Theo số liệu của Bệnh viện (BV) Sức khỏe tâm thần TP.HCM, năm nào vào mùa thi trung bình mỗi tháng BV lại tiếp nhận 5-10 học sinh có những biểu hiện rối loạn tâm lý, tâm thần (RLTLTT), trong đó đa số các em ở độ tuổi vị thành niên (10-15 tuổi).
1. Biểu hiện của rối loạn tâm lý, tâm thần
Khác với các trạng thái bình thường hàng ngày, người bệnh luôn cảm thấy:
- Buồn chán, có tinh thần xấu, không có khả năng vui thích với những thứ mà bình thường khiến bản thân vui vẻ.
- Tâm trạng chán chường, lo âu này thường đi kèm với những suy nghĩ và cách nhìn tiêu cực: Tâm trạng buồn rầu, chán nản thường trực, dễ khóc, cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực, cảm giác tội lỗi, vô dụng, bất lực và tự trọng thấp, tập trung kém, thiếu năng lượng, mệt mỏi...
- Nhiều trường hợp dẫn đến các triệu chứng sinh lý nặng hơn như: Khó ngủ, giấc ngủ không sâu, mất ngủ, thay đổi thói quen khẩu vị ăn uống, thay đổi cân nặng...
- Các triệu chứng kèm theo khác như táo bón, bồn chồn, khó chịu...
- Nhiều trường hợp ở thái cực có tâm trạng phấn khích, hay khó chịu, nói nhiều, nhiều năng lượng hơn một cách rõ rệt, cư xử hành động không phù hợp, quá mức thân thiết, dễ bị phân tán... cáu gắt, bực bội, dễ gây gổ, gây hấn với những người xung quanh (bạn bè, anh em trong nhà…), ngang bướng, ít nghe lời cha mẹ, thầy cô.
- Kèm theo đó là các em có biểu hiện học tập giảm sút, khó tập trung, học tập mất nhiều thời gian hơn nhưng lại mau quên, khó nhớ, khó thuộc bài.
- Nặng hơn, các em có biểu hiện không muốn đi học, khóc lóc đòi nghỉ học, sợ sệt khi nhắc đến chuyện học tập. Nặng nề hơn, trong các em thường xuất hiện những ý nghĩ chết chóc, tự tử. Có trường hợp đang trong thời gian thi cử có biểu hiện loạn thần như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, quậy phá…
2. Nguyên nhân gây rối loạn tâm lý, tâm thần mùa thi
- Nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều yếu tố, trong đó việc bố mẹ thầy cô đặt nhiều kỳ vọng vào con là nguyên nhân hay gặp nhất.
- Ngoài ra, khi sắp diễn ra các kỳ thi, nếp sinh hoạt của các em học sinh cũng thay đổi, thời gian gấp gáp với thời gian biểu dầy đặc, việc ăn ngủ không đúng giờ, không có thời gian giải trí…Thậm chí, nhiều em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày, dẫn đến quá trình học tập bị giảm sút, khả năng tập trung và học tập kém,
- Bị rối loạn cảm xúc, tâm lý do chính bản thân tự tạo áp lực sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè.
- Nhiều em lạm dụng các chất kích thích như cà phê, trà để đối phó với những cơn buồn ngủ mà không chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể đang hoạt động với cường độ cao
- Đang mắc bệnh gì đó cũng làm cho rối loạn tâm lý khởi phát như khi cơ thể đang mắc cảm cúm, suy nhược cơ thể... cộng thêm việc ôn thi quá mức sẽ phát bệnh.
Khi không thỏa mãn với sự kỳ vọng, cùng với các biểu hiện trên, nhiều em rơi vào trạng trầm trọng, đôi khi tuyệt vọng, không thể kiểm soát được trạng thái tinh thần và hành vi của mình. Nguy hiểm hơn, có trường hợp vì chán nản tìm đến cái chết bằng cách rạch tay, uống thuốc ngủ...
3. Lời khuyên của bác sĩ
– Để giúp con vượt qua các kỳ thi, đạt kết quả tốt, tránh bị rối loạn tâm lý, tâm thần vì sức ép học tập quá nhiều và nặng nề, các bậc cha mẹ nên đánh giá đúng năng lực của con và động viên khuyến khích trẻ học, không nên tạo áp lực cho trẻ về mặt thành tích.
- Vào mùa thi cố gắng vẫn giữ cho trẻ học tập, sinh hoạt, vui chơi bình thường tránh áp lực căng thẳng. xây dựng thói quen học tập với thời gian sinh hoạt hợp lý (phải đảm bảo giấc ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày).
- Tuyệt đối không la rầy, mắng mỏ con cái vì nhiều bạn tâm lý kém sẽ rất dễ dẫn đến stress và rối loạn tâm lý.
- Đặc biệt, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện của con cái để đưa con đi tư vấn tâm lý, điều trị kịp thời. khi thấy con có dấu hiệu lạ (ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thất thường...) thì cần theo dõi sát sao, rồi đưa đi kiểm tra sức khỏe sớm.
-Thầy cô giáo, những người rất gần gũi, tiếp xúc 8 tiếng trong một ngày với các học sinh, nếu thấy các em có biểu hiện bất thường hàng ngày thì các thầy cô phải thông báo ngay cho gia đình.
Hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh tâm thần và thực hiện các biện pháp phòng bệnh tâm thần là cách tốt nhất đối với các bậc phụ huynh và các sĩ tử trong mùa thi. Điều quan trọng là phải ngăn chặn từ đầu, không nên để xảy ra rồi mới điều trị. Nếu đã xảy ra, bệnh phải được phát hiện sớm, điều trị sớm và cha mẹ phải hợp tác với bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì khả năng phục hồi là rất cao.
Cần ăn uống khoa học và đủ chất trong mùa thi để phòng RLTT: Ăn đủ bữa: không được bỏ bữa dù bận rộn, căng thẳng, nhất là bữa ăn sáng, với bạn thể trạng gầy yếu cần ăn thêm 1-3 bữa phụ mỗi ngày; Ăn đa dạng: nhiều loại thực phẩm để nhận đủ chất. Cần ăn muối iôt thay muối thường. Iôt còn có nhiều trong các loại cá biển và hải sản;
Bổ sung chất sắt có nhiều trong thức ăn động vật như huyết, gan, thịt, cá… hoặc trong rau xanh như rau dền, rau muống, rau ngót. Các loại trái cây tươi, rau sống giàu vitamin C giúp hấp thụ tốt chất sắt. – Selen và kẽm cũng rất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh. Các chất vi lượng này có nhiều ở thức ăn động vật, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ…
Ngoài ra một ly sữa ấm buổi tối vừa có tác dụng dịu thần kinh vừa cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng quí như chất đạm chất lượng cao, canxi và vitamin B2…
Viết bình luận