VÌ SAO PHẢI NHỊN ĂN UỐNG TRƯỚC MỔ?
“Nhịn ăn uống trước mổ”, là quy định người bệnh không được ăn uống trong một khoảng thời gian nào đó trước khi tiến hành gây mê- phẫu thuật nhằm giúp ngăn ngừa tổn thương phổi do hít sặc.
Tổn thương phổi do hít sặc là một biến chứng rất nghiêm trọng do người bệnh hít vào phổi dịch và thức ăn từ dạ dày trào lên sau khi dẫn mê, trong quá trình mổ hoặc giai đoạn hồi tỉnh.
Mendelson, năm 1946, lần đầu tiên mô tả tổn thương phổi do hít sặc nên biến chứng này còn được gọi là hội chứng Mendelson. Mức độ nặng của tổn thương phổi tùy theo số lượng và độ toan của chất dịch hít vào. Mặc dù tỷ lệ gặp tổn thương phổi do hít sặc chu phẫu rất hiếm, nhất là trong các trường hợp mổ chương trình (tỷ lệ 1/10.000, tỷ lệ tử vong liên quan 1/350.000), nhưng diễn biến thường nghiêm trọng đe dọa đến sinh mạng của người bệnh. Tỷ lệ này tăng lên nhiều trong các trường hợp mổ cấp cứu.
Dạ dày đầy là một trong những yếu tố nguy cơ liên quan đến tổn thương phổi do hít sặc. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố nguy cơ khác nữa nhất là khi người bệnh bị giảm hoặc mất khả năng bảo vệ đường thở trong giai đoạn chu phẫu.
THỜI GIAN NHỊN ĂN TRƯỚC MỔ
Người bệnh được hướng dẫn thường quy nhịn ăn uống trước mổ khi có dự kiến gây mê để thực hiện thủ phẫu thuật. Trước đây, hướng dẫn nhịn ăn uống phần lớn dựa vào ý kiến của chuyên gia vì ít có các chứng cứ thực nghiệm ghi nhận nhịn ăn uống trước mổ giúp cải thiện kết quả cho người bệnh.
Theo truyền thống, việc nhịn ăn uống được mặc định là ‘sau nửa đêm’ trước ngày làm thủ phẫu thuật. Nhiều người đã tuân thủ thực hiện hướng dẫn mà lại không tính đến thời gian người bệnh sẽ được thực hiện thủ phẫu thuật, ví dụ một số thủ phẫu thuật có thể được lên lịch mổ vào lúc 8 giờ sáng thì thời gian nhịn ăn uống trước mổ 8 tiếng là hợp lý nhưng khi những người bệnh khác lịch mổ dự kiến sau 14 giờ chiều thì thời gian người bệnh chịu đói khát lâu đến hơn 14 tiếng là không lô-gic.
Năm 2011, Hội Gây Mê Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn thực hiện việc nhịn ăn uống trước mổ và sử dụng các thuốc để giảm nguy cơ tổn thương phổi do hít sặc. Các hướng dẫn này dựa trên các nghiên cứu và sự đồng thuận của ý kiến chuyên gia và đề nghị thay đổi từ cách thực hành theo truyền thống đến cách tiếp cận dựa trên các chứng cứ. Hướng dẫn này tập trung vào những người bệnh được chuẩn bị thực hiện mổ chương trình. Trong các trường hợp mổ cấp cứu thì không đặt nặng vấn đề nhịn ăn uống trước gây mê-phẫu thuật vì tính chất khẩn cấp của bệnh và đương nhiên phải chấp nhận nguy cơ của các biến chứng liên quan. Một số tình trạng cụ thể của người bệnh cũng có thể lý giải cho việc thay đổi uyển chuyển các khuyến cáo này. Hướng dẫn này giúp nâng cao hiệu quả chất lượng gây mê và giảm các biến chứng liên quan đến tổn thương phổi do hít sặc chu phẫu.
Các khuyến cáo trong hướng dẫn cho thấy có sự khác biệt giữa thức ăn và thức uống vì thời gian đi qua dạ dày của các chất này thay đổi khác nhau. Nhịn ăn uống hoàn toàn 2 tiếng trước khi gây mê làm thủ phẫu thuật chương trình cho cả trẻ em lẫn người lớn. Các thức uống trong, không chứa cồn (nước lọc, nước trà, nước đường, cà phê đen, nước ép trái cây, nước ngọt không có ga) nên dùng trước 2 tiếng với số lượng 100 mL – 200 mL đối với người lớn và 2 mL/kg đối với trẻ em. Với nhóm thức ăn nhẹ (bánh mì nướng, súp, cháo loãng) nên dùng trước 6 tiếng. Các thực phẩm béo hoặc chiên xào qua dạ dày chậm hơn nên cần thời gian nhịn ăn uống 8 tiếng. Đối với trẻ nhỏ, nên nhịn uống các loại sữa tươi, sữa đặc, sữa công thức trước 6 tiếng và sữa mẹ trước 4 tiếng.
Thức ăn và thức uống | Thời gian nhịn tối thiểu (giờ) |
Thức uống trong (nước lọc, nước trà, nước đường, cà phê đen, nước ép trái cây, nước ngọt không có ga) |
2 |
Sữa mẹ | 4 |
Sữa (sữa đặc, sữa tươi, sữa công thức) | 6 |
Bữa ăn nhẹ (bánh mì nướng, cháo, súp loãng) | 6 |
Bữa ăn chính / thức ăn nhiều dầu mỡ (cơm, phở, bún, thức ăn nhiều mỡ, chiên xào) |
8 |
Hướng dẫn này cũng nêu rõ rằng không nên sử dụng các thuốc làm tăng nhu động dạ dày và/hoặc làm trống dạ dày (ví dụ Metoclopramide). Mặc dù các hướng dẫn cập nhật dựa trên chứng cứ đã thay đổi và ủng hộ việc rút giảm thời gian nhịn ăn uống trước mổ, nhưng các bác sĩ lâm sàng dường như vẫn còn do dự khi thay đổi cách thực hành này. Nhiều bệnh viện vẫn tiếp tục thực hành nhịn ăn uống từ ‘sau nửa đêm’ theo truyền thống mà không tính đến thời gian bắt đầu hoặc loại thủ phẫu thuật được thực hiện. Aguilar-Nascimento trong khảo sát ở một Bệnh viện đại học Brazil cho thấy người bệnh vẫn bị nhịn ăn uống trung bình 16,5 tiếng trước phẫu thuật. Việc chăm sóc người bệnh có thể không tốt do dinh dưỡng trước mổ không đầy đủ, và người bệnh cũng bị ảnh hưởng nhiều mặt khi họ phải nhịn ăn uống quá lâu.
Các hướng dẫn về gây mê đã được đưa ra nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa được áp dụng trong thực hành lâm sàng, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra tại sao những thực hành dựa trên chứng cứ này không được áp dụng rộng rãi và làm thế nào để có thể thay đổi được cách thực hành này. Người ta phải xem xét lý do tại sao có sự chống lại các thay đổi này hoặc tìm ra biện pháp để thoát khỏi cách thực hành truyền thống. Cần hoàn thiện một quy trình thực hành chuẩn đảm bảo được tính nhất quán trong việc nhịn ăn uống trước mổ của toàn bệnh viện. Việc bắt buộc người bệnh nhịn ăn uống ‘sau nửa đêm’ có thể khiến họ mất năng lượng đáng kể trong liệu pháp dinh dưỡng. Mục đích thay đổi thực hành là để đảm bảo tất cả người bệnh nằm viện chuẩn bị phẫu thuật đều được chăm sóc dựa trên chứng cứ nhằm hỗ trợ các nhu cầu dinh dưỡng thích hợp một cách an toàn.
Các hướng dẫn lâm sàng và quy trình thực hành trong bệnh viện nên được kiểm tra và cập nhật để áp dụng các khuyến cáo hiện hành. Việc áp dụng hướng dẫn nhịn ăn uống trước mổ nên được thực hiện đồng bộ qua các quy định chuẩn bị tiền phẫu trong hồ sơ bệnh án điện tử. Các nhóm chuyên viên liên ngành phải quan tâm các thực hành và thay đổi quy trình nếu cần thiết nhằm đảm bảo việc chăm sóc người bệnh dựa trên chứng cứ hầu đảm bảo kết quả chất lượng tối ưu cho người bệnh.
Nguồn: BS Phan văn Dũng - Tạp Chí Sống Khoẻ - Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM
Xem thêm bài viết tại đây.