Sức khỏe đời sống

VAI TRÒ CỦA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÊN QUAN ĐIỂM ĐIỀU TRỊ ĐA NGÀNH

VAI TRÒ CỦA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÊN QUAN ĐIỂM ĐIỀU TRỊ ĐA NGÀNH

Phục hồi chức năng (PHCN) là một trong ba khía cạnh của nền y học hiện đại bao gồm: y học dự phòng, y học trị liệu và y học phục hồi. Trong đó, PHCN bao gồm nhiều phân ngành như: Vật lý trị liệu (VLTL), Hoạt động trị liệu (HĐTL), Âm ngữ trị liệu (ÂNTL), Tâm lý trị liệu, Giáo dục trị liệu, Hướng nghiệp trị liệu, Chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình… Song hành cùng các chuyên ngành nội khoa và ngoại  khoa,  hiện  nay bản thân PHCN cũng được chia ra nhiều phân ngành chuyên sâu như: PHCN Chấn thương chỉnh hình, PHCN Thần kinh, PHCN Tim mạch, PHCN Hô hấp, PHCN Lão khoa, PHCN Sản phụ khoa, PHCN Nhi khoa…

phục hồi chức năng

 

Để hiểu được vai trò của PHCN từ góc độ điều trị đa ngành, đa mô thức, chúng ta hãy cùng xem xét một ví dụ sau đây. Chẳng hạn chúng ta có một người bệnh  bị đột quỵ cấp nặng, hôn mê, phải nhập viện điều trị tại  khoa  Hồi sức thần kinh. Ngay từ ngày đầu tiên sau nhập viện, khi  người bệnh đã qua cơn nguy kịch, các dấu hiệu sinh tồn đã ổn định, các biện pháp can thiệp cần thiết đã được tiến hành, cùng với các trị liệu chuyên khoa về mặt hồi  sức và thần kinh cũng như chăm sóc dinh  dưỡng,  các  bác   sĩ   PHCN sẽ tiến hành thăm  khám,  đánh giá  người  bệnh,  lập   kế   hoạch và bắt đầu thực hiện ngay các phương pháp điều trị PHCN, mà tại thời điểm này chủ yếu là vai trò của VLTL. Sau khi có chỉ định của bác sĩ PHCN,  các  kỹ  thuật viên VLTL sẽ tiến hành lượng giá các chức  năng  của  người  bệnh và thực hiện các kỹ thuật điều trị VLTL, các bài tập vận động thụ động,  phối  hợp  xoay   trở,   đặt tư thế đúng nhằm phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như huyết khối tĩnh mạch, loét do tì đè, viêm phổi cũng như các biến chứng hậu phẫu khác của hệ vận động như teo cơ, cứng khớp, rối loạn dinh dưỡng… Như vậy,  có thể nói quá trình PHCN được bắt đầu gần như cùng lúc và sẽ song hành cùng với các phương pháp trị liệu khác trong suốt quá trình điều trị cho người bệnh.

Khi người bệnh đã tỉnh táo, hợp tác và khỏe hơn, các kỹ thuật viên VLTL sẽ tiến hành các bài tập tăng tiến hơn như tập vận động chủ động và có kháng trở, tập hô hấp, tập di chuyển, đi lại nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục của người bệnh và hạn chế các biến chứng do nằm lâu.

Cũng tại thời điểm này, các kỹ thuật viên HĐTL và ÂNTL sẽ phát huy vai trò quan trọng của mình. Có thể hiểu một cách nôm na rằng: sau khi người bệnh bị một bệnh tật hoặc thương tích nào đó, các kỹ thuật viên VLTL sẽ là người giúp người bệnh lấy lại chức năng vận động của họ, có thể di chuyển và tránh được các biến chứng của việc bất động và nằm lâu tại giường. Tuy nhiên, nếu chỉ chừng ấy thôi thì chưa đủ để giúp cho người bệnh có thể quay lại với những hoạt động trong đời sống hàng ngày trước đây của họ, bao gồm các hoạt động sống,  hướng nghiệp, giải trí và quan hệ  xã hội…  Đây là lúc mà người kỹ thuật viên HĐTL và ÂNTL thể hiện được vai trò không thể thay thế được của mình trong quá trình điều trị nhằm đem lại sự phục hồi tốt nhất, đầy đủ và toàn diện nhất cho người bệnh.

phục hồi chức năng

 

Các kỹ thuật viên HĐTL sẽ giúp cho người bệnh, ngay từ những ngày còn nằm tại bệnh viện,  tập luyện để có thể trở lại độc lập trong các sinh hoạt đơn giản nhất của  đời  sống  hàng  ngày  như:  vệ sinh thân thể, ăn uống, mặc quần áo, đi lại hoạt động… Sau đó, cùng với sự tiến triển của quá trình PHCN của người bệnh, các kỹ thuật viên HĐTL sẽ tiếp tục tập luyện cho người bệnh để họ có thể lấy lại được các kỹ năng cần thiết cho các hoạt động sống, nghề nghiệp,  giải  trí  và  các  hoạt  động  xã hội, với mục tiêu là “đảm bảo cho người bệnh tình trạng tốt nhất có thể được về thể chất, tinh thần và xã hội để họ có thể bằng nỗ lực của chính mình, duy trì hoặc khôi phục được một vị trí trong đời sống xã hội càng bình thường càng tốt”.

Ở một khía cạnh khác của quá trình PHCN, không thể không kể đến vai trò quan trọng của người kỹ thuật viên ÂNTL. Rất nghiều người bệnh đột quỵ nói riêng và các bệnh lý, dị tật khác nói chung có các rối loạn về nuốt và rối loạn về ngôn ngữ, trong đó các rối loạn nuốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi do hít sặc và thậm chí dẫn đến tử vong. Người kỹ thuật viên ÂNTL sẽ đồng hành cùng người bệnh ngay từ những ngày đầu tiên sau đột quỵ, để giúp họ có thể dễ dàng hơn và an toàn hơn trong việc ăn uống, hạn chế được các biến chứng có liên quan đến rối loạn nuốt. Đối với những người bệnh có rối loạn ngôn ngữ, chẳng hạn như không thể nói được hoặc không hiểu lời nói, chữ viết… các kỹ thuật viên ÂNTL sẽ huấn uyện cho người bệnh các kỹ năng phát âm, nói, đọc, viết... nhằm phục hồi các chức năng giao tiếp của họ càng nhiều càng tốt. Ngoài các phương thức trị liệu nói trên, nhiều người bệnh còn cần có sự hỗ trợ của Tâm lý trị liệu, Giáo dục trị liệu, Hướng nghiệp trị liệu… để có thể đạt được sự hồi phục hoàn toàn.

Như vậy, qua ví dụ kể trên, chúng ta có thể thấy được PHCN là một quá trình toàn diện và xuyên suốt trong quá trình điều trị của người bệnh, song hành với các chuyên ngành trị liệu khác từ những ngày đầu tiên sau khi người bệnh mắc bệnh hoặc bị chấn thương cho đến khi người bệnh hồi phục hoàn toàn. Quá trình PHCN có thể lâu dài hoặc suốt đời và khác nhau tùy thuộc vào từng cá thể, tuy nhiên mục đích vẫn luôn là thông qua những can thiệp đa ngành, đa mô thức nhằm “tối ưu hóa các chức năng thể chất, tâm lý và xã hội”, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

ThS BS Nguyễn Đức Thành

Xem thêm nội dung khác tại đây.

Đang xem: VAI TRÒ CỦA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÊN QUAN ĐIỂM ĐIỀU TRỊ ĐA NGÀNH

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng