PHẪU THUẬT LỒNG NGỰC LÀ GÌ?
Phẫu thuật lồng ngực là phương pháp điều trị các bệnh lý về phổi, màng phổi như ung thư phổi, u trung thất, u tuyến ức, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, kén khí, lõm ngực…, bằng phương pháp phẫu thuật cắt thùy phổi, phẫu thuật bóc tách u màng phổi…
Đường mổ trong phẫu thuật lồng ngực thông thường là mở ngực theo đường giữa xương ức và đường mổ thành ngực sau bên. Do tình trạng đau vết mổ cộng với thời gian gây mê và phẫu thuật thường kéo dài nên các cơ chế bảo vệ phổi và thể tích hô hấp giảm có thể dẫn đến các biến chứng sau mổ như viêm phổi, xẹp phổi và suy hô hấp.
Bên cạnh đó, sau phẫu thuật lồng ngực, các ống dẫn lưu ngực, dây nối thiết bị theo dõi dấu hiệu sinh tồn, đường truyền tĩnh mạch… cùng với tâm lý lo sợ vận động sẽ ảnh hưởng không tốt tới vết mổ làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn và có xu hướng hạn chế xoay trở, vận động. Từ đó có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm khác như huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc mạch phổi trong thời kỳ sau phẫu thuật.
Sớm quay trở lại với sinh hoạt và công việc hằng ngày, cũng như ngăn ngừa tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong thời kỳ sau phẫu thuật là mối quan tâm chung của các thầy thuốc và bệnh nhân phẫu thuật lồng ngực. Vậy chúng ta cần phải làm gì để đạt được các mục tiêu này?
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CAN THIỆP VẬT LÝ TRỊ LIỆU ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH PHẪU THUẬT LỒNG NGỰC
Hiểu và thực hiện đúng các bài tập vật lý trị liệu ngay từ những ngày đầu tiên sau phẫu thuật sẽ giúp người bệnh cải thiện chức năng hô hấp và vận động, giảm thiểu được các biến chứng sau phẫu thuật.
Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu giúp người bệnh biết cách ho, khạc đàm đúng cách, hiệu quả nhằm làm thông thoáng đường thở, gia tăng chức năng hô hấp nhưng vẫn bảo vệ tốt được vết mổ sau phẫu thuật và các bài tập vận động đơn giản, các tư thế tốt để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi.
TƯ THẾ NGƯỜI BỆNH
Tư thế người bệnh (NB) được xem là một phần quan trọng của quá trình phục hồi sau phẫu thuật. Phương pháp đơn giản nhất là tư thế ngồi thẳng trên giường hoặc ngồi thòng chân xuống giường.
Với sự hỗ trợ của kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, người bệnh có thể ra khỏi giường và ngồi trên ghế ngay từ những ngày đầu tiên sau phẫu thuật.
Hình 1: Cách người bệnh chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi thòng chân xuống giường
PHƯƠNG PHÁP LÀM SẠCH ĐƯỜNG THỞ
Phương pháp làm sạch đường thở là phương pháp giúp người bệnh biết cách loại bỏ đàm, dịch tiết phế quản ra ngoài làm cho đường thở được thông thoáng. Phương pháp này bao gồm 2 kỹ thuật chính là ho có kiểm soát và kỹ thuật gia tăng lưu lượng khí thở ra.
Kỹ thuật ho có kiểm soát
Ho thông thường là một phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống những vật “lạ” ra khỏi đường thở. Tình trạng đau vết mổ, tâm lý lo lắng, mệt mỏi khiến người bệnh không thể ho hiệu quả dẫn đến việc ứ tắc đàm, dịch tiết trong đường thở.
Hình 2: NB thực hiện tư thế hỗ trợ hai tay bắt chéo khi ho, hắt xì hay xoay trở
Kỹ thuật ho có kiểm soát nhằm mục đích làm sạch đường thở nhưng vẫn bảo vệ tốt được vết mổ của người bệnh.
Kỹ thuật ho có kiểm soát được thực hiện như sau:
- Đầu tiên, NB hít vào bằng mũi 2-4 giây, rồi thở ra chậm 4-6 giây. Lặp lại 3-5 lần.
- Sau đó, NB hít vào bằng mũi ở tư thế hơi gập người về trước, gồng cơ bụng và mở miệng to thực hiện động tác ho.
Lưu ý dưới đây là tư thế hai tay bắt chéo ôm trước ngực của người bệnh với vết mổ ở đường giữa xương ức, được thực hiện khi ho, hắt xì và khi thay đổi tư thế nhằm bảo vệ vết mổ, làm giảm đau. Tuy nhiên, NB cần chú ý không đè, ấn trực tiếp vào vết mổ hoặc vị trí dẫn lưu.
