Phẫu thuật thay khớp háng đã có từ rất sớm nhưng bắt đầu phát triển mạnh kể từ thập niên 1930 trở đi với sự đóng góp đáng kể của Sir J. Charnley và R. Judet. Trường hợp thay bằng khớp háng kim loại đầu tiên được thực hiện bởi một bác sĩ người Mỹ là Austin Moore, năm 1940, tại Bệnh viện Columbia ở Nam Carolina.
Thay khớp háng nhân tạo có các phương pháp chính sau đây:
- Thay khớp háng toàn phần là thay cả phần chỏm lẫn phần ổ cối, được chỉ định cho các trường hợp gãy khớp háng nặng hoặc bị mòn, hư hại nặng và rất đau do viêm khớp.
- Thay khớp háng bán phần đơn cực là chỉ có thay chỏm, có chuôi cắm vào trong ống tủy xương đùi, và để lại nguyên ổ cối tự nhiên của khung chậu. Chỏm chuyển động và tiếp xúc trực tiếp với ổ cối nên có thể gây đau, làm hạn chế cử động của bệnh nhân. Được chỉ định cho các trường hợp viêm khớp, thoái hóa, hay gãy nặng của chỏm xương đùi.
- Thay khớp háng bán phần lưỡng cực. Khớp háng nhân tạo thay vào này thường được gọi là Chỏm hay Đầu lưỡng cực. Mô-đun lưỡng cực này đã có từ trên 25 năm. Đây là loại chỏm có lớp ngoài bằng kim loại và lớp trong bằng polyetylen bao lấy một chỏm con ở giữa cũng bằng kim loại, chỏm con này gắn với một chuôi cắm vào trong ống tủy xương đùi.
Vỏ ngoài của khớp nhân tạo nói chung bất động tương đối trong ổ chảo tự nhiên của người bệnh. Khái niệm cơ bản của vận động khớp nhân tạo bán phần lưỡng cực dựa trên hệ thống hai chỏm hình cầu: (1) chỏm con có chuyển động xoay bên trong chỏm lớn và (2) chỏm lớn cũng có chuyển động xoay tại kẽ hở giữa lớp ngoài (kim loại) và lớp trong (polyetylen) của vỏ chỏm nhân tạo. Phương pháp này hạn chế được sự
cọ xát trực tiếp giữa chỏm lớn với ổ cối xương chậu nên làm giảm đau nhiều cho người bệnh.
- Người ta còn phân biệt thêm loại khớp háng nhân tạo có hay không có xi măng y khoa, nghĩa là khi gắn vào cơ thể có dùng xi măng hay không để cố định khớp.
Thay khớp háng có thể được thực hiện bằng các đường mổ phía trước, phía trước-bên hay phía sau. Các đường mổ này về kinh điển phải cắt các cơ bao quanh khớp háng để đi vào trong khớp háng, nhất là đường phía sau. Việc cắt cơ có thể làm khớp háng dễ bị trật và đau làm cho bệnh nhân chậm hồi phục.
Thay khớp háng đường trước đã được thực hiện từ lâu với ưu điểm tránh trật khớp, và không phá hủy hệ thống mạch máu nuôi phía sau. Tuy nhiên kỹ thuật mổ đường trước cổ điển cắt nhiều cơ nên vẫn gây đau và hạn chế vận động. Những năm gần đây trên thế giới nổi lên kỹ thuật thay khớp háng đường trước với kỹ thuật ít xâm lấn, không cắt cơ mà chỉ tách giữa các bó cơ để đi vào khớp háng. Kỹ thuật này đã được thực hiện từ năm 2016 tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) với các bệnh nhân chọn lọc và đạt kết quả rất tốt. Ưu điểm của phương pháp này là đường mổ nhỏ hơn, không cắt các cơ quanh khớp háng, giảm đau sau mổ và bệnh nhân có thể đi sớm ngay ngày hôm sau. Điều quan trọng nhất là thay khớp háng đường trước có thể làm giảm nguy cơ trật khớp háng sau mổ.
Bảng các thuật ngữ chuyên môn Việt-Anh được sử dụng trong bài viết: Chỏm (hay) Đầu lưỡng cực / Bipolar head; Hệ thống hai khối hình cầu / Double-ball system; Kẽ hở / Gap; Lớp ngoài (hay) Vỏ ngoài (của chỏm nhân tạo) / External component (or) Outer shell; Thay khớp háng bán phần (hay) Tạo hình khớp háng bán phần / Partial hip replacement (or) Hemiarthroplasty; Thay khớp háng bán phần đơn cực / Partial unipolar hip replacement; Thay khớp háng bán phần lưỡng cực (hay) Tạo hình khớp háng bán phần lưỡng cực / Partial bipolar hip replacement (or) Bipolar hemiarthroplasty; Thay khớp háng toàn phần / Total hip replacement.
TS BS Tăng Hà Nam Anh
Xem thêm nội dung khác tại đây.