Nguyên nhân đột quỵ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ một phần của não hoặc xuất huyết tại não dẫn đến tình trạng làm chết tế bào não. Các chức năng vận động, cảm giác hoặc cảm xúc được điều khiển bởi những vùng não này sẽ bị mất hoặc bị giảm sút. Mức độ nghiêm trọng tùy theo vị trí và mức độ của tổn thương não.
Nhồi máu não và tai biến mạch máu não là 2 bệnh lý thường được dùng để mô tả đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân nghiêm trọng và hàng đầu đưa đến khuyết tật dài hạn. Đột quỵ cần được cấp cứu khẩn cấp, việc cấp cứu đúng và sớm sẽ giảm thương tật cũng như nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên 28% đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi. Trong số những trường hợp sống sót sau cơn đột quỵ, có 50 - 70% người bệnh duy trì được chức năng hoạt động độc lập và 15 - 30% phải sống với thương tật vĩnh viễn.
Phòng ngừa đột quỵ
Phòng ngừa đột quỵ là việc làm quan trọng nhất đối với tất cả mọi người, trong Bệnh lý cao huyết áp nếu không được chẩn đoán đúng và/hoặc không được điều trị là nguyên nhân hàng đầu đưa đến đột quỵ. Vì vậy, người bệnh cao huyết áp cần được theo dõi và điều trị đúng thuốc, đúng thời gian cũng như tuyệt đối không ngừng hay đổi thuốc đột ngột (nếu không có y lệnh của bác sĩ).
Nếu người bệnh bị cao huyết áp kèm theo tiểu đường thì việc điều trị càng phải được quản lý tốt hơn nữa. Việc quản lý huyết áp tốt sẽ giảm nguy cơ đột quỵ đến 50% đó cần thiết là cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Yếu tố nguy cơ
- Hút thuốc lá (yếu tố nguy cơ cao nhất), gia tăng cholesterol trong máu, uống rượu, béo phì, người bệnh có các bệnh lý khác như đường huyết cao, tăng huyết áp, đau đầu Migraine, bệnh lý tế bào lưỡi liềm cũng đưa đến nguy cơ đột quỵ cao.
- Phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai sẽ làm gia tăng các chất progrestin và estrogen là nguy cơ gây đột quỵ, đặc biệt tỷ lệ này tăng cao ở nhóm nữ giới có hút thuốc lá.
- Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng ít rau, nhiều thịt, dầu mỡ cũng là yếu tố nguy cơ gia tăng đột quỵ.
Biểu hiện lâm sàng của người bị bệnh đột quỵ
- Suy giảm các chức năng vận động, hô hấp, nuốt, nói, phản xạ mở miệng, khả năng tự chăm sóc...
- Chứng mất ngôn ngữ: mất khả năng tiếp nhận thông tin, không có khả năng tạo ra ngôn ngữ và giao tiếp, rối loạn cơ kiểm soát việc phát âm.
- Suy giảm khả năng giao tiếp.
- Suy giảm trí nhớ và khả năng phán đoán.
- Suy giảm chức năng bài tiết: hệ tiêu hóa (bón), hệ tiết niệu (tiêu tiểu không tự chủ).
Chăm sóc người bệnh đột quỵ trong giai đoạn hồi phục
Hệ tuần hoàn: sau đột quỵ, người bệnh thường có nguy cơ thuyên tắc mạch máu do bị liệt gây ra tình trạng bất động của chân tay dẫn đến tuần hoàn kém hiệu quả.
Cần hướng dẫn người bệnh, người nhà tập vận động chi lành và chi bệnh; mang vớ co giãn; tuân thủ sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông; cách phát hiện sớm dấu hiệu thuyên tắc mạch chi: đo kích thước vòng chi bắp chân và bắp đùi hằng ngày, quan sát tình trạng sưng hay phù chi dưới, độ ấm bất thường của chi và cảm giác đau cơ vùng bắp chân.
Hệ xương khớp: mục đích điều trị là duy trì tầm vận động của cơ, phòng ngừa teo cơ và co rút khớp. Tập vận động và cho người bệnh nằm, ngồi ở các tư thế đúng là biện pháp cần thiết giúp người bệnh phục hồi vận động.
Hệ da: rất dễ bị tổn thương do tình trạng mất cảm giác, giảm tuần hoàn và bất động. Nếu kết hợp với các yếu tố thuận lợi khác như cao tuổi, dinh dưỡng kém, mất nước, phù, tiêu tiểu không tự chủ… sẽ dẫn đến tình trạng viêm da, loét, thậm chí gây tổn thương không hồi phục ở da.
Vì thế, cần phòng ngừa tổn thương da bằng cách xoay trở người bệnh thường xuyên 2 giờ/lần sẽ giúp giảm chèn ép, vệ sinh sạch da, thoa chất làm mềm da, tập vận động sớm.
Hệ tiêu hóa: vấn đề thường gặp nhất là người bệnh bị bón, do đó cần cung cấp từ 1,5 – 2 lít nước/ngày, cho người bệnh ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, vitamin. Chỉ sử dụng thuốc nhuận trường khi thật cần thiết, hạn chế thụt tháo vì có thể gây nguy cơ tăng áp lực nội sọ cho người bệnh. Tập cho người bệnh có thói quen đi vệ sinh mỗi ngày bằng cách cho họ ngồi trên bồn cầu, theo một thời gian nhất định trong ngày, tốt nhất là sau khi ăn sáng 30 phút. Vì sau khi ăn, thức ăn sẽ kích thích dạ dày, tạo nhu động ruột nên đây được xem là thời điểm tốt nhất để điều chỉnh thói quen đi cầu cho người bệnh.
Hệ tiết niệu: trong giai đoạn cấp tính thì việc kiểm soát tiểu rất kém. Hạn chế đặt thông tiểu cho người bệnh, nhận định tình trạng cầu bàng quang, quan sát dấu hiệu bứt rứt và chỉ thực hiện đặt thông tiểu khi người bệnh thật sự bí tiểu. Thực hiện chăm sóc người bệnh như sau: khuyến khích người bệnh uống đủ nước từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, với lượng nước từ 1,5 - 2 lít/ngày cho người bệnh đi tiểu 2 giờ/lần trong bồn tiểu với tư thế đúng.
Dinh dưỡng: ở giai đoạn đầu, người bệnh được nuôi dưỡng bằng đường truyền. Nhận định khả năng nuốt, nâng đầu người bệnh cao (nếu không có chống chỉ định) và cho người bệnh một lượng nhỏ nước đá lạnh để nuốt. Nếu người bệnh có phản xạ nuốt và nuốt an toàn thì tiếp tục duy trì cho người bệnh ăn bằng đường miệng, nhưng cần thiết phải cho người bệnh ăn ở tư thế Fowler và duy trì tư thế này 30 phút sau khi ăn.
Giao tiếp: thực hiện giao tiếp thường xuyên và có ý nghĩa với người bệnh, cho họ thời gian trả lời. Nhân viên y tế và người thân nên sử dụng những câu ngắn và đơn giản, nếu cần thì sử dụng dấu hiệu, ký hiệu, giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể… và điều quan trọng là phải nâng cao sự tự tin cho người bệnh.
Kết luận: Việc chăm sóc cho người bệnh đột quỵ đòi hỏi gia đình và người bệnh phải thật sự hiểu rõ quá trình chăm sóc đồng thời kiên trì thì mới mang đến hiệu quả cao. sức mạnh của sự bền chí chính là chìa khóa của sự thành công.
Nguồn: ThS ĐD Nguyễn Thị Ngọc Sương– Tạp chí sống khỏe - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Bạn có thể xem thêm sản phẩm Norsk Cecaps Brain - Hoạt huyết dưỡng não - Hỗ trợ phòng và điều trị bệnh thiếu máu não: bào chế hoàn toàn từ thảo dược, sử dụng rộng rãi cho mọi lứa tuổi đề phòng và chữa bệnh. Suy giảm tuần hoàn não, suy nhược thần kinh, du chững não suy giảm trí nhớ, mất ngủ, chóng mặt. Làm việc trí óc căng thẳng, mất tập trung của CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM VIỆT LÊ tại đây.
Viết bình luận