VIÊM TAI GIỮA MẠN
Viêm tai giữa (VTG) mạn là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa kéo dài trên ba tháng với nhiều dạng như: VTG lõm nhĩ, VTG xơ nhĩ, VTG thanh dịch, VTG mạn mủ… thường gặp nhất là VTG mạn thủng nhĩ.
Đây là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, rất phổ biến tại Việt Nam. Người bệnh bị một hoặc cả hai tai và có thể kéo dài qua nhiều năm với các triệu chứng như: ù tai, chảy mủ tai dai dẳng, giảm thính lực... Nếu bệnh kéo dài sẽ gây di chứng hoặc biến chứng ở não, có thể dẫn đến tử vong.
NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM TAI GIỮA MẠN
Có nhiều nguyên nhân gây ra VTG mạn như:
Viêm tai giữa cấp
Là nguyên nhân thường gặp nhất, xảy ra nhiều ở trẻ em. Sau nhiễm trùng hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi họng…), trẻ bị đau nhức trong tai, sốt, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói... Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, trẻ sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không điều trị hay điều trị sai, vi khuẩn sẽ theo ống thông tai - họng (vòi nhĩ) vào trong tai giữa, gây ứ mủ tai giữa. Viêm nhiễm sẽ phá thủng màng nhĩ, mủ chảy ra ống tai ngoài, có thể thấy khi nhìn vào tai trẻ.
Trong giai đoạn này, dù màng nhĩ đã thủng nhưng nếu điều trị tích cực, có nhiều khả năng màng nhĩ sẽ lành, nếu không được điều trị đúng hoặc lỗ thủng màng nhĩ quá lớn, không thể lành, bệnh sẽ chuyển sang VTG mạn thủng nhĩ.
Viêm tai giữa cấp hoại tử
Tương tự như VTG cấp nhưng do độc lực của vi khuẩn quá mạnh hoặc tình trạng miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên bệnh diễn tiến nhanh, màng nhĩ thủng rộng, không có khả năng tự lành và dẫn đến VTG mạn.
Chấn thương
Nguyên nhân chủ yếu thường do dụng cụ móc ráy tai, dụng cụ bị đẩy sâu vào bên trong, xuyên thủng, gây ra thủng nhĩ. Sau chấn thương, nếu lỗ thủng nhỏ, màng nhĩ có thể tự lành; nếu lỗ thủng lớn, màng nhĩ khó có khả năng tự lành, dẫn đến VTG mạn.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM TAI GIỮA MẠN
Khi bị VTG mạn, người bệnh có thể có những triệu chứng như:
Nghe kém
Màng nhĩ có chức năng rung khi tiếp xúc với âm thanh để truyền âm thanh vào bên trong. Vì vậy, khi màng nhĩ thủng, diện tích tiếp xúc với âm thanh giảm đi, phía tai bị bệnh sẽ có dấu hiệu nghe kém.
Nghe kém có đặc điểm ngày càng tăng. Tình trạng này sẽ nặng thêm khi kết hợp các yếu tố sau: lỗ thủng rộng, thời gian bệnh kéo dài, chảy mủ tai tái phát nhiều lần, hư hại chuỗi xương truyền âm thanh trong tai giữa…
Nghe kém là dấu hiệu kín đáo, nếu chỉ VTG mạn thủng nhĩ một bên thường sẽ khó phát hiện do người bệnh còn nghe tốt ở tai đối bên. Nghe kém chỉ được phát hiện tình cờ khi nghe điện thoại hay nhờ người thân phát hiện. Hoặc chỉ phát hiện khi đi khám bệnh, đo sức nghe bằng máy.
Chảy dịch tai
Là tình trạng dịch chảy ra ở ống tai. Dịch có đặc điểm sau:
- Màu sắc: có thể trong, trắng đục, vàng, xanh, đôi khi có ít máu...
- Sự liên tục: có thể chảy liên tục hay từng đợt.
- Mùi: có thể không mùi hay có mùi hôi.
- Số lượng: có thể nhiều hoặc ra ít.
- Độ nhầy: loãng như nước hoặc nhầy, đôi khi keo đặc.
Cần phân biệt giữa ráy tai ướt và dấu hiệu chảy dịch của tai. Khi ngoáy tai bằng bông gòn, người có ráy tai ướt thường thấy có dịch ướt đầu bông, màu vàng vàng, có mùi hơi hôi, thỉnh thoảng chảy ra ngoài tai. Khi khám sẽ thấy màng nhĩ nguyên vẹn, sức nghe bình thường. Một số người bệnh bị VTG mạn thủng nhĩ được chăm sóc tốt hoặc sức đề kháng mạnh nên không chảy dịch trong nhiều năm, khiến người bệnh quên tình trạng bệnh của mình. Vì một lý do khác, tình cờ đi khám tai - mũi - họng và được phát hiện VTG mạn thủng nhĩ.