Kỹ thuật gia tăng lưu lượng khí thở ra
Kỹ thuật gia tăng lưu lượng khí thở ra được sử dụng để thay thế động tác ho có kiểm soát trong những trường hợp người bệnh có tình trạng đau vết mổ nhiều hoặc yếu mệt, không đủ lực để ho. Bài tập được thực hiện bằng cách người bệnh mở miệng to và hà hơi dài dứt khoát giống như cách hà hơi vào tấm kiếng để khởi phát cơn ho. Lưu ý bài tập chỉ nên làm 3 - 4 lần trong một đợt thực hiện để tránh gây mệt.
Hình 3: NB thực hiện kỹ thuật gia tăng lưu lượng khí thở ra
Kỹ thuật thở chúm môi
Bên cạnh việc thực hiện các bài tập thông thoáng đường thở người bệnh phải kết hợp tập các bài tập thông khí. Kỹ thuật thở chúm môi là phương pháp giúp cho người bệnh kiểm soát tốt nhịp thở, tăng cường sự di động của lồng ngực, tăng khả năng trao đổi khí.
Người bệnh thực hiện bài tập thở chúm môi bằng cách hít vào bằng mũi chậm trong 2 - 4 giây với miệng đóng, rồi thở ra chậm trong 4 - 6 giây với môi chúm như đang huýt sáo. Để giúp việc trao đổi khí tốt hơn, khi hít vào người bệnh có thể giữ hơi thở 3 - 5 giây trước khi thở ra.
Hình 4: NB thực hiện kỹ thuật thở chúm môi
Và bài tập thở cơ hoành (hay thở bụng) sẽ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ hoành từ đó làm giảm tình trạng ứ khí trong phổi.
Hình 5: NB thực hiện kỹ thuật thở cơ hoành
Người bệnh còn được đánh giá và theo dõi bằng các dụng cụ tập thở. Việc sử dụng các dụng cụ tập thở sẽ giúp cho người bệnh ngoài việc gia tăng thể tích phổi còn dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của mình với mục tiêu do kỹ thuật viên Vật lý trị liệu đã đặt ra. Đối với trường hợp người bệnh không thể hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát cách thở, tống xuất đàm nhớt thì kỹ thuật viên Vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ người bệnh bằng các kỹ thuật chuyên sâu hơn như kỹ thuật gia tăng lưu lượng khí thở ra thụ động, dẫn lưu tự sinh, thông khí từng thùy phổi.
Hình 6: NB tập thở với dụng cụ tập thở
Các bài tập vận động
Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập vận động tay để ngăn ngừa tình trạng giới hạn tầm độ khớp vai sau mổ, tăng cường sức cơ chi trên, gia tăng tuần hoàn và chức năng hô hấp. Để tăng tiến các bài tập sức cơ chi trên, người bệnh có thể tập với tạ hay vật nặng như chai nước…
Bài tập vận động chân nhẹ nhàng tại giường giúp NB duy trì sức cơ, ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch.
Hình 7: NB vận động tay tại giường
Hình 8: NB vận động chân tại giường
Người bệnh được hướng dẫn cách đi bộ phối hợp với nhịp thở, lên xuống cầu thang và đạp xe đạp tại chỗ nhằm cải thiện chức năng tim - phổi, giúp người bệnh đi lại tốt hơn, đem lại sự năng động tự tin và không lệ thuộc vào người khác.
Các bài tập sẽ được các kỹ thuật viên Vật lý trị liệu xây dựng phù hợp với khả năng thể lực của từng người bệnh và tăng dần cường độ để đạt được hiệu quả cần thiết.
Hình 9: NB thực hiện bài tập đi bộ kết hợp với nhịp thở
Hình 10: NB thực hiện bài tập đi câu thang kết hợp với nhịp thở
Hình 11: NB với bài tập đạp xe tại chỗ
CÁC TƯ THẾ CẦN TRÁNH
Các tư thế như chống 2 tay ra phía sau hay nghiêng người qua bên đau sẽ ảnh hưởng tới quá trình lành vết mổ cũng như tạo tư thế co rút về bên mổ.
Hình 12: Các tư thế NB nên tránh
LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI BỆNH VÀ THÂN NHÂN
Phẫu thuật lồng ngực là một trong những loại phẫu thuật lớn, phức tạp có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao hơn so với nhiều loại phẫu thuật khác.
Sự chuẩn bị tốt của người bệnh trước mổ sẽ giúp quá trình phục hồi chức năng sau mổ diễn ra thuận lợi và có hiệu quả cao hơn. Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng là một phần không thể thiếu trong chương trình điều trị và phòng ngừa các biến chứng sau phẫu thuật lồng ngực, không chỉ mang lại cho người bệnh nhiều kiến thức hữu ích mà còn giúp cho người bệnh giảm bớt tâm lý lo lắng, căng thẳng giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị, thúc đẩy quá trình hồi phục một cách tốt nhất, giúp người bệnh nhanh chóng quay trở về với sinh hoạt hằng ngày và tái hòa nhập cộng đồng.
Nguồn: CN Vũ Hoàng Thu Hương, CN Trần Trung Hiếu, CN Ngô Minh Tuấn – Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Xem thêm các bài viết về bệnh tại đây.