GIỚI THIỆU VỀ KHỚP THÁI DƯƠNG – HÀM
Khớp thái dương - hàm (KTDH) liên kết xương hàm dưới với xương thái dương của sọ. Đặt tay ở vùng trước tai và há miệng, có thể sờ thấy khớp thái dương - hàm.
KTDH là khớp động nên hàm dưới có thể vận động đưa hàm lên xuống và sang bên
Các cơ bám xung quanh KTDH giúp kiểm soát vị trí cũng như vận động của khớp. Khi hàm dưới vận động, lồi cầu của xương hàm dưới trượt dọc theo hõm khớp của xương thái dương một cách trơn tru nhờ vào một đĩa sụn nằm giữa lồi cầu và hõm khớp.
THẾ NÀO LÀ RỐI LOẠN THÁI DƯƠNG HÀM
Rối loạn thái dương - hàm là một thuật ngữ chung để chỉ những rối loạn liên quan đến các cơ nhai hoặc đến khớp thái dương - hàm hoặc cả hai.
Nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy khoảng 20% người dân có biểu hiện bệnh lý này, thường gặp ở nữ từ 15 - 45 tuổi. Tuy không gây tử vong nhưng lại khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi và nếu phát hiện chậm sẽ rất khó điều trị. Ban đầu, bệnh làm đau các cơ vận động hàm, sau đó gây tổn thương các khớp thái dương - hàm, làm nhuyễn sụn khớp, rồi thoái hóa và có thể dẫn đến dính KTDH.
NGUYÊN NHÂN CỦA RỐI LOẠN THÁI DƯƠNG HÀM
- Chấn thương trực tiếp từ bên ngoài (do tai nạn, ẩu đả) hay do chấn thương mạn tính (như nghiến răng, siết chặt răng, mất nâng đỡ phía sau cung răng do mất các răng hàm).
- Khiếm khuyết cấu trúc: thiểu sản, quá sản lồi cầu, bất đối xứng khung xương mặt. Xáo trộn dinh dưỡng, nội tiết cũng như u bướu ngay tại khớp.
- Các bệnh lý của khớp: viêm đa khớp dạng thấp…
- Bệnh toàn thân do miễn dịch, tâm sinh hay do cơ chế sinh học
- thần kinh chưa được hiểu rõ.
- Stress và các cản trở cắn khớp
DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG
- Mỏi cơ khi ăn, nhai.
- Đau các cơ nhai: đau vùng góc hàm, đau vùng thái dương, đau vùng dưới hàm.
- Có thể đau các cơ vùng vai gáy, vùng cổ hay cánh tay.
- Đau khớp thái dương - hàm: đau vùng trước tai, đau trong tai.
- Khi há miệng có tiếng kêu khớp.
- Việc há miệng gặp hạn chế, há miệng lệch.
- Sai khớp cắn cấp tính.
- Ăn nhai khó.
ĐIỀU TRỊ
- Điều trị nội khoa: uống thuốc.
- Vật lý trị liệu: xoa nắn, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, chườm lạnh, tập vận động hàm dưới…
- Làm máng nhai: là một khí cụ tháo lắp được đặt giữa hai cung răng, có tác dụng làm dãn cơ, giảm đau, hết mỏi cơ; giúp giảm áp lực trên KTDH cũng như giúp bảo vệ các răng.
- Mài điều chỉnh khớp cắn.
- Nhổ răng
- Chỉnh hình
- Phẫu thuật
MỘT SỐ LƯU Ý
- Để phòng ngừa bệnh cần phải có cuộc sống điều hòa, làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ.
- Tránh suy nghĩ gây căng thẳng.
- Khi ăn nên tránh các thức ăn quá dai, cứng.
- Tăng cường tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
- Cuối cùng, cần chú ý đến những biểu hiện như: đau, mỏi hàm, há miệng kêu lụp cụp hoặc không há miệng được... để kịp thời đi khám tại các cơ sở chuyên khoa
Viết bình luận