyến cáo bỏ nghiêng giường.

NGOẠI KHOA

Điều trị phẫu thuật STMMT nhằm điều trị thay đổi về thực thể các tĩnh mạch bên trong có các van bị bất lực. Có nhiều phương pháp phẫu thuật:

  • Các thủ thuật Linton (một điều trị có từ xưa: thắt dưới cân các tĩnh mạch bị thủng của chi dưới)
  • Thắt tĩnh mạch để chặn dòng máu

suy tĩnh mạch mạn tính

  • Lột bỏ tĩnh mạch
  • Sửa bằng phẫu thuật
  • Cắt bỏ bằng Laser Nội tĩnh mạch
  • Ghép tĩnh mạch
  • Phẫu thuật nội soi dưới cân (dùng một máy khoan – perforator)
  • Khôi phục van (đang thực nghiệm)
  • Chuyển van (đang thực nghiệm)
  • Các phẫu thuật huyết động

Đề phòng suy tĩnh mạch

Khi gia đình bạn có người bị suy tĩnh mạch, bạn có thể tiến hành các bước sau đây để giảm nhẹ nguy cơ:

  • Không ngồi lâu hay đứng lâu ở một tư thế. Đứng lên và thường xuyên di chuyển.
  • Không hút thuốc và bỏ thuốc.
  • Tập đều đặn các bài tập.
  • Duy trì một cân nặng khỏe mạnh.

--

Bảng các thuật ngữ chuyên môn Việt-Anh sử dụng trong bài viết:

Chàm bội nhiễm do giãn tĩnh mạch / Varicose eczema; Chụp tĩnh mạch / Venogram; Chứng teo trắng / Blanched atrophy; Chứng xơ cứng da-mỡ / Lipodermatosclerosis; Giãn tĩnh mạch / Varicose vein; Giãn mao mạch / Telangiectasia; Lo âu / Anxiety; Loét tĩnh mạch / Venous ulceration; Phù bạch huyết do viêm tĩnh mạch / Phlebetic lymphedema; Rò động-tĩnh mạch / Arteriovenous fistula; Siêu âm hai chiều / Duplex ultrasound; Suy tĩnh mạch mạn tính / Chronic venous insufficiency; Sự nhạy cảm do tiếp xúc / Contact sensitization; Tình trạng tăng đông / Thrombophilia; Trầm cảm / Depression; Ứ trệ tĩnh mạch / Venous stasis; Viêm da do ứ trệ / Stasis dermatitis; Viêm da do tiếp xúc / Contact dermatitis; Viêm mô dưới da / Cellulitis; Vớ ép / Compression stockings.

--

(Nguồn: PGS TS BS Nguyễn Hoài Nam - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)

Xem thêm các bài viết hữu ích khác tại đây

Đang xem: SUY GIÃN TĨNH MẠCH MẠN TÍNH

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng