
THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH
Một bệnh nhân nam 79 tuổi, té ngã, bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái. Bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng nhằm giúp bệnh nhân ngồi dậy và đi lại sớm. Rất không may bệnh nhân đã tử vong sau đó vì nguyên nhân thuyên tắc động mạch phổi. Gia đình bệnh nhân kết tội bác sĩ đã gây ra cái chết cho bệnh nhân
THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH LÀ GÌ?
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM) bắt đầu từ cục máu đông trong tĩnh mạch, thường là các tĩnh mạch sâu ở cẳng chân hay đôi khi ở cánh tay và các tĩnh mạch khác. Đó là một bệnh mạch máu đứng hàng thứ ba sau cơn đau tim và đột quỵ, ảnh hưởng đến 300.000-600.000 người Mỹ mỗi năm.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Từ trái qua: (A) máu lưu thông trong tĩnh mạch bình thường, (B) hình thành cục máu đông do tổn thương thành mạch, (C) máu chảy chậm và có yếu tố tăng đông. Cục máu đông rã ra và theo tĩnh mạch về tim, đi lên động mạch phổi gây thuyên tắc động mạch này
Thật ra vấn đề huyết khối tĩnh mạch hoàn toàn không mới. Nhà bác học Rudolf Virchow (1821-1902) là người đã làm sáng tỏ nguyên nhân của huyết khối tĩnh mạch và của thuyên tắc động mạch phổi. Mấy chục năm sau khi ông mất, người ta mới chính thức đưa ra lý thuyết hình thành cục máu đông, được biết dưới tên gọi tam chứng Virchow gồm 3 yếu tố cơ bản: tình trạng tăng đông của máu, sự ứ trệ của dòng máu và tổn thương nội mạc mạch máu.
Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) sẽ to dần, gây trở ngại và tiến tới làm tắc dòng chảy của máu với các biểu hiện bệnh lý của chi, khi đó bệnh gọi là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM). Khoảng 50% các trường hợp này đưa đến một biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, đó là thuyên tắc động mạch phổi (TTĐMP) xảy ra khi cục máu nằm trong tĩnh mạch sâu vỡ ra và bong khỏi thành tĩnh mạch, các mảnh vỡ trôi về tim và đi sang động mạch phổi gây tắc. Các cục huyết khối ở đùi dường như dễ vỡ hơn và đi lên phổi nhiều hơn so với các cục máu ở phần thấp cẳng chân hay ở các phần khác của cơ thể.
Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc động mạch phổi được coi là các biểu hiện của cùng một quá trình bệnh lý ở những thời điểm khác nhau, vì có tới 79% bệnh nhân TTĐMP có bằng chứng của HKTMS và 50% bệnh nhân HKTMS bị TTĐMP.
THẾ NÀO LÀ TĂNG ĐÔNG MÁU HAY DƯ THỪA YẾU TỐ ĐÔNG MÁU?
Khi người ta bị thương, các fibrin tức một số các protein trong máu sẽ cùng với các tiểu cầu tạo ra cục máu đông làm ngừng chảy máu, đây gọi là hiện tượng đông máu. Sau khi ngừng chảy máu và khỏi bệnh, cơ thể sẽ phá vỡ và loại bỏ các cục máu đông. Thế nhưng đôi khi xảy ra tình trạng ngược lại hết sức nguy hiểm, được gọi là tình trạng tăng đông máu: các cục huyết khối hình thành quá dễ dàng hay không tan ra được, nó có thể đi sang các động mạch hay tĩnh mạch của não, tim, thận, phổi và các chi, và gây ra đột quỵ, cơn đau tim, suy thận, thuyên tắc động mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh động mạch ngoại biên, sẩy thai, thai chết lưu… hay tử vong.
Có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng tăng đông máu: một số bệnh (ví dụ bệnh đái tháo đường, bệnh tim, bệnh mạch máu…), một số thuốc, hút thuốc, quá cân hay béo phì, mang thai, dùng thuốc ngừa thai, điều trị hoóc-môn thay thế, các khiếm khuyết di truyền…
Quan điểm và điều trị tăng đông máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra huyết khối, nặng nhẹ ra sao, và làm sao để có thể kiểm soát bệnh tốt. Sử dụng các thuốc chống đông phải thận trọng để không gây ra chảy máu.
NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH
Các nguyên nhân dẫn dến HKTMS và TTĐMP thường gặp nhất là: phẫu thuật của vùng bụng, vùng chậu hay các phẫu thuật chi dưới, đa chấn thương, ung thư, gãy khớp háng, bất động và nằm viện lâu, liệt chi dưới do tổn thương tủy sống, tuổi cao, suy tim hay suy hô hấp, mang các đường truyền tĩnh mạch trung tâm, các bệnh di truyền và các bệnh máu mắc phải. Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đặc biệt là phẫu thuật thay khớp háng có đầy đủ ba yếu tố của tam chứng Virchow vì đó là phẫu thuật lớn nên có thể gây tổn thương cho mạch máu, tổn thương mô gây ra tăng đông, dòng máu chảy chậm do hồi lưu tĩnh mạch bị cản trở. Chính vì yếu tố nguy cơ cao nên tất cả các bệnh nhân sau mổ thay khớp háng đều được dùng thuốc chống đông trong vòng 35 ngày.
Ở nữ giới, mang thai và sử dụng hoóc-môn như viên tránh thai hay dùng estrogen trong mãn kinh cũng là nguyên nhân quan trọng.
Lời khuyên cho những người béo phì, những người có bệnh lý tĩnh mạch từ trước, những người đi máy bay đường dài là nên đứng dậy và tập các bài tập căng cơ cẳng chân bằng cách đứng nhón gót, gồng cơ đùi và cẳng chân sau mỗi 4 giờ ngồi liên tục.
Tăng đông máu gặp nhiều hơn ở người tuổi trên 60, béo phì hay quá cân, ung thư, các bệnh tự miễn như lu-put, các nguyên nhân di truyền…
TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN ĐOÁN CỦA THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH
HKTMS và TTĐMP là nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và cần được quan tâm về y tế.
Các dấu hiệu cảnh báo HKTMS chủ yếu ảnh hưởng đến các tĩnh mạch lớn ở phần thấp cẳng chân và đùi, hầu như luôn luôn ở về một phía của cơ thể. Nếu bệnh nhân may mắn chỉ bị huyết khối tĩnh mạch đơn thuần thì sẽ gây ra:
Đau cẳng chân, nhạy cảm của bắp chân hay đùi
Da hơi đỏ hay có các vệt đỏ, sờ ấm
Loét mạn tính vùng cẳng chân vì rối loạn dinh dưỡng do phù nề
TTĐMP nguy hiểm đến tính mạng và xảy ra khi HKTMS vỡ ra bong khỏi thành tĩnh mạch, trôi về tim và đi lên động mạch phổi làm tắc một phần hay toàn bộ dòng máu lên phổi, gây ra:
Khó thở nhanh
Đau trong ngực (có thể đau hơn khi hít sâu)
Nhịp tim nhanh
Đau đầu nhẹ
Chẩn đoán
Làm các xét nghiệm máu, kể cả thử nghiệm D-dimer (D-dimer là một mẩu protein có từ sự tan rã chậm của cục máu sau khi hình thành, được phóng thích vào máu) cùng với các xét nghiệm đông máu: thời gian prothrombin (PT), thời gian bán phần thromboplastin (PTT), fibrinogen, tiểu cầu.
Đối với TTTMS: siêu âm cẳng chân hay được sử dụng nhất.
Đối với TTĐMP: chụp cắt lớp hay dùng nhất. Đôi khi chụp cắt lớp thông khí-tưới máu phổi. Cả hai phương pháp này, có thể cho thấy hình ảnh cục huyết khối gây tắc bằng cách đưa chất cản quang vào động mạch.
ĐỀ PHÒNG NGUY CƠ HÌNH THÀNH HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH
TTHKTM là một bệnh rất nguy hiểm. Thống kê cho thấy số tử vong hậu phẫu do TTHKTM mỗi năm ở Châu Âu nhiều hơn số chết do ung thư vú, tai nạn giao thông và AIDS cộng lại.
Từ năm 1884, Rudolph Virchow lần đầu tiên đưa ra ý kiến huyết khối là kết quả của ít nhất là 1 trong 3 yếu tố nguyên nhân cơ bản như đã nói ở trên.
Để đề phòng TTHKTM, những người có nguy cơ có thể dùng các thuốc chống đông, hay thuốc làm loãng máu, giúp ngăn ngừa phát sinh huyết khối tĩnh mạch. Đồng thời, những người này cũng cần tự vận động hai chi dưới bằng cách gồng cơ, sau mổ nhanh chóng rời khỏi giường nằm càng sớm càng tốt và đi lại sớm, hoặc sử dụng vớ ép tĩnh mạch…
Khả năng đề phòng TTHKTM vì lợi ích sức khỏe của cộng đồng là đáng kể: các số liệu từ các nghiên cứu ngẫu nhiên trên các bệnh nhân ngoại tổng quát cho thấy là việc dự phòng thích hợp ở các bệnh nhân có nguy cơ cao có thể đề phòng được TTHKTM cho 1 trong số 10 bệnh nhân và cứu sống được ≈1 trong số 200 bệnh nhân.
ĐIỀU TRỊ THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH
Điều trị thường dùng các thuốc chống đông để giữ cho huyết khối không tiếp tục hình thành, và đôi khi dùng các thuốc phá-cục huyết khối mạnh để thực sự làm tan rã các cục máu đông.
Các lựa chọn bao gồm:
Các thuốc chống đông, gồm các thuốc tiêm như heparin hay heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc các loại thuốc viên chống đông như apixaban, dabigatran, rivaroxaban, edoxaban và warfarin. Dùng trong một vài tháng.
Điều trị tan huyết khối với các thuốc như tissue plasminogen activator (tPA), Eminase (anistreplase), Retavase (reteplase), Streptase (streptokinase)… Các thuốc này có tác dụng làm tan cục máu đông, truyền vào tĩnh mạch ở cánh tay và cũng có thể truyền qua một catête dài cắm trực tiếp vào cục máu nằm trong tĩnh mạch hay trong động mạch phổi.
Cũng có thể dùng phẫu thuật. Hoặc đặt một miếng lọc vào tĩnh mạch chủ dưới là tĩnh mạch lớn nhất của cơ thể, để ngăn không cho các cục máu đông đi lên phổi; hoặc làm phẫu thuật lấy bỏ cục máu lớn; hoặc tạo một mạch nối tắt để khôi phục dòng chảy của máu.
Xem thêm bài viết tại đây.
Nguồn: TS. BS Tăng Hà Nam Anh - Tạp Chí Sống Khỏe - BV ĐH Y Dược Tp.HCM