Các triệu chứng khác
Ù tai, chóng mặt; có thể có một hoặc cả hai dấu hiệu này, do VTG mạn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh hay hệ thống giữ thăng bằng của tai. Ở giai đoạn này, tỷ lệ khỏi hẳn tương đối thấp dù điều trị tích cực, kể cả can thiệp phẫu thuật.
Khi có dấu hiệu như trên, người bệnh nên đến chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bằng các phương tiện hỗ trợ như: đèn soi tai, máy nội soi, máy đo sức nghe... sẽ giúp chẩn đoán xác định VTG mạn thủng nhĩ. Ngoài ra, có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như CT-scan hay MRI xương thái dương khi nghi ngờ có những tổn thương nặng trong tai như gián đoạn chuỗi xương truyền âm thanh, hệ thống giữ thăng bằng, dây thần kinh…
BIẾN CHỨNG
Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính có cholesteatoma
Là loại VTG nhiễm khuẩn gây tổn thương hệ thống xương trong hòm nhĩ, phá hủy mê nhĩ, có thể gây liệt mặt và các biến chứng sọ não rất nặng như: viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp-xe tiểu não...
Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm
Là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính. Bệnh nhân có tiền sử viêm tai xương chũm đã điều trị nhiều lần, tai đã khô và đỡ ù nhưng đột ngột đau tai, ù tai tăng lên, nghe kém, có thể kèm theo chóng mặt, mủ tai chảy nhiều kèm theo sốt cao, ấn rất đau ở vùng xương chũm. Trong đợt hồi viêm rất dễ xảy ra các biến chứng như: liệt mặt, viêm mê nhĩ, biến chứng sọ não – áp xe ngoài màng cứng...
ĐIỀU TRỊ
Tùy nguyên nhân, dạng bệnh và biến chứng của bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp để điều trị khỏi bệnh, tránh tái phát và bảo tồn thính lực, phục hồi chức năng nghe.
VTG mạn nếu không được điều trị sẽ dẫn đến một số trường hợp chuỗi xương truyền âm thanh trong tai giữa bị hỏng hoặc cứng khớp chuỗi xương này.
Đối với VTG mạn thủng nhĩ, phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật làm kín lỗ thủng màng nhĩ. Khi không còn lỗ thủng, vi khuẩn sẽ không xâm nhập vào tai giữa và như vậy tai sẽ khô hoàn toàn, không có biến chứng. Màng nhĩ liền kín, đồng nghĩa với diện tích màng nhĩ tiếp xúc với âm thanh tăng lên và người bệnh nghe rõ hơn.
Nếu mất liên tục chuỗi xương truyền âm thanh, nghĩa là âm thanh không được truyền đầy đủ vào tai trong, thì dù đã phẫu thuật làm kín lỗ thủng màng nhĩ, sức nghe vẫn không tăng lên nhiều so với trước mổ. Có thể chỉnh sửa, tái tạo sự truyền âm liên tục từ màng nhĩ vào đến tai trong ở lần mổ làm kín lỗ thủng màng nhĩ hoặc mổ lần hai.
Sau phẫu thuật, màng nhĩ liền kín, chuỗi xương truyền âm thanh vẫn còn liên tục nhưng sức nghe vẫn có thể tăng lên tương đối ít. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này thường do cứng khớp của chuỗi xương truyền âm.
Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ thất bại sau phẫu thuật làm kín lỗ thủng màng nhĩ. Thông thường, tỷ lệ thành công khoảng 80 - 90% và kết quả tốt trong nhiều năm. Một số ít trường hợp sau cảm cúm, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tai
giữa qua vòi nhĩ gây VTG cấp, nếu không điều trị sớm, màng nhĩ vẫn bị thủng lại.
PHÒNG BỆNH
- Cần tích cực và tuân thủ điều trị các bệnh như: viêm mũi họng, viêm VA...
- Khi bị VTG cấp, phải được điều trị và theo dõi chu đáo.
- Cần chẩn đoán sớm nhằm điều trị, theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng của VTG.
- Tuyên truyền phòng bệnh VTG trong cộng đồng.
- Thường xuyên giữ vệ sinh tai đúng cách, tránh bụi, nước bẩn vào tai và vệ sinh mũi họng.
TÓM LẠI
VTG mạn thủng nhĩ là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Người bệnh nên đi khám đúng chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị, có thể cần phẫu thuật thích hợp giúp bảo tồn, cải thiện thính lực
cũng như tránh các biến chứng nguy hiểm. Cần lưu ý một số thuốc nhỏ tai có thể gây điếc không hồi phục nếu dùng khi màng nhĩ thủng. Ngay cả thói quen sử dụng dung dịch oxy già làm sạch mủ tai cũng cần phải có ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Vì vậy, người bệnh không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn: ThS BS Lê Minh Tâm – Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Xem thêm các bài viết về bệnh tại đây.