Sức khỏe não và thần kinh

ĐẮC ĐIỂM CỦA ĐAU DÂY THẦN KINH SỌ SỐ V

ĐẮC ĐIỂM CỦA ĐAU DÂY THẦN KINH SỌ SỐ V

Đau dây thần kinh sọ số V được định nghĩa là một hội chứng đau khu biệt, mạn tính, có đặc điểm là thường đau một bên mặt theo phân bố của dây V hay còn gọi là dây sinh ba. Đây là một bệnh lý thường gặp, nữ nhiều hơn nam, thường gặp ở người cao tuổi từ 50-60 tuổi trở lên. Theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ năm 2004, tỷ lệ mắc bệnh đau dây thần kinh sọ số V khoảng 4-5 ca/100.000 dân, ở người trên 70 tuổi là 25,6 ca/100.000 dân. Bệnh ít nguy hiểm nhưng rất dễ chẩn đoán nhầm với các vấn đề răng miệng, nhiều người bị nhổ nhầm cả hàm răng mà cơn đau vẫn không chấm dứt.

Có nhiều cách xử trí hiệu quả (như dùng thuốc, tiêm phong bế, phẫu thuật…) nên đau dây V không nhất thiết là một bất hạnh cho số phận của người bệnh.

ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐAU DÂY THẦN KINH V

Đau dây thần kinh V thường biểu hiện bằng những cơn đau đột ngột và dữ dội ở vùng mặt.

Cơn đau có thể khởi phát tự nhiên đột ngột nhưng cũng có thể  khởi phát sau những kích thích về  cảm giác như sờ chạm vào mặt, đánh răng, nhai thức ăn, hay cơn gió nhẹ thổi vào mặt… Thường gặp nhất là dạng giống điện giật,  đôi  lúc  có dạng đau như nghiền như xé, ít khi gặp đau dạng nóng bỏng. Cơn đau thường kèm theo co giật cơ mặt, vã mồ hôi, chảy rớt rãi, sổ  mũi.  Cơn đau lúc mới đầu thường chỉ trong một vài giây và nhẹ, về sau có thể kéo dài hơn tới một vài phút, đau thường xuyên hơn và dữ dội  hơn. Tần suất xuất hiện của cơn  đau quyết định độ nặng của bệnh.

ĐAU DÂY THẦN KINH

NGUYÊN NHÂN

Đau dây thần kinh V gặp nhiều dần theo độ tuổi. Hầu hết không tìm thấy nguyên nhân, khi đó gọi là đau dây V vô căn hay tiên phát.

Đau dây thần kinh V vô căn cần được chẩn đoán phân biệt với đau dây V triệu chứng có các nguyên nhân cụ thể (ví dụ: u góc cầu-tiểu não, zona, xơ cứng rải rác của não, đái tháo đường, tổn thương bao myelin bảo vệ cho một số dây thần kinh, các tổn thương phẫu thuật, đột quỵ, chấn thương mặt, ít gặp hơn là trường hợp có khối u chèn ép lên dây V…) và có thể chẩn đoán nhầm với đau đầu migraine, viêm xoang, tăng nhãn áp, đau răng, viêm động mạch thái dương nông…

Đã có nhiều cố gắng  để  giải  thích các trường hợp đau dây dây thần kinh V  vô  căn hay tiên phát. Nhiều người cho rằng nguyên nhân đau là do sự tiếp xúc giữa một mạch máu bình thường – động mạch hay tĩnh mạch – với dây thần kinh V tại nền não. Sự tiếp xúc này tạo áp lực  lên  dây  thần  kinh làm cho nó bị rối loạn, thậm chí mất chức năng.

Đau dây thần kinh V cũng có thể do tuổi tác hoặc có mối liên quan chưa thật rõ với nhiều các yếu tố kích hoạt.

TRIỆU CHỨNG

Đau dây dây thần kinh V có thể bao gồm một hay nhiều hơn các  triệu  chứng sau đây:

  • Các cơn đau  thường  dữ  dội, đau nhức nhối hay đau nhói như là bị  sốc  điện.  Cơn  đau  xảy  ra tự phát hay sau các kích hoạt, thường kéo dài từ vài  giây  đến vài phút.
  • Các đợt  đau  kéo  dài  nhiều ngày, nhiều tuần lễ, nhiều tháng hay lâu hơn. Có thể xen  kẽ  với các thời kỳ không đau.
  • Đau tại những vùng chi phối bởi dây V: má, hàm, răng, lợi,  môi, hay đôi khi cả ở mắt và trán.
  • Đau một bên mặt, ít  khi  bị  cả hai bên.
  • Đau tập trung ở một điểm hoặc đau lan rộng.
  • Các cơn đau trở nên thường xuyên hơn và nặng hơn theo thời gian.

CÁC NGHIỆM PHÁP VÀ CHẨN ĐOÁN

Các nghiệm  pháp  bao  gồm:

Thăm khám thần kinh. Sờ  và thăm khám các vùng của  mặt để xác đính chính xác đau ở đâu và khi nghĩ tới  đau  dây  V thì xem nhánh nào của dây này chịu ảnh hưởng.

Khám  phản  xạ có thể giúp xác định các triệu chứng chèn ép thần kinh hay một bệnh lý khác.

Chụp cộng hưởng  từ  vùng  đầu để xác định xơ  cứng  rải  rác  ở não hay một khối u gây  ra  đau dây V. Trong một số trường hợp, có thể tiêm chất màu vào động mạch và tĩnh mạch  để  nhìn  rõ các mạch máu (chụp mạch cộng hưởng từ).

Có thể bổ sung các thử nghiệm cần thiết để phát hiện các bệnh lý khác.

Chẩn đoán chủ yếu dựa trên:

  • Bệnh nhân lớn tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam và gặp nhiều hơn ở người tuổi trên 50-60.
  • Kiểu đau. Đau dây V thường xảy ra tự nhiên, đột ngột, giống sốc điện và đau thành cơn dữ dội kéo dài từ vài giây đến vài phút, chủ yếu xảy ra ban ngày. Cũng thường hay gặp các cơn đau khởi phát sau khi có các kích thích tại một vùng da nhất định ở mặt gọi là ‘vùng kích hoạt’. Khám không thấy tổn thương thực thể của dây V. Cơn đau có thời kỳ trơ, trong thời kỳ này không thể gây lại cơn đau bằng kích thích vùng kích hoạt.
  • Khu trú đau: các vùng đau liên quan với dây V.
  • Đáp ứng điều trị với Carbamazepine (Tegretol).

ĐIỀU TRỊ

Điều trị nội khoa

Giống như phần lớn các trường  hợp  đau  có  nguồn  gốc  thần  kinh, đau dây thần kinh số V không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường và đề kháng với morphine. Hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn đầu đều đáp ứng với điều trị nội khoa dùng thuốc, và đây cũng là một đặc điểm điển hình của bệnh lý này. Tuy nhiên sau đó, khoảng 75% các trường hợp sẽ không còn thấy đau giảm sau dùng thuốc và bắt buộc phải điều trị ngoại khoa.

Các thuốc dùng cho giảm đau hay để ngăn chặn các tín hiệu đau đi lên não. Gồm có:

-           Thuốc chống co giật: carbamazepine (Tegretol, Carbatrol…), oxcarbazepine, lamotrigine, phenytoin…

-           Chất chống co thắt: baclofen (Gablofen, Lioresal)…

-           Botox tiêm.

ĐAU DÂY THẦN KINH

Điều trị ngoại khoa

Có nhiều can thiệp ngoại khoa được lựa chọn áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại:

-           Phá hủy hạch Gasser qua da bằng sóng cao tần: là phương pháp dùng dòng điện gây tổn thương nhiệt đông cho hạch Gasser.

-           Cắt chọn lọc các rễ thần kinh sau hạch Gasser qua da bằng tiêm glycerol: tiêm Glycerol khan vào túi dịch não-tủy quanh hạch Gasser, để bệnh nhân ngồi 2 tiếng cho đến khi dây thần kinh bị loại bỏ hoàn toàn.

-           Đưa qua da một bóng ép nhẹ lên hạch: đưa bóng tới vùng hạch Gasser, bơm phồng bóng trong 1-10 phút.

-           Giải áp vi mạch. Là một phương pháp kinh điển, hiệu quả cao: phẫu tích tách rễ dây V khỏi động mạch đi kèm, dù dây thần kinh có bị chèn ép hay không.

- Phẫu thuật Dao Gamma. Thực chất là rọi tia Gamma lên dây thần kinh, được xác định chính xác vị trí trong không gian ba chiều với chụp cộng hưởng từ.

Nguồn: TS BS Nguyễn Minh Anh, ThS BS Lê Viết Thắng– Tạp chí Sống Khỏe – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

 

Xem thêm bài viết tại đây.

Đang xem: ĐẮC ĐIỂM CỦA ĐAU DÂY THẦN KINH SỌ SỐ V

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